Prateep, người đã phục vụ trong ngành hơn 30 năm, nhớ lại vụ việc: “Bác sĩ bảo tôi bị trầm cảm. Tôi phải nghỉ việc suốt 6 tháng”. Hiện nay, Prateep phải uống thuốc hằng ngày.

Trầm cảm hiện đang là vấn đề trong lực lượng cảnh sát Thái Lan và ngày càng trở nên nghiêm trọng đến mức chính quyền phải mở đường dây nóng để tiếp nhận những trường hợp cần được chữa trị.

Trầm cảm đang là vấn đề lan rộng trong lực lượng cảnh sát Thái Lan.

Theo số liệu từ các bệnh viện tâm thần ở Thái Lan, năm 2015 có 108 sĩ quan cảnh sát được điều trị chứng trầm cảm và con số tăng dần đến 143 năm 2016 và 171 năm 2017. Prateep nằm trong số rất nhiều bệnh nhân - cảnh sát mắc chứng trầm cảm gây lo ngại cho chính quyền Thái Lan. Nhưng, Prateep vẫn còn may mắn hơn những người khác vì còn kiểm soát được tâm thần. Trong những trường hợp tồi tệ nhất, chứng trầm cảm không kiểm soát được có thể dẫn đến hành vi tự sát một cách dễ dàng do cảnh sát mang súng trong người.

Prateep thừa nhận: “Cảnh sát có súng. Thế nên, chúng tôi dễ tự sát hơn những người khác nếu muốn kết liễu đời mình”. Trầm cảm và tự sát do trầm cảm là vấn đề đang được bàn luận nhiều không chỉ ở Thái Lan mà cả trên toàn cầu. Tháng 10-2017, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bắt đầu tiến hành chiến dịch kéo dài 1 năm gọi là “Depression: Lets Talk” (Trầm cảm: Hãy cùng nhau bàn luận) khuyến khích những bệnh nhân trầm cảm ở mọi quốc gia cùng nhau chia sẻ và tìm kiếm sự giúp đỡ.

Một sĩ quan truy cập trang Facebook “Depress We Care” trên smartphone.

Theo số liệu WHO, hơn 30 triệu người ở mọi độ tuổi trên toàn thế giới mắc chứng trầm cảm. Ở Thái Lan, con số đó là khoảng 1,7 triệu người - theo số liệu năm 2017 từ Trung tâm về rối loạn trầm cảm thuộc Bộ Y tế Thái Lan. Trong đó, khoảng 700.000 người có ý định tự sát nên cần được giám sát chặt chẽ. Trong những năm sau này, trầm cảm trong lực lượng cảnh sát Thái Lan trở nên nghiêm trọng hơn nhiều.

Theo dữ liệu từ Khoa Tâm thần và Ma túy của Bệnh viện Đa khoa Cảnh sát, năm 2017 có hơn 500 cảnh sát đến để được tư vấn tâm thần. Theo số liệu từ Bệnh viện Đa khoa Cảnh sát, từ năm 2008 đến 2016 gần 300 sĩ quan tự sát do trầm cảm. Tướng Witoon Nitiearangkul, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cảnh sát, đánh giá: “Hành vi tự sát nơi các sĩ quan cảnh sát cao hơn những người khác gấp 3 lần do bị stress nặng hơn và có súng trong tay”.

Bác sĩ tâm thần Chaichana Jaroonpipatkul giải thích: “Trầm cảm sinh ra do các yếu tố bên trong như di truyền trong gia đình hoặc do trạng thái mất cân bằng nơi các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ. Ngoài ra là một số yếu tố bên ngoài như stress do áp lực công việc, khủng hoảng tài chính, ly hôn và nhiều vấn đề khác”.

WHO phân chia trầm cảm ra 2 loại: rối loạn trầm cảm hồi quy (thường xuyên tái phát) và rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Dạng thứ nhất gây lo âu, rối loạn giấc ngủ, mất vị giác, cảm giác có tội và khó tập trung tinh thần. Dạng thứ hai về cơ bản là sự luân phiên giữa 2 cảm xúc hưng phấn và ức chế.

Trang “Depress We Care”.

Nữ bác sĩ tâm thần Thaniya Banjongjit ở Bệnh viện Đa khoa Cảnh sát phát biểu: “Điều mà chúng tôi lo lắng là cảnh sát có súng trong tay. Điều đó có nghĩa là họ không chỉ gây nguy hiểm cho chính bản thân mà còn cho cả những người xung quanh. Trong khi đó, nhiều cảnh sát không biết mình mắc chứng trầm cảm nên không đến bệnh viện để được chữa trị”.

Về phần mình, bác sĩ tâm thần Pongkwan Yimsaard chia sẻ tin vui - trầm cảm có thể hạn chế và chữa được. Do đó, sĩ quan cảnh sát vẫn có thể sống bình thường nếu họ thường xuyên dùng thuốc để giữ cho tâm thần bình lặng.

Pongkwan cho biết: “Thường thì chúng tôi kết hợp giữa dùng thuốc và liệu pháp tâm lý. Hiện nay, các loại thuốc chữa trầm cảm ít có hiệu quả phụ hơn trước đây nhờ sự phát triển của y khoa hiện đại”.

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Cảnh sát tạo trang Facebook dành để tư vấn và giúp đỡ những sĩ quan cảnh sát có nguy cơ bị trầm cảm. Trang gọi là “Depress We Care” (Chúng ta chữa trầm cảm) cho phép các sĩ quan cảnh sát gửi thông điệp riêng tư hay những câu hỏi cần được tư vấn. Ngoài ra, bệnh viện cũng cung cấp đường dây nóng làm việc 24 giờ.

Tướng Witoon Nitiearangkul khẳng định: “Đó là kênh mà các sĩ quan có thể tự do bàn luận về mọi vấn đề của họ trực tiếp với đội ngũ bác sĩ tâm thần bệnh viện. Mọi cuộc trao đổi đều được giữ bí mật tuyệt đối”. 

Duy Minh (tổng hợp

Tag:dấu hiệu trầm cảm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)