Bác sĩ chuyên khoa 2 Lâm Hiếu Minh - Phòng khám tâm lý Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cho biết, tuần nào cũng tiếp nhận hỗ trợ vài trường hợp bệnh nhân được chuyển sang từ Khoa Nội thần kinh. Các bệnh nhân này đi khám nội thần kinh vì triệu chứng đau đầu. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, bác sĩ không thấy có tổn thương thực thể nên gợi ý khám tâm thần kinh. Câu chuyện chung của nhóm bệnh nhân này là đều đang phải chịu một áp lực lớn trong cuộc sống. 

Căng thẳng quá mức gây đau đầu kéo dài

Khoảng 1 tháng nay, ông P.V.S. (48 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) thường xuyên bị đau đầu, cảm giác căng cứng gáy. Cơn đau đầu khởi phát mỗi lúc ông cần tập trung suy nghĩ. Ông mua thuốc giảm đau uống thì hết đau đầu nhưng chỉ tức thời nên ông đến Bệnh viện Đại học y dược TPHCM khám. Dựa trên đặc điểm lâm sàng, kết quả chụp MRI, các bác sĩ xác định nguyên nhân gây đau đầu của bệnh nhân khởi phát do căng thẳng quá mức.

Ông S. được khuyên đi khám chuyên khoa tâm lý. Tại Phòng khám tâm lý của bệnh viện, bác sĩ Lâm Hiếu Minh chẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ mà đau đầu chỉ là một trong những dấu hiệu. 

Ông S. kể rằng mình đang nợ nần chồng chất, việc làm ăn không thuận lợi nên các khoản nợ bị trễ hạn, phải nhận nhiều cuộc gọi điện hối thúc trả nợ. Bên cạnh thuốc làm giảm bớt tình trạng rối loạn lo âu, bác sĩ khuyên ông S. hãy giải tỏa các áp lực, đừng đè nén trong lòng. Bệnh nhân hãy chơi đàn, vẽ tranh hoặc viết ra giấy các khúc mắc của bản thân nếu không thể chia sẻ được với ai.

Theo bác sĩ Lâm Hiếu Minh, rất nhiều người như ông S., hễ đau là tìm cách triệt tiêu cảm giác đó bằng cách uống thuốc giảm đau. Điều này rất không nên. Đau là cách cơ thể gửi tín hiệu cảnh báo đang có điều bất thường. Cần đi khám để tìm chính xác nguyên nhân rồi mới điều trị.

Bác sĩ Lê Viết Thắng điều trị cho một trường hợp đau đầu mạn tính - ẢNH: T.M.

Bác sĩ Lê Viết Thắng điều trị cho một trường hợp đau đầu mạn tính - Ảnh: T.M.

Bà P.T.B.T. (46 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) cũng bị những cơn đau đầu hành hạ suốt 3 tháng nay. Cứ vào chiều tối, cơn đau lại gia tăng. Bà T. cứ bị đau nhói 2 bên thái dương khiến không thể ngủ được. Sáng ra, bà T. đi làm trong trạng thái uể oải, tâm trạng cáu bẳn. Nhận thấy đây không phải là đau đầu thông thường do cảm cúm, bà T. đi khám chuyên khoa nội thần kinh tại nhiều bệnh viện, thậm chí chụp CT não nhưng không ghi nhận có bất thường. 

Tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, sau khi tìm hiểu, bác sĩ biết được vài tháng nay công việc kinh doanh của gia đình bà T. không suôn sẻ. Vợ chồng bà mở quán cà phê nhưng doanh thu kém không đủ trả tiền thuê mặt bằng (80 triệu đồng/tháng). Chủ nhà gia hạn thêm một thời gian ngắn, nếu không đóng tiền thì sẽ lấy lại mặt bằng. Vợ chồng bà T. đã đầu tư rất nhiều tiền vào việc kinh doanh này, nếu việc làm ăn đổ bể sẽ bị tổn thất rất lớn. Kể từ khi buôn bán trì trệ, bà T. luôn bị áp lực, suy nghĩ rất nhiều nhưng không tìm ra giải pháp. Đó cũng chính là thời điểm bà khởi phát cơn đau đầu. Trường hợp như bà T. được chẩn đoán là đau đầu nguyên phát do quá căng thẳng.

Cần học cách thư giãn

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Trung Thành - Trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - cho biết, 70% bệnh nhân tới khám chuyên khoa nội thần kinh liên quan tới triệu chứng đau đầu là do stress. Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, làm ăn khó khăn như hiện nay thì số bệnh nhân bị đau đầu do căng thẳng có chiều hướng tăng cao.

Đặc điểm của đau đầu do căng thẳng là bệnh nhân thường thấy đau kiểu bỏng rát, như kiến bò, đầu bị bó chặt như đội mũ chật, cảm giác đầu trống rỗng. Vị trí xuất hiện cơn đau thường ở vùng chẩm hoặc gáy, đỉnh, trán chẩm, gốc mũi hoặc đau nhói 2 bên. Các bệnh nhân này sẽ đau tăng về chiều tối nhưng chưa tới mức ảnh hưởng đến giấc ngủ. Cơn đau sẽ không bị nặng lên khi người bệnh hoạt động thể lực. Bệnh nhân có thể thấy buồn nôn kèm theo. Nếu người bệnh càng căng thẳng và bị mất ngủ thì cường độ đau càng tăng.

Người đau đầu do căng thẳng sẽ không thể tập trung học tập, làm việc dẫn tới hiệu quả lao động giảm sút. Đó còn chưa kể tâm trạng không thoải mái, luôn trong trạng thái dễ bị kích thích, nóng nảy. 

Theo bác sĩ Trần Trung Thành, điều trị đau đầu do căng thẳng, trước tiên bệnh nhân phải học cách thư giãn. Người bệnh cần ngủ đủ giấc (6-8 tiếng/ngày). Khi đau đầu, bệnh nhân cần không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi, bình ổn trở lại. Có thể cắt cơn đau bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, bệnh nhân cần tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá. Nên chia sẻ khó khăn của mình với người thân và đồng nghiệp để giảm bớt áp lực trong cuộc sống. 

Nhiều trường hợp vỡ túi phình mạch máu não 

2 tuần nay, thời tiết chuyển mùa, tiến sĩ, bác sĩ Lê Viết Thắng - Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - liên tiếp ghi nhận các trường hợp bị đau đầu dữ dội tới mức phải nhập viện. Trong số các ca khám đau đầu, mỗi ngày, Khoa Ngoại thần kinh ghi nhận từ 1-2 trường hợp bị vỡ túi phình mạch máu não. Đây là một dạng dị dạng mạch máu bẩm sinh. Người bệnh đa phần không phát hiện cho tới khi bệnh tiến triển nặng hoặc gặp các yếu tố tác động như thời tiết, căng thẳng quá mức, tăng huyết áp khiến khối phình vỡ ra. Lúc này, bệnh nhân xuất hiện cơn đau đầu đột ngột, dữ dội.

Điển hình là trường hợp bà N.T.D. (48 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM). Cách đây 10 ngày, bà cảm thấy đầu đau như búa bổ, vã mồ hôi, buồn nôn, tay chân hơi tê bì. Bà được đưa vào Bệnh viện Đại học y dược TPHCM khám. Bác sĩ ghi nhận bà D. nói chuyện không nhanh nhạy, lừ đừ, cổ bị cứng. Kết quả chụp CT phát hiện bệnh nhân bị túi phình động mạch cảnh trong. Các bác sĩ quyết định làm phẫu thuật kẹp túi phình cho bà D. Ca phẫu thuật diễn ra suôn sẻ, bệnh nhân hồi phục và được xuất viện sau 1 tuần. Bác sĩ Lê Viết Thắng lưu ý, nếu đau đầu kéo dài trên 1 tháng phải đi khám chuyên khoa. Cần đi cấp cứu ngay khi đau đầu kèm nôn ói, tê bì, yếu liệt nửa người, nhìn mờ. Đó có thể là dấu hiệu của đột quỵ, nguy cơ tử vong cao nếu tới bệnh viện chậm trễ.

Thanh Huyền

Tag:kinh tế suy thoái, áp lực, đau đầu