Chỗ làm việc không thể là nơi chỉ đầy những người xem nhau như xa lạ, vì thế mới sinh ra những hình thức, hoạt động gắn chặt đoàn kết, tạo thân tình nơi công sở. Nhưng không phải ai cũng hào hứng với những hoạt động đó, nhiều người thậm chí còn tận hưởng quãng thời gian làm việc từ xa vì COVID-19. Vấn đề là cần những cách làm mới, sáng tạo để mang lại không khí vui vẻ thực sự giữa đồng nghiệp bởi miễn cưỡng không thể mang lại niềm vui.

Công bằng mà nói, biến công sở thành nơi thú vị để làm việc có thể mang lại những lợi ích tích cực hữu hình cho nhân viên, đội nhóm và toàn thể công ty. Công ty CIPHR, chuyên về dịch vụ nhân sự của Anh, cho rằng được làm việc trong một môi trường vui vẻ sẽ làm cho các nhân viên khỏe mạnh hơn, giao tiếp và hợp tác tốt hơn, sáng tạo hơn, hiệu quả hơn trong công việc...

 

 Các bữa tiệc sinh nhật đồng nghiệp ở văn phòng có thể vui nhưng không phải ai cũng thật lòng muốn tham dự. Ảnh: Getty Images

Động cơ tốt, nhưng...

Việc tạo ra niềm vui nơi công sở là một chiến lược quan trọng trong công tác nhân sự của nhiều công ty, với nhiều hình thức: từ khuyến khích nhân viên nghỉ giải lao, có công cụ giải trí để giải tỏa căng thẳng đến tổ chức bữa trưa chung, tiệc sinh nhật đồng nghiệp hoặc ra ngoài vui vẻ ngày cuối tuần.

Các công ty có thể tổ chức đi du lịch ngắn hoặc đi nghỉ xả hơi và để các thành viên gắn bó với nhau qua những hoạt động xây dựng nhóm (team-building). Trong các hoạt động này, khoảng cách về vai trò, vị trí của nhân viên và lãnh đạo có thể được xóa nhòa. Đó cũng là dịp những người làm việc ở các chi nhánh văn phòng xa có cơ hội để tham gia cùng tất cả mọi người. Hơn thế, người quản lý cũng cho thể nhìn thấy những tố chất ở nhân viên như tinh thần đồng đội, kỷ luật, kỹ năng lãnh đạo… cần thiết để tuyển họ cho các dự án trong tương lai.

Ngay cả với những công ty không có điều kiện có không gian thư giãn riêng, vốn đòi hỏi một số tiền đáng kể, họ vẫn tổ chức những sự kiện với mục đích tạo ra không khí vui tươi. Tuy nhiên, không có sự kiện nào làm hài lòng tất cả mọi người. “Không phải ai cũng muốn nhận được thông báo nói rằng ngày mai là ngày mặc áo sơ mi chim cò đi làm, và nếu không tham gia, bạn sẽ trông như một kẻ ngoại cuộc” - Adrian Gostick, người huấn luyện kỹ năng lãnh đạo, điều hành và cũng là tác giả nhiều cuốn sách nói về gắn kết nhân viên, nói với BBC.

Còn theo Paul Lopushinsky, nhà sáng lập Công ty tư vấn Playficient của Canada, việc phải miễn cưỡng tham gia các sự kiện ngoài công việc khiến nhiều người buộc phải nở những nụ cười giả tạo, phải giả lả rằng “Ồ, tuyệt quá, tôi rất thích những hoạt động này”. Các sự kiện vui mà không vui này tạo ra vẻ hòa hợp trên bề nổi, bên dưới lại là rất nhiều sự bất hòa.

Lopushinsky cho biết trong khoảng 20 - 25 năm qua, việc tạo ra không gian làm việc tươi mới với những căn phòng được trang trí phá cách với ghế lười, ghế sofa màu sắc sặc sỡ, có trò chơi điện tử, bàn bi lắc, bàn bóng bàn, có phòng giải trí với bia lạnh và máy pha cà phê đã được các công ty công nghệ lớn như Google khơi mào và dần trở thành trào lưu được nhiều công ty sao chép. Tuy nhiên, luôn có điều gì đó lấn cấn trong việc tạo ra không khí tươi vui, sống động động này vì không phải ai cũng thấy vui trong các cuộc vui. Có một ranh giới mong manh giữa việc tạo ra một sự kiện vui mọi người tự nguyện tham gia và một cuộc vui nhiều người miễn cưỡng “đi cho có tụ” và giả bộ mỉm cười.

BBC dẫn lời Lopushinsky cho rằng những tiện ích mang lại sự vui tươi nơi công sở đôi khi không thực sự là để tạo niềm vui mà là để nhân viên ở lại cơ quan lâu hơn. Dù không bắt buộc, nhưng khi công ty đã có lòng, lẽ nào nhân viên nỡ không hưởng ứng? Dần dà điều này sẽ được dùng để chống lại những người thường xuyên vắng mặt với lập luận là "bạn không vì tập thể”, “bạn quá cô lập”.

Một số người cảm thấy áp lực khi các cuộc vui này đòi hỏi ở họ những kỹ năng không liên quan gì đến công việc chuyên môn, thậm chí là phải uống rượu xã giao. Trên The New York Times, Jessie Hunter, 32 tuổi, cho biết khi còn làm ở một công ty nghiên cứu, chị cảm thấy dường như những bữa tiệc, trong đó đồ uống chủ yếu là bia rượu, do công ty tổ chức cho nhân viên chẳng những đã khắc họa sâu sắc sự khác biệt giữa những người hướng nội và hướng ngoại mà còn khuếch đại nó lên gấp 10 lần.

Trong khi người hướng ngoại, hoạt ngôn tỏa sáng thì người hướng nội, trầm lặng càng lặng lẽ hơn trong các cuộc vui được tạo ra với mục đích trong sáng nhằm tạo sự vui tươi và gắn kết đồng nghiệp. Không tham gia thì ngại, nhất là với người mới, nhưng dự tiệc hay các hoạt động vui vẻ của cơ quan, phòng ban với tâm thế “phải/bị có mặt” là một cực hình.

 

 Văn phòng của Google tại Kirkland, bang Washington. Ảnh: Getty Images

Những đổi thay nhờ đại dịch

Việc nhiều cơ quan công sở phải chuyển sang chế độ làm ở nhà trong đại dịch đã khiến nhiều người thở phào nhẹ nhõm khi không phải gồng mình tham gia những hoạt động gắn kết ở chỗ làm. COVID-19 đã làm thay đổi mọi mặt của cuộc sống, trong đó có cả các cuộc vui nơi công sở. Nói ngắn gọn như Gostick: nó khiến người ta ít tham gia thứ họ không muốn hơn.

Nhưng đại dịch cũng mang đến một thay đổi tích cực: các hoạt động vui vẻ tăng đoàn kết không còn là mệnh lệnh từ cấp trên ban xuống, mà là do chính nhân viên khơi mào và dẫn dắt. “Các nhân viên có thể tổ chức các buổi tập yoga chung trên Zoom, các buổi nấu ăn trực tuyến qua màn hình cùng nhau… Đây là những sự chuyển đổi thú vị vì nó chuyển từ kiểu “bạn phải tham gia” sang “bạn thực sự muốn tham gia”” - Lopushinsky nói.

Adrian Gostick cho biết ông nhận thấy xu hướng tổ chức các buổi tụ tập cởi mở trên Zoom theo cách nhẹ nhàng cho người tham dự đã được các công ty chú ý. Một tập đoàn lớn ở Mỹ đã tổ chức hoạt động “Tám cuối tuần” vào mỗi 4h chiều thứ sáu cho bất cứ ai muốn tham gia qua Zoom. Mọi người chọn đồ uống tùy ý và thoải mái than vãn với nhau về bất cứ điều gì họ muốn xả stress. Buổi tụ tập dài một giờ là dịp để mọi người nói cho đã để nhẹ nhõm đón cuối tuần. Đó là một kiểu vui “thật sự” mà các nhân viên của tập đoàn muốn tiếp tục duy trì sau khi COVID-19 kết thúc.

Trong bối cảnh hiện nay, sau hơn hai năm làm việc từ xa, nhiều người không còn muốn quay trở lại văn phòng. Theo một khảo sát của trung tâm nghiên cứu Pew tháng 2-2022 ở Mỹ, 60% những người làm việc tại nhà mong muốn được tiếp tục làm việc kiểu này. Các công ty đã nỗ lực bằng nhiều cách, từ tổ chức các sự kiện liên hoan với thức ăn miễn phí, tặng áo thun, Google còn mời cả ca sĩ Lizzo đến biểu diễn riêng cho công ty nhằm tạo động lực cho mọi người trở lại văn phòng. Các sự kiện hào nhoáng trên cũng thu hút nhân viên, nhưng sau đó sự hào hứng giảm đi khi họ trở về bàn làm việc, vì về cơ bản, mọi người muốn làm việc ở nhà.

Gostick cho biết: “Một trong những khách hàng của tôi đã xây một văn phòng mới lớn hơn trong thời gian đại dịch. Văn phòng của họ mở cửa cách đây vài tháng. Để mừng sự kiện này, họ tổ chức một bữa tiệc lớn với khoảng 90% nhân viên công ty đến dự. Ai cũng rất vui vẻ và phấn khởi khi gặp nhau. Thế rồi sang thứ hai, chỉ khoảng 10% người đến làm việc. Dù rất muốn gặp nhau, người lao động vẫn thích làm việc từ xa, đó là thực tế”.

Với hoàn cảnh mới, các công ty cần một chiến lược tạo sự vui vẻ dài hạn, một cách nào đó để tạo ra niềm vui có ý nghĩa thực sự để mọi người tự nguyện tham gia và đủ hấp dẫn để họ tiếp tục chung vui. Điều này cũng có nghĩa các sự kiện không nên yêu cầu mọi người phải ở lại sau giờ làm hoặc phải đầu tư thời gian, năng lượng để tham gia và không mang tính ép buộc. Phía tổ chức phải xác định sẽ có những người đơn giản là không có mặt và họ có quyền không tham gia mà không gặp rắc rối vì quyết định của mình. Kiểu vui vẻ như vậy sẽ có tác động tích cực nhất và sự liên kết nhóm sẽ diễn ra tự nhiên.■

Tháng 4-2022, cựu nhân viên Kevin Berling thắng kiện công ty xử lý mẫu xét nghiệm Gravity Diagnostics (Kentucky, Mỹ) vì đã tổ chức sinh nhật cho anh theo truyền thống công ty, bất chấp đương sự đã khẩn thiết yêu cầu đừng làm vậy trước đó.

Berling bị chứng rối loạn lo âu từ khi cha mẹ ly dị khi anh vừa tròn 17 tuổi, vì thế tiệc sinh nhật luôn là sự kiện khiến anh dễ bị tổn thương bởi nó gắn với những ký ức đau buồn. Tháng 8-2019, trước hôm sinh nhật 5 ngày, Berling đã nhắn với chánh văn phòng Gravity Diagnostics đừng tổ chức sinh nhật cho anh vì sợ sẽ bị rối loạn lo âu, song vị này đang đi nghỉ mát và quên chuyển lời nhắn cho nhân sự chuyên trách. Kết quả là anh Berling đến cơ quan vào ngày sinh nhật và được chào đón nồng nhiệt theo đúng văn hóa công ty, khiến anh thật sự bị hoảng loạn. Hôm sau anh còn bị sếp mời lên làm việc, và lại lên lo âu một lần nữa. Công ty đuổi việc anh, cho rằng anh có thể hung hãn và động tay động chân.

Berling kiện Gravity Diagnostics vì phân biệt đối xử, phớt lờ khiếm khuyết sức khỏe của anh và từ chối yêu cầu được đối xử hợp lý của anh, thậm chí còn đuổi việc anh chỉ vì anh phản đối điều đó. Sau 2,5 năm, Berling thắng kiện và Gravity Diagnostics phải bồi thường 450.000 USD cho “thu nhập bị mất và khủng hoảng tinh thần” mà Berling phải chịu khi làm tại đây, theo báo Washington Post.

YÊN LAM

HỒNG VÂN 

Tag:Team building, công sở, đoàn kết, giới văn phòng