"6h sáng dậy, tôi phải tìm rượu uống ngay, sau đó lai rai cả ngày", ông Ngọc, nói hôm 8/5, khi đang điều trị tại Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai.
Đây là lần thứ 9 ông nhập viện do rượu. Mỗi lần ra viện, ông Ngọc quyết tâm bỏ rượu, song chưa lần nào thành công. Có lần lâu nhất, ông bỏ được 6 tháng, nhưng "nhìn rượu tôi lại thèm vật vã, không kiềm chế được, tìm mọi cách để có rượu uống, không có tiền thì đi mua chịu".
Ngồi cạnh chồng, bà Lưu, 56 tuổi, cho biết "bạn đời hiền lành, mỗi tội nghiện rượu". Đầu tháng 5, thấy chồng mệt mỏi, không ăn được, kiệt sức, buồn nôn. Đặc biệt, sau uống rượu, ông nói lảm nhảm một mình, như đang trò chuyện với người khác. Có hôm giữa đêm, trong lúc ngủ, người đàn ông quát vợ con "có lên vườn làm không?", không phân biệt được ngày đêm.
Thấy hiện tượng lạ, bà Lưu đi vay mượn khắp nơi, gom được 9 triệu đồng, đưa chồng đến Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra. TS.BS. Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Điều trị Nghiện chất, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết đây là người bệnh điển hình bị loạn thần do uống rượu hơn 20 năm. Ông còn mắc nhiều bệnh thể chất như suy giảm miễn dịch do rượu, lao, men gan tăng gấp 10 lần, rối loạn giấc ngủ...
Hiện, bệnh nhân được theo dõi điều trị bằng thuốc và trị liệu tâm lý, sức khỏe dần ổn định.
TS.BS. Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Điều trị Nghiện chất. Ảnh: Lê Nga
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nghiện rượu là nhu cầu thèm muốn, đòi hỏi thường xuyên đồ uống có cồn, lâu dần thành thói quen.
Rượu là nguyên nhân trực tiếp gây hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm và gần 200 loại bệnh tật khác, đứng thứ ba trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới. Rượu có thể làm ức chế hệ thần kinh, sử dụng lâu dài gây teo não, thoái hóa tiểu não, động kinh, bệnh thần kinh ngoại biên. Ngoài ra, người nghiện rượu dễ mắc bệnh về đường tiêu hoá như viêm gan, xơ gan, ung thư...
Các rối loạn tâm thần do uống rượu gồm cảm xúc không ổn định, cáu giận, lo âu, rối loạn hành vi. Uống rượu kéo dài, bệnh nhân xuất hiện tình trạng loạn thần, dễ có những hành vi nguy hiểm, mất kiểm soát ý thức, đôi khi có ảo giác. Ở mức độ nặng, ảo giác kéo dài.
Bác sĩ Hà cho biết hiện chưa có thống kê số người bệnh loạn thần do rượu, song tuần nào khoa cũng tiếp nhận nhóm bệnh nhân này, có tuần hàng chục người, trong đó nhiều người trẻ 25-30 tuổi. Người bệnh nhập viện với các triệu chứng rối loạn tâm thần từ nhẹ đến nặng như rối loạn giấc ngủ, rối loạn hành vi, kèm theo nhiều vấn đề sức khỏe thể chất nghiêm trọng.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến nghiện rượu, trong đó có yếu tố di truyền. Những trẻ có cha mẹ nghiện rượu, nguy cơ nghiện đồ uống này cao hơn. "Tiền sử gia đình có người nghiện rượu, nguy cơ nặng hơn, tỷ lệ mắc cao hơn. Có khoảng 40-60% nguy cơ một người bị nghiện rượu và thuốc lá là do ảnh hưởng của yếu tố gene di truyền", bác sĩ Hà nói.
Người bệnh được can thiệp và điều trị bằng thuốc kèm trị liệu tâm lý. Song, khi ra viện, họ vẫn có thể tái nghiện. Vì vậy, gia đình cần giám sát người bệnh, phục hồi chức năng tâm lý xã hội để chống tái nghiện, hòa nhập cộng đồng. Bệnh nhân cần thường xuyên tái khám các vấn đề về tâm thần.
Lê Nga
Tag:Hà Nội,loạn thần,nghiện rượu