Ngày 19-8-2018, cảnh sát tỉnh Kanagawa (Nhật) thông báo nữ y tá Ayumi Kuboki 31 tuổi khai nhận đã sát hại bệnh nhân Asae Okitsu 78 tuổi tại Bệnh viện Oguchi ở Yokohama (nay là Bệnh viện Yokohama Hajime) hai năm về trước.

Chất độc trong túi truyền dịch

Đây là bệnh nhân thứ ba nghi phạm Ayumi Kuboki khai nhận đã ra tay sát hại. Hai nạn nhân trước đó đều là bệnh nhân 88 tuổi nằm chung phòng bệnh.

Ayumi Kuboki sử dụng cách thức gây án như nhau: tiêm dung dịch khử trùng vào túi truyền dịch dành cho bệnh nhân.

Ban đầu ban giám đốc Bệnh viện Oguchi nghi ngờ Ayumi Kuboki liên quan đến ca tử vong của một bệnh nhân 88 tuổi vì kết quả giải phẫu tử thi đã tìm thấy chất khử trùng với thành phần cực độc benzalkonium chloride.

Vì sao nữ y tá lại ra tay đầu độc bệnh nhân? - Ảnh 1.

Cảnh sát khám xét nhà của nữ y tá Ayumi Kuboki - Ảnh: Kyodo News

Sau khi đối chiếu kết quả giải phẫu các tử thi khác, ban giám đốc bệnh viện nhận thấy các tử thi đều có dấu vết chất khử trùng tương tự.

Ayumi Kuboki bị bắt vào ngày 7-7-2018, sau đó nghi phạm khai đã tiêm chất khử trùng vào túi truyền dịch của khoảng 20 bệnh nhân.

Cảnh sát đã tìm thấy dấu vết chất khử trùng và hoạt chất bề mặt trên tử thi bốn bệnh nhân từ 70-80 tuổi tử vong và khoảng 10 túi truyền dịch đã qua sử dụng có hàng chục lỗ giống như ai đó dùng kim tiêm chất khử trùng vào.

Ít có phụ nữ phạm tội giết người hàng loạt. Trong các vụ án giết người hàng loạt không có yếu tố tình dục như trường hợp của Ludivine Chambet lại càng ít phụ nữ hơn".

Tiến sĩ Patrick Blachère

Vì sao nữ y tá lại ra tay đầu độc bệnh nhân? - Ảnh 3.

Bệnh viện Oguchi tại Yokohama, nơi hung thủ Ayumi Kuboki gây án - Ảnh: Kyodo News

Cảm giác bứt rứt của nữ y tá bệnh viện

Động cơ giết người hàng loạt của nữ y tá Ayumi Kuboki là gì? Kuboki giải thích với cảnh sát rằng cô ta không muốn nhìn thấy bệnh nhân chết trong ca trực của mình, vì vậy đầu độc bệnh nhân để có thể quyết định thời khắc tử vong của bệnh nhân, sao cho bệnh nhân chết ngoài ca trực.

Ngoài ra còn có lý do khác như Ayumi Kuboki đã khai: "Tôi cảm thấy rất khó khăn khi giải thích với gia đình bệnh nhân nếu bệnh nhân chết trong ca trực của tôi".

Khi có bệnh nhân chết trong ca trực, Kuboki có cảm giác không thể chịu đựng nổi. Cảm giác bứt rứt ấy đã từng giày vò cô và tác hại đến sức khỏe tâm thần của cô.

Ayumi Kuboki hành nghề y tá từ năm 2008 và làm việc tại Bệnh viện Oguchi từ năm 2015. Kuboki được đồng nghiệp tin tưởng nên ra tay hành động mà không ai mảy may nghi ngờ cho đến khi chứng cứ quá lộ liễu.

Cảnh sát vẫn đang tiếp tục điều tra để hiểu rõ động cơ gây án, thủ đoạn gây án và nguyên nhân chủ chốt thúc đẩy Ayumi Kuboki ra tay tàn độc như vậy.

Vì sao nữ y tá lại ra tay đầu độc bệnh nhân? - Ảnh 4.

Nữ điều dưỡng Ludivine Chambet bị dẫn giải ra tòa - Ảnh: AFP

Người không thể giải thích được hành vi

Năm ngoái tại Pháp vào ngày 24-5-2017, nữ điều dưỡng Ludivine Chambet (năm nay 35 tuổi) đã bị Tòa án tỉnh Savoie kết án 25 năm tù giam cùng 10 năm điều trị và cấm hành nghề điều dưỡng.

Bị cáo bị bắt vào cuối năm 2013, sau đó bị truy tố vì đã đầu độc 13 người cao tuổi trong nhà hưu trí ở thành phố Chambéry trong năm 2012-2013, trong đó 10 nạn nhân từ 82-95 tuổi đã tử vong.

Báo chí Pháp đặt biệt danh cho Ludivine Chambet là "cô ả đầu độc ở Chambéry". Chủ tọa phiên tòa muốn nghe bị cáo trả lời về động cơ gây án nhưng bị cáo chỉ giữ thinh lặng.

Bị cáo không bao giờ giải thích tại sao lại đầu độc người già bằng hỗn hợp thuốc điều trị tâm thần. Bị cáo lúc nào cũng nói: "Tôi muốn xoa dịu nỗi đau của họ. Tôi muốn làm điều tốt cho họ". Trước tòa, bị cáo không dùng từ "cái chết" mà nói đó là "sự xoa dịu". Giải thích điều này như thế nào?

Vì sao nữ y tá lại ra tay đầu độc bệnh nhân? - Ảnh 5.

Nhà hưu trí nơi Ludivine Chambet làm điều dưỡng - Ảnh: Le Parisien

Mất mát lớn từ cái chết của mẹ

Tòa đã mời hai nhóm chuyên gia tâm thần kinh thuộc hàng sừng sỏ nhất ở Pháp để tham khảo ý kiến. Trước tòa, tiến sĩ Patrick Blachère và tiến sĩ Daniel Zagury đã giải thích mức độ phức tạp về tâm thần của Ludivine Chambet đến mức chính bản thân bị cáo cũng không thể giải thích được hành vi.

Ludivine Chambet sinh non, từ nhỏ đã mắc căn bệnh di truyền hiếm, lớn lên mắc chứng trầm cảm từ năm 18 tuổi. Bị cáo là con gái duy nhất, không chồng con, sống gắn bó với mẹ vốn mắc bệnh máu ác tính.

Bà mẹ mất trong vòng tay con gái. Đây là một mất mát lớn gây chấn động trong đời Ludivine Chambet.

Tiến sĩ Patrick Blachère giải thích: "Quan hệ mẹ - con của bị cáo là quan hệ bệnh lý. Khi thiếu chỗ dựa người mẹ, mọi thứ đối với bị cáo đều sụp đổ. Bị cáo không đủ khả năng nói thành lời cảm xúc ngoài cách hét lên hoặc chuyển sang hành động. Cô ấy tìm cách xoa dịu mình bằng nghi thức đầu độc".

Các chuyên gia kết luận khả năng suy xét của Ludivine Chambet có suy giảm nhưng bị cáo không mắc bệnh tâm thần.

Tiến sĩ Patrick Blachère giải thích: "Ludivine Chambet không có cơ chế tự vệ. Cô ấy không vượt qua được bản thân và tạo cảm giác như con người tiêu cực. Nhưng khi cô ấy bị cuộc sống tấn công, căng thẳng gia tăng và rồi như một tụ điện tích đầy điện, cô ấy phải xả ra. Xung động không thể kiểm soát vô tình nhắm đến các bệnh nhân".

HOÀNG DUY LONG

Tag:Giết người hàng loạt,Vụ án giết người,Bệnh tâm thần,Bệnh máu ác tính