Ngay từ khi mặt trời còn chưa mọc, cô bé “tuổi teen” Joy Ng ở Singapore đã thức dậy, tập thể dục theo video hướng dẫn trên mạng xã hội. Điều này tưởng chừng hoàn toàn bình thường và lành mạnh nhưng vấn đề là Joy đang mắc chứng rối loạn ăn uống và ám ảnh tâm thần.

Nhiều người đã mắc chứng rối loạn ăn uống do nghe theo các lời khuyên thiếu cơ sở khoa học trên mạng xã hội - Ảnh Minh Họa: Justine Goode  (Getty Images)

 

Nhiều người đã mắc chứng rối loạn ăn uống do nghe theo các lời khuyên thiếu cơ sở khoa học trên mạng xã hội - Ảnh minh họa: Justine Goode (Getty Images)

Cô bé tự áp đặt hình ảnh méo mó về cơ thể của mình, nghĩ rằng mình mập ngay cả khi đang thiếu cân. Những bệnh nhân như Joy thường tập thể dục quá mức, không ăn đủ thức ăn, dùng thuốc nhuận tràng hoặc tự gây nôn đến mức suy kiệt.

Vào năm 2020, khi còn là một thiếu niên khỏe mạnh và năng động, Joy muốn giảm cân trong thời gian mắc kẹt ở nhà do dịch COVID-19. Cô bé bắt đầu tập thể dục và ăn ít hơn. Sau đó, Joy ngày càng ám ảnh với những con số trên cân. Joy đã dành toàn bộ thời gian rảnh rỗi để tập thể dục và tìm, thực hiện theo các mẹo giảm cân, chế độ ăn kiêng trên những nền tảng mạng xã hội như Twitter (hiện là X).

Đối với cô, thức ăn dần trở nên giống như chất độc. Hiện 19 tuổi, Joy được tư vấn tâm lý và đang trong quá trình phục hồi.

Các kênh truyền thông xã hội thường lan truyền các tiêu chuẩn vẻ đẹp không lành mạnh hoặc sai lầm, khiến một số người phát triển hình ảnh méo mó về một cơ thể lý tưởng, bị ám ảnh về việc theo kịp những gì người khác đã làm. Những lời khuyên về chế độ ăn uống thiếu khoa học do những người có ảnh hưởng và người sáng tạo nội dung trực tuyến đưa ra cũng có thể dẫn đến thói quen ăn uống không lành mạnh hoặc rối loạn ăn uống.

Charlotte Chew Soo Cheng - chuyên gia từ Hiệp hội Dinh dưỡng và ăn kiêng Singapore - cho biết: “Nhiều người, đặc biệt là những đối tượng trẻ tuổi, tin tưởng một cách mù quáng vào các xu hướng và lời khuyên về chế độ ăn uống mà họ có thể tìm thấy trên mạng xã hội”.

Sandra (39 tuổi, ở Singapore) đang duy trì một chế độ ăn kiêng được gọi là “chế độ ăn kiêng của Lưu Diệc Phi”, khá phổ biến trên mạng xã hội. Theo đó, cô hạn chế ăn trong 5 ngày mỗi tháng. Trong 5 ngày đó, ngày đầu chỉ ăn trứng, ngày thứ hai ăn toàn chất lỏng, ngày thứ ba ăn thịt và chỉ ăn rau, trái cây trong 2 ngày còn lại.

Sandra chia sẻ: “Tôi đã giảm 3,5kg trong 1 tuần”. Các chuyên gia dinh dưỡng lưu ý: việc giảm cân nhanh như vậy có thể nguy hiểm, đặc biệt là nếu kéo dài trong nhiều tuần. Lý do vì nó có thể đi cùng chứng đau đầu, rụng tóc, mất cơ và kinh nguyệt không đều ở phụ nữ. Mặt khác, giảm cân nhanh trong thời gian ngắn có thể là do cơ thể mất nước và cạn kiệt glycogen chứ không chỉ vì giảm mỡ.

Trên toàn cầu, từ năm 2000-2018, một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Mỹ cho thấy: tỉ lệ người mắc chứng rối loạn ăn uống đã tăng vọt từ 3,4% lên 7,8%. Trong thời đại mà internet và mạng xã hội là nguồn tìm kiếm thông tin của hầu hết mọi người, các chuyên gia cảnh báo mọi người cẩn thận với những lời khuyên về dinh dưỡng thiếu cơ sở khoa học.

Các dấu hiệu nhận biết bao gồm: gợi ý dừng hoặc hạn chế ăn toàn bộ một nhóm thực phẩm; chế độ ăn kiêng hứa hẹn giảm cân cực nhanh hoặc đẩy lùi nhiều căn bệnh nan y; các bài đăng sử dụng những từ “giải độc” hoặc “thiết lập lại quá trình trao đổi chất”; gợi ý mua thực phẩm bổ sung và sản phẩm khác để giảm cân.

Linh La (theo CNA)

Tag:giảm cân,thức ăn,chế độ ăn uống