Từ vụ tự tử của nữ nhân viên 24 tuổi vì làm việc quá sức

Một buổi sáng cuối tháng 12/2015, người dân Nhật Bản thức dậy và ngay lập tức bị rúng động với bản tin tràn ngập trên trang nhất các tờ báo về vụ việc cô gái trẻ Matsuri Takahashi 24 tuổi, nhân viên của công ty quảng cáo Dentsu Nhật Bản, đã tự tử vì kiệt sức bởi công việc.

Báo cáo điều tra của tòa án sau đó cho biết, Matsuri Takahashi phải làm thêm ngoài giờ tới 105 giờ trong một tháng khiến cô bị rơi vào tình trạng kiệt sức và tự tử bằng cách gieo mình từ tầng cao tòa nhà lưu trú dành cho nhân viên vào đúng đêm Giáng sinh năm 2015. Trước đó, cô gái trẻ này liên tục dùng tài khoản cá nhân của mình đăng lên mạng xã hội với những lời lẽ bi quan: “Tôi muốn chết”, “Tôi cảm thấy như mình đang vỡ vụn ra từng mảnh - cả thể xác lẫn tinh thần”...

Một đoạn tweet bằng tiếng Nhật của Takahashi trước khi có ý định tự tử, có nghĩa: Buồn cười chưa? Cuối cùng tôi cũng về được đến nhà lúc 4 giờ sáng - Ảnh: zennahachi

Một đoạn tweet bằng tiếng Nhật của Takahashi trước khi có ý định tự tử: "Buồn cười chưa? Cuối cùng tôi cũng về được đến nhà lúc 4 giờ sáng" - Ảnh: zennahachi

 

Công ty Dentsu Nhật Bản cùng những nhà lãnh đạo cao nhất đã bị pháp luật xử lý. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là vấn nạn này ở Nhật Bản được giải quyết khi mà cái gọi là “Văn hóa Ganbaru” (Tạm dịch: Hãy làm tốt hơn những gì tốt nhất) đã và đang ăn sâu bám rễ vào tận trong tiềm thức của mỗi người dân Nhật Bản.

Năm 2016, sau cái chết của Matsuri Takahashi, đã có 191 ca tự tử chính thức được xác nhận có liên quan tới tình trạng làm việc quá sức, và người ta tin rằng con số thật sự còn cao hơn thế nhiều.

Bà Yukimi Takahashi bên di ảnh con gái Matsuri đã tự tử vì áp lực của quá tải trong công việc - Ảnh: Asahi Shimbun via Getty Images

Bà Yukimi Takahashi bên di ảnh con gái Matsuri 24 tuổi - người tự tử vì áp lực quá tải trong công việc - Ảnh: Asahi Shimbun/Getty Images

Văn hóa Ganbatte và thói quen “làm việc đến chết thì thôi” của người Nhật

Nếu chúng ta đã quen với câu nói “Chúc may mắn nhé” khi khởi sự cho một công việc nào đó thì ở Nhật Bản, người ta chỉ đơn giản nói một từ ngắn gọn “Ganbatte!” (Hãy làm tốt nhất).

Thế nhưng giờ đây, với nhịp sống hối hả không có điểm dừng, cùng với sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường lao động, câu nói vốn mang nghĩa tích cực này đang trở thành sức ép vô hình lên người lao động của xứ sở mặt trời mọc. Tờ Thời báo Nhật Bản trong một bài xã luận đã từng phản ánh: “Sẽ chẳng khác gì một quả bom nguyên tử giáng xuống đầu bất cứ ai nếu một ngày sếp gọi đến và bảo: Ganbatte kudasai” (Cố gắng hơn nữa đi chứ).

Văn hóa làm việc cho đến chết đã trở thành một sức ép nặng nề lên người lao động ở Nhật Bản - Ảnh: Getty Images

Văn hóa "làm việc cho đến chết" đã trở thành một sức ép nặng nề lên người lao động ở Nhật Bản - Ảnh: Alamy

Nhà nghiên cứu văn hóa Nhật Bản người Mỹ Boyé Lafayette De Mente, tác giả của hơn 100 đầu sách chuyên khảo về văn hóa và ngôn ngữ Nhật Bản, có lẽ là người “sáng chế" ra thuật ngữ “Hội chứng Văn hóa Làm-hay là-Chết của người Nhật Bản” (Japan’s Do-or-Die Cultural Syndrome). Còn với người Nhật, họ chỉ gọi một cách đơn giản bằng từ “Karoshi” (thuật ngữ dùng để chỉ những trường hợp bị chết do làm việc quá sức).

Những người lao động thuộc thế hệ 5X có lẽ vẫn không thể nào quên được những năm đầu tiên của thập niên 1950, khi mà hậu quả khủng khiếp từ cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 đã đẩy nền kinh tế của Nhật Bản xuống đáy của suy thoái và khủng hoảng. Trước tình cảnh cấp bách này, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Yoshida lúc ấy đã ban hành sắc lệnh yêu cầu người dân phải cống hiến hết mình cho đơn vị nơi mình đang làm việc theo hình thức “hợp đồng lao động trọn đời”.

Có nghĩa là, người lao động buộc phải trung thành và gắn bó với nơi làm việc cho đến lúc nghỉ hưu. Khái niệm “nhảy việc” không hề tồn tại ở Nhật Bản suốt một thời gian dài, cũng như “lòng trung thành” là yếu tố quan trọng nhất trong tuyển dụng của chủ sử dụng lao động ở Nhật Bản, kể cả trong thời điểm hiện tại.

Mục tiêu phát triển kinh tế thời hậu chiến đã giúp Nhật Bản có những bước tiến nhanh, nhưng cũng tạo ra những vấn đề xã hội nghiêm trọng. Trong ảnh là người dân Nhật Bản trên đường phố Tokyo năm 1975 - Ảnh: Christian Science Monitor

Mục tiêu phát triển kinh tế thời hậu chiến đã giúp Nhật Bản có những bước tiến nhanh, nhưng cũng tạo ra những vấn đề xã hội nghiêm trọng. Trong ảnh là người dân Nhật Bản trên đường phố Tokyo năm 1975 - Ảnh: Christian Science Monitor

Chính sách của thủ tướng Shigeru Yoshida đã góp phần tạo nên sự hồi sinh thần kỳ của kinh tế Nhật Bản thời hậu chiến. Thế nhưng, nó cũng gây ra những vấn đề xã hội trầm trọng cho người lao động Nhật Bản 30 năm sau, đặc biệt là tình trạng làm thêm giờ.

Theo một thống kê của tổ chức Công đoàn Nhật Bản, đã có hơn 7 triệu người (khoảng 5% dân số Nhật Bản khi đó) phải làm việc quá 60 giờ mỗi tuần vào năm 1980. Đến đầu những năm 1990, hàng loạt số vụ tử vong của người lao động được thống kê cho thấy, họ đã phải làm việc cật lực hơn 100 giờ/tháng để rồi phải trả giá bằng cái chết.

Sau vụ tự tử của cô gái trẻ 24 tuổi Matsuri Takahashi, vào tháng 10/2016, lần đầu tiên chính phủ Nhật Bản đã công bố “Hồ sơ trắng” về tình hình người lao động, theo đó, gần 30% doanh nghiệp được khảo sát có số lượng nhân viên phải làm thêm vượt quá 80 giờ mỗi tháng, có nghĩa là cứ 5 nhân viên thì có một người làm việc quá thời gian quy định, và vì vậy có nguy cơ cao mắc các chứng trầm cảm hoặc suy nhược cơ thể.

Nhân viên văn phòng làm việc đến tận khuya tại công sở là hình ảnh dễ bắt gặp ở Nhât Bản - Ảnh: Reuters

Nhân viên văn phòng làm việc đến tận khuya tại công sở là hình ảnh dễ bắt gặp ở Nhật Bản - Ảnh: Reuters

Chính phủ Nhật Bản hiện tại làm gì để đối phó với tình trạng “Karoshi”?

Tỷ lệ người lao động đột tử liên quan đến tình trạng làm việc quá thời gian cho phép vẫn không hề có dấu hiệu suy giảm khiến chính phủ lo lắng. Các báo cáo thường niên từ chính phủ Nhật Bản cho thấy, năm 2017 có 190 người bị cho là đã chết do phải làm thêm quá nhiều giờ dẫn đến kiệt sức.

Số liệu của năm 2018 là 158 người. Giới vận động quyền cho người lao động thậm chí đã phải yêu cầu các nhà tổ chức Thế vận hội Tokyo 2020 (đã chuyển sang năm 2021 do ảnh hưởng của COVID-19) cho phép công nhân được khám sức khỏe định kỳ, nghỉ ngơi hợp lý nhằm đảm bảo sức khỏe cho họ cũng như ngăn ngừa tình trạng trầm cảm do làm việc quá sức. 

Để đối phó với vấn đề này, một dự luật mang tên “Cải cách lề lối làm việc mới” (hataraki-kata kaikaku) được Thủ tướng Shinzo Abe đệ trình lên Quốc hội, và nhanh chóng được thông qua vào cuối tháng 6/2018 với những điều luật và chính sách cụ thể, như: ngày “Thứ Sáu hạnh phúc” cho phép người lao động được rời nơi làm việc sớm trong ngày làm việc cuối cùng trong tuần; làm việc ở nhà; thời gian làm thêm của người lao động không được vượt quá 45 tiếng/tháng hay không quá 360 giờ/năm; khuyến khích người lao động sử dụng ít nhất 70% số ngày phép;... 

Susumu Oda, Giám đốc Cục Quản lý Công việc và Đời sống thuộc Bộ Phúc lợi, Lao động, và Sức khỏe Nhật Bản giải thích: “Chúng tôi đã nhận ra rằng, có thêm thời gian nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp nhân viên tái tạo sức khỏe cho bản thân cả về thể chất lẫn tinh thần”.

Chính quyền thủ tướng Shinzo Abe đang rất nổ lực để tìm cách giải quyết vấn đề này - Ảnh: Nhật Bản đang rất nổ lực để tìm cách giải quyết vấn đề làm việc quá sức - Ảnh: Getty Images

Thế nhưng, trái ngược với kỳ vọng của giới chức hữu trách, tình trạng người lao động kiệt sức vì làm việc quá sức dẫn đến các bệnh lý về tinh thần, thậm chí là thực hiện hành vi tự tử vẫn đang là vấn đề xã hội đáng quan ngại hiện nay ở Nhật Bản...

Vụ việc một nam kỹ sư 48 tuổi thuộc Tập đoàn Ô tô Mitsubishi tự tử tại khu nhà công vụ ở thành phố Yokohama ngày 7/2/2019, mà kết quả điều tra cho thấy số giờ làm thêm ngoài thời gian làm việc chính thức lên tới 139 giờ/tháng, càng khiến công luận thêm lo lắng. 

Sẽ rất lâu nữa để Nhật Bản có thể giải quyết được vấn đề xã hội nan giải này, bởi có một nguyên nhân "cốt tử": Người Nhật "tự nguyện" với làm việc thêm giờ, và họ "cảm thấy tội lỗi nếu đi nghỉ phép trong khi đồng nghiệp vẫn đang vùi mình trong núi công việc không bao giờ vơi ở văn phòng" - Yoshie Komuro, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành doanh nghiệp xã hội “Cân bằng Công việc và Cuộc sống” (Work Life Balance Co Ltd) cho biết.

Nguyễn Thuận

 

Tag:tự tử vì trầm cảm,kiệt sức,chết vì làm việc quá sức,văn hóa Nhật Bản,kiệt sức ở Nhật Bản