Vì sao gọi là khí gây cười?

Theo BBC, khí gây cười (laughing gas hay nitrous oxide) được nhắc tới lần đầu vào năm 1772 bởi nhà khoa học người Anh tên là Joseph Priestley, sau đó nó được nhà hóa học Humphry Davy nghiên cứu, ứng dụng cho mục đích giải trí. Tên hóa học Nitrous oxide (Đinitơ mônôxit), công thức hóa học N2O, khi bơm vào bóng bay, hay bình nhỏ nên được gọi là bóng cười (funkyball). Bóng cười thực chất chỉ là những quả bóng bay bình thường, được bơm thêm khí N2O để người dùng chia vui theo kiểu “hít-thổi-hít”. Những quả bóng cười kiểu này được bán kèm khí ga với dụng cụ bơm chuyên dụng, người mua cầm bóng để hít-thổi cho đến khi bóng xẹp. Khí N2O lan tỏa, và ngấm vào cơ thể cảm giác phấn khích, tạo ra những tiếng cười khúc khích và người dùng có cảm giác như lơ lửng trên không.

Khí gây cười và những hệ lụy khi sử dụngNgạt, giảm nhịp tim đột ngột là hai trong nhiều hệ luỵ nguy hiểm do lạm dụng khí cười gây ra

Nguyên thủy, khí gây cười từng được con người sử dụng cho mục đích giảm đau khi chữa răng, trong các ca sinh đẻ và nhiều ứng dụng khác. Tại một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam, bóng cười đã có mặt, trở thành trào lưu được giới trẻ ưa thích, thậm chí còn coi nó như một thú vui mỗi khi đi quán bar, hộp đêm. Chỉ cần hít một hơi là có những “tràng cười” sảng khoái. Song mối nguy hiểm lại rất tiềm ẩn, bởi vậy tại nhiều nước trên thế giới, việc bán bóng cười cho trẻ em dưới 18 tuổi đã bị cấm.

Khí gây cười gây nguy hiểm thế nào?

Theo nghiên cứu mang tên Global Drug Survey 2015, mối nguy hiểm của khí gây cười hay bóng cười chính là chất khí (gas) có trong loại bóng này. Còn theo Văn phòng Bộ Nội vụ Anh (HO), đây là chất kích thích phổ biến thứ 4 tại Anh. Năm 2013 - 2014, có khoảng 470.000 người Anh đã sử dụng khí N2O, nhất là giới trẻ, chiếm khoảng 7,6% người trong độ tuổi từ 16-24 đã sử dụng bóng cười, lớn hơn cả tỉ lệ sử dụng cocaine (4,2%) và thuốc lắc (3,9%). Chỉ riêng trong tháng 7/2015 tại hộp đêm ở Shoreditch, London, người ta đã phát hiện thấy có 1.200 cá thể sử dụng loại khí này.

Khí gây cười và những hệ lụy khi sử dụng

Theo HO, từ năm 2006 đến 2012 đã có 17 trường hợp tử vong liên quan đến sử dụng khí cười tại Anh. Năm 2010 có 5 ca và năm 2011 có 1 ca thiệt mạng, nhưng theo Hội đồng tư vấn về lạm dụng ma túy Anh (ACMD), trung bình số người thiệt mạng do bóng cười mỗi năm khoảng 15 trường hợp, trong khi tại Hà Lan đó năm 2014 chỉ có 1 trường hợp. Năm 2007, một thanh niên 23 tuổi đã bị tử vong tại gia với những bình đựng bóng cười xung quanh thi thể hoặc một thanh niên mới 17 tuổi Joseph Benett cxung bị thiệt mạng năm 2012 chỉ vì sử dụng bóng cười với một số chất kích thích khác. Không chỉ có ở Anh, tại Mỹ năm 2010, nữ diễn viên Mỹ Demi Moore cũng đã phải nhập viện cấp cứu vì xuất hiện triệu chứng co giật, run rẩy sau khi sau khi hít bóng cười hoặc năm 2012, một sinh viên ớ ĐH Illinois tên là Benjamin Collen, mới 19 tuổi nhưngđã bị ngạt khí N2O do bóng cười gây ra.

So sánh tỉ lệ tử vong vì các chất nghiện khác tại Anh cho thấy, năm 2011 có 2.652 người chết vì heroin, 112 người chết vì cocain, 13 người tử vong vì thuốc lắc và 7 người thiệt mạng vì cần sa. Điều này cho thấy tỉ lệ tử vong vì khí N2O không cao song trào lưu sử dụng khí gây cười ngày càng rầm rộ nên mối nguy hiểm của nó không hề nhỏ.

Các chuyên gia pháp y phát hiện thấy hầu hết nạn nhân bị sặc N2O khi hít, gây ngạt thở. Ngoài ra, N2O còn phát sinh tình trạng bỏng lạnh hoặc bị giảm nhịp tim đột ngột, thiếu hụt vitamin B12, bệnh thiếu máu... Nguy hiểm từ bóng cười không chỉ diễn ra tức thì, mà nó còn âm thầm, lâu dài, trong đó có hiện tượng giảm lượng oxy máu. Tháng 3 năm ngoái, các bác sĩ ở Bệnh viện nhi Royal Alexandra, Brighton, Anh, đã cảnh báo về loại bóng này sau khi một nữ sinh nhập viện trong tình trạng nguy kịch bởi hít một lượng lớn bóng cười trong lễ hội, gây hiện tượng tràn khí phổi, khiến phổi bị rối loạn. Chưa hết, việc sử dụng bóng cười còn gây ra tình trạng suy giảm vitamin B12, dẫn tới thiếu máu và gây tổn thương thần kinh. Ngoài thiệt mạng, còn có khoảng 4% người sử dụng bóng cười xuất hiện triệu chứng như tê liệt, đau thần kinh, ngứa ran và đau các chi. Trường hợp N2O kết hợp với cần sa hoặc rượu có thể làm tăng nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Để hạn chế mối nguy hiểm do lạm dụng N2O nên chính phủ Anh đã chính thức cấm loại khí này; thủ phạm dẫn đến chứng nghiện thực sự, rất dễ chuyển sang nghiện ma túy. Đơn giản, khi đã quen với ảo giác, con người dễ tìm đến cảm giác mạnh hơn, nhất là thuốc lắc, hàng đá, thậm chí cả heroin... Vì lý do nói trên, mọi người, nhất là lớp trẻ nên cảnh giác với thú vui “từ vô tình đến tử hình” này để bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc cho chính bản thân.

DS. TRANG NHUNG

(Theo BBC-11/2017)

Tag:bóng cười, khí gây cười, nghiện ma túy, ảo giác, thuốc lắc, tê liệt, đau thần kinh, ngứa ran