Nam bệnh nhân 34 tuổi, được người nhà đưa đến Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vì nhiều tháng qua thường xuyên mệt mỏi, tự ti về bản thân, có những suy nghĩ tiêu cực. Cũng trong thời gian này, bệnh nhân sụt khoảng 10 kg và gần đây có tình trạng hồi hộp, tim đập nhanh, toàn thân nóng bừng, tay chân run.
Tan vỡ gia đình vì thói quen
Tại bệnh viện, nam thanh niên được chẩn đoán bị rối loạn lo âu và trầm cảm do rối loạn đánh bạc hay còn gọi là nghiện cờ bạc. Người nhà cho biết anh bắt đầu chơi cờ bạc khi đang là sinh viên đại học. Lúc ấy chủ yếu chơi cá độ bóng đá với tần suất và mức tiền cá độ không nhiều, sau đó chơi và số tiền tăng dần. Khi đi làm và lập gia đình, anh vẫn tiếp tục cá độ và phát sinh nhiều khoản nợ khiến vợ chồng xảy ra mâu thuẫn dẫn đến ly hôn. Gần đây, anh rơi vào chán nản và niềm vui duy nhất là chơi cờ bạc không kể ngày đêm, thậm chí nhiều ngày không ăn, ngủ. Mỗi tháng, anh tiêu tốn hết 60-80 triệu đồng cho việc đánh bạc và thường sinh hoạt ở ngoài quán net.
Trao đổi với bác sĩ, bệnh nhân cho biết khi chơi anh cảm thấy thoải mái, hết áp lực, không phải suy nghĩ nhiều và không thể ngừng đánh bạc. Ban đầu bệnh nhân chỉ đánh vài trăm ngàn sau đó tăng dần số tiền cá cược từ vài triệu lên tới 100 triệu đồng/ván, hiện số nợ lên tới vài tỉ đồng.
Một bệnh nhân đang được bác sĩ điều trị tâm lý tại Viện Sức khỏe tâm thần
Bác sĩ Nguyễn Thành Long, Phòng Điều trị nghiện chất Viện Sức khỏe Tâm thần, cho biết đây là một trường hợp cờ bạc bệnh lý (hay còn gọi là nghiện cờ bạc). Tức là người bệnh không kiểm soát được sự thèm muốn các trò chơi may rủi, ghiền cá độ, lâu dần xuất hiện kèm theo những rối loạn tâm thần nặng nề. Tại đây từng điều trị nhiều trường hợp tương tự. Có những bệnh nhân vốn là người trẻ có năng lực, gia đình hạnh phúc nhưng tham gia các trò chơi cờ bạc, cuộc sống bắt đầu có nhiều xáo trộn. Khi nghiện trò may rủi, số tiền thua tăng nhanh, nhiều người đã mất khả năng chi trả, cuộc sống xáo trộn, mâu thuẫn gia đình, bạn bè xa lánh. Từ đó, những người này có cảm giác bi quan và lo âu thường trực. Có người đã cố kiềm chế nhưng không được.
Với nam bệnh nhân nói trên sau 7 ngày nhập viện được kết hợp điều trị giữa hội chứng trầm cảm, lo âu với trị liệu tâm lý nên đã giảm cảm giác lo lắng, khí sắc tốt hơn. Tuy nhiên, theo bác sĩ Long, đây mới chỉ là bước đầu giúp bệnh nhân tái hòa nhập cộng đồng, điều quan trọng là sự hỗ trợ và theo sát của gia đình để hạn chế người bệnh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ có thể làm tái diễn tình trạng đánh bạc.
Theo các bác sĩ, nghiện cờ bạc được gọi là bệnh lý khi hành vi cờ bạc lặp đi lặp lại nhiều lần dẫn đến các vấn đề cho cá nhân, gia đình và xã hội. Những người mắc chứng rối loạn cờ bạc có thể kèm rối loạn ăn uống, giấc ngủ, tập luyện và các hành vi liên quan đến sức khỏe khác.
Kéo người bệnh ra khỏi "vũng lầy"
Bác sĩ Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, Phó trưởng Phòng Điều trị nghiện chất Viện Sức khỏe tâm thần, cho biết nghiện cờ bạc hay những trò may rủi tuy không phải dùng hay nghiện ngập một chất nào đó nhưng đây là một rối loạn tâm thần có thể so sánh với nghiện rượu, ma túy. Người rối loạn cờ bạc gặp khó khăn trong việc kiểm soát thói mê cờ bạc của họ ngay cả khi nó gây ra những vấn đề đáng kể. Nghiện cờ bạc thường gặp ở nam và ở lứa tuổi trưởng thành. Bệnh gặp nhiều ở hai nhóm nhân cách: Nhóm thích mạo hiểm và nhóm bốc đồng. Bệnh nhân được cho là nghiện cờ bạc khi việc đánh bạc ảnh hưởng tới công việc, mối quan hệ gia đình, xã hội… Đây là sự thôi thúc để tiếp tục đánh bạc, không thể kiểm soát được, bất chấp số tiền phải trả cho trò chơi và những ảnh hưởng đến cuộc sống. Tuy nhiên, bệnh nhân không thể dừng được hành vi đánh bạc.
Bác sĩ Ngọc cho biết các nghiên cứu cũng phát hiện những người mắc chứng rối loạn cờ bạc có tỉ lệ rối loạn nhân cách rất cao 60%, rối loạn cảm xúc khoảng 50%, rối loạn lo âu trên 40%. Với các trường hợp được chẩn đoán bị nghiện cờ bạc bệnh lý, bệnh nhân có thể được trị liệu tâm lý, điều biến não, liệu pháp hóa dược, do đó việc tuân thủ điều trị là cực kỳ quan trọng. Sau khi ra viện, họ cần được tái khám và hỗ trợ nhiều về mặt tâm lý từ gia đình.
Theo bác sĩ Ngọc, người bệnh có 4 hoặc nhiều hơn các dấu hiệu như sau: Nhu cầu đánh bạc với số tiền ngày càng tăng để đạt được sự hưng phấn mong muốn. Bồn chồn hoặc cáu kỉnh khi cố gắng cắt giảm hoặc ngừng đánh bạc. Đã nhiều lần nỗ lực thành công để kiểm soát, cắt giảm hoặc ngừng cờ bạc. Thường bận tâm đến cờ bạc (ví dụ có những suy nghĩ dai dẳng về việc hồi tưởng lại những trải nghiệm cờ bạc trong quá khứ hoặc lên kế hoạch cho cuộc mạo hiểm tiếp theo, nghĩ cách kiếm tiền để đánh bạc). Thậm chí, khi được "khơi đúng mạch" người nghiện cờ bạc, nghiện trò may rủi thao thao bất tuyệt kể về các kiểu chơi số đề. "Những người mắc bệnh lý này sau khi thua trong cờ bạc thường quay trở lại vào một ngày khác để hòa vốn... Người mắc chứng rối loạn cờ bạc có thể kèm rối loạn ăn uống, giấc ngủ, tập luyện và các hành vi liên quan đến sức khỏe khác, từ đó dẫn đến kết quả tiêu cực về thể chất và tâm thần" - bác sĩ Ngọc lưu ý.
Các chuyên gia về sức khỏe tâm thần cũng cho biết thói nghiện cờ bạc không hẳn là một hiện tượng tâm lý mà nó còn xuất phát từ yếu tố sinh lý, có nguyên nhân sâu xa từ cấu trúc hệ thần kinh não bộ của mỗi người. Cách phòng ngừa để không mắc rối loạn cờ bạc thì chỉ có liệu pháp duy nhất là không chơi, không sa đà vào thú vui "đỏ - đen". Kể cả khi đã được điều trị chữa khỏi tình trạng rối loạn lo âu và trầm cảm, người bệnh vẫn cần phải cách ly khỏi các trò chơi cá cược.
Đáng nói là có nhiều bệnh nhân bị ám ảnh bởi hiệu ứng "suýt trúng" nên càng thua càng cay cú và cố gắng gỡ. Chính những lần "suýt trúng" như vậy tiếp dục kích hoạt não bộ và làm tăng khao khát được tiếp tục chơi. Đặc biệt, rối loạn cờ bạc thường xảy ra đồng thời với các rối loạn do sử dụng chất gây nghiện, rối loạn cảm xúc, lo âu và nhân cách.
Bài và ảnh: Ngọc Dung
Tag:rối loạn do sử dụng chất gây nghiện, rối loạn cảm xúc, lo âu và nhân cách,rối loạn cờ bạc