Các công nghệ mới từ CMCN4 được phát triển với tốc độ cao vượt bậc, với những đột phá đã được hiện thực hóa: xe hơi tự lái, các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo vào hoạt động kinh doanh trực tuyến, y khoa, dự đoán kinh tế, tài chính...

Tất cả đang và sẽ mang lại nhiều thay đổi cơ bản và sâu rộng trong cách con người đi lại, vận chuyển hàng hóa, kinh doanh, chẩn đoán và điều trị bệnh tật...

Trong hoạt động sản xuất, công nghệ robot kết hợp với nền tảng Internet vạn vật sẽ cho phép tự động hóa sâu rộng nhiều ngành công nghiệp truyền thống như lắp ráp các sản phẩm công nghệ điện tử, máy tính và viễn thông.

 Những ai phải lo?
Minh họa

Một thí dụ điển hình gây nhiều tiếng vang gần đây: phần mềm AlphaGo (do Google DeepMind phát triển) đã đánh bại các kỳ thủ giỏi nhất của môn cờ vây.

Tăng thu nhập toàn cầu do các giá trị được tạo ra từ các công nghệ mới, giảm cơ bản chi phí di chuyển và sản xuất, hay tăng khả năng tiếp cận nhiều dịch vụ và sản phẩm mới cho công chúng, cải thiện sự tiện ích trong sinh hoạt, công việc, giải trí... là những lợi ích đã được thấy rõ.

Nhưng cuộc cách mạng này, với tốc độ sáng tạo công nghệ cực nhanh, cũng sẽ yêu cầu người lao động ở mọi cấp bậc phải cập nhật kỹ năng liên tục để thích ứng các yêu cầu mới. Tự động hóa nhiều ngành công nghiệp trên diện rộng dẫn đến nguy cơ mất việc của một lực lượng lớn lao động phổ thông, vốn có trình độ và thu nhập thấp.

Và cả giới tinh hoa như bác sĩ, giáo sư đại học hay nhà khoa học cũng không tránh khỏi vòng xoáy của CMCN4.

Khu vực đại học chao đảo 
thế nào?

Giáo dục đại học (ĐH) bị đặt trước nhiều thách thức rất lớn. Các trường ĐH không thể dự đoán được các kỹ năng mà thị trường lao động sẽ cần trong tương lai gần do tốc độ thay đổi công nghệ từ CMCN4 diễn ra quá nhanh.

Cả hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học từ ĐH đối mặt các yêu cầu cải cách và cạnh tranh mới. Nhiều tập đoàn công nghệ ngày nay có tiềm lực công nghệ, con người và tài chính vô cùng lớn, họ lại luôn ở tuyến đầu trong cuộc chạy đua biến tri thức thành sản phẩm phục vụ cuộc sống, vì thế họ có được nhiều trải nghiệm quý giá mà giới hàn lâm ĐH không có.

Cuộc CMCN4 cũng sẽ giảm dần ranh giới và khoảng cách về tri thức và khả năng sáng tạo giữa khu vực ĐH và công nghiệp. ĐH sẽ có nhu cầu ngày càng lớn trong việc tìm đến giới công nghệ để tận dụng các nguồn lực, trong nhiều trường hợp học hỏi từ chính đối tác của mình.

Thành công của Uber trong ngành dịch vụ taxi với sức lan tỏa toàn cầu vô cùng nhanh chóng là một minh chứng thú vị: các ý tưởng mới và ứng dụng sáng tạo các nền tảng công nghệ tiên tiến có thể tạo ra các giá trị to lớn về kinh tế, thúc đẩy sự phát triển về lý thuyết và các ứng dụng mới của kinh tế chia sẻ (sharing economy) vào cuộc sống.

Với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ trong CMCN4, giáo dục ĐH phải mang đến cho người học cả những kỹ năng và kiến thức cơ bản lẫn tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục để tránh nguy cơ bị đào thải.

Tất cả tạo ra một bức tranh giáo dục đào tạo sinh động mà các phương thức giáo dục truyền thống chắc chắn sẽ không thể đáp ứng. Các hình thức đào tạo trực tuyến có học phí hay miễn phí như MOOC (Massive Open Online Course) có thể sẽ ngày càng trở nên thịnh hành hơn.

Các cơ sở đào tạo với những chương trình học cập nhật tiến bộ công nghệ hay hợp tác sâu rộng với giới công nghệ trong đào tạo và nghiên cứu sẽ có ưu thế trong việc thu hút người học.

Đi tìm cơ chế cộng sinh

Nhân tố con người đóng vai trò then chốt trong sự vận hành và thành công của CMCN4. Bên cạnh sự tương tác, cộng sinh, khu vực ĐH và công nghiệp thậm chí phải cạnh tranh trong một số trường hợp.

Hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) của các tập đoàn công nghệ lớn, bao gồm cả các hoạt động nghiên cứu sâu về các công nghệ tiên tiến nhất lẫn các hoạt động phát triển sản phẩm, đang chiêu mộ nhiều chuyên gia và nhà khoa học xuất sắc tầm cỡ thế giới. Trong nhiều trường hợp, họ cạnh tranh khốc liệt với các ĐH hàng đầu để lấy người tài.

Thí dụ gần đây, ĐH British Columbia của Canada mất hàng loạt nhà khoa học có tiếng trong ngành trí tuệ nhân tạo về tay nhóm Google DeepMind, nơi phát minh phần mềm AlphaGo nổi tiếng.

Tập đoàn công nghệ viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc vừa mở một trung tâm nghiên cứu toán và thuật toán tại Pháp để phát triển các thuật toán then chốt cho những công nghệ viễn thông mới nhất, đã tuyển giáo sư nổi tiếng Mérouane Debbah về làm giám đốc, cùng lúc lôi kéo hàng loạt nhà khoa học giỏi từ ĐH CentraleSupélec về làm việc tại trung tâm này.

Nhưng sức ép cạnh tranh rất lớn buộc các tập đoàn công nghệ phải thích ứng liên tục với thị trường và các kế hoạch R&D vì thế cũng biến động rất nhanh để họ tiếp tục phát triển nếu không muốn bị “tiêu diệt” (có nhiều minh chứng gần đây về sự “trì trệ” dẫn đến phá sản của các tập đoàn vang bóng một thời như Motorola, Yahoo...).

Do vậy, các doanh nghiệp công nghệ (dù có tiềm năng R&D rất lớn) rất khó đầu tư đủ lâu vào các nghiên cứu ở mức gần cơ bản, nếu các hoạt động đó không mang lại lợi ích tài chính đủ nhanh cho họ.

Đây chính là điều mà các ĐH nghiên cứu có thể làm được vì các nhà khoa học từ ĐH có các nguồn quỹ khoa học rất đa dạng, cả từ chính phủ và khu vực tư nhân.

Kế đó, dù có khả năng tài chính lớn, việc “mua” các nhà khoa học nổi tiếng từ ĐH không phải luôn là chuyện dễ dàng. Khu vực ĐH đích thực mang lại cho nhà khoa học một không gian tự do vô hạn trong việc nghiên cứu: tự do chọn đề tài nghiên cứu, tự do vận hành nhóm nghiên cứu...

Hệ thống biên chế vẫn mang lại đảm bảo gần như vĩnh cửu về công việc (không mất việc trừ khi ĐH phá sản hoặc nhà khoa học mắc sai lầm lớn như phạm pháp...) - điều mà giới công nghệ không thể mang lại vì chuyện “lên voi xuống chó” của các tập đoàn công nghệ trong thế kỷ 21 có thể xảy ra rất nhanh.

Các khám phá khoa học đột phá cũng cần thời gian đủ lâu để đi vào thực tế. Thí dụ, các khám phá đầu tiên về công nghệ học máy sâu (một ngành hẹp quan trọng của công nghệ học máy - machine learning) mà giáo sư Geoffrey Hinton tại ĐH Toronto thực hiện 10 năm về trước, hiện tìm được rất nhiều ứng dụng trong công nghiệp.

Với các ngành cơ bản khác như toán, vật lý... khó có tập đoàn công nghệ sẵn sàng bỏ tiền nghiên cứu lớn trừ khi nó liên quan trực tiếp đến các hoạt động R&D của họ, điều mà các ĐH nghiên cứu sẽ phải đảm nhiệm.

Tại châu Âu, Bắc Mỹ, Úc..., nhà nước lập ra các quỹ nghiên cứu khoa học ứng dụng, hỗ trợ rất lớn cho các hợp tác nghiên cứu giữa ĐH và giới công nghệ, ngoài phần đóng góp tài chính của các tập đoàn công nghệ.

Những hợp tác như thế giúp ĐH có ngân sách hỗ trợ các nghiên cứu sinh (thường là sinh viên thạc sĩ, tiến sĩ hay nghiên cứu sinh sau tiến sĩ) qua các dạng học bổng và giáo sư ĐH để họ thực hiện các nghiên cứu khoa học các bên cùng quan tâm.

Bằng cách đó, các nghiên cứu sinh có cơ hội làm việc chung với các nhà khoa học từ cả ĐH và giới công nghệ, nắm bắt được các vấn đề công nghệ mới nhất.

Kết quả chuyển giao công nghệ từ ĐH trong các dự án nghiên cứu như thế thường là các bằng phát minh hay giải pháp công nghệ, sẽ được giới công nghệ dùng trong các sản phẩm của họ. Châu Âu gần đây đầu tư rất mạnh vào các dự án liên kết khoa học đầy tham vọng như thế.

Thí dụ, cho riêng các dự án phát triển công nghệ di động không dây thế hệ thứ năm, mỗi dự án quy tụ hàng chục tập đoàn công nghệ viễn thông toàn cầu và nhiều ĐH tham gia với chi phí lên đến vài chục triệu euro cho khoảng 3-5 năm.

Trong nhiều trường hợp, các công nghệ đột phá được phát minh bởi nhóm nhỏ doanh nhân hay các nhà khoa học từ ĐH.

Họ sau đấy thông qua các cơ chế khởi nghiệp, hỗ trợ từ nhà nước và các nhà đầu tư để có nguồn vốn hiện thực hóa sản phẩm và đưa nó vào thị trường. Đội ngũ nhân lực tài năng đóng vai trò rất quan trọng trong việc đưa các ý tưởng đột phá thành hiện thực.

Vì thế, các yếu tố then chốt để thành công trong cuộc CMCN4 bao gồm hệ thống giáo dục xuất sắc, các quỹ nghiên cứu khoa học dồi dào và vận hành chuyên nghiệp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp năng động. Câu hỏi lớn là Việt Nam có thể gia nhập hiệu quả vào cuộc cách mạng này hay không? ■


PGS.TS LÊ BẢO LONG (VIỆN KHOA HỌC QUỐC GIA (INRS), ĐH QUÉBEC, CANADA)

Tag:cách mạng công nghiệp lần 4, đại học, công nghệ thông tin, kinh tế chia sẻ, lao động, nghiên cứu, ứng dụng, MOOC