Sharenting là thuật ngữ chỉ hiện tượng chia sẻ (share) quá mức hình ảnh, thông tin và hoạt động về con cái lên mạng xã hội của người làm cha mẹ (parent). 

Chưa có thống kê chi tiết nào về tình hình sharenting trên toàn cầu, nhưng tại Anh, trung bình một phụ huynh đã đăng 1.300 bức hình và video của con họ lên mạng xã hội trước khi trẻ được 13 tuổi - độ tuổi được phép tạo tài khoản Facebook và Instagram cho riêng mình, theo số liệu năm 2018 của cơ quan chính phủ bảo vệ quyền lợi trẻ em.

Ảnh: bark.us

Ảnh: bark.us

Nếu tính từ mốc 2006, khi Facebook bắt đầu cho phép mở tài khoản rộng rãi, thì đã 17 năm trôi qua. "Những đứa trẻ mạng xã hội đời đầu", như cách gọi của tờ The Atlantic, giờ đã đến tuổi trưởng thành và phải đối mặt với những hậu quả từ việc chia sẻ quá mức của cha mẹ mình.

Cha mẹ làm, con cái chịu

Caymi Barrett, hiện 24 tuổi, lớn lên cùng người mẹ đăng công khai vô số khoảnh khắc và thông tin cá nhân của cô lên Facebook - từ ảnh tắm, chẩn đoán cô mắc bệnh nhiễm khuẩn do tụ cầu vàng (MRSA), sự thật rằng cô ấy là con nuôi, cho đến lần một tài xế say rượu đâm vào chiếc xe mà cô đang đi. Có vẻ đối với mẹ của Barrett cũng như nhiều bậc cha mẹ khác, mọi chi tiết dù nhỏ nhặt nhất về con cái mình đều rất đáng tự hào và đáng khoe.

Bạn bè mạng xã hội là những người đầu tiên chỉ ra sự bất ổn từ những thông tin từ thuở mới lọt lòng về Barrett mà họ tìm thấy trên trang cá nhân của cô. "Họ tìm tới tôi và bảo, ê, có lẽ mày nên gỡ mấy cái đó xuống đi" - Barrett kể với The Atlantic.

Chẳng biết mẹ của Barrett nhận được bao nhiêu "lai" và "còm" khen con gái trong suốt những năm tháng chia sẻ hình ảnh của cô trên Facebook. Chỉ biết rằng cô gái trẻ vẫn còn ám ảnh bởi một lần bị một người đàn ông lạ mặt theo về đến tận nhà năm cô 12 tuổi. Barrett tin rằng người đàn ông đó đã xem hình cô trên mạng.

Những chi tiết về đời sống cá nhân mà mẹ Barrett tung hết lên mạng cũng là nguồn cơn khiến cô bị bạn bè cùng lớp bắt nạt đến nỗi phải bỏ học cấp III. Hiện Barrett không còn liên lạc với mẹ. 

Mạng xã hội đã tạo ra khoảng cách quá lớn giữa hai mẹ con và khiến cô giờ đây khó có thể mở lòng ngay cả với bạn bè và chồng sắp cưới của mình. Trong thâm tâm cô luôn lo sợ: "Liệu họ có dùng những gì mình kể với họ để làm vũ khí chống lại mình trên Internet không?".

Ảnh: weqip.com

Ảnh: weqip.com

Vì sao cha mẹ lại khoe con?

Không riêng gì bạn bè của Barrett, tuổi teen ngày nay cũng khá tỉnh táo với việc chia sẻ quá mức trên không gian mạng. Theo Stephen Balkam, giám đốc điều hành Family Online Safety Institute, một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ, không hiếm những đứa trẻ dù chỉ mới 10, 11, 12 tuổi đã có thể chững chạc chất vấn mẹ của chúng rằng họ nghĩ gì mà lại đăng hình bọn trẻ tràn lan trên mạng xã hội.

Những đứa trẻ bị cha mẹ chia sẻ từng li từng tí về cuộc sống cá nhân trên mạng than phiền rằng các nền tảng mạng xã hội có đầy biện pháp ngăn chặn những nội dung không phù hợp - chẳng hạn như lạm dụng thân thể trẻ vị thành niên, ảnh khỏa thân của trẻ, trẻ bị bỏ bê hoặc đối mặt với nguy hiểm - nhưng lại không hề có quy tắc loại bỏ những nội dung cũng có thể tạo ra tác động tiêu cực dù không mang tính chất lạm dụng.

Ví dụ, liệu những đứa trẻ tuổi teen có cảm thấy tự hào khi bạn bè nhìn thấy tấm ảnh chúng đang mặc tã lúc nhỏ? Liệu những gì phụ huynh miêu tả về con trên mạng có đúng với cá tính mà bọn trẻ muốn thể hiện? Liệu phụ huynh đó có ổn không khi con xóa hết mọi thứ được chia sẻ nếu con được lựa chọn?

Ấy vậy mà nhiều bậc làm cha mẹ không nhận ra vấn đề. Khi mà thẩm quyền làm cha làm mẹ lấn át quyền riêng tư của con trẻ, họ gần như xem việc chia sẻ thông tin và hình ảnh của con trên mạng là "bình thường như cân đường hộp sữa", dù họ sẽ không bao giờ làm vậy với người lớn. 

Họ để hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người có thể tiếp cận hình ảnh những đứa trẻ trong lần gặp sự cố thay tã, khoảnh khắc tập ngồi bô thành công và cả chi tiết về kỳ kinh nguyệt đầu tiên của trẻ.

Đối với họ, đăng bài khoe con dường như đã trở thành một chất gây nghiện khó mà cai. Lượt xem, lượt thích và bình luận như một hình thức cổ vũ tinh thần cho chính họ - những người xem "làm cha mẹ" là công việc thầm lặng và ít khi được nhớ tới.

Sara Petersen, tác giả của cuốn sách Momfluenced: Inside the Maddening, Picture-Perfect World of Mommy Influencer Culture (Là một người mẹ có sức ảnh hưởng: Bên trong thế giới hoàn mỹ đến điên rồ của văn hóa làm momfluencer) và là mẹ của ba đứa con, nói với The Atlantic: "Bằng chứng rõ ràng nhất cho công việc của chúng tôi là chính những đứa trẻ. Và thật tuyệt khi đăng một bức ảnh đáng yêu và có 10 hoặc 12 người "còm" khen 'Thật dễ thương'".

Năm 2022, trên TikTok có video một đứa trẻ la hét và khóc vì bố mẹ trêu em bằng cách tặng quà sinh nhật khổng lồ, nhưng mở ra chỉ là một cái vali. Món quà thật sự, vé đi chơi Disneyland, nằm trong vali, nhưng đứa trẻ đã phản ứng quá mạnh trước khi được nghe sự thật.

Trước khi có mạng xã hội, cảnh ầm ĩ này chỉ có trong nhà chứng kiến - ta thậm chí có thể phì cười, nhưng 9 triệu người không quen biết đã xem cảnh này, vì mẹ cô bé đăng lên TikTok. Nhiều người đã chỉ trích hành động này ("Đây là một quảng cáo tuyệt vời về kiểm soát sinh đẻ"), trước khi video bị gỡ.

Chưa nói đến ảnh hưởng sâu sắc về tinh thần, đoạn video này chính là "dấu chân kỹ thuật số" mà cha mẹ tự để lại trên mạng cho trẻ con, và nhiều khi là không thể xóa bỏ.

Dừng lại trước khi quá muộn

Báo đài, phim ảnh không hiếm đưa tin về những vụ việc đáng buồn như trường hợp của Barrett. Những kẻ xấu có thể thu thập thông tin cá nhân từ các bài đăng trên mạng xã hội, và hình ảnh chính là miếng mồi béo bở cho nạn cắt ghép, chỉnh sửa nội dung khiêu dâm.

Theo Mary Anne Franks, giáo sư Trường Luật Đại học Miami (Mỹ), đồng thời cũng là cố vấn về quyền riêng tư trực tuyến cho các nhà lập pháp và các công ty công nghệ, mặc dù rất khó biết chính xác tần suất của những sự cố trộm cắp thông tin qua mạng xã hội, tác động nghiêm trọng của chúng thì không cần bàn cãi.

Trước mắt, một nghiên cứu do Ngân hàng đa quốc gia Barclays thực hiện và được Đài BBC trích lại cho thấy sharenting có thể dẫn đến 7,4 triệu vụ giả mạo danh tính và tổng thiệt hại tài chính lên đến 670 triệu euro vào năm 2030.

Ảnh: ABC News

Ảnh: ABC News

Theo The New York Times, hầu hết các bậc cha mẹ mắc thói quen sharenting không phải vì họ cố tình, mà vì họ chưa lường hết những hệ lụy của việc công khai quá nhiều thông tin trực tuyến. Vì vậy, tờ nhật báo Mỹ khuyên cha mẹ nên trang bị đầy đủ kiến thức trước khi quyết định chia sẻ hình ảnh con cái và bảo vệ quyền riêng tư của trẻ một cách tốt hơn.

Cụ thể, phụ huynh có thể giới hạn nội dung và chọn lọc đối tượng chia sẻ. Phụ huynh cũng nên hỏi ý kiến con trẻ trước khi chia sẻ bất kỳ thông tin cá nhân nào của con. Làm vậy vừa dạy con tầm quan trọng của sự đồng thuận vừa cho con cảm giác được lắng nghe và thấu hiểu, mà vẫn cân bằng nhu cầu "khoe con" của ba mẹ.

Cho đến khi bọn trẻ đủ tuổi sử dụng Faceboook, Instagram, TikTok hoặc bất kỳ nền tảng phổ biến nào tiếp theo, hành vi của ba mẹ trên mạng xã hội chính là hình mẫu để chúng noi theo, mà trường hợp của Barrett chính là một ví dụ điển hình.

Nỗi đau từ việc là "nạn nhân" của tình trạng "sharenting" đã thúc đẩy Barrett trở thành người lên tiếng ủng hộ quyền riêng tư của trẻ em trên Internet. Nhưng trước đó, khi còn ở độ tuổi thiếu niên và mới đăng ký tài khoản Twitter đầu tiên, Barrett đã "noi gương" mẹ mình, lên mạng nói xấu anh chị em và kể lể hết mọi vấn đề về sức khỏe.

Thế hệ ba mẹ mới nghĩ gì?

Thế hệ của Barrett rồi cũng sẽ đến lúc tạo lập gia đình cho riêng mình. Để tìm hiểu tâm tư của thế hệ này, The Atlantic đã tham khảo ý kiến một số người trẻ mới lên chức ba mẹ về việc khoe con trên mạng.

Nhìn chung, những người được hỏi ý kiến cảm thấy không nên để con cái chịu sự giám sát của công chúng, nếu không nói là xâm phạm quyền riêng tư của chúng. Trong số đó có Kristina, một bà mẹ 34 tuổi đến từ Los Angeles (Mỹ).

Chỉ đăng một vài ảnh của con gái mình và tấm nào cũng cẩn thận che mặt em, Kristina giải thích: "Chúng tôi thực sự không muốn công khai chia sẻ hình ảnh của con, vì bé chưa thể bày tỏ quan điểm đồng ý hay không". Nhưng một số người quen không ít lần nói ra nói vào: "Đã có người nói bóng gió rằng có chuyện gì không ổn với con gái tôi phải không chỉ bởi vì tôi không chia sẻ hình ảnh con bé".

Những lời xì xào bàn tán là một chuyện. Sự bất hợp tác từ người thân chính lại là chuyện khác. Dù Kristina kiên quyết bảo vệ con gái thì cũng khó hoàn toàn ngăn cản những người lớn khác chụp ảnh cô bé và vô tư tung lên trang cá nhân riêng của họ.

Không ít lần Kristina đã phải nhờ bạn bè và gia đình gỡ những bức hình có mặt con gái cô khỏi cõi mạng. Nhưng hãy thử tưởng tượng, mọi phụ huynh tham dự một bữa tiệc sinh nhật đều có máy ảnh hoặc điện thoại riêng trong túi và hồn nhiên chụp mọi thứ.

PHAN BẢO

Tag:Đưa ảnh lên mạng, Mạng xã hội ,Tài khoản Facebook , Thông tin cá nhân , Cha mẹ , Con cái , Chơi mạng xã hội ,Facebook , Quyền riêng tư