Ngày 20/11/1989 Đại hội đồng LHQ đã thông qua Công ước về quyền trẻ em và Công ước có hiệu lực kể từ ngày 02/9/1990. Với 54 điều khoản trẻ em được công nhận có đầy đủ các quyền như người lớn, trong đó được chia ra làm 5 nhóm: dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Ngoài những điều khoản quy định quyền con người của trẻ em như quyền được sống và phát triển, quyền được bảo vệ khỏi bị áp bức và tổn thương về thể chất và tinh thần... còn có một số quyền mang tính đặc thù của trẻ em được khẳng định là: quyền được sống với cha mẹ, quyền được chăm sóc và nuôi dưỡng, quyền được nhận làm con nuôi...

Trẻ em, nạn nhân của bạo lực gia đình

Đối với trẻ em, gia đình là nơi nương tựa vững chắc và êm ái nhất trong những năm tháng đầu đời. Được sống cùng cha mẹ và những người ruột thịt khác, được hưởng tình yêu thương cũng như sự chăm sóc về vật chất và tinh thần là quyền chính đáng của mọi trẻ. Khi lớn lên, những đứa trẻ được chăm sóc cẩn thận thường có đủ hiểu biết và sức khỏe và sống một cuộc sống hữu ích cho gia đình và xã hội. Nhưng trên thực tế có rất nhiều trẻ đã không được sống như vậy. Trong các rủi ro mà các em phải chịu như chúng tôi đã nói thì có lẽ bạo lực gia đình là loại rủi ro dễ khắc phục hơn cả vì chúng liên quan đến tính chủ động và hành động tự giác của con người, nhưng thực tế lại không như vậy. Hiện nay ở Việt Nam chưa có thống kê chính thức là bao nhiêu đứa trẻ phải chịu sự rủi ro này nhưng những hậu quả gây ra cho chúng thì đã rất rõ ràng.

Bao giờ cũng vậy, nói tới nạn nhân của bạo lực nói chung và bạo lực gia đình nói riêng người ta thường không thể tách trẻ em ra khỏi phụ nữ bới tính phụ thuộc đặc biệt của trẻ đối với người lớn nói chung và đối với người mẹ nói riêng. Trẻ em là nhóm người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất trong gia đình. Có thể sẽ rất khó khăn để xác định giữa phụ nữ và trẻ em, ai là người chịu đau khổ hơn trong các vụ bạo lực song trong nhiều trường hợp nỗi đau đơn và thiệt thòi của trẻ là vô cùng to lớn và sâu sắc, bởi lẽ nó không chỉ ảnh hưởng tới hiện tại mà còn ảnh hưởng tới tương lai lâu dài của trẻ.

Bạo lực xảy ra trong gia đình là do hành vi bạo lực của một số thành viên này đối với các thành viên khác. Song phần lớn là bạo lực của người chồng đối với vợ, cha mẹ với con cái. Nếu như pháp luật Việt Nam đã có những điều khoản bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về thân thể của con người - phụ nữ trước chồng của họ thì luật pháp lại chưa có những điều khoản cụ thể để bảo vệ đầy đủ quyền của trẻ trước cha mẹ chúng. Chẳng hạn, theo quan niệm của Nho giáo là cha mẹ có quyền “dạy con từ thuở còn thơ” bằng mọi hình thức kể cả roi vọt. Dân gian có câu rằng “yêu thì cho vọt” và cho rằng đó là cách giáo dục hữu hiệu nhất để cho con họ phục tùng mọi ý kiến của họ và có thể sửa chữa được sai lầm

Cho đến nay, nhiều người làm cha mẹ vẫn coi việc hành hạ, đánh đập hoặc sử dụng các hình phạt dã man trẻ là quyền của họ. Khi trẻ có lỗi, họ đánh. Khi họ đang có sự buồn bực, lo lắng vì mưu sinh, họ đánh, khi họ có những điều không vui vì các mối quan hệ xã hội, họ đánh. Những cú đấm, cái tát đã xảy ra thường xuyên trong gia đình và được coi là hợp pháp. Chỉ có những vụ việc nghiêm trọng gây thương tật hoặc làm chết trẻ thì mới bị luật pháp trừng trị. Tuy nhiên không phải lúc nào luật pháp cũng xử đúng người, đúng tội, thậm chí trong nhiều trường hợp kẻ phạm tội chỉ bị phạt rất nhẹ.
Khi đánh con, những người tỉnh táo thì nhắc nhau: có đánh thì tránh chỗ “phạm” để cho chúng không bị nguy hiểm. Mông đít hoặc chân tay của trẻ là nơi họ đánh thường xuyên vì cho rằng đây là nơi “an toàn”. Còn những kẻ mù quáng thì khi lên cơn giận đã đánh con vào bất cứ chỗ nào, bằng bất cứ loại vũ khí gì họ có trong tay. Một người cha ở quận 4 thành phố Hồ Chí Minh đã thường xuyên treo ngược con gái lên để đánh. Một người cha khác mỗi khi đánh con thì lột hết quần áo của cháu để bêu riếu. Những kẻ khác thì túm tóc hoặc đập đầu trẻ vào tường.

Trẻ bị hành hạ, ngược đãi vì những bế tắc hoặc xung đột của cha mẹ chúng.

Một bà mẹ với gương mặt hốc hác mà nghị lực đang dang đôi cánh tay lực lưỡng của mình để che chở cho ba đứa con nép sâu trong tấm áo choàng. Gương mặt của cả bốn người đều rất căng thẳng, hốt hoảng, đặc biệt đứa con nhỏ nhất còn sắp khóc. Hình ảnh đáng buồn này được sử dụng làm trang bìa cho một cuốn sách nghiên cứu của Mỹ “Bạo lực, sự im lặng và thiên thần”. Chủ biên là Deirdre Lasgari. Cuốn sách dày 352 trang là một bản cáo trạng lớn chống lại bạo lực gia đình và chỉ riêng trang bìa cũng đã gây được ấn tượng sâu sắc và suy nghĩ cho người đọc. 
Cũng trong nghiên cứu của chúng tôi về trẻ lang thang ở Hà Nội thì số trẻ phải bỏ nhà ra đi kiếm sống vì tan vỡ gia đình, cha mẹ li dị nhau đã chiếm khoảng 40% số các cháu được hỏi. Trong gia đình các em, cha mẹ không còn thương yêu nhau nữa vì vậy chúng thường xuyên phải chịu áp lực từ phía một người hoặc của cả hai bởi chính chúng thuộc thành phần “ăn theo”, “ăn bám”. Hơn nữa với cơ thể yếu đuối, nhỏ bé, với vị trí thấp kém, chúng luôn trở thành cái gai, hoặc trở thành chỗ chút giận, là “cái thớt” khi xảy ra xung đột. Trong những trường hợp này, trẻ hầu như là không có khả năng tự vệ.

Điều đáng lưu ý là nhiều trẻ lúc bị đánh không phải do lỗi của chúng mà do chúng là con của cha mẹ chúng nghĩa là khi cha mẹ chúng có nhu cầu cần được giải tỏa những ẩn ức, tức giận, xung đột, những mâu thuẫn phức tạp của họ thì trút hết vào trẻ. Đã có không ít trường hợp, một trong hai người cảm thấy bế tắc muốn tìm đến cái chết, họ cũng tìm cách buộc con cái họ phải chết theo. Rõ ràng là trẻ đã phải trả giá đắt cho những vấn đề riêng của người lớn. Những trận đòn oan sẽ hằn rất sâu trong đời sống tinh thần và tình cảm của trẻ và làm thương tổn đến quan hệ giữa trẻ và làm thương tổn đến quan hệ giữa trẻ với cha mẹ chúng. Và nguy hiểm hơn, bạo lực gia đình đã không chỉ đe dọa cuộc sống, sự phát triển về thể chất và tâm lý mà còn đe dọa đến tính mạng của các em.

Nếu như phụ nữ chỉ là nạn nhân của nam giới thì trẻ em không chỉ là nạn nhân của nam giới mà còn là nạn nhân của nhiều phụ nữ khi chính họ đang là nạn nhân. Tình trạng này thường xảy ra khi người phụ nữ đang phải sống trong hoàn cảnh không thể chống trả được những kẻ hành hạ họ. Họ chỉ còn cách trút hết nỗi đau, nỗi khổ, nỗi hận cho con cái. Những đứa trẻ đáng thương này không những không được bảo vệ từ phía cha mẹ mà còn bị mẹ chúng đánh đập, giết hại

Chúng ta không còn có cơ hội để cứu những đứa trẻ đáng thương và cũng không còn cơ hội để nói với những người phụ nữ xấu số về hành động điên rồ của họ song điều mà chúng ta còn có thể làm được là giáo dục những người đang sống. Bên cạnh đó, phải có thái độ nghiêm khắc với những người chuyên hành hạ vợ con, những người, về hình thức là nguyên nhân gián tiếp nhưng thực chất là trực tiếp của những thảm họa. Rất nhiều kẻ tội phạm vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật vì có bằng chứng “ngoại phạm”.
Kết quả cuộc nghiên cứu thăm dò dư luận trẻ em cũng cho thấy 99,2% số em được hỏi mong muốn khi có những bất hòa trong gia đình thì phải bình tĩnh hòa giải trên tình yêu thương. Khi con cái có lỗi thì 87,18% các em cho rằng cha mẹ nên giải thích và khuyên răn để con sửa chữa, chỉ có 1,85% nói rằng khi cần thì thì nên đánh, 0,73% nói nên xử phạt nặng. Những ý kiến trên của trẻ chứng tỏ chúng không hề muốn có bạo lực, nhất là bạo lực trong tổ ấm của gia đình chúng.

Bạo lực gia đình và sự ảnh hưởng của nó tới việc hình thành nhân cách trẻ em.

Những đứa trẻ là bản sao của cha mẹ chúng trong tương lai hay là những đứa trẻ bắt chước
Nhân cách của con người được hình thành cùng với khoảng thời gian cơ thể phát triển và hoàn chỉnh. Giống như cây non được trồng ở nơi đất đai màu mỡ, không khí, ánh sáng đầy đủ sẽ trở thành cây cổ thụ xum xuê, khỏe mạnh. Con người cũng vậy, trong một không khí gia đình hòa thuận êm ấm, một môi trường xã hội trong sáng, văn minh con người sẽ phát triển tốt, khỏe mạnh về cơ thể và tinh thần. Điều tưởng như giản đơn này hầu như ai cũng hiểu song trên thực tế không phải ai cũng thực hiện được. 

Học theo các khuôn mẫu từ cuộc sống xung quanh là một đặc điểm chung của trẻ em. Người xưa thường cho rằng nếu muốn con cái trở thành thương nhân thì nên sống gần chợ, muốn con hay chữ thì nên sống gần trường học, còn nếu ở gần trộm, gần cướp thì sớm muộn cũng sẽ phải ở tù, ở tội. “Gần mực thì đen gần đèn thì rạng”, câu tục ngữ mang tính giáo dục đó cho đến nay vẫn hoàn toàn đúng đắn. Sống trong môi trường gia đình bạo lực, trẻ em cũng không thể tránh khỏi việc phải tiếp xúc, làm quen và tiêm nhiễm nếp sống bạo lực. Người Ấn Độ có câu châm ngôn rằng một cái tát vào mặt con anh có thể trở thành một nắm đấm vào mặt cháu anh, tức là anh đã truyền cái tát cho những thế hệ con cháu với cường độ mạnh hơn.

Thực tế đã cho thấy hiện nay vẫn còn khá nhiều ông bố bà mẹ không hiểu được rằng việc dùng bạo lực với con cái là hoàn toàn đồng nghĩa với việc dạy dỗ, tập cho chúng quen dần với việc dùng bạo lực với người khác. Qua nghiên cứu, người ta đã nhận thấy rằng: Những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong không khí của bạo lực gia đình thường dùng bạo lực trong việc xử lý các mối quan hệ xã hội, bạn bè thậm chí cả anh em, họ hàng.

Bạo lực gia đình đã biến nhiều đứa trẻ hiền lành trở nên hung dữ và trong nhiều trường hợp cũng dùng cả những hình thức tàn bạo, dã man để đối xử với người khác. Theo một số cuộc điều tra xã hội học ở Mỹ, người ta nhận thấy rằng 80% phạm nhân Mỹ lớn lên trong những gia đình bố mẹ chúng đánh lộn như cơm bữa. 63% nam thiếu niên phạm tội giết người là chúng giết kẻ đã đánh đập mẹ chúng. Trong khi đó có khoảng 50% trường hợp các cô gái bị chồng đánh lại lặp lại số phận của mẹ các cô.

Gần đây, báo chí nước ta đã nói nhiều đến những tội phạm “nhí”, mà hành động của chúng cũng khủng khiếp không thua kém gì các băng đảng người lớn, cũng dao găm và mã tấu, cũng đâm chém và giết người, gặp gỡ các phạm nhân nhỏ tuổi này chúng tôi nhận thấy phần lớn các em đều lớn lên từ những gia đình không hòa thuận và phải quen nhìn thấy những cảnh bạo lực không chỉ trong phim ảnh mà trong chính gia đình của chúng.

Những đứa trẻ có tính cách đặc biệt như thiếu tự tin, rụt rè, lo sợ và hay làm hỏng việc
Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý học thì trẻ em cũng có những sợ hãi như người lớn nhưng không phải lúc nào các em cũng mô tả được sự sợ hãi đó. Chẳng hạn vào lúc 8 tháng tuổi các cháu bé thường thét lên khi thấy người lạ hoặc mẹ đi ra khỏi tầm nhìn của bé. Từ 1-3 tuổi nỗi khiếp sợ của các em xảy ra chủ yếu khi ở trong phòng một mình và trong bóng tối. Từ 2-5 tuổi những sợ hãi có quan hệ đến những nguy hiểm thực tế hơn như sợ gia súc, sợ giông bão, ánh chớp, nước, lửa... Giữa 4 - 7 tuổi những sợ sệt tăng lên mang tính chất xã hội như sợ phải đến trường, sợ cô giáo, sợ những đứa trẻ khác và thế giới mới mà em phải tiếp xúc. Khoảng 6 - 11 tuổi, trẻ bắt đầu phát triển những ưu tư gần như những ưu tư của người lớn. Những năm sau đó là các chuỗi lo lắng kéo dài trước những vấn đề của cuộc sống. Chẳng thế mà Nguyễn Gia Thiều đã coi nỗi đau khổ và sự sợ hãi của con người như một định mệnh khiến họ ngay từ khi sinh ra đã chào đời không phải bằng nụ cười mà bằng tiếng khóc và khi chết đi cũng kết thúc bằng tiếng khóc.

Nỗi thống khổ và sự sợ hãi bản năng đó sẽ còn đeo đẳng và lớn lên gấp nhiều lần đối với một con người nếu người đó luôn phải sống trong một gia đình ít tình yêu thương mà nhiều bạo lực. Thực tế đã cho thấy nếu trẻ em được sống trong môi trường gia đình êm ấm, lành mạnh mà trong đó cha mẹ luôn có phương pháp giáo dục tế nhị, hiểu và thông cảm thì chúng sẽ vượt qua được những mặc cảm sợ hãi ban đầu và trở thành những công dân can đảm, mạnh mẽ. Còn ngược lại - người công dân tương lai sẽ bị méo mó đi rất nhiều bởi những sự trầm cảm, tính nhu nhược và sau này, sự khốn khổ và hèn kém sẽ còn tăng lên nhiều lần cùng với những vấp váp không thể vượt qua nổi trong đường đời. Trong nhiều trường hợp nỗi khiếp sợ thái quá của trẻ sẽ trở thành tính cách suốt đời của chúng. Nghiêm trọng hơn nữa, nhiều trẻ còn vì thế mà mắc chứng tâm thần. Và điều gì sẽ xảy ra đối với một quốc gia có quá nhiều công dân lúc nào cũng co dúm mình lại trước mọi phản ứng của cuộc đời.

Những trường hợp sử dụng bạo lực đối với con cái xảy ra ngày một nhiều hơn ở nước ta. Nó không chỉ gây thương tích nặng nề cho trẻ mà còn ảnh hưởng xấu đến tinh thần khiến chúng khiếp nhược và mắc bệnh tâm thần.

Ngày nay, chúng ta có thể bắt gặp ở nhiều nơi, nhiều trang báo những câu chuyện về cuộc đời của nhiều em nhỏ do bị người lớn đánh mắng, hành hạ tàn bạo dã man mà đã trở nên trì độn, học hành sút kém, hay lo sợ, thiếu tự tin. Khi tiếp xúc, gặp gỡ các em nhỏ vì không chịu nổi các hình thức bạo lực trong gia đình mà bỏ nhà ra đi, phải lao động đủ nghề để kiếm sống, những người nghiên cứu đã nhận thấy rằng hầu hết những em nhỏ này đều trầm lặng, ít nói, sống xa lánh mọi người và trong lòng chứa đầy những mặc cảm. Nhiều em nhỏ làm nghề bưng bê, rửa chén bát tại các quán ăn bình dân mặc dù luôn phải tiếp xúc với đông người nhưng ngày này qua ngày khác chỉ biết sống lặng thầm, không oán trách ca thán cũng chẳng hề nói năng, chia sẻ với ai.

Những đứa trẻ có xu hướng rời xa gia đình và do vậy, dễ dàng tiếp thu những ảnh hưởng tiêu cực của xã hội hoặc trở thành nạn nhân của các tệ nạn xã hội.

Phản ứng thường thấy ở những đứa trẻ phải sống trong môi trường gia đình lục đục luôn có bạo lực là lảng tránh tất cả. Ban đầu thì lảng tránh sự lục đục của người lớn, xa lánh những cuộc cãi vãi, gây lộn thường xuyên và gần như vô bổ của cha mẹ. Khi những cuộc cãi vã và gây lộn ngày càng nhiều lên và nặng nề tới mức không thể chịu đựng nổi thì chúng sẽ lảng tránh cả cuộc sống gia đình.

Năm 1997, khi có dịp trò chuyện với 20 sinh viên ở trường đại học Clark, bang Massachusett và New York là những người có cha mẹ li dị tôi đã rất ngạc nhiên vì có đến 17 người cho biết cảm giác nhẹ người, thậm chí sung sướng khi cha mẹ bỏ nhau. Có thể cách suy nghĩ của thanh thiếu niên Mỹ khác với cách suy nghĩ của thanh thiếu niên Việt Nam nhưng rõ ràng là những cuộc cãi vã triền miên trong gia đình của bố mẹ đã đầu độc cuộc sống của trẻ em Mỹ khiến cho chúng muốn được giải thoát.

Các cuộc điều tra xã hội học về trẻ lang thang ở Hà Nội đã cho thấy trong số trẻ em bỏ nhà ra đi là do những nguyên nhân từ phía gia đình, trẻ không nói là chúng thấy nhẹ người khi cha mẹ bỏ nhau mà ngược lại hầu hết chúng đều tỏ ra đau khổ và ước muốn cha mẹ lại trở về sống hòa thuận bên nhau. Tuy nhiên, chúng cũng hiểu rằng đó là những giấc mơ không tưởng và chúng buộc phải rời bỏ gia đình.
Bỏ nhà ra đi cũng là giải pháp tối ưu và cuối cùng của nhiều đứa trẻ đã sinh ra trong hoàn cảnh cha mẹ vẫn còn chung sống nhưng có bạo lực gia đình. Chúng muốn tránh phải tiếp tục chịu đựng những ngày tháng nặng nề và đáng sợ, những trận đòn roi tàn nhẫn, những nỗi căm hận và cả sự ngột ngạt của không khí gia đình. Kinh nghiệm thực tế đã cho thấy, trong nhiều trường hợp, các em đã không có được một sự lựa chọn nào khác.

Từ sự xa lánh cuộc sống gia đình đến tâm lý không tôn trọng gia đình, coi thường các mối quan hệ gia đình thường không có một ranh giới nào thật rõ rệt. Những điều tra của chúng tôi cũng cho thấy, phần lớn những đứa trẻ phải trốn tránh bạo lực gia đình đều không tôn trọng cuộc sống gia đình. Khi mà cái khuôn mẫu về cuộc sống gia đình chỉ là những lời qua tiếng lại, những nắm đấm và roi vọt thì niềm vui, hạnh phúc phải là một chỗ nào khác chứ không thể ở trong chính gia đình.

Không tìm thấy niềm yêu thương an ủi từ phía gia đình, những đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh bạo lực gia đình đã không chỉ ghê sợ cuộc sống gia đình mà còn khinh ghét và coi thường nó. Cuộc sống không cần có sự nâng đỡ và niềm an ủi từ phía gia đình cũng dẫn người ta đến chỗ có thói quen quay lưng lại với gia đình, quay lưng lại với tất cả các mối quan hệ gia đình.

Mặt khác cuộc sống xa lánh gia đình của những đứa trẻ sinh ra và lớn lên từ bạo lực gia đình cũng khiến cho chúng buộc phải tìm đến với những niềm an ủi khác từ bên ngoài xã hội rộng lớn. Chúng ta đều biết, môi trường xã hội cho cuộc sống của trẻ hiện nay có quá nhiều yếu tố không có lợi cho sự phát triển nhân cách. Sự tồn tại của các loại tệ nạn xã hội, nhiều chuẩn mực và giá trị bị đảo lộn, vàng thau lẫn lộn, nhiều loại văn hóa phẩm đồi trụy; nạn video đen, sách báo khiêu dâm, bạo lực, các ổ tiêm chích, các ổ mại dâm, đã là những cám dỗ tuy thấp hèn nhưng đầy ma lực. Trong nhiều trường hợp ngay cả người lớn còn không đủ sức mạnh để vững vàng và xa lánh được các tệ nạn xã hội thì việc các em nhỏ yếu đuối, bị tổn thương sa vào cũng là chuyện dễ hiểu. Chúng không có đủ nghị lực và lý trí để tự bảo vệ được mình.

Hiện nay theo thống kê chính thức thì có khoảng 130.000 đến 200.000 gái mại dâm trong cả nước, trong đó số trẻ em tuổi vị thành niêm chiếm tới 12%. Tỷ lệ gái mại dâm vị thành niên ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh còn lên đến 34%.
Nếu trong năm 1990 - 1992 tỷ lệ thanh thiếu niên phạm tội giết người, hiếp dâm, trộm cắp... chỉ chiếm trên dưới 15% số tội phạm thì nay tỷ lệ này đã tăng lên gấp đôi. Chẳng hạn, năm 1990 số thanh thiếu niên phạm tội giết người chỉ chiếm 3,96% thì đến năm 1995 tỷ lệ này đã là 5,19% và hiện nay còn cao hơn nữa. Ngoài sự gia tăng về số lượng phạm tội, hiện nay còn xuất hiện nhiều loại tội phạm mới từ trong thanh thiếu niên như: bắt cóc, tống tiền, đâm thuê chém mướn, chống người thi hành công vụ, buôn bán phụ nữ, buôn bán vũ khí... xu hướng phạm tội tập thể, phạm tội theo băng nhóm cũng gia tăng như hiếp dâm tập thể, đua xe máy.

Nếu hiện nay trong cả nước có 183.153 người nghiện ma túy theo trong đó thanh thiếu niên chiếm 70%, số vị thành niên là 8-10%. Hiện tượng học sinh, sinh viên nghiện hút và tiêm chính là rất nghiêm trọng. Trong năm học 1996 - 1997 ở 56 tỉnh thành toàn quốc, chúng ta đã phát hiện 2.617 học sinh, sinh viên nghiện hút, trong đó riêng học sinh đã chiếm 1141 em. Đây là một tình trạng báo động về tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên mà trực tiếp hoặc gián tiếp có những nguyên nhân từ phía bạo lực gia đình.
Rõ ràng bạo lực gia đình đã không chỉ gây hậu quả tiêu cực cho xã hội hiện tại mà còn cho tương lai khi những đứa trẻ bị tổn thương về thể xác và tâm lý đang ngày một nhiều hơn. Những công dân này không chỉ đáng thương mà còn đáng lo ngại cho một xã hội mới.

Bài đăng trên tạp chí Tâm lý học của tác giả Lê Thị Quý 
số 3 - 6/2000

 

Tag:bạo lực gia đình, trẻ em, nhân cách, tuổi thơ, nghiện ma túy, tổn thương