tram-cam-367021-1369371883_500x0.jpg

 

Ảnh Sienna Sai Na trong tang lễ cô. Sienna tự sát hôm 16/2. Ảnh: China Daily

Sienna Sai Na, sống ở quận Chaoyang, Bắc Kinh là một ví dụ. Hôm 16/2, cô gái đang ở độ tuổi đôi mươi này đã để lại những lời trăn trối cuối cùng trên trang Weibo trước khi tự sát: "Xin lỗi, tôi phải ra đi khi mọi thứ vẫn còn dang dở. Cuộc sống quá đen tối, chẳng có điều gì tốt đẹp dù tôi có cố gắng đến đâu. Cái chết là sự giải thoát tốt nhất. Tạm biệt tất cả mọi người."

Theo thống kê từ bệnh viện Anding Bắc Kinh, bệnh viện đầu ngành về tâm thần học, con số người tự tử ở Trung Quốc mỗi năm đều gia tăng không ngừng. "Các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành một cuộc khảo sát, cho thấy có 2,5% dân số Trung Quốc bị chứng trầm cảm nặng", ông Yao Zhijian, một giáo sư thuộc viện tâm thần Nam Kinh, nói.

Ông cho biết thêm, mỗi năm có gần 100.000 người phải đi khám bác sĩ để điều trị về chứng trầm cảm. "Trong vòng 4 năm qua, có 6.329 bệnh nhân nhập viện tâm thần Nam Kinh", ông nói.

Theo trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, bệnh trầm cảm làm gia tăng nguy cơ tự tử lên gấp 20 lần. Tự sát đang là nguyên nhân hàng đầu gây ra cái chết ở nhóm dân trong độ tuổi từ 15 đến 34.

Ông Yao Zhijian, giáo sư thuộc viện tâm thần Nam Kinh nói về tầm quan trọng của việc thấu hiểu trong điều trị bệnh trầm cảm. Ảnh: China Daily

Ông Yao Zhijian, giáo sư thuộc viện tâm thần Nam Kinh nói về tầm quan trọng của sự thấu hiểu trong điều trị bệnh trầm cảm. Ảnh: China Daily

Thương tiếc cô gái trẻ Sienna, Qiu - nhân viên ngân hàng 33 tuổi ở tỉnh Giang Tô, phía đông Trung Quốc, đã bật khóc khi đọc những dòng cuối cùng trên Internet của Sienna. "Như nhiều bệnh nhân mắc trầm cảm ở đây, Sienna đã lạc lối, cô không nhận được thông tin chính xác. Nếu Sienna hiểu biết nhiều hơn về chứng bệnh này và tìm cách đối phó với nó thì sẽ không có một kết cục bi thảm như vậy".

Qiu từng mắc chứng bệnh nguy hiểm này và phải vật lộn điều trị trong 2 năm. Anh chia sẻ: "Lúc đó như thể tôi ở dưới địa ngục vậy. Mỗi lần đứng gần cửa sổ ở văn phòng, phải đấu tranh quyết liệt thì tôi mới không nhảy ra ngoài. Thật khủng khiếp". Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn khi Qiu từ chối nói về bệnh của mình với bác sĩ. Anh phủ nhận mình mắc bệnh và lơ là không chữa trị.

Phó giám đốc trung tâm Y học Tâm thần Cam Túc He Ruifang cho hay: "Trầm cảm không phải là bệnh thần kinh. Cũng như cảm lạnh, người bệnh cần chữa trị. Bệnh nhân, người thân của họ và dư luận cần phải có thái độ đúng đắn về căn bệnh này. Chẩn đoán và điều trị chuyên nghiệp, hiệu quả rất quan trọng, giúp giảm thiểu nguy cơ tự sát ở người bệnh."

Theo ông Zhang Chun, giám đốc trung tâm can thiệp khủng hoảng tâm lý Nam Kinh, việc điều trị trầm cảm ở Trung Quốc thua xa các quốc gia phát triển. "Chi phí cho việc điều trị bệnh này và các căn bệnh liên quan không được hệ thống bảo hiểm nước nhà chi trả. Đây là một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhân không tìm cách chạy chữa".

Giáo sư Yao thuộc viện tâm thần Nam Kinh nói: "Ở một số nước, có nhiều tình nguyện viên sẵn sàng giúp đỡ bệnh nhân. Nhưng ở Trung Quốc, hầu hết người bệnh đều ở nhà và không ai biết họ đang phải trải qua những gì. Nếu không có người thân xung quanh, tình trạng bệnh của họ sẽ trở nên nghiêm trọng hơn."

Một bệnh nhân trầm cảm được điều trị thông qua các công việc mà họ yêu thích và liệu pháp của bác sĩ. ảnh: China Daily.

Một bệnh nhân trầm cảm được điều trị thông qua các công việc mà họ yêu thích và liệu pháp của bác sĩ. Ảnh: China Daily.

Hiện nay lượng bệnh nhân cần chữa trị căn bệnh này rất lớn. Ông Yao cho biết thêm: "Nếu ở Anh, tôi và cộng sự chỉ phải khám 2 bệnh nhân mỗi ngày thì ở Trung Quốc, trong một buổi sáng, tôi thường thăm khám cho hơn 30 bệnh nhân".

 "Nên nâng cao nhận thức của người dân về căn bệnh này, cần có nhiều sự hỗ trợ hơn từ chính phủ, chẩn đoán và điều trị sớm, áp dụng các nguyên tắc điều trị tâm lý phương Tây là những ưu tiên hàng đầu cần được thực hiện trong điều trị bệnh trầm cảm ở Trung Quốc", ông Zhang nói.

Để phần nào giải quyết tình trạng này, các cơ sở y tế tâm thần Trung Quốc bắt đầu mở rộng hướng dẫn và điều trị cho người mắc chứng trầm cảm. Bác sĩ Yao kể về một cô gái ngoài 20 tuổi từng định tự tử bằng cách cắt mạch máu cổ tay, được đưa đến viện của ông. Lúc ban đầu, cô nhất quyết không nghe ai khuyên bảo. Nhưng lần hồi, các bác sĩ tìm hiểu được tâm tư của cô. Cô thấy rất khó để kiếm được việc làm nên nghĩ rằng mình là gánh nặng cho người khác, dẫn đến tình trạng chán nản bản thân.

Họ cũng phát hiện ra rằng cô còn là nghệ sĩ tài năng, và thế là khuyến khích cô vẽ tranh, kết hợp các biện pháp điều trị khác. Cuối cùng cô gái lấy lại được niềm tin vào cuộc sống và bản thân.

Cô được ra viện, nhưng vẫn thường xuyên trở lại để làm tình nguyện viên chăm sóc cho những bệnh nhân trầm cảm khác. 

Hải Hà (theo China Daily)

Tag:nạn tự tử, trung quốc, trầm cảm