Xích mích với đồng nghiệp dễ chết sớm

Qua theo dõi 820 người trong 20 năm, các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Tel Aviv (Israel) nhận thấy, tỷ lệ tử vong ở những người có được sự ủng hộ từ phía đồng nghiệp hoặc có những mối giao tiếp xã hội tích cực thấp hơn so với những người làm việc ở môi trường kém thân thiện. Một cách cụ thể hơn, những người ít được ủng hộ về mặt cảm xúc ở nơi làm việc sẽ có khả năng tử vong sớm gấp 2,4 lần so với những nhân viên có mối quan hệ tốt với đồng nghiệp cùng cơ quan.


Các đối tượng tham gia nghiên cứu này làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau như tài chính, chăm sóc sức khoẻ, bảo hiểm và chế tạo, ở độ tuổi từ 25 - 65. Những người nghi ngờ mắc các vấn đề về sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần được loại ra ngay từ đầu cuộc nghiên cứu.

Tổng kết sau khi nghiên cứu này kết thúc năm 2008 cho thấy, 53 người tham gia đã chết. Hầu hết những người này đều không có môi trường làm việc hợp tác tích cực. Một điều khá bất ngờ là nguy cơ tử vong chỉ bị ảnh hưởng bởi mối quan hệ với đồng nghiệp chứ không hề bị ảnh hưởng bởi sếp. Mối quan hệ giữa nhân viên với sếp không hề ảnh hưởng đến khả năng tử vong sớm.

Làm lãnh đạo khiến phụ nữ tổn thọ

Các nhà nghiên cứu còn khám phá ra rằng mức độ kiểm soát cảm nhận trong công việc cũng ảnh hưởng đến nguy cơ này. Nhưng độ ảnh hưởng đối với nam giới và nữ giới thì khác nhau. Trong suốt cuộc nghiên cứu, những nam giới được cho phép tự do làm những việc hằng ngày và nắm quyền chủ động trong công việc thì nguy cơ tử vong thấp hơn. Nhưng đối với các phụ nữ nắm nhiều quyền kiểm soát thì kết quả ngược lại: Nguy cơ tử vong trong thời gian nghiên cứu lên tới 70%.

Phụ nữ càng có quyền kiểm soát nhịp độ và lịch trình công việc càng giữ chức vụ cao. Họ đã và vẫn phải làm nhiều chức trách cùng lúc: vừa làm việc, vừa phải chăm sóc gia đình, con cái. Chính vì vậy, có càng nhiều quyền kiểm soát sẽ gây stress.

Ở thời đại nhiều người liên lạc với đồng nghiệp chỉ thông qua giao tiếp điện tử, nhiều công ty nên khuyến khích một nơi làm việc mang tính sẻ chia xã hội hơn bằng việc ủng hộ sự trao đổi mặt đối mặt. Trong số những cách để thực hiện điều này thì có những cuộc đi chơi giao lưu thường xuyên, những buổi cà phê để mọi người có thể nói chuyện phiếm trong giờ giải lao và những chương trình trợ giúp giữa các đồng nghiệp cho phép nhân viên tự tin trao đổi về các rắc rối và vấn đề trong công việc.

Đỗ Thu Hiền (theo NY Times)

 

Tag:stress, chất lượng cuộc sống,nghề nghiệp, áp lực, công việc, đồng nghiệp, mâu thuẫn, lãnh đạo, phụ nữ