Khi bạn ngáp ngắn ngáp dài, ước gì được ngả lưng, chợp mắt đôi mươi phút trong giờ làm, thì đâu đó trên Trái đất này cũng có rất nhiều người đang cùng chung cảnh ngộ. Vậy, có hay không cái gọi là "đại dịch thiếu ngủ"?
Nửa đủ nửa thiếu
Theo Viện Y học giấc ngủ Mỹ (American Academy of Sleep Medicine) và Hiệp hội Nghiên cứu giấc ngủ (Sleep Research Society), một người cần ngủ trung bình 7 tiếng mỗi đêm để có sức khỏe tối ưu.
Ảnh: GETTY IMAGES
Một nghiên cứu người từ 18 tuổi trở lên do Công ty phân tích dữ liệu YouGov thực hiện, với cỡ mẫu dao động từ 510 - 2.044 người tham gia tùy nơi, cho thấy một nửa cư dân ở 17 quốc gia và vùng lãnh thổ có thời lượng ngủ đạt tiêu chuẩn. Trong đó, các nước có tỉ lệ ngủ đủ giấc cao nhất là Đan Mạch 67%, Đức 65%, Pháp 62%, Tây Ban Nha 61% và Ấn Độ 60%.
Mặt khác, chỉ 48% người Indonesia, 45% người UAE và 44% người Singapore - tức chưa đến một nửa cư dân ở ba nước này - ngủ trung bình từ 7 tiếng trở lên mỗi đêm. Đáng lo ngại, khoảng 20% người dân UAE, 21% người dân Singapore và 25% người dân Indonesia thường ngủ từ 5 tiếng trở xuống.
Ngoài ra, có tới 7% người Mỹ không biết mình ngủ bao nhiêu tiếng mỗi đêm. Đây cũng là tỉ lệ cao nhất trong số các quốc gia được khảo sát. Một nghiên cứu khác do Công ty tư vấn Gallup (Mỹ) thực hiện cho thấy người Mỹ ngày càng ngủ ít hơn và điều này khiến họ không hài lòng.
Theo Gallup, năm 1942, 59% người được hỏi ngủ hơn 8 tiếng, chỉ có 3% ngủ từ 5 tiếng trở xuống. Đến năm 1990, tỉ lệ ngủ từ 8 tiếng trở lên đã giảm xuống còn 27%, trong khi tỉ lệ ngủ từ 5 tiếng trở xuống lên tới 14%. Ngày nay, 25% số người được hỏi ngủ hơn 8 tiếng, nhưng tỉ lệ ngủ 5 tiếng hoặc ít hơn đã tăng lên 20%.
Thiếu ngủ thường do không dành đủ thời gian để ngủ, không có giấc ngủ chất lượng hoặc cả hai, khác với mất ngủ - bạn không thể ngủ dù đã cố gắng ngủ.
Giấc ngủ REM (giúp thúc đẩy khả năng tư duy, sáng tạo, củng cố trí nhớ, sàng lọc thông tin hỗ trợ hiệu quả quá trình học tập và làm việc ngày tiếp theo) thường xảy ra trong nửa sau của giấc ngủ nên ngủ quá ít có thể khiến cơ thể không có đủ thời gian để hoàn thành chu kỳ.
Cấu trúc giấc ngủ bị gián đoạn hoặc bất thường làm giảm chất lượng giấc ngủ và theo thời gian dẫn đến thiếu ngủ mạn tính.
Châu lục ngủ ít nhất
Chính là châu Á. Người dân ở châu lục này ngủ ít hơn, chỉ 6,5 tiếng mỗi đêm và có sự thay đổi cao hơn cả về khung giờ và thời lượng ngủ vào các ngày trong tuần; họ cũng ngủ muộn hơn những người sống ở châu Âu, châu Đại Dương và Bắc Mỹ, theo nghiên cứu công bố trên tập san Sleep Medicine tháng 8-2023.
Đây là kết quả đến từ việc phân tích 50 triệu dữ liệu về giấc ngủ do 220.000 người dùng sản phẩm Oura Ring (nhẫn thông minh theo dõi giấc ngủ của công ty thiết bị y tế Phần Lan Oura Health Oy) ở 35 quốc gia "đóng góp" trong một năm tròn.
Hầu hết người dùng đều là người trưởng thành đang đi làm, độ tuổi từ 30 - 55. Trung bình mỗi người đóng góp 242 đêm dữ liệu. Giấc ngủ trong tuần và cuối tuần được phân tích riêng biệt.
Nghiên cứu do Trung tâm giấc ngủ và nhận thức tại Trường Y Yong Loo Lin thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS Medicine) hợp tác với Oura Health Oy thực hiện còn phát hiện rằng không chỉ ngủ ít hơn, người châu Á còn có chất lượng giấc ngủ kém hơn.
Dù trên mặt bằng chung, mọi người thường ngủ nướng vào cuối tuần so với trong tuần nhưng người châu Á chỉ "nướng" thêm 10 phút vào mỗi sáng cuối tuần - ngắn nhất so với các khu vực còn lại.
Tiến sĩ Adrian Willoughby, nghiên cứu viên cao cấp của NUS Medicine, cho biết: "Ở châu Âu, cuối tuần thường được coi là thời gian để thư giãn hoặc tham gia các hoạt động xã hội với bạn bè và gia đình.
Tuy nhiên, ở châu Á, mọi người thường tận dụng hai ngày cuối tuần để bắt kịp công việc, làm những việc họ không có thời gian làm trong tuần hoặc đảm nhận nhiều trách nhiệm gia đình hơn. Chúng tôi cho rằng thời gian làm việc dài hơn và sự khác biệt trong văn hóa làm việc ở châu Á khiến mọi người không thể ngủ nướng vào cuối tuần, mà họ thường cố gắng ngủ bù bất cứ khi nào có thể trong suốt tuần".
Thiếu ngủ, mất tiền
Trong một bài viết cộng tác về sức khỏe giấc ngủ đăng trên tờ The Brussel Times tháng 12-2023, tác giả Diana Goderich mạnh dạn khẳng định ngay trong tiêu đề: "Chúng ta đang sống trong đại dịch giấc ngủ toàn cầu". Tờ báo cẩn thận ghi chú "Quan điểm trên là của riêng người viết".
Trên thực tế, Tổ chức Y tế thế giới chưa tuyên bố mất ngủ (insomnia) là một đại dịch nhưng mức độ nghiêm trọng của hiện tượng này thì rõ là đáng báo động, gây nhiều thiệt hại về kinh tế, năng suất và sức khỏe.
Trang Business Insider cho biết những nhà nghiên cứu tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) phát hiện ra rằng giấc ngủ kém làm tăng khả năng phát triển các căn bệnh nan y như ung thư, mất trí nhớ, bệnh tim, tiểu đường tuýp 2 và béo phì. Các bệnh này lại tiếp tục khiến bệnh nhân mất ngủ vào ban đêm như một vòng luẩn quẩn.
Về mặt kinh tế, theo The Brussel Times, ước tính nền kinh tế Mỹ mất đi 1,3 triệu ngày làm việc hiệu quả do nhân viên thiếu ngủ, dẫn đến hiệu suất làm việc thấp hơn. Thiệt hại kinh tế quy chiếu là con số khổng lồ - 411 tỉ USD mỗi năm.
Ở Úc, số liệu năm 2017 cho biết cứ 10 người thì hết 4 người thiếu ngủ, gây ra thiệt hại tài chính khoảng 26 tỉ đô la Úc mỗi năm, chủ yếu do mất năng suất lao động hoặc tai nạn, theo báo The Sydney Morning Herald.
Trong một bài viết cho The Conversation, Philippa Martyr - giảng viên dược lý học tại Trường Khoa học y sinh Đại học Western Australia - "lạc quan tếu" rằng nếu chứng mất ngủ toàn cầu vẫn tiếp diễn, nó sẽ trải thảm cho một ngành kinh doanh khá hứa hẹn, xoay quanh các dịch vụ chẩn đoán và điều trị, cũng như sử dụng các thiết bị hỗ trợ giấc ngủ. Ngành này ước đạt 6,3 tỉ USD vào năm 2030.
Tag:Thiếu ngủ, Mất ngủ, Giấc ngủ, Sức khỏe