Vấn đề của nhiều quốc gia
Vào tháng Sáu, một thiếu niên 16 tuổi ở Singapore đã phải nhận 3 tội danh về hành hung, 1 tội danh dùng dao đe dọa giết mẹ ruột. Người con bắt đầu hành hung mẹ vào năm 2019 nhưng người mẹ chỉ cam chịu mà không báo cảnh sát. Bạo hành ngày càng tăng và đỉnh điểm là vào tháng 11/2022, thiếu niên này đã đấm nhiều lần vào bụng và đầu mẹ khiến bà bị gãy xương sườn, chảy máu môi. Cũng tại Singapore vào năm 2020, đoạn video lan truyền trên internet cho thấy cảnh một học sinh liên tục tát mẹ mình giữa cuộc tranh cãi về tiền bạc.
Tổ chức Hỗ trợ tăng trưởng giáo dục dành cho cha mẹ (PEGS) ở Anh đã giúp đỡ một người mẹ bị con gái mình bạo hành. Người mẹ kể: “Cửa kính bị đập vỡ, bảng điều khiển máy tính bị đập nát, bàn ghế gãy…, mọi thứ trong nhà đều không toàn vẹn. Một số người nghĩ tôi độc ác khi yêu cầu cơ quan chức năng đem con gái rời khỏi nhà nhưng họ không hiểu cảm giác phải sống trong lo sợ mỗi ngày mà tôi phải trải qua”.
Cha mẹ cần sớm giúp con cái phát triển hành vi phù hợp, quan điểm sống lành mạnh từ khi còn nhỏ - Ảnh minh họa: FREEPIK |
Tương tự như các loại bạo lực gia đình khác, vấn đề con cái bạo hành cha mẹ vẫn chưa được báo cáo đầy đủ và là một thách thức tại nhiều quốc gia hiện nay. Việc con cái bạo hành cha mẹ nhìn chung được định nghĩa là khi những người con (thường từ 18-25 tuổi) sống cùng nhà và bắt đầu lạm dụng cha mẹ về thể chất, lời nói, tình cảm hoặc tài chính nhằm kiểm soát cha mẹ trong ngôi nhà của chính họ.
Cha mẹ có thể cảm thấy bất lực khi tình trạng này xảy ra. Quá trình bạo hành có thể mang tính bạo lực và gây tổn thương về thể xác, có thể là hành vi đe dọa hoặc ép buộc. Báo cáo của Đơn vị giảm thiểu bạo lực (VRU) tại Anh cho thấy, 40% cha mẹ và người chăm sóc từng bị con cái bạo hành trong khoảng thời gian từ năm 2011-2020 đã quyết định chọn cách im lặng. Các nạn nhân bị con cái bạo hành còn phải đối mặt với sự kỳ thị kép khi còn bị dư luận lên án như là một phụ huynh không nuôi dạy con cái tốt.
Uốn nắn hành vi của con từ nhỏ
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Aggression and Violent Behavior vào năm 2018, trên toàn cầu, ước tính từ 5 - 21% gia đình trải qua tình trạng con cái bạo hành cha mẹ. Giáo sư Frances Jensen - Đại học Pennsylvania (Mỹ) - nhấn mạnh: Vào những năm trẻ bước vào tuổi thiếu niên, cha mẹ cần tích cực làm gương cho việc ra quyết định và định hướng cho con cái. Nhà tâm lý học Albert Bandura cho rằng trẻ em - đặc biệt là những trẻ ở độ tuổi trước tuổi vị thành niên - học hỏi và bắt chước các hành vi từ môi trường xung quanh.
Do đó, nếu trẻ nhìn thấy hoặc đón nhận hành vi bạo lực, chúng có nhiều khả năng thực hiện hành vi tương tự. Ngày nay, trẻ em và thanh thiếu niên có thể tiếp cận nhiều loại phương tiện truyền thông, bao gồm các nền tảng mạng xã hội, trò chơi trực tuyến và phim ảnh. Việc tiếp xúc với nội dung bạo lực có thể tác động đáng kể đến hành vi của trẻ, tạo ra xu hướng sử dụng bạo lực để đạt được mục tiêu hoặc thể hiện bản thân.
Theo ông Daniel Lopez - Chủ tịch Hiệp hội Chống bạo hành gia đình Singapore - nếu một đứa trẻ gây ra mối đe dọa trực tiếp đến tính mạng hoặc gây tổn hại đáng kể đến cha mẹ, việc tách chúng ra khỏi tổ ấm có thể là cần thiết. Tuy nhiên, các cơ quan xã hội nên can thiệp với nhận thức rằng thanh thiếu niên cần cách tiếp cận khác biệt. Cha mẹ, tổ chức giáo dục và cộng đồng nên tham gia các cuộc trò chuyện cởi mở với trẻ em, giúp chúng phát triển kỹ năng tư duy phản biện để phân biệt tốt - xấu. Thói quen hung hăng của trẻ cũng có thể thay đổi thông qua các biện pháp trị liệu như sửa đổi hành vi, điều chỉnh và phát triển quan điểm sống lành mạnh, các liệu pháp dựa trên tình cảm gia đình.
Điều cốt yếu là không nên vội vàng tội phạm hóa những thanh thiếu niên có hành vi gây rối mà thay vào đó, hãy cố gắng hiểu và làm rõ những nguồn gốc cơ bản khiến đứa trẻ trở nên bất mãn và gây hấn.
Ngọc Hạ (theo CNA, BBC, Psych Central)
Tag:bạo hành,bạo lực gia đình,cha mẹ bị con cái bạo hành