"Sao quần áo bệnh viện xấu dữ vậy, có phải cố tình không?". Một "độc giả tò mò" đã gửi thắc mắc tới cây bút phê bình thời trang Vanessa Friedman của The New York Times cuối tháng 10 vừa qua. 

Trang phục mà độc giả này bức xúc là bộ đồ bệnh viện phổ biến ở Mỹ và Canada, gọi là "áo choàng bệnh viện" (hospital gown), có phần lưng hở với dây buộc hoặc nút bấm. Đây là mẫu thiết kế có tuổi đời hơn 100 năm vẫn được ứng dụng, dù có người phàn nàn chúng lỗi thời và thường không vừa vặn.

Chiếc áo làm nên sức khỏe bệnh nhân - Ảnh 1.

Ảnh: Jose Luis Pelaez/Getty Images

Câu hỏi nghe như đùa, nhưng thật ra hoàn toàn nghiêm túc, vì người hỏi còn đặt vấn đề: "Chẳng phải sẽ tốt hơn cho sức khỏe tinh thần và hiệu quả điều trị của bệnh nhân, nếu họ được mặc trang phục thoải mái hơn sao?". 

Đã có nghiên cứu xem xét khía cạnh này, và đúng là những gì bệnh nhân mặc khi nhập viện có ảnh hưởng đến sức khỏe của họ.

Bộ đồ đâu ai muốn mặc

Trang phục bệnh nhân ra đời nhằm xác định người bệnh đang được chăm sóc y tế, giúp bác sĩ thuận tiện trong thăm khám và làm thủ thuật, đồng thời mang lại cảm giác thoải mái, tiện lợi cho người bệnh. Do ảnh hưởng của văn hóa, xã hội mà trang phục này có sự khác biệt giữa các khu vực hoặc bệnh viện.

Ví dụ, trong khi Mỹ dùng "áo choàng bệnh viện" như đã mô tả, thường có màu xanh nhạt, xanh lá nhạt và hồng thì ở các nước châu Á trang phục bệnh nhân thiết kế kiểu bộ đồ pyjama rộng rãi, có tay dài làm bằng cotton mềm với các họa tiết như sọc, chấm bi hoặc ca rô, và dùng màu sắc sáng như màu xanh nhạt, trắng hoặc xám nhạt. 

Tuy nhiên, cả hai lối thiết kế đều bộc lộ bất cập. Kiểu pyjama có thể kém thông thoáng cho người bệnh phải nằm lâu trên giường, gây cảm giác khó chịu thậm chí dị ứng, còn áo choàng hở lưng khiến người bệnh khó khăn khi tự buộc áo, đặc biệt nếu họ bị thương ở tay và cảm giác không kín đáo, an toàn.

Một thực tế khác: khi nhập viện, người bệnh sẽ được phát một bộ quần áo với kích cỡ gần giống nhau, dẫn tới nhiều trường hợp dở khóc dở cười. Người bệnh trẻ tuổi cao lớn thì thiếu trên hụt dưới, người to béo thì áo không cài được nút, còn bệnh nhân lớn tuổi gầy gò thì cạp quần quá rộng khiến cố định khó khăn. Nhiều người cảm giác khó chịu với chất vải thô ráp, nhàu cũ, mùi nước giặt tẩy công nghiệp và đôi khi từ chối mặc.

Hơn nữa, dù có chức năng rõ ràng, trang phục bệnh nhân lại ảnh hưởng đến cảm xúc của người bệnh, vốn đã mang tâm trạng lo lắng, bất an về bệnh tật khi vào viện. Nhiều người bệnh coi trang phục bệnh viện là biểu tượng của sự yếu đuối, bệnh tật, sức khỏe kém và gây ra những cảm xúc tiêu cực như khó chịu, thất vọng, thậm chí là trầm cảm.

Tất cả đều là các tác nhân thật sự ảnh hưởng đến tâm lý bệnh nhân - gây căng thẳng, mệt mỏi, thậm chí khiến họ bất hợp tác với nhân viên y tế và bất mãn với bệnh viện - gián tiếp làm giảm hiệu quả điều trị, đặc biệt khi hướng tới mục tiêu "lấy người bệnh làm trung tâm".

Đồng phục và sức khỏe bệnh nhân

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Hiệp hội các trường đại học về dệt may (AUTEX) tháng 1-2024 đã sử dụng mô hình khoái cảm - kích thích - thống trị (PAD) để tìm hiểu các thuộc tính của trang phục bệnh nhân tác động đến cảm xúc và thúc đẩy hành vi người bệnh, khi họ mặc trong quá trình điều trị tại bệnh viện.

Nghiên cứu tuyển dụng 146 nhân viên y tế, 124 bệnh nhân nhập viện, 145 bệnh nhân đã từng nhập viện và 5 người nhà đã tiếp xúc hoặc mặc trang phục bệnh viện để trả lời bảng câu hỏi. Họ đến từ nhiều thành phố khác nhau ở Trung Quốc và bao gồm cả nam và nữ ở tất cả các nhóm tuổi.

Các nhà nghiên cứu sử dụng phương trình đặc biệt để phân tích 3 trạng thái cảm xúc: vui vẻ - không vui vẻ (chỉ trạng thái cảm xúc tích cực so với tiêu cực); kích thích - không kích thích (mức độ cảm giác tràn đầy năng lượng so với cảm giác buồn ngủ); và thống trị - phục tùng (cảm xúc kiểm soát và ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và người khác so với bị kiểm soát). Các thuộc tính phổ biến của trang phục bệnh viện được xác định bao gồm kết cấu, màu sắc, hoa văn, hình dáng, cấu trúc, chức năng và công thái học.

Chiếc áo làm nên sức khỏe bệnh nhân - Ảnh 2.

Kết quả xác nhận mối quan hệ nhân - quả mà các thuộc tính trang phục, ảnh hưởng đến cảm xúc của bệnh nhân và xác định phản ứng hành vi của họ. Ví dụ, màu sắc và hình dáng của quần áo bệnh nhân dẫn đến trải nghiệm cảm xúc kích thích; cấu trúc dẫn đến trải nghiệm cảm xúc thống trị, từ đó mang lại cho người bệnh cảm giác tích cực như thích thú, hài lòng.

Bằng cách thiết kế trang phục có cấu trúc hợp lý, phù hợp chính xác với đường viền cơ thể và đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ và sự thoải mái của bệnh nhân, có thể thúc đẩy hành vi người bệnh như chấp nhận và tiếp tục sử dụng trang phục này. 

Hành vi đó của người bệnh đồng nghĩa họ sẽ tuân theo lộ trình điều trị, hợp tác với nhân viên y tế; vui vẻ, thoải mái và tin tưởng quá trình điều trị. Điều này tất yếu sẽ giúp quá trình hồi phục bệnh nhanh chóng và ngược lại; mặt khác đây cũng là cơ sở cho các nhà thiết kế, tạo ra trang phục thúc đẩy cảm xúc tích cực cho người bệnh trong tương lai.

"Thiết kế chữa bệnh"

Hai nhà nghiên cứu đến từ khoa dệt may Đại học Kyung Hee (Seoul, Hàn Quốc) cho rằng trang phục bệnh nhân là một phần của môi trường y tế, hỗ trợ điều trị và giúp phục hồi cả tinh thần và thể chất. "Trang phục bệnh nhân với "thiết kế chữa bệnh" (healing design) có thể giảm bớt căng thẳng, xoa dịu cảm xúc tiêu cực, thậm chí góp phần hỗ trợ quá trình phục hồi của bệnh nhân bằng cách mang lại sự thoải mái, niềm vui, ổn định về mặt tâm lý và sinh lý" - họ viết trên tập san Environmental Research and Public Health tháng 5-2021.

Cách thiết kế này đòi hỏi chú ý đến cảm nhận và tinh thần của bệnh nhân, thông qua một số yếu tố: sự thoải mái, cảm giác thư giãn và tính thẩm mỹ. Theo đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng một thiết kế quen thuộc và thoải mái sẽ cải thiện sự ổn định về mặt cảm xúc, đến từ việc kích thước vừa vặn, không lộ cơ thể mà vẫn đáp ứng yêu cầu điều trị, dễ sử dụng, thuận tiện cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế với chất liệu mềm mại, thông thoáng.

Chiếc áo làm nên sức khỏe bệnh nhân - Ảnh 3.

Ảnh trong nghiên cứu: thay đổi cách sắp xếp họa tiết trên trang phục cũ (trái) và mới.

Khoảng trắng trong thiết kế kích thích cảm giác thư giãn của bệnh nhân, giúp làm dịu tâm trí. Các thiết kế có lề rộng xung quanh họa tiết có thể dẫn đến đánh giá tích cực hơn so với các họa tiết hoa văn có khoảng cách hẹp. 

Màu sắc cùng kích thước, số lượng họa tiết và cách sắp xếp phù hợp tạo cảm giác ổn định về mặt tâm lý. Ví dụ, màu xanh lá cây gợi nhớ đến cây cối; màu xanh lam gợi nhớ đến bầu trời và mặt nước, mang tính yên tĩnh và tích cực, đồng thời khuyến khích sự ổn định. 

Một nghiên cứu về thiết kế cho thấy người cao tuổi thích thiết kế hoa theo phong cách cổ điển, có thể gợi lại những kỷ niệm về quê nhà và mang lại sự quen thuộc và thoải mái.

Tóm lại, trang phục bệnh nhân không chỉ thuận tiện cho việc điều trị mà còn cải thiện cảm xúc của bệnh nhân thông qua thiết kế phù hợp, tinh tế và thẩm mỹ. Nói như Friedman trong phần trả lời trên The New York Times: "Cảm giác khỏe mạnh không chỉ là cảm giác về cơ thể, mà còn là cảm giác hài lòng với những gì mình mặc trên người".

Lý thuyết là vậy, song thực tế rất có ít thay đổi - các bệnh viện đa số dùng mẫu cũ, những sáng kiến cách tân quần áo bệnh viện chưa thật sự thành công. Bệnh nhân có thể mang theo đồ ngủ riêng để nằm viện, nhưng đồ này không được thiết kế để phù hợp với việc gắn đường truyền tĩnh mạch, cổng truyền dịch… Thay đổi phải đến từ chính bệnh viện, tiếc rằng "trong số những mối quan tâm của bệnh viện, thời trang của bệnh nhân luôn nằm gần cuối danh sách" - Friedman viết.

Theo InterWeave Healthcare, nhà cung cấp hàng dệt may chăm sóc sức khỏe lớn nhất (Anh), áo choàng bệnh viện đã có từ khoảng 100 năm trước cùng với phẫu thuật và gây mê. Vào thời điểm đó, bệnh nhân được gây mê trước khi được đưa vào phòng phẫu thuật nên không thể tự cởi đồ. Thiết kế này giúp bác sĩ dễ dàng tiếp cận phần cơ thể người bệnh.

Tuy nhiên, bệnh nhân ngày nay thấy rất bất tiện nếu phải "cởi bỏ quần áo ban ngày, đồ lót và đi bộ xuống hành lang bệnh viện lạnh lẽo và gió lạnh" trong trang phục trên, bởi "rất khó giữ gìn phẩm giá và che chắn cơ thể" - tiến sĩ David Oliver, Bệnh viện Royal Berkshire (Anh), nói với CBC. Thậm chí, kiểu dáng này thành trò cười, với mô tả là "rèm che mông".

Mặt khác, một khảo sát công bố năm 2019 trên tạp chí The Lancet nêu chi tiết về tác động của việc mặc áo choàng đối với 928 bệnh nhân trưởng thành tại Anh cho thấy 58% số người được hỏi cho biết cảm thấy không chắc chắn rằng nó là cần thiết. Hơn 60% cho rằng thiết kế không phù hợp và khó mặc, 72% cảm thấy bị hở hang khi mặc.

Đồng phục và sức khỏe bệnh nhân: Chiếc áo làm nên sức khỏe bệnh nhân - Ảnh 2.

Nỗ lực thiết kế lại trang phục này trong nhiều năm bị trì trệ do các thiết kế không đáp ứng được yêu cầu về sự thuận tiện trong quá trình điều trị. Ví dụ, một thiết kế của công ty thời trang Giftgowns (Mỹ) lựa chọn vải cotton thoải mái và các nút kim loại để đóng phần hở ở lưng và vai. Tuy nhiên, nút kim loại này có thể gây loét do tì đè trong trường hợp bệnh nhân phải nằm lâu do gây mê.

Gần đây, đã có những thay đổi đáng kể. Điển hình vào năm 2018, Care+Wear - một công ty chuyên về đồ dùng y tế - đã hợp tác với các sinh viên tại Trường thiết kế Parsons (Mỹ) thiết kế áo choàng giống như kimono, quấn quanh bệnh nhân và buộc ở phía trước. Ở phía sau, chiếc áo choàng tách ra ngay dưới mông của bệnh nhân và vải chồng lên nhau rộng rãi để tránh bị lộ ra ngoài.

Các nút áo, đường viền cổ áo, đường viền lưng áo khoét sâu và hỗn hợp cotton/polyester mềm mại hơn với nhiều kích cỡ, phù hợp với đa dạng bệnh nhân. Hiện sản phẩm đã được sử dụng rộng rãi và được bệnh nhân và nhân viên y tế đánh giá tích cực. Vấn đề còn lại là kinh phí, tuy nhiên sự hài lòng của người bệnh và quá trình hồi phục nhanh chóng cũng thật đáng giá.

 

PHẠM HẰNG

 

Tag:Bảo vệ sức khỏe, Sức khỏe, Bệnh viện, Bệnh nhân, Quần áo bệnh viện