Nhật phẫu thuật chuyển giới đầu năm 2022, với ca nâng ngực khá nhẹ nhàng, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Sau đó, cô sang Thái Lan cắt bỏ cơ quan sinh dục, chịu nhiều đau đớn thể chất lẫn tinh thần. Ngoài việc trải qua những ca mổ đầy rủi ro, Nhật phải uống thuốc nội tiết tố để cơ thể mềm mại, nữ tính, song việc này khiến cảm xúc, tâm trạng của cô thay đổi, trở nên buồn bã và lo âu nhiều hơn.
Cú sốc lớn nhất của Nhật là bị bố mẹ từ chối, đuổi ra khỏi nhà khi nhìn thấy diện mạo mới của con. Trước đó, dù Nhật công khai bản dạng giới là nữ, như người bố vẫn coi đó là "bệnh" tuổi dậy thì, có thể chữa khỏi khi cô trưởng thành. "Bố mẹ vẫn mong mỏi tôi sẽ lập gia đình, hoàn thành trách nhiệm lấy vợ, sinh con, duy trì nòi giống", Nhật kể, thêm rằng việc bị gia đình từ bỏ khiến cô suy sụp, nằm bẹp trong phòng trọ dằn vặt bản thân.
Nhật còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác do chưa chuẩn bị tâm lý cho cuộc sống hậu phẫu. Một lần khi đi khám nội tiết, cô bị bác sĩ từ chối và nói những lời gây đau lòng như "nam không ra nam, nữ không ra nữ". Ảnh trên căn cước công dân khác với diện mạo hiện tại, Nhật nhiều lần bị các cơ quan, đơn vị từ chối hồ sơ, giấy tờ, từ đăng ký tạm trú, làm thẻ ngân hàng cho đến xin việc. Không những vậy, trong các buổi họp lớp, Nhật như người bị gạt sang bên lề, do thầy cô không nhận ra trò cũ, còn bạn bè thì bỡ ngỡ, hoặc kỳ thị với ngoại hình mới của cô gái.
Công việc bấp bênh, không có thu nhập, cộng với việc bị người thân, bạn bè, xã hội xa lánh, khiến Nhật thu mình, buồn chán, bắt đầu xuất hiện các ý nghĩ tiêu cực, nhiều lần muốn tự sát. Quá sốc trước những phản ứng tiêu cực của gia đình và xã hội, Nhật từng có suy nghĩ quay lại việc che giấu bản sắc giới của mình, anh Huỳnh Minh Thảo, nhà hoạt động thúc đẩy quyền LGBTQ+ Việt Nam, người đồng hành cùng Nhật, chia sẻ.
Nhiều người chuyển giới gặp vấn đề tâm lý sau phẫu thuật bởi rất nhiều nguyên nhân. Ảnh: AFP
Việt Nam hiện chưa có nghiên cứu về tỷ lệ gặp vấn đề tâm lý của người chuyển giới sau phẫu thuật, song các chuyên gia nhận định cộng đồng người trẻ chuyển giới có tỷ lệ trầm cảm, nguy cơ tự sát, tự hại, rối loạn lo âu cao hơn so với các nhóm khác trong cộng đồng LGBTQ+ (Lesbian, Gay, Bisexual, Transgender, Queer, Intersex, Asexual và các cộng đồng khác). Việc không được đáp ứng nhu cầu hỗ trợ về sức khỏe tâm thần càng khiến cuộc khủng hoảng của người chuyển giới tồi tệ hơn.
Anh Thảo cho biết, những chia sẻ trên các nhóm riêng của cộng đồng chuyển giới cho thấy khoảng hơn 50% người chuyển giới gặp các vấn đề sức khỏe, tâm lý sau phẫu thuật, bao gồm tác động của việc điều trị hormone lên khí sắc, cảm xúc, sự thay đổi về cơ thể, tiến trình chấp nhận danh tính mới, đối thoại với gia đình và người thân, sự hài lòng về nhân dạng, thủ tục giấy tờ.
Một trong nguyên nhân chính khiến người chuyển giới sau phẫu thuật mắc các vấn đề tâm lý là việc tự ý tiêm hoặc uống hormone để thay đổi nội tiết tố sinh dục đã ảnh hưởng thể chất và tinh thần. Trong khi nhu cầu thăm khám, điều trị, hỗ trợ vấn đề y tế, sức khỏe của cộng đồng LGBT là rất cao, thì hầu như thiếu vắng các cơ sở y tế và dịch vụ đáp ứng.
"Các bạn không biết hỏi ai và thế là lại nhờ đến sự tư vấn truyền miệng", anh Thảo nói, thêm rằng nhiều người tự mua thuốc uống, tự tiêm hormone dẫn đến quá liều, biến chứng, nhiễm trùng. Như Tùng, một người chuyển giới nam ở Hà Nội, cho biết bản thân ngại đến cơ sở y tế nên tự tìm mua testosterone - hormone nam về tiêm. Trong hai năm, nhiều lần Tùng bệnh nhân bị áp xe, sưng tấy vùng tiêm, đau đớn nhưng anh vẫn cắn răng chịu đựng vì muốn sống với con người thật của mình.
Tại Hà Nội và TP HCM, một vài trung tâm y tế cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý, sức khỏe tình dục cho cộng đồng LGBT, còn dịch vụ tiêm hormone, điều trị nội tiết tố, phẫu thuật chuyển giới, hậu phẫu hầu như vắng bóng. Nhiều nhân viên y tế tỏ thái độ định kiến, kỳ thị với người chuyển giới khiến họ ngại tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chính thống.
"Điều này rất thiệt thòi cho các bạn LGBT, đặc biệt là các bạn chuyển giới", anh Thảo cho hay, chưa kể nhiều người bị bắt nạt tại trường họ, bị từ chối việc làm, khiến cuộc sống bấp bênh, nguy cơ cao mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Một vấn đề khác khiến các chuyên gia lo ngại là nhiều người chuyển giới đợi đến khi vấn đề của mình mất kiểm soát như có ý nghĩ tự tử, mới tìm đến chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần. Trong khi đó, bệnh sẽ trở nên đơn giản và hiệu quả hơn, khi được điều trị sớm ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, hiện chưa có dịch vụ tâm lý nào hỗ trợ người chuyển giới trong giai đoạn sớm.
Anh Đặng Khánh An, giám đốc điều hành tổ chức tâm lý Touching Soul Center, người có nhiều kinh nghiệm làm việc với cộng đồng LGBT, cho biết do thiếu sự hỗ trợ chuyên nghiệp, người chuyển giới thường lên các diễn đàn của cộng đồng để đặt ra các câu hỏi về danh tính bản thân. Nhưng việc này như "con dao hai lưỡi", một số người không có chuyên môn sẽ xúc phạm người hỏi, dẫn đến quá trình tương tác độc hại, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần người chuyển giới.
Nhiều người bị trầm cảm sau phẫu thuật chuyển giới. Ảnh: Freepik
Để hỗ trợ người chuyển giới sau phẫu thuật, các chuyên gia khuyến nghị Bộ Y tế cần thay đổi chính sách, thêm sức khỏe tâm thần vào hạng mục của Bảo hiểm Y tế, từ đó giảm chi phí điều trị cho nhóm có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, nhà nước cần sớm ban hành Luật Chuyển giới, để các cơ sở y tế có thể thực hiện việc can thiệp hay phẫu thuật, người bệnh có thêm địa chỉ uy tín thăm khám, thay vì khám chui hay tự điều trị, dẫn đến hậu quả.
Mặt khác, bản thân người chuyển giới và cộng đồng cần được tăng cường giáo dục và nhận thức về sức khỏe tâm thần, coi việc trị liệu tâm lý là bình thường. Người gặp vấn đề sức khỏe tinh thần cần sớm thăm khám tại các cơ sở y tế hoặc chuyên gia uy tín, không nên giấu giếm, âm thầm chịu đựng, có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng.
Thúy Quỳnh
*Tên nhân vật được thay đổi
Tag:TP HCM,người chuyển giớ,phẫu thuật chuyển giới, kỳ thị,LGBT,Khủng hoảng tâm lý sau chuyển giới