Bộ phim của đạo diễn người Kazakhstan Farkhat Sharipov kể về nhân viên ngân hàng 40 tuổi Kanat lâm vào khủng hoảng: gia đình sắp tan vỡ khi vợ và con gái bỏ đi, chán nản ở công ty, không tìm được nghĩa sống của mình... Bối cảnh câu chuyện diễn ra ở nước cựu Cộng hòa Xô viết Kazakhstan, nhân vật chính mỗi sáng thức dậy luôn tự hỏi anh ta đang sống ở đất nước nào?

Hôm nay, trong thang máy, anh ta nghe được cuộc trò chuyện về những nỗ lực vụng về trong việc thay thế ngày lễ phương Tây Valentine bằng một ngày lễ dân tộc, hay Kazakhstan sắp chuyển từ hệ chữ viết Cyrillic sang hệ Latin. Trên tờ tiền giấy, chân dung các lãnh tụ thay đổi. Còn ở ngân hàng, Kanat sợ những người lạ sẽ nắm quyền... Mọi chuyện bỗng chuyển sang bước ngoặt khi ngân hàng đón một nhóm giám sát, trưởng nhóm là bạn đồng học cũ của Kanat - một người thành đạt, hạnh phúc và Kanat được ngân hàng cử đi học lớp “Huấn luyện phát triển cá nhân”...

Thời kỳ biến động cảm xúc

Bộ phim vẽ ra một khung cảnh điển hình của những con người hiện đại trong cuộc “khủng hoảng tuổi trung niên”: họ phải đối mặt những vấn đề gia đình, bồi thêm những biến động của thời đại.

Năm 2018, nhà tâm lý trị liệu Elena Elfimova (Nga) trong cuốn sách Những cuộc khủng hoảng quan hệ cá nhân đã chỉ ra những dấu hiệu của cuộc khủng hoảng tuổi trung niên: “Một sáng thức dậy, bạn nhìn vào gương và không nhận ra mình: một gương mặt trưởng thành, một cái nhìn nghiêm túc, những nếp nhăn... Chẳng lẽ đó là tôi? Đó là khi bạn thấy chán ngán việc làm đến độ muốn bỏ việc, những công việc trước kia mang đến cho bạn niềm vui giờ trở nên buồn chán, trong bạn xuất hiện những mối quan tâm tới tôn giáo, triết học, trong khi lòng muốn trốn chạy khỏi tất cả. Bạn mất nhiều thời gian hơn cho việc chăm chút tủ quần áo, xuất hiện những thay đổi tự nhiên trong việc chọn tông màu... Cùng lúc, bạn lại thích lối sống đơn giản, thích hồi tưởng về tuổi thơ, phát hiện những vấn đề của mình về trí nhớ, dễ dàng bị stress...”.

Khủng hoảng tuổi trung niên là cuộc khủng hoảng ở thời kỳ biến động các cảm xúc ở tuổi trung niên (thường từ 40-60 tuổi, cũng có khi sớm hơn), đặc trưng bởi mong muốn thay đổi mạnh mẽ. Lúc đầu, cuộc khủng hoảng này được cho là xuất hiện bởi nỗi lo sợ về cái chết, nhưng hiện nay định nghĩa này đang được mở rộng, bao gồm thêm các vấn đề mà cả nam lẫn nữ giới phải đối mặt như những vấn đề về tâm lý, xã hội, thể chất liên quan đến sự lão hóa. Tuổi trung niên là con đường để nhìn lại, tổng kết và tự định hình lại lần nữa.

Tác giả Elena Elfimova giới thiệu các nghiên cứu khoa học ở Nga, chỉ ra rằng chỉ 10-26% người trên 40 tuổi lâm vào cuộc khủng hoảng này. Vì thế theo bà, chính xác hơn nên nói về “giai đoạn chuyển tiếp của tuổi trung niên”.

Còn Amy Morin, giảng viên của Northeastern University (Massachusetts), cho biết một nghiên cứu về tuổi trung niên ở Hoa Kỳ cho thấy 26% những người tham gia thăm dò cho biết họ đã trải qua cuộc khủng hoảng này. Hầu hết họ cho rằng cuộc khủng hoảng xảy ra bởi một sự kiện chính nào đó hơn là vì tuổi tác. Đó có thể là cuộc ly hôn, mất việc, một người thân từ trần, hay thay đổi chỗ ở...

Dù được gọi tên thế nào đi nữa thì trung niên là giai đoạn xảy ra những thay đổi nhất định trong việc cảm thụ và nhìn nhận thế giới. Nhiều người định nghĩa nó như thời kỳ của những biến động và thay đổi của cá nhân, thời kỳ khủng hoảng cảm xúc.

Khác với những kỳ vọng về mặt lý thuyết, nhiều người không gắn cuộc khủng hoảng trung niên với nỗi sợ tuổi già hay cái chết. Với nhiều người, tuổi trung niên là giai đoạn mà các mối quan hệ và vai trò đang diễn ra thay đổi. Một số người bước vào tuổi trung niên phải chăm sóc cha mẹ già. Những người khác cảm thấy trống rỗng, hoặc cảm nhận con cái mình đang trưởng thành quá nhanh.

Khủng hoảng tuổi trung niên: Hãy chui vào kén!

Ảnh: pinterest.com

Đừng hối tiếc, hãy suy ngẫm

Với một số người khác, tuổi trung niên là thời gian hối tiếc. Một số người tiếc vì chọn sai ngành nghề, hoặc không tạo ra được cuộc sống mà họ từng mơ ước. Thêm vào đó, quá trình lão hóa ở giai đoạn này đang ngày càng rõ. Một số người bắt đầu đổ bệnh, số khác nhận ra sự suy giảm thể lực của mình.

Đối với một số cá nhân, trung niên là thời gian cho họ suy ngẫm. Họ có thể nhìn lại những năm tháng đã trôi qua và đặt câu hỏi cuộc đời mình sẽ ra sao nếu chọn một con đường khác. Đối với những ai đã định được mục tiêu sẽ ít ngẫm ngợi hơn và nhiều hành động hơn. Thay vì nhìn lại những năm đã qua, họ có thể bắt đầu đấu tranh để đạt được những mục đích lớn hơn trong nửa sau của cuộc đời.

Khủng hoảng tuổi trung niên không trôi qua trong chân không, nó luôn diễn ra trên bối cảnh các mối quan hệ. Ở cấp độ xã hội rộng lớn, dòng chảy của nó phụ thuộc các chuẩn mực văn hóa của cuộc sống, vào kỳ vọng hạnh phúc, các biện pháp đạt được thành công, các khả năng cho sự cơ động, vào thành công của y khoa đối với sức khỏe và nhan sắc, cũng như vào những kinh nghiệm mà chúng ta có được từ tổ tiên và những đối tác trung niên của chúng ta.

Theo nhà trị liệu tâm lý Mỹ Adam Blatner, mỗi người trong chúng ta đều trải qua trong đời mình hai sự khởi đầu, hai khoảnh khắc khi ta phải xây dựng lại thái độ đối với thế giới. Lần đầu là khi ta bước vào thời niên thiếu, phát hiện ta có khả năng tác động đến thế giới này, thay đổi nó. Phát hiện đó là một thách thức nghiêm túc, đòi hỏi không ít thời gian và công sức để hiểu ta phải xử lý nó thế nào. Để rồi vào cuộc khủng hoảng trung niên ta hiểu ra rằng không phải tất cả đều lệ thuộc chúng ta, không dễ gì ta có thể thực hiện được hết những kế hoạch của mình, rằng chúng ta phục tùng giới hạn khả năng của mình và ta đối với những giới hạn thể lý, tâm sinh lý của mình một cách trách nhiệm hơn.

Tìm sự viên mãn sống còn

Nhà tâm lý trị liệu Christophe Faure cho rằng đối với lời kêu gọi nội tâm yêu cầu thay đổi, ta cần xem xét và đánh giá lại cuộc sống của mình, mối quan hệ đối với thế giới xung quanh, chấp nhận cơ thể mình không còn như ngày trước... Ta cần đặt cho mình các câu hỏi động chạm tới hầu hết các lĩnh vực: công việc, gia đình, đời sống cá nhân, tình dục. Đừng ngại lập ra một danh sách câu hỏi: “Mình muốn gì, làm việc ở đây hay ra đi?”, “Mình cần gì?”...

Christophe Faure ví von con người giai đoạn này nên “như một con sâu, chui vào kén để trong sự tĩnh lặng đó chuẩn bị cho giai đoạn sau sự tồn tại của mình - trong hình hài một chú bướm”. Chúng ta nghe lời kêu gọi từ nội tâm, cần phải đáp ứng nó. Nhưng điều quan trọng cũng phải nhận ra rằng chúng ta sẽ chống lại sự thay đổi: chúng ta sợ mất đi con người cũ, vai trò, vị thế của mình - tất cả những gì đã làm nên chúng ta ở nửa đầu của cuộc đời.

Christophe Faure viết: “Nghịch lý là nếu chúng ta không chịu từ bỏ cái “tôi” trước kia, ta càng sẽ đánh mất gì đó nhiều hơn”. Ở đây, nhiều điều phụ thuộc chính chúng ta - ở mức độ trưởng thành, ở khả năng thấu hiểu rằng từ bỏ những kế hoạch hôm qua hoàn toàn không có nghĩa là thất bại, những kế hoạch mới có thể đưa ta tới những thắng lợi với hương vị mà ta chưa từng biết. Nhưng cũng có lúc khi con người chưa đủ chín chắn và va phải cảm giác trống rỗng, chính cuộc khủng hoảng sẽ giúp họ hiểu những gì đang xảy ra. Nhiều người tìm kiếm những nguồn lực bổ sung ở những lĩnh vực mà trước đây họ chưa chú ý đến. Đó là lý do vì sao việc tìm tới tôn giáo ở nửa sau của cuộc đời trở nên phổ biến.

Dễ hiểu nếu lâm vào cuộc khủng hoảng tuổi trung niên, bạn hay khóc thương cho những gì đã không làm được: không thể trở thành nhà vô địch đua ngựa, hay làm nghệ sĩ violin... Nhưng khi đến được với nhận thức cuộc sống chúng ta “ở đây và bây giờ”, cuộc sống như nó đang là, ta sẽ mở ra cho mình một không gian rộng lớn các cơ hội.

Nói về những diễn biến này, nhà tâm lý học Đức Carl Gustav Jung cho rằng đây là giai đoạn con người tiến tới nhận thức trọn vẹn, đầy đủ về chính mình: một phần của cái “tôi” nửa đầu đời đã nhường chỗ cho phần khác của cái tôi mà trước đây ta đã giữ nó trong bóng tối, để có thể sống và tồn tại dưới nhãn quan của kẻ khác.

Giờ chúng ta bắt đầu đặt câu hỏi cho chính mình: “Tôi muốn để lại dấu ấn gì?”, “Tôi có thể truyền lại gì cho các thế hệ mai sau?”, “Làm cách nào tôi có thể đồng nhất với bản thân mình, quan tâm tới chính mình, tới những người thân thiết, tới chính cơ thể của mình vốn đang giúp tôi tồn tại?”. Carl Gustav Jung nói đây là giai đoạn con người suy ngẫm về tất cả những điều này, không phải vì nỗi sợ chết, mà vì chính tâm hồn chúng ta đòi hỏi điều đó từ ta. Chúng ta nỗ lực để trở nên nguyên vẹn về mặt nội tâm, đạt được sự viên mãn sống còn. Và chính ở đó là ý nghĩa thực sự của những thay đổi tuổi trung niên.■

Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ hướng dẫn một số dấu hiệu cho thấy bạn lâm vào tình trạng “khủng hoảng cảm xúc”: đó là sự thay đổi rõ ràng, đột ngột trong hành vi. Cụ thể như:

- Chểnh mảng vệ sinh cá nhân.

- Thay đổi đáng kể thói quen ngủ.

- Giảm hoặc tăng cân.

- Thay đổi thấy được trong tâm trạng, như gia tăng sự cáu kỉnh, tức giận, buồn bã hoặc lo lắng.

- Rút khỏi những lề thói thường nhật hay các mối quan hệ bình thường.

TƯỜNG ANH​

Tag:khủng hoảng trung niên thiền cân bằng tâm lý