Những vết sẹo lên tiếng

Trong lúc chờ, T.H. dùng tay phải liên tục cấu vào tay còn lại. Mẹ em ngồi bên cạnh dường như đã quá quen với những hành động này. Chị cố gắng kiên nhẫn gỡ 2 tay con ra, nắm chặt trong tay mình, rồi nói đủ thứ chuyện vui vẻ để con đỡ căng thẳng và thôi tự làm đau bản thân.

Bỏ hết công việc để đồng hành với con nhiều tháng nay, chị Thu Anh (quận 1, TPHCM) - mẹ của T.H. - nhớ rõ đó là một ngày đầu tháng Sáu, khi chị vô tình phát hiện tay của con rướm máu. Hỏi chuyện con, chị càng hốt hoảng hơn khi cô bé vén tay áo lên để lộ ra cánh tay đầy vết cắt.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

“Lúc đó tôi rất sốc. Nỗi lo sợ mất con làm tôi suy sụp” - chị Thu Anh nghẹn giọng. Chị kể, đầu năm học trước, khi điều kiện kinh tế khá giả hơn, vợ chồng chị cho con chuyển từ trường công lập sang trường quốc tế học với hy vọng con có môi trường phát triển tốt nhất. Lúc đó, con phản đối, nhưng anh chị chỉ nghĩ đơn giản chắc cô bé không muốn xa bạn bè cũ, khi qua trường mới chẳng mấy chốc sẽ thích nghi.

Thế nhưng, thực tế không đơn giản như vậy. Vì khả năng tiếng Anh chưa tốt, con không thể hòa nhập vào môi trường và chương trình học mới, không giao tiếp được với bạn bè và bị cô lập. Trong khi đó, cha mẹ lại quá bận rộn nên con chỉ lủi thủi một mình. Sau gần 1 năm học, con mất khả năng tập trung, không thể tiếp tục học và rơi vào tình trạng trầm cảm. Mỗi lần căng thẳng, con dùng tay cào vào cơ thể hoặc tự rạch tay. “Để che đậy, con luôn mặc áo dài tay, mãi tới khi tôi phát hiện thì tay con đã đầy vết thương. Tôi đau lòng và hối hận vô cùng” - chị Thu Anh nói trong nước mắt.

Điều trị ca bệnh này, bác sĩ tâm lý của phòng khám P.K. cho biết, nữ sinh đã rạch tay liên tục trong thời gian dài để giải tỏa cảm xúc. Khi những vết thương đã phủ hết cả cánh tay, bé có xu hướng rạch xuống phần trên của bàn tay, lúc này gia đình mới phát hiện sự việc. Quá trình điều trị, bé cho biết luôn cảm thấy bản thân trong tình trạng tồi tệ.

Nữ bác sĩ nói: “Thậm chí, bé đã đi xăm môi với suy nghĩ nếu có chết vẫn có thể chết trong trạng thái dễ coi nhất. Trường hợp này, dù gia đình bé có điều kiện về kinh tế nhưng lại quá thiếu thốn thời gian và sự quan tâm tới con. Đặc biệt, cha mẹ khi đưa ra những quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến con lại không nghe và không tôn trọng ý kiến của con”.

Tương tự, đến phòng khám tuần 2 lần, em Quỳnh Anh (16 tuổi, học sinh một trường THPT tại quận 3, TPHCM) cũng gặp những khó khăn về tâm lý. Nữ sinh cho biết, bị cha mẹ kiểm soát quá chặt chẽ. Cuộc sống của em chỉ xoay quanh ở trường học, các buổi học thêm và phòng riêng tại nhà. Nhiều năm nay, em gần như không có hoạt động bên ngoài khi thời khóa biểu học dày đặc, cùng với việc mẹ thường xuyên vào phòng, kiểm soát cả việc con nhắn tin, trò chuyện với bạn bè, quản lý chặt giờ ăn giờ ngủ.

Khi đến tuổi dậy thì, Quỳnh Anh bắt đầu xuất hiện cảm giác bức bối, khó chịu. Em phản kháng lại cha mẹ bằng cách bỏ bê việc học, để nhiều bài thi dưới 5 điểm, đóng kín cửa không giao tiếp với ai. Lâu dần, Quỳnh Anh rơi vào trạng thái mất kiểm soát cảm xúc. Tự nhận thấy bản thân có vấn đề nên nữ sinh đã nhờ bạn cùng lớp đưa đi khám và được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm.

Gian nan cuộc chiến với trầm cảm

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Minh Khuyên (chuyên khoa Tâm thể - Trị liệu tâm lý, Phòng khám Bệnh viện Đại học y dược 1) - cho biết, cứ 10 người tới khám thì có khoảng 5 bệnh nhân đang ở lứa tuổi học sinh. Các em gặp nhiều vấn đề như: mất ngủ, rối loạn cảm xúc, rối loạn lưỡng cực, hưng cảm… Trong đó, tình trạng bệnh nhân mắc rối loạn lo âu và trầm cảm là nhiều nhất. Lứa tuổi mắc chứng này cũng ngày càng trẻ hóa. Một số em 10, 11 tuổi đã mắc trầm cảm. Thậm chí, nhiều em không được gia đình quan tâm hỗ trợ mà phải nhờ bạn cùng lớp hoặc tự đến khám một mình.

“Mới đây, tôi tiếp nhận một bệnh nhân là học sinh tới khám một mình, em có ý định tự sát rất rõ rệt. Lo lắng, tôi đã xin số điện thoại và liên hệ với cha mẹ của bệnh nhân nhưng nhận lại phản ứng rất gay gắt. Họ cho rằng “con bé làm quá lên, chứ ở nhà tôi có làm gì nó đâu mà bày đặt trầm cảm”. Đây là một trong rất nhiều phản ứng của cha mẹ học sinh khi nghe đến căn bệnh này. Họ không có kiến thức và cũng mang tâm lý không chấp nhận bệnh.

Điều này khiến nhiều em mắc kẹt trong trầm cảm một mình khi không được điều trị, không có chỗ dựa tinh thần, không có người bầu bạn để chia sẻ. Chúng tôi mong phụ huynh hãy quan tâm con nhiều hơn, đừng để con đơn độc chống chọi với trầm cảm” - bác sĩ Khuyên nhắn nhủ.

Trong nỗ lực hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho học sinh, nhiều trường học ở TPHCM và các tỉnh, thành lân cận  đã cử nhân viên tư vấn tâm lý tham gia các chương trình tập huấn, nâng cao kỹ năng vào tháng 8/2024  tại Viện Ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục - ẢNH: NGUYỄN LOAN
Trong nỗ lực hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho học sinh, nhiều trường học ở TPHCM và các tỉnh, thành lân cận đã cử nhân viên tư vấn tâm lý tham gia các chương trình tập huấn, nâng cao kỹ năng vào tháng 8/2024 tại Viện Ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục - Ảnh: Nguyễn Loan

Theo bác sĩ Khuyên, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trầm cảm ở học sinh như: chịu áp lực từ gia đình, thầy cô về việc học hành (gây áp lực về kết quả học tập, dùng lời nói chì chiết, chửi bới làm tổn thương…); áp lực với bạn bè, trang lứa; bị bạo lực học đường, bị bạn bè cô lập… Tình trạng này dẫn tới rối loạn lo âu, ám ảnh sợ đến trường, lâu dần có thể dẫn tới rối loạn trầm cảm và trầm cảm.

Tùy theo mức độ, trẻ sẽ có những thay đổi về tâm lý như ít nói, cáu gắt, sống khép kín, mất tập trung… Khi bị ức chế, trẻ có xu hướng làm đau thể xác để giải tỏa tinh thần. Khi trẻ gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, phụ huynh nên bình tĩnh tiếp nhận vấn đề và đưa con thăm khám đúng chuyên khoa. Ngoài ra, cần chú ý không để con tham gia các hội nhóm có nội dung tiêu cực trên mạng xã hội, dễ khiến con làm theo hoặc bị ảnh hưởng xấu.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Duy Tâm - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần TPHCM - cho biết, từ năm 2020-2023, bệnh viện tiếp nhận gần 83.000 lượt khám về trầm cảm và trầm cảm tái phát. Trong đó, có khoảng 10 - 15% là người có ý định tự tử.

Theo bác sĩ Tâm, có 3 yếu tố chính giúp bác sĩ xác nhận bệnh nhân bị trầm cảm gồm: cảm xúc buồn - suy sụp tinh thần; chán nản, không có hứng thú với mọi việc xung quanh; suy nhược tinh thần khiến người mệt mỏi. Người bệnh có 1 trong 3 yếu tố này và kéo dài liên tục ít nhất 2 tuần sẽ được xác định mắc trầm cảm. Ngoài ra còn có một số dấu hiệu khác như: mất ngủ hoặc người vật vờ, nằm li bì suốt ngày; chán ăn hoặc mất khẩu vị; chậm chạp cả trong hành vi lẫn suy nghĩ; cũng có người bồn chồn, lo lắng…

Phần lớn bệnh nhân trầm cảm đều được điều trị ngoại trú. Bác sĩ chỉ định nhập viện, cấp cứu tâm thần với những trường hợp có ý định tự sát, bỏ ăn uống, suy kiệt tinh thần, trầm cảm bị loạn thần… để theo dõi, điều trị. Đối với trẻ vị thành niên và các bệnh nhân khác, khi điều trị cần có sự đồng hành và thấu hiểu của gia đình; tùy trường hợp sẽ phải dùng thuốc kéo dài 5-6 tháng hoặc lâu hơn.

Nhằm điều trị đạt hiệu quả, bệnh nhân cần chọn bác sĩ có chuyên môn, không thay đổi bác sĩ liên tục để có thể theo dõi tình trạng bệnh, không tự điều trị theo “bác sĩ” Google, không tự ý ngưng điều trị đột ngột… Ngoài ra, cần giúp các con thoát khỏi không gian kín, tập thể dục đều đặn để giúp giải tỏa tâm trạng, kích thích hoóc môn hạnh phúc, giảm đau về mặt tinh thần.

Ngày càng nhiều người trẻ mắc trầm cảm

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2023, bệnh trầm cảm xếp ở vị trí thứ ba trong danh sách gánh nặng bệnh tật thế giới và đến năm 2030 sẽ đứng ở vị trí đầu, theo tốc độ tăng như hiện tại. Đáng báo động là độ tuổi của bệnh nhân đang ngày càng trẻ hóa - từ lứa tuổi trung niên xuống thanh, thiếu niên.

Tại Việt Nam, thống kê của Bộ Y tế năm 2023 ước tính có khoảng 3,2 triệu người Việt Nam mắc bệnh trầm cảm. Con số này chiếm 3,1% dân số. Trong đó, nhóm tuổi từ 18-29 tuổi có tỉ lệ mắc bệnh cao nhất (5,4%). Tỉ lệ mắc bệnh cao hơn ở phụ nữ (4,2%) so với nam giới (2,1%).

Người trẻ hiện nay dễ mắc trầm cảm hơn so với các thế hệ trước. Một phần là do áp lực học tập và công việc, các vấn đề trong quan hệ xã hội, lạm dụng các chất kích thích, sử dụng mạng xã hội quá nhiều, thiếu kỹ năng xử lý căng thẳng… Ngoài ra còn có tác động từ sự bùng nổ của mạng xã hội, công nghệ thông tin, sự thay đổi trong lối sống hiện đại ít vận động và thay đổi chế độ ăn uống. Nguyên nhân khác là sự thiếu quan tâm, chăm sóc, đồng cảm của gia đình và cộng đồng.

Tỉ lệ học sinh bị trầm cảm rất cao

Khảo sát của nhóm tác giả Trần Quỳnh Anh, Lê Vũ Thúy Hương (Đại học Y Hà Nội) và Nguyễn Thị Hồng Diễm (Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) vào tháng 12/2020 về các yếu tố liên quan đến trầm cảm và ý định tự tử ở lứa tuổi thanh thiếu niên, dựa trên 6.407 học sinh bậc THCS (13-17 tuổi), ở 4 tỉnh, thành khác nhau, cho thấy: có 31,7% học sinh có triệu chứng trầm cảm, 11% có ý tưởng tự tử trong 1 năm. Kết quả khảo sát cũng chỉ ra: học sinh nữ và học sinh lớn tuổi có nguy cơ cao hơn trong việc trải qua triệu chứng trầm cảm và ý định tự tử so với học sinh nam và học sinh nhỏ tuổi hơn.

Các yếu tố nguy cơ dẫn tới tình trạng này gồm: bắt nạt, bạo lực, hút thuốc và tiêu thụ rượu. Trong khi đó, những học sinh có mối quan hệ tốt với cha mẹ/người giám hộ có nhiều khả năng được bảo vệ khỏi triệu chứng trầm cảm và ý tưởng tự tử.

Tương tự, nghiên cứu Các yếu tố ảnh hưởng đến rối loạn trầm cảm ở thanh thiếu niên tại Việt Nam (đăng trên Tạp chí Tâm thần học ASEAN tháng 3/2023) của nhóm tác giả Ngọc Nguyễn, Hoàng Thị Hạnh (Khoa Tâm lý học và giáo dục, Đại học Huế) cũng cho thấy tình trạng trầm cảm ở thanh thiếu niên đang tăng. Nghiên cứu được thực hiện trên 1.336 học sinh THCS và THPT tại Thừa Thiên - Huế, có 50,7% (678 thanh thiếu niên) có triệu chứng trầm cảm tối thiểu, 22,8% (305 thanh thiếu niên) có trầm cảm nhẹ, trong khi 18,7% (250 thanh thiếu niên) có trầm cảm mức độ trung bình và 7,7% (103 thanh thiếu niên) trầm cảm nặng.

Nguyễn Loan

Cần xây dựng nhiều “tầng lưới” sàng lọc để phát hiện trầm cảm

Khi đã mắc trầm cảm, các em cần điều trị phối hợp giữa tư vấn tâm lý và điều trị sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, điều khó khăn lớn nhất và cũng quan trọng nhất với lứa tuổi thanh thiếu niên là sự hỗ trợ từ gia đình. Để các em thoát khỏi trầm cảm, cần sự hỗ trợ kiên trì và bền bỉ, phù hợp từ người thân.

Thậm chí, nếu các yếu tố gây nên trầm cảm đến từ môi trường sống, môi trường gia đình thì khi điều trị các em phải thay đổi môi trường, tách các em ra khỏi những yếu tố này. Điều này không phải dễ dàng (như thay đổi quan điểm sống, cách nuôi dạy, ảnh hưởng từ một vài người trong gia đình…).

Ngoài gia đình, tôi cho rằng, chúng ta cần phải xây dựng rất nhiều “tầng lưới” sàng lọc để phát hiện ra tình trạng của các em. Đó là lưới nhà trường, lưới gia đình, hệ thống y tế, lưới cộng đồng… để “bắt” được các em ngay khi các em có vấn đề về sức khỏe tâm thần; không để các em lọt lưới, rơi tự do trong trầm cảm.

Để làm được điều này, cha mẹ cần thường xuyên chuyện trò, quan tâm và là chỗ dựa tin tưởng để con chia sẻ; nhà trường cần xây dựng mô hình phòng tham vấn tâm lý học đường hiệu quả hơn, không để giáo viên kiêm nhiệm mà cần có chuyên gia tâm lý có chuyên môn. Nhà trường đóng vai trò sàng lọc ban đầu và giúp các em giải tỏa cảm xúc nhất thời, nhưng cần liên kết với các đơn vị, trung tâm để các em được hỗ trợ chuyên nghiệp.

Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Hồng Ân

- giảng viên Trường đại học Hoa Sen, cố vấn chuyên môn tại Sài Gòn Psychub

Tư vấn tâm lý tại trường học cần bài bản, hiệu quả hơn

Ngoài vai trò của gia đình, để hạn chế tình trạng học sinh mắc trầm cảm, nhà trường phải trang bị cách thức để tương tác với học trò, giúp các em vượt qua những áp lực, khó khăn học hành. Phòng tư vấn tâm lý của trường phải thật sự chất lượng, nhân viên tư vấn tâm lý học đường phải được đào tạo bài bản chứ không phải đưa các thầy cô dạy môn khác kiêm nhiệm và làm cho có.

Thực tế, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe tinh thần rất lớn, đối tượng học sinh cũng xảy ra các tình huống rất phức tạp. Với nhiều trường hợp khó, thầy cô nếu không được đào tạo bài bản sẽ không đủ kiến thức, kỹ năng để giúp các em vượt qua những khó khăn này.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Vui
- giảng viên Khoa Tâm lý, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM

Bảo Hân (ghi)

Nguy hiểm và đáng báo động

Một nhóm kín trên Facebook dành cho bệnh nhân trầm cảm xuất hiện hàng loạt chia sẻ của nhiều em ở lứa tuổi học sinh. Thậm chí, nhiều em tâm sự tình trạng bế tắc, tuyệt vọng của bản thân và tìm cách tự tử. Nhiều em sống trong căng thẳng, tự làm đau bản thân kéo dài nhưng người nhà không hay biết.

“Hồi lớp Bảy, em bị stress nên mỗi lần gặp chuyện gì em lại khóc và tự rạch tay cho đỡ buồn. Nghe có vẻ hơi trẻ trâu, nhưng mà lúc đó, trong đầu em lúc nào cũng chỉ có ý nghĩ muốn chết” - một học sinh viết trên nhóm.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Em còn cho biết, dù đã trải qua 5 năm, đến nay em vẫn chưa thể kiểm soát được bản thân khi vẫn tiếp tục giải tỏa cảm xúc bằng cách rạch tay, tự làm mình đau như: đập đầu vào tường, tát vào mặt, cào cấu tay chảy máu và có xu hướng muốn tự tử.

Một học sinh lớp Mười hai cũng tâm sự tình trạng khổ sở khi bị trầm cảm kéo dài. Dù đã được điều trị, em vẫn tự làm hại bản thân khi gặp chuyện buồn và áp lực trong học tập.
Đáng lo ngại hơn, nhiều em chịu sự kiểm soát và áp lực lớn từ gia đình. Các em không thể chia sẻ với người thân mà phải cầu cứu trên mạng.

Có em viết: “Mình đã là học sinh THCS rồi và càng lớn càng muốn có không gian riêng tư, nhưng mẹ mình cho rằng mình có bí mật nào đó, nghi ngờ mình có người yêu nên tự ý mở máy tính xem tin nhắn của mình, mở tủ quần áo kiểm tra, muốn ra ngoài thì mình phải nhờ các bạn nữ chạy sang nhà đón mẹ mới cho đi… Mình cảm thấy rất khó chịu”.

Ngọc Anh

Tag: trầm cảm ở trẻ,chứng trầm cảm,chăm sóc sức khỏe tâm thần,sức khỏe tâm thần học sinh