Từ lâu, răng miệng bị coi là một phần riêng biệt và ít ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Luôn có sự phân chia rạch ròi: nha sĩ chăm sóc răng miệng và bác sĩ chăm sóc phần còn lại của cơ thể. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy răng miệng "không khỏe" thì cơ thể cũng "chẳng thể mạnh".

Vùng răng miệng là cửa ngõ mà thức ăn, nước uống, không khí đi vào cơ thể và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thói quen sinh hoạt. Hút thuốc lá, uống rượu, chế độ ăn nhiều đường và chăm sóc răng miệng kém không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh răng miệng mà còn cả các bệnh lý toàn thân.

Khi răng miệng không khỏe

Ba bệnh răng miệng phổ biến - nha chu, sâu răng và mất răng - ước tính ảnh hưởng đến gần 3,5 tỉ người trên thế giới và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) coi là vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu năm 2021.

Ảnh: artofmoderndentistry.com

Ảnh: artofmoderndentistry.com

Mảng bám hình thành do tinh bột, đường từ thức ăn kết hợp vi khuẩn trong miệng, bám vào bề mặt răng và tiến triển thành bệnh nha chu. Ở giai đoạn đầu, nướu bị viêm gây sưng đỏ hoặc chảy máu, sau đó là viêm nha chu mạn tính - tình trạng viêm dai dẳng, nghiêm trọng hơn khiến nướu bong ra khỏi răng, mất xương ổ răng và cuối cùng dẫn đến mất răng.

Từ đây, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra một vài "con đường" mà bệnh lý răng miệng có thể tác động đến các cơ quan khác. Viêm nha chu gây ra tình trạng viêm mạn tính, giải phóng các yếu tố viêm, thay đổi chuyển hóa tại gan và tủy xương, hay vi khuẩn từ mảng bám quanh răng, qua đường máu, đường hầu họng hoặc đường tiêu hóa, lây lan đến vị trí khác ngoài miệng, rồi lại từ đó trực tiếp gây bệnh hoặc làm trầm trọng các bệnh lý mạn tính khác.

Ngoài ra, sự đau đớn do bệnh lý răng miệng khiến người bệnh gặp khó khăn trong quá trình ăn uống, dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng và suy giảm miễn dịch. Ví dụ, một người bị mất nhiều răng sẽ không thể ăn được nhiều loại trái cây và rau quả như táo, cà rốt, súp lơ… hoặc các loại hạt ngũ cốc. Từ đó cho thấy răng miệng kém là khởi đầu hoặc yếu tố làm bệnh lý toàn thân nặng nề hơn.

Tim với não cũng chẳng thể mạnh

Mối liên hệ phức tạp giữa bệnh răng miệng và sức khỏe tổng thể đã được nhiều nghiên cứu chỉ ra từ lâu. Điển hình là một nghiên cứu năm 2008 được công bố trên tạp chí của Hội tim mạch Mỹ (American Heart Association, AHA) với 1.203 nam giới tham gia, cho thấy viêm nha chu mạn tính liên quan đến sự xuất hiện của bệnh mạch vành (đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim hoặc bệnh mạch vành mạn tính) ở nam giới trẻ tuổi, bất kể không có các yếu tố nguy cơ tim mạch truyền thống.

Hoặc một nghiên cứu khác trên theo dõi 15.456 bệnh nhân từ 39 quốc gia mắc bệnh tim mạch ổn định trong gần 4 năm, họ phát hiện những người mất nhiều răng nhất có nguy cơ bị đột quỵ, đau tim hoặc tử vong do tim mạch cao nhất. Kết quả này được đăng trên tạp chí Tim mạch dự phòng châu Âu năm 2016.

Cũng trên tạp chí này, gần đây nhất vào tháng 1-2024, một bài báo xác định người sử dụng răng giả có nhiều khả năng mắc bệnh động mạch vành, đột quỵ, suy tim và tiểu đường type 2. 

Nghiên cứu này đưa ra một bước tiến đáng kể trong việc tìm hiểu mối liên quan giữa sức khỏe răng miệng với sức khỏe tổng thể, bởi việc sử dụng răng giả là biện pháp cuối cùng khi tình trạng mất răng xảy ra do các bệnh lý răng miệng trước đó.

Răng miệng đau, thân thể mệt- Ảnh 2.

Không chỉ tim, não cũng chịu ảnh hưởng của bệnh răng miệng. Theo kết quả nghiên cứu về mối liên quan giữa bệnh răng miệng và chăm sóc vệ sinh răng miệng với nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ tại Hàn Quốc với hơn 2 triệu người tham gia từ năm 2008, công bố tháng 12-2023 trên PubMed, các bệnh nha chu, sâu răng và mất 8 - 14 chiếc răng, làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ và ngược lại, việc chăm sóc vệ sinh răng miệng, như làm sạch răng đúng cách và đánh răng thường xuyên, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

Tháng 1-2024, một nghiên cứu công bố trên tập san BMC Oral Health tháng 1-2024 cho biết sau khi phân tích hình ảnh thần kinh của hơn 26.000 người, sâu răng là nguyên nhân làm giảm độ dày của vỏ não thùy thái dương - vùng vỏ não liên quan đến ngôn ngữ và bị ảnh hưởng nhiều nhất trong bệnh Alzheimer. Kết quả này cung cấp bằng chứng đầu tiên cho thấy sâu răng có ảnh hưởng nhân quả đến cấu trúc não, chứng minh sự tồn tại của trục răng - não.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu khác cho thấy viêm nha chu còn liên quan đến các bệnh hô hấp, viêm khớp dạng thấp, ung thư, tình trạng sinh non, nhẹ cân kể cả sức khỏe tinh thần.

Những người bị bệnh răng miệng thường xuyên phải chịu đựng những cơn đau kéo dài gây chán ăn, mất ngủ. Sâu răng, mất răng gây mất thẩm mỹ khiến người bệnh tự ti, lo lắng, thậm chí là trầm cảm và gặp khó khăn trong giao tiếp xã hội cũng như tìm kiếm việc làm.

Mối liên hệ ngày càng rõ ràng

Qua các nghiên cứu trên, có thể thấy sức khỏe răng miệng tác động mạnh mẽ đến sức khỏe tổng thể, mặc dù hầu hết các nghiên cứu mang tính quan sát và chưa thể chứng minh được nguyên nhân và kết quả.

Nói cách khác, chưa có bằng chứng chính xác chứng minh viêm nha chu thực sự gây ra đột quỵ, đau tim hoặc các bệnh lý khác, dù vấn đề này đã được các chuyên gia của Liên đoàn Nha chu châu Âu và Liên đoàn Tim mạch thế giới nhóm họp và thảo luận nhiều lần.

Nguyên nhân là hiện có rất ít nghiên cứu đối chứng được thực hiện, trong khi các nghiên cứu trước đây thường chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố gây sai lệch như chế độ ăn uống, ô nhiễm môi trường, thói quen sinh hoạt và khả năng tiếp cận dịch vụ nha khoa.

Ví dụ, những người không mắc bệnh nha chu thường là người có thói quen vệ sinh răng miệng tốt, đồng thời cũng là người có xu hướng chăm sóc bản thân tốt. Do vậy, nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch cũng thấp hơn và ngược lại.

Để loại bỏ được các yếu tố gây nhiễu trên, một nghiên cứu có tính chất khác biệt do giáo sư Benjamin Trumble và các cộng sự tại Đại học bang Arizona (Mỹ) thực hiện, bằng cách lựa chọn đối tượng là bộ lạc người Tsimane - những người bản địa này sống tại Nam Mỹ xa xôi và sống theo lối sống truyền thống làm vườn trồng trọt, với sức khỏe răng miệng kém.

"Đó là điều thực sự làm nên sự khác biệt của nghiên cứu này - chúng tôi có thể đánh giá mối liên hệ giữa sức khỏe răng miệng với sức khỏe tim mạch và não mà không phụ thuộc vào bất kỳ yếu tố gây nhiễu nào từ tình trạng kinh tế, xã hội" - Trumble nói với tạp chí Salon.

Răng miệng đau, thân thể mệt- Ảnh 3.

Theo bài báo công bố trên tập san The Journals of Gerontology, Series A: Biological Sciences and Medical Sciences cuối tháng 1, nhóm của Trumble đã đánh giá bộ răng của 739 người trong độ tuổi từ 40 - 92 tuổi, đánh giá tim mạch và não bộ bằng hình ảnh chụp cắt lớp vi tính lồng ngực và cắt lớp sọ não. 

Kết quả cho thấy những người có nhiều răng bị lộ tủy, có tỉ lệ viêm nhiễm, mất mô não và vôi hóa van động mạch chủ cao hơn. Nghiên cứu này đã dần "tiệm cận" tới bằng chứng để khẳng định mối liên hệ sâu sắc giữa sức khỏe răng miệng và sức khỏe tổng thể.

Các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm kiếm các bằng chứng thuyết phục và chất lượng cao hơn để chứng minh chăm sóc sức khỏe răng miệng thực sự có tác động có thể đo lường được đối với các bệnh toàn thân cụ thể.

Tuy nhiên, ngay cả khi điều này chưa được chứng minh thì việc chăm sóc răng miệng vẫn là việc làm cần thiết hiện tại vì lợi ích trước mắt mà nó mang lại: nhai hiệu quả, thích thú với thức ăn, vẻ ngoài ưa nhìn và sự tự tin.

Một vùng răng miệng khỏe mạnh, không bệnh tật, không đau đớn là nền tảng cho nhiều chức năng thiết yếu, là chìa khóa cho chất lượng cuộc sống và là một phần không thể tách rời của sức khỏe tổng thể. Duy trì sức khỏe răng miệng tốt cũng là cách chủ động phòng tránh và giảm thiểu hệ lụy mà một số bệnh mạn tính có thể gây ra trong tương lai.

Sức khỏe răng miệng chưa được chú trọng

Sức khỏe răng miệng thường bị đánh giá thấp hơn từ cả người bệnh và bác sĩ. Một ví dụ điển hình là mối liên hệ tác động qua lại giữa bệnh tiểu đường và bệnh nha chu, được ví như "đôi bạn cùng tiến" và đã được Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ (ADA) nhấn mạnh nhiều năm.

Khi lượng đường trong máu cao dẫn đến đường tiết trong nước bọt, thúc đẩy vi khuẩn trong miệng phát triển và hình thành các mảng bám trên răng và bệnh nướu răng. Nếu bệnh nướu răng nghiêm trọng thì xương hàm sẽ bị tiêu và gây rụng răng.

Ngược lại, nhiễm trùng vùng răng miệng không được kiểm soát sẽ gây nhiễm trùng toàn thân, rối loạn chuyển hóa và khiến lượng đường máu tăng cao khó kiểm soát.

Tuy nhiên, khi tiến hành khảo sát trên 28.000 người mắc bệnh ở 14 quốc gia thì "kiến thức về sức khỏe răng miệng không đầy đủ, thái độ về sức khỏe răng miệng kém, ít đến khám nha khoa, hiếm khi nhận được giáo dục về sức khỏe răng miệng và giấy giới thiệu nha khoa từ các bác sĩ chăm sóc của họ" - giáo sư Samir Malkani, Trường Y khoa UMass Chan, Massachusetts, nói với Medscape Medical News.

Còn trong một khảo sát tại Úc thì có hơn 1/3 chuyên gia y tế không biết về mối quan hệ này. Bệnh răng miệng thường "mặc định" là lĩnh vực riêng của nha sĩ. Các nha sĩ và bác sĩ không được đào tạo đầy đủ về lĩnh vực của nhau và ít có cơ hội trao đổi chuyên môn.

Ngoài ra, các dịch vụ nha khoa thường không được bảo hiểm y tế thanh toán, do vậy chúng thường được thực hiện tại các phòng khám răng với chi phí cao. Do vậy, chỉ khi bệnh răng miệng nặng lên, người bệnh mới quan tâm và đến điều trị.

PHẠM HẰNG

 

Tag:Sức khỏe, Răng miệng, Sức khỏe răng miệng, Khám răng