Như Báo Người Lao Động đã thông tin, Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM) vừa tiếp nhận cấp cứu 2 trường hợp ngộ độc chất kích thích. Trong đó, cô gái T.N.N.Y (23 tuổi, ở quận Tân Phú) sau khi sử dụng "nước vui" tại tiệc sinh nhật bạn đã rơi vào hôn mê. 

Vậy "nước vui" là gì mà một bộ phận giới trẻ lại ưa thích sử dụng? Nó nguy hại ra sao và ngành y tế khuyến cáo thế nào?

Cô gái nhập viện cấp cứu sau

Cô gái cấp cứu tại Bệnh viện Thống Nhất sau khi sử dụng "nước vui" tại tiệc sinh nhật bạn

Theo BS-CKII Hoàng Ngọc Ánh - Phó Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc,  Bệnh viện Thống Nhất - chất kích thích gây ngộ độc phổ biến là thuốc lắc, bóng cười... Bệnh nhân Y. là trường hợp ngộ độc "nước vui" đầu tiên mà bệnh viện này tiếp nhận.

Qua tìm hiểu, các bác sĩ ghi nhận "nước vui" mà cô gái này đã sử dụng là một dạng chất kích thích tương tự thuốc lắc. Khi sử dụng "nước vui", người dùng sẽ bị kích thích, tác động tới thần kinh dẫn đến cảm giác có vẻ sảng khoái, nói nhiều, kích động…

Kết quả xét nghiệm "nước vui" mà cô gái nêu trên sử dụng cho thấy có chứa chất kích thích Amphetamin, Methamphetamin và Ketamin.

Bác sĩ Hoàng Ngọc Ánh khuyến cáo hiện nay, vẫn chưa có thuốc giải hay thuốc điều trị đặc hiệu đối với các trường hợp ngộ độc do sử dụng chất kích thích. Bệnh nhân sẽ được hỗ trợ điều trị nâng đỡ, điều trị triệu chứng... Trường hợp nặng có thể bị suy hô hấp, tổn thương đa cơ quan, suy thận, tổn thương não. Các chất kích thích gây co thắt mạch máu còn có thể dẫn tới đột tử.

Khoảng 23 giờ ngày 27-2, nhóm bạn 5 người của Y. đã sử dụng một dung dịch màu trắng được gọi là "nước vui" để pha vào rượu trái cây. Sau khi uống loại nước này, cả nhóm bắt đầu có cảm giác vui, hưng phấn, sảng khoái, cười nói nhiều...

Tuy nhiên, sau khoảng 2 giờ sử dụng, Y. bắt đầu nôn ói và rơi vào hôn mê.

NGUYỄN THẠNH

Tag:nước vui, cấp cứu, thuốc lắc, sức khỏe, ngộ độc, bác sĩ