Theo anh T. , cháu B.L. con anh chỉ đơn giản là hiếu động hơn người bình thường một chút mà thôi... Tuy nhiên, qua hai lần chuyển trường với những lời “mắng vốn” y hệt: không tập trung, thường xuyên không nghe lời cô, gây mất trật tự, hay đánh bạn... đã khiến anh T. quyết định đưa con đến chuyên gia tâm lý. Kết quả chẩn đoán: B.L mắc chứng ADHD, viết tắt của Attention-deficit hyperactivity disorder - Rối loạn tăng động giảm chú ý, một trong những rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ em với đặc trưng là những hành vi hiếu động thái quá đi kèm sự suy giảm khả năng chú ý.
Thực tế, những ngộ nhận và phản ứng ban đầu theo kiểu anh T. là hết sức phổ biến đối với các bậc phụ huynh ở các trường mầm non trong những tình huống tương tự. Thậm chí, ngay cả khi có kết quả chẩn đoán từ các chuyên gia, nhiều phụ huynh có trẻ mắc chứng ADHD vẫn tỏ ra nghi ngờ hoặc khăng khăng không chấp nhận. Nguyên do chủ yếu, theo các chuyên gia tâm lý, đó là do họ đã “đánh đồng” khái niệm hiếu động với hội chứng ADHD. Ranh giới của hiếu động và tăng động lập lờ trong họ. Mặt khác, một lý do đơn giản và dễ hiểu nữa là khi đối mặt với chẩn đoán ADHD, các bậc cha mẹ đã sốc. Bởi họ thật
sự không muốn “cục cưng” của mình, vốn hàng ngày vẫn nói cười hoạt bát, nhanh nhẹn, đáng yêu… với ông bà, cha mẹ.., thậm chí là rất thông minh (không ít trẻ mắc chứng ADHD có chỉ số IQ khá cao) phải “rơi” từ chỗ hiếu động - một tính cách vốn được quen nhìn là ưu điểm, trở thành đối tượng của một bệnh lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng học tập, nhận thức, giao tiếp và nhất là những tác hại khôn lường về nhân cách: ngỗ nghịch, bốc đồng, bất mãn, nghiện game, cờ bạc, đua xe, bạo lực, phạm pháp… nếu không kịp thời phát hiện bệnh và có phác đồ điều trị hiệu quả.
Nhận định chung của giới chuyên môn trong nước đều cho rằng: ADHD là bệnh còn khá mới mẻ ở nước ta, những hiểu biết và mức độ quan tâm trong cộng đồng còn quá ít. Do đó, các bậc phụ huynh phải nâng cao nhận thức, khi thấy nghi ngờ cần phối hợp với cô giáo để phát hiện và điều trị bệnh sớm cho con, phát hiện bệnh muộn thì khả năng chữa khỏi là vô cùng khó khăn. Theo thống kê trên toàn cầu của Tổ chức y tế thế giới (WHO), cứ 100 trẻ thì có từ 3 đến 5 trẻ mắc rối loạn này với một số triệu chứng bắt
đầu trước tuổi lên 7. Lứa tuổi thường mắc bệnh là từ 8 đến 11, trẻ trai có khả năng mắc cao gấp 3 lần trẻ gái. Còn ở Việt Nam, theo một nghiên cứu tương đối quy mô trên 1.594 học sinh ở hai trường tiểu học tại Hà Nội cho thấy tỷ lệ mắc bệnh là 3,01%.
Để giúp các bậc cha mẹ kịp thời nhận biết hội chứng ADHD ở con trẻ, theo healthday.com - Thư viện về y học quốc gia Mỹ liệt kê một số triệu chứng phổ biến ở trẻ mắc ADHD. Đó là: 1. Bất cẩn trong học tập cũng như tham gia các hoạt động ở trường; 2. Hay đánh mất các vật dụng cá nhân hoặc dụng cụ học tập; 3. Khó tập trung lâu; 4. Không chịu lắng nghe và thực hiện theo các chỉ dẫn của người lớn; 5. Hay quên và dễ bị xao nhãng; 6. Khó ngồi yên một chỗ hoặc hành động nhẹ nhàng; 7. Nói nhiều và thường hay gây mất trật tự trong lớp học.
MY NGUYỄN
Tag:ADHD, rối loạn tăng động giảm chú ý, trẻ em, cha mẹ