Do định kiến giới còn khá nặng nề, nhiều nam giới bị "bỏ lại", ít tìm đến sự trợ giúp khi mắc trầm cảm. Hệ lụy ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hôn nhân gia đình.
Khi nhận thấy những bất thường về cảm xúc, cả hai vợ chồng cần được tham vấn tâm lý mới có thể cải thiện tình trạng tốt nhất.
TS Ngô Thị Thanh Hương
Nhiều nam giới cũng rơi vào khủng hoảng tâm lý sau khi đón chào thành viên mới - Ảnh: HỒNG LĨNH
Cuộc sống đảo lộn
Khi phụ nữ sinh con, nhiều thay đổi về mặt sinh học như hormone thay đổi hay những áp lực chăm sóc con cái, các mối quan hệ xung quanh, thay đổi thói quen sinh hoạt, môi trường khiến phụ nữ dễ bị áp lực, dẫn đến stress và gây ra trầm cảm.
Còn đối với nam giới, vấn đề sinh học không thay đổi, thế nhưng những ông bố cũng trải qua những thay đổi, chịu áp lực không nhỏ khi cùng chăm sóc con. Dù không phải đa số nhưng nam giới cũng có thể gặp tình trạng trầm cảm sau sinh.
Muốn ly hôn sau khi vừa đón con gái đầu lòng chưa đầy ba tháng, anh N.V.T. (Hà Nội) chia sẻ từ khi gia đình có thành viên mới, anh luôn trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, không thể tập trung làm việc.
Anh T. cho hay khi đón con gái đầu lòng, cả gia đình đều rất hạnh phúc. Thế nhưng, niềm hạnh phúc ấy chưa được bao lâu thì những căng thẳng liên tục ập đến.
"Con quấy khóc, không chịu nín, vợ chồng tôi phải thay nhau thức đêm trông con. Hai vợ chồng lại sống chung với bố mẹ, cuộc chiến chăm con giữa mẹ và vợ khiến tôi bị khủng hoảng.
Vợ luôn phàn nàn về việc chăm sóc con của mẹ, còn mẹ thì luôn "nói xấu" về sự vụng về của vợ. Tôi đứng giữa trong mối quan hệ xung đột ấy, không thể giải quyết được. Có những ngày tôi chán nản không muốn trở về nhà", anh T. nói.
Câu chuyện không dừng lại ở đó, anh T. nói mình còn phải đối diện với những thay đổi chóng mặt của vợ. Anh kể có hôm vợ dặn mua chè cho cô ấy nhưng do vội về nên anh quên. Chuyện chỉ có vậy nhưng vợ anh lại làm quá, gây gổ, nói rằng anh không quan tâm đến cô.
"Có những lúc tôi tự hỏi mình có thật sự mong muốn cuộc sống như vậy không. Hay mình kết thúc cuộc hôn nhân này để trả lại sự bình yên cho vợ, con và cả mẹ tôi. Thực sự tôi quá mệt mỏi", anh T. giãi bày.
Cũng vừa đón đứa con đầu lòng, anh B.V.H. (30 tuổi, Hà Nội) chia sẻ anh ám ảnh bởi tiếng khóc của con và sự "hằn học" của vợ mỗi khi về nhà. Anh H. chia sẻ dù anh cũng rất hiểu và đồng cảm với vợ, nhưng anh cũng đang chịu áp lực rất lớn bởi cuộc sống đảo lộn.
"Khi con chào đời, vợ tôi thường xuyên cáu gắt, dù chỉ là câu chuyện nhỏ nhặt, cô ấy sẽ mắng nhiếc thậm tệ. Dần dần hai vợ chồng không tìm thấy tiếng nói chung. Cuộc sống gia đình đầm ấm mà tôi nghĩ đến trở thành địa ngục", anh H. nói.
Anh H. chọn cách tìm đến chuyên gia tâm lý để trút bỏ những khúc mắc trong lòng. Sau khi được chuyên gia tư vấn, anh cũng đưa vợ đến để được sự hỗ trợ từ chuyên gia. May mắn, cả hai dần lấy lại được tinh thần, thấu hiểu được những vấn đề đang xảy ra trong gia đình.
Nam giới cũng cần quan tâm sức khỏe tâm thần
Chia sẻ về vấn đề này, TS Ngô Thị Thanh Hương, chuyên ngành tâm thần Viện Ứng dụng công nghệ y tế, cho hay khi một em bé từ khi mang thai đến khi được sinh ra thì người bố và người mẹ đều sẽ có những sự thay đổi rất lớn.
Người mẹ là người mang thai, sinh con nên sẽ cảm nhận được sự thay đổi về thể chất và tinh thần rõ ràng hơn. Nhưng về tâm lý thì cả nam giới và nữ giới đều bị ảnh hưởng.
Tỉ lệ trầm cảm ở nam giới sau khi vợ sinh con có thể rơi vào 7-8%. Bên cạnh đó, tỉ lệ trầm cảm ở nam giới còn tùy thuộc vào tình trạng của vợ con. Nếu tình trạng của vợ và con sau sinh không tốt thì tỉ lệ trầm cảm ở nam giới còn cao hơn rất nhiều.
"Nam giới luôn có tâm lý mình là trụ cột gia đình, bởi vậy khi có những sự việc không như ý muốn, họ thường đổ lỗi cho bản thân rằng sao tôi không làm tốt hơn cho vợ con tôi. Hay nhiều gia đình nam giới còn phải chịu áp lực về gánh nặng kinh tế trong thời kỳ vợ nghỉ thai sản, mâu thuẫn giữa mẹ chồng - nàng dâu... Chính những điều đó cũng khiến họ áp lực", bà Hương lý giải.
Bà Hương nói thêm bên cạnh đó, hình thái tâm lý của nam giới rất khác. Họ luôn thể hiện nam tính, mạnh mẽ, không được khóc, không được thể hiện cảm xúc… Đó chính là những rào cản khiến nam giới khó tìm được sự trợ giúp. Hệ lụy kéo theo là những rối loạn cảm xúc, trầm cảm.
Đừng giấu bệnh
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ThS tâm lý Trần Quang Trọng - khoa tâm lý lâm sàng Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho biết tỉ lệ trầm cảm ở nam giới đang có xu hướng gia tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Chủ yếu do gặp phải các áp lực trong cuộc sống, phần lớn do kinh tế, sự nghiệp, hôn nhân, gia đình, thay đổi vị thế bắt đầu làm cha, các mối quan hệ xã hội...
Hiện nay rất nhiều người không nghĩ trầm cảm là một bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đối với nam giới, nhiều người khi mắc trầm cảm thường giấu bệnh, tránh để đồng nghiệp, bạn bè, họ hàng, làng xóm dị nghị, phán xét từ mọi người xung quanh
Hậu quả nhiều người trầm cảm không được điều trị kịp thời có thể rối loạn chức năng tình dục, hành vi tự hủy hoại bản thân, nghiêm trọng hơn nữa là có thể dẫn đến hành vi tự sát.
Ông Trọng khuyến cáo trầm cảm nói chung ở cả nam giới và nữ giới cần được quan tâm đúng mức và có thể chữa khỏi hoàn toàn.
Trầm cảm cần phải được giải quyết ngay từ gốc rễ. Những người trong gia đình cần lắng nghe, chia sẻ cảm thông với nam giới khi gặp áp lực.
Bên cạnh đó, mỗi người bệnh cần cho bản thân cơ hội để chia sẻ cùng bạn bè, người thân đồng hành và tìm đến chuyên gia thăm khám điều trị nếu tình trạng kéo dài.
Tỉ lệ nam giới bị bạo lực gia đình đang gia tăng
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội năm 2023 có hơn 3.100 hộ xảy ra với hơn 3.200 vụ. So với 2022, số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm, song tỉ lệ nạn nhân là nam giới tăng (năm 2023 có 565 nam - chiếm 17,7%, còn năm 2022 là 481 người - chiếm 12,27%)
Phần lớn người bị bạo lực chỉ đi báo cáo và tìm sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng khi vụ việc nghiêm trọng, bạo lực xảy ra trong thời gian dài hoặc có thể dẫn đến chấm dứt hôn nhân..
Tag:trầm cảm sau sinh, Sức khỏe tâm thần, bạo lực gia đình, Nam giới, ảnh hưởng tâm lý