Tại BV Nhi Đồng 1 TPHCM, đã từng xử trí một số trường hợp trẻ sốt cao, co giật mẹ vắt chanh vào miệng gây nên biến chứng viêm phổi nặng và có trường hợp nại miệng vô tình làm gảy răng, trẻ hít vào phổi, khiến việc điều trị phức tạp hơn.

BS. Đình Tấn Phương, trưởng khoa cấp cứu BV Nhi Đồng 1, giải thích “Khi trẻ bị co giật do sốt cao, các phản xạ hầu họng của trẻ không có, nên bất cứ dị vật gì khi đưa vào miệng, dễ hít vào đường thở. Khoảng 70 – 80%, khi sốt cao, có triệu chứng co giật  trẻ sẽ tự khỏi. Nhưng do cách xử trí sai lầm của nhiều phụ huynh như vắt chanh vào miệng, nại miệng…vô tình làm bệnh trở nặng hơn. Thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng”.

Trẻ nhập viện tại Khoa cấp cứu, BV Nhi Đồng 1. Ảnh: H.D

BS. Phương, cho biết trung bình mỗi ngày Khoa Cấp cứu, BV Nhi Đồng 1, tiếp nhận khoảng 10 ca sốt cao, co giật.  Đa số bệnh nhi nhập viện đã hết co giật trên đường đến bệnh viện và một số ít còn tình trạng co giật nhẹ khi vào khoa cấp cứu - đây là tình trạng thường được người nhà chở con đến cấp cứu khẩn. Tuy nhiên, co giật phải phân biệt hai nguyên gây co giật và phải biết cách xử trí đế tránh những di chứng nặng nề.

Thứ nhất, sốt cao (trên 39 độ C) gây co giật, trường hợp này đa phần lành tính, trẻ sẽ tự khỏi. Các dấu hiệu, nhận biết trẻ bị co giật lành tính: Trẻ từ 5 tháng đến 6 tuổi bi sốt cao, sẽ có khả năng gây co giật; cơn co giật ngắn, kéo dài tối đa 1-2 phút, sẽ tự động hết; sau khi co giật bệnh nhân tỉnh táo bình thường, không để lại một di chứng gì hết và loại trừ những nguyên nhân do các bệnh lý nguy hiểm khác.

Thứ hai, phụ huynh cần lưu ý đối với trẻ bị co giật mà không bị sốt, sau khi co giật bị liệt nữa người, hôn mê, ngưng thở… đây là dấu hiệu liên quan đến bệnh lý trung ương như động kinh, nhiễm trùng, nhiễm khuẩn như viêm não, viêm màng não, viêm não Nhật Bản, tay chân miệng, rối loạn điện giải, mất nước do tiêu chảy… cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.

“Khi trẻ bị sốt cao co giật, người nhà phải biết cách xử trí để tránh di chứng do co giật. Vì co giật dẫn đến trẻ bị mất ý thức, phản xạ hầu họng mất đi, rất dễ bị hít sặc, nhất là hít đàm nhớt hay những vật gì đưa vào miệng như nước, nước chanh… gây sặc đường thở, tìm tái, di vật đường thở, thậm chí ngưng thở. Di chứng thường gặp nhất là thiếu oxy não, để tránh di chứng này. khi con sốt cao, co giật phu huynh cần xử trí bằng cách: để trẻ nằm đầu cao, giúp đường thở thông khí tốt; nghiên đầu một bên, để nước bọt, đàm nhớt trong miệng chảy ra ngoài, tránh tắc nghẽn đường thở; khi co giật trẻ thường cắn chặt hai hàm răng, nên dùng vật dụng mềm hoặc đũa quấn vải xung quanh để giữa hai hàm răng trẻ, giúp đàm nhớt chảy ra ngoài; nên hạ sốt cho trẻ bằng thuốc hạ sốt đặt hậu môn, cởi đồ trẻ ra, lau nước ấm cho trẻ, sau đó đưa trẻ đến cơ sở gần nhất, để tìm nguyên nhân gây co giật”, BS. Phương khuyên cáo. 

HỒNG DUNG

Tag:chanh, trẻ em, động kinh, co giật, sặc, ngưng thở