Bên ngoài ai cũng thấy hoàn hảo, nhưng....

"Hội chứng con vịt" (Duck syndrome) được các nhà nghiên cứu dùng để nói về nhiều người luôn hoàn hảo trong mắt mọi người, họ cố gắng che giấu khó khăn và căng thẳng, áp lực đằng sau vẻ ngoài luôn thành công, điềm tĩnh. Trên mạng xã hội, ta luôn thấy họ tràn ngập trong thành tích, thành công, vẻ ngoài rạng rỡ tươi cười, nhưng không ai biết đằng sau đó là những sóng gió, nước mắt…, những tổn thương tâm lý họ phải chịu đựng. Sự không nhất quán giữa biểu hiện bên ngoài, nỗ lực bên trong này ảnh hưởng sức khỏe tâm thần và hạnh phúc cá nhân của chính họ và gây áp lực lên cả người xung quanh. Bởi sẽ có nhiều người nhìn vào đó và càng thấy dằn vặt, nghi ngờ bản thân khi thấy mình thua kém, bất hạnh, thất bại, không có được sự "thành công dễ dàng" như những người kia.

Khi PGS-TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục VN, nhắc đến hội chứng này ở một buổi tập huấn về tham vấn tâm lý học đường diễn ra cuối tuần qua tại Trường CĐ Công nghệ TP.HCM, nhiều người trong hội trường đã ồ lên. "Hội chứng con vịt" không xa lạ ở học sinh, sinh viên, những người mới đi làm hiện nay.

Thầy K.L, 27 tuổi, giáo viên một trường chuyên biệt tại TP.HCM, cho hay có những khoảng thời gian nhiều áp lực cùng lúc đến với anh. "Tôi đi làm 3 năm, công việc nhiều áp lực. Phụ huynh nào cũng mong con phát triển nhanh, muốn con đi học ở các trường tiểu học bình thường như học sinh khác, đôi khi mong muốn quá mãnh liệt, quên đi vấn đề con đang gặp phải", thầy K.L chia sẻ.

Học sinh, sinh viên stress, trầm cảm: 'Hội chứng con vịt' và những nỗi đau- Ảnh 1.

Sinh viên, người mới đi làm… tham gia Ngày hội an lạc. Nhiều người mang trong mình những khó khăn về tâm lý

THÚY HẰNG

Thầy giáo trẻ cũng thừa nhận, anh cũng gặp áp lực đồng trang lứa, áp lực với thành công từ những người bạn bằng tuổi mình, anh em bà con cùng thế hệ mình…

"Hai lần em đã muốn chết"

Chúng tôi gặp A., sinh viên năm 3 ĐH R. ở Ngày hội an lạc - Healing Day diễn ra tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM hôm 28.7. Khuôn mặt điển trai, nụ cười điềm đạm, học về ngành tâm lý, A. cho biết nhiều người nghĩ rằng bạn rất hoàn hảo: là con một, điều kiện kinh tế tốt, học trường ĐH quốc tế, được cha mẹ chăm lo hết mọi thứ về tài chính, vật chất, luôn năng nổ trong các hoạt động.

"Thế nhưng ít nhất tới giờ đã có 2 lần em muốn tự sát. Em là nạn nhân của bắt nạt học đường suốt những năm học tiểu học, THCS. Vào THPT, em học ở một trường quốc tế thì bị cô lập. Một giáo viên thấu hiểu em thì tới lớp 12, cô cũng chuyển về nước ngoài. Hoàn cảnh lớn lên của em khá đặc biệt. Anh trai của em đã mất. Bà của em, một người không ở cùng nhưng là người có thể lắng nghe em chia sẻ, tâm tình thì mới đây cũng đã lìa xa em. Nó như một giọt nước tràn ly để em lần thứ 2 nghĩ tới cái chết…", A. tâm sự.

Nam sinh chọn học ngành tâm lý mong có thể giúp được cho chính mình và cộng đồng xung quanh. Bản thân A. đang điều trị trầm cảm tại Bệnh viện Việt Pháp, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM.

Vừa khó khăn tài chính, vừa tổn thương tâm lý

Trao đổi với PV Thanh Niên, TS tâm lý học Lê Nguyên Phương, người khởi xướng Ngày hội an lạc hôm 28.7, hỗ trợ tâm lý hoàn toàn miễn phí cho các bạn trong độ tuổi 18 - 28 tuổi, cho biết ông rất không thích từ "vượt sướng", và cả quan niệm của nhiều người "chữa lành chỉ dành cho người giàu, người nghèo thì cắn răng mà chịu đựng".

"Nhiều người thường giả định rằng gen Z bây giờ có đầy đủ, dư dả về vật chất rồi, chỉ thiếu thốn về đời sống tinh thần, gặp căng thẳng, trầm cảm. Thế nhưng thực tế có rất nhiều bạn ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện sống rất khó khăn. Có những bạn mới đi làm, tài chính khó khăn, thu nhập thấp, các bạn phải ở phòng trọ chật hẹp và có những căng thẳng không thể giải quyết được. Lâu dài, nó trở thành lo âu, trầm cảm, đôi khi các bạn bị chấn thương tâm lý từ nhỏ, không có tài chính và cả thời gian để điều trị…", TS Phương trao đổi.

Học sinh, sinh viên stress, trầm cảm: 'Hội chứng con vịt' và những nỗi đau- Ảnh 2.

TS tâm lý học Lê Nguyên Phương (giữa) thừa nhận một thực tế hiện nay, việc tiếp cận với các dịch vụ tham vấn tâm lý, điều trị tâm lý còn khó khăn, xa xỉ với nhiều người

THÚY HẰNG

TS Phương thừa nhận một thực tế hiện nay, việc tiếp cận với các dịch vụ tham vấn tâm lý, điều trị tâm lý còn khó khăn, xa xỉ với nhiều người. Do đó, ông và những cộng sự tổ chức Ngày hội an lạc và mong có nhiều sự kiện như thế này để mọi người được hỗ trợ về tâm lý miễn phí. Để những người là học sinh, sinh viên, người mới đi làm, người khó khăn về tài chính được biết rằng mình không cô đơn, được kết nối với bản thân và người xung quanh.

"Tôi muốn nói với những bạn đang gặp khó khăn, tổn thương tâm lý rằng hành trình chúng ta phải vững tin để tiếp tục đi tiếp, để chữa lành, để tìm được sự thông hiểu, đồng cảm, nương tựa. Tôi mong các bạn tin rằng ngoài kia vẫn còn người đồng hành cùng các bạn, lắng nghe, chia sẻ cùng các bạn. Các bạn không cô đơn", TS Phương bộc bạch. (còn tiếp)

Vì sao căng thẳng, lo âu nhiều ở học sinh, sinh viên ?

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Giào, Viện trưởng Viện Ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục, cho biết học sinh, sinh viên hiện nay phải đối mặt với nhiều vấn đề, từ áp lực học tập, thi cử, những nhận thức chưa đúng đắn về giới tính, tình yêu, bắt nạt học đường… Tất cả được đặt trong bối cảnh xã hội ngày nay phát triển với tốc độ không ngừng, việc kết nối ảo trên internet và công nghệ hiện đại khiến các thành viên trong gia đình, con người với con người… có vẻ như dần đánh mất đi kết nối thực tại.

Theo báo cáo của Bộ Y tế năm 2023, ước tính có khoảng 3,2 triệu người VN mắc bệnh trầm cảm, chiếm 3,1% dân số. Trong đó, nhóm tuổi từ 18 - 29 có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất (5,4%); phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn (4,2%) so với nam giới (2,1%). Theo các báo cáo, tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm chung ở trẻ em là 2%. Ở lứa tuổi vị thành niên, con số này từ 5 - 8%.

Ông Giào khẳng định từ những vấn đề học sinh gặp trầm cảm, căng thẳng và nhiều vấn đề tâm lý nêu trên, có thể thấy được tầm quan trọng của việc tham vấn tâm lý học đường cần phải được quan tâm và đẩy mạnh nhiều hơn.

Một nghiên cứu của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho thấy số lượng người làm công tác tham vấn học đường ở khu vực phía nam tăng dần qua các năm, từ 0,34 người/trường năm 2013 - 2014 lên 1,09 người/trường vào năm học 2017 - 2018. Con số này được đánh giá là vẫn ít ỏi. Trong khi đó, vì nhiều lý do, nhiều học sinh, sinh viên còn e ngại tham vấn tâm lý trong trường học.

Thúy Hằng- nguyenthuyhang840@gmail.com

 

Tag:trầm cảm,Hội chứng con vịt,tổn thương tâm lý,Stress,chữa lành,học sinh, sinh viên trầm cảm,Tâm lý học đường