Xanthe Mallett, nhà tội phạm học pháp y giảng dạy tại Đại học Newcastle, thường mở phim tài liệu thuộc thể loại true crime (vụ án có thật) cho sinh viên cùng xem và thảo luận về nguyên nhân gây án hay cách kẻ sát nhân chọn nạn nhân. Trong một buổi học như thế năm 2019, Mallett giật mình khi một sinh viên nói vô cùng ngưỡng mộ, thậm chí bị hớp hồn bởi Ted Bundy - kẻ đã giết ít nhất 30 phụ nữ, hành hung nhiều người khác, từng trốn trại 2 lần, cuối cùng bị tử hình trên ghế điện.
Bộ phim họ xem là Extremely Wicked and Shockingly Evil and Vile (tạm dịch: Cực kỳ xấu xa, ác ôn và đê tiện khôn cùng), với nam diễn viên điển trai Zac Efron vào vai Bundy. Phim khởi chiếu trên Netflix vào tháng 5-2019, chỉ 4 tháng sau loạt phim tài liệu 4 tập cũng về tay giết người hàng loạt này - Conversations with a Killer: The Ted Bundy Tapes (Đối thoại với kẻ sát nhân: Thước phim về Ted Bundy). Cả 2 đều được công chiếu nhân kỷ niệm 30 năm ngày Bundy bị hành quyết, cho thấy sau 3 thập niên , di sản của hắn vẫn sống động, nhờ liên tục xuất hiện trong phim ảnh, sách truyện và chương trình podcast.
Zac Efron trong vai Ted Brundy (trái) trong Extremely Wicked, Shockingly Evil and Vile và nhân vật nguyên mẫu.
Cô sinh viên trong lớp Mallett không phải là cá biệt. Theo New York Daily News, ngay sau khi loạt phim tài liệu được phát trên Netflix, Twitter tràn ngập các dòng cảm xúc khen ngợi vẻ quyến rũ của Bundy và nổ ra tranh cãi giữa 2 phe: một bên đắm đuối gã sát nhân và một bên cho rằng phải có vấn đề về tâm lý mới nói một gã giết người hàng loạt là quyến rũ. Thật ra Ted Bundy quả là bô trai; không phải ngẫu nhiên mà ZacEfron được chọn, và tập 1 trong series phim tài liệu có tựa là “Con quỷ bảnh bao”. Nhưng còn tội ác của hắn thì sao?
Các chuyên gia cho rằng người ta bị những tay giết người hàng loạt như Bundy thu hút một phần vì họ muốn tìm hiểu những hành vi tàn ác của chúng, muốn biết tại sao một người lại có ý muốn đoạt mạng người khác và làm điều đó nhiều lần, hay cái gì đã đẩy họ vào phần tăm tối đó của con người.
David Schmid, giáo sư Đại học Buffalo, chuyên nghiên cứu những tay sát nhân nổi tiếng và sự phổ biến của thể loại “true crime” ở Mỹ, đưa ra một giả thuyết khác: người ta vừa sợ vừa ngưỡng mộ tội phạm vì đó là những kẻ sống ngoài vòng pháp luật và các khuôn phép xã hội. “Người ta không phải vì muốn cũng sẽ đi giết người mà là tò mò cuộc sống sẽ ra sao nếu ta có thể làm mọi thứ mình muốn” - ông nói với The Atlantic.
Tất cả những điều này đã khiến những tội phạm khét tiếng trở thành cái tên nhà nhà đều biết. Năm 2013, ca sĩ Katy Perry và rapper Juicy J ra bài hát Dark Horse, trong đó có đoạn rap “Ả sẽ ăn tim ngươi/như Jeffrey Dahmer”. Jeffrey Dahmer đã giết, phân xác và ăn thịt 17 người đàn ông và bé trai trong khoảng thời gian từ 1978 đến 1991; hắn bị giết trong tù năm 1994, gần 20 năm trước khi được nhắc tới như “điển tích” trong một bài nhạc pop thế kỷ 21. Tại Việt Nam, hẳn có thể làm điều tương tự với những Lê Văn Luyện hay Nguyễn Hải Dương.
Kẻ giết người hàng loạt Jeffrey Dahmer (trái) và tạo hình trong phim My Friend Dahmer do Ross Lynch đóng.
Giáo sư tội phạm học Scott Bonn cho rằng việc liên tục “hiện diện” trong truyền thông đại chúng suốt hàng chục năm đã giúp Bundy hay Dahmer tiếp tục thu hút sự chú ý, trở thành một kiểu “người nổi tiếng” ngay cả khi không còn trên cõi đời. Công chúng còn khao khát tiêu thụ kiểu nội dung này thì cỗ máy sản xuất đương nhiên không có lý do ngừng lại. Song cái giá phải trả là không nhỏ. Khi truyền thông “giật gân hóa” những kẻ giết người hàng loạt, người ta có thể quên mất tội ác của chúng, trong khi những nạn nhân lại bị lãng quên.
“Ivan Milat (sát nhân hàng loạt người Úc), Ted Bundy, và Jeffrey Dahmer là những cái tên ai cũng biết. Nhưng Deborah Everist, Caryn Campbell, hay Tony Hughes - các nạn nhân của những gã sát nhân này gần như đã bị lãng quên” - Mallett viết trên The Conversation.
Theo Bonn, khi ta chỉ tập trung vào kẻ sát nhân và giật gân hóa chúng, điều đó sẽ khiến nạn nhân đau đớn hai lần. Kathy Kleiner, người may mắn sống sót dù đã bị Bundy tấn công vào năm 1978, xác nhận điều này. Bà cho rằng sẽ rất nguy hại nếu các bộ phim tài liệu về Bundy chỉ cho công chúng thấy phần cuốn hút của hắn mà không quan tâm đến các nạn nhân, như trong series Bundy Tapes.
Kleiner trả lời New York Daily News khi Extremely Wicked and Shockingly Evil and Vile còn 4 tháng nữa mới khởi chiếu, và bà bày tỏ hy vọng bộ phim sẽ không chỉ nói về chuyện quyến rũ, cuốn hút của Bundy mà phải kể đến phần lệch lạc của hắn, khi con ác quỷ bên trong chiếm lấy con người hắn. “Câu chuyện sẽ khác nếu [nhà làm phim] không chăm chăm tô vẽ mọi thứ” - Kleiner nói.
Nụ cười của kẻ giết người hàng loạt Ten Bundy. Ảnh cắt từ phim tài liệu Bundy Tapes của Netflix
Tiếc rằng điều đó đã không xảy ra. Tờ Washington Post cho rằng bộ phim “vẫn sa vào việc ca ngợi Bundy và không nhắc đến tác động mà tội ác của hắn để lại với người nhà nạn nhân”. Con người Bundy trong phim vẫn khiến nhiều người, như nữ sinh viên của Xanthe Mallett, mê mẩn, khiến nhà tội phạm học này phải đặt cho bài viết của mình trên The Conversation một tiêu đề thống thiết: “Việc tô vẽ những kẻ tội phạm hung bạo thông qua các chương trình và podcast true crime cần phải chấm dứt”.■
Tag:tội phạm tâm lý, Tâm lý học, phim và đời sát thủ hàng loạt, Jeffrey Dahmer, Ted Bundy