Thông thường, người ta cho rằng, trẻ em trong các gia đình ly hôn được chia làm 2 nhóm:
- Nhóm thứ nhất gồm những trẻ mà sự kiện ly dị của cha mẹ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tâm lý của chúng. Chúng ít nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, sự chăm sóc của bố mẹ nên ít thành công trong cuộc sống, thậm chí có một số rơi vào các tệ nạn xã hội, phạm pháp...
- Nhóm thứ hai gồm những trẻ mà sự kiện ly dị của bố mẹ hầu như không ảnh hưởng đến trẻ. Chúng vẫn học hành giỏi và thành đạt trong cuộc sống.
Trên thực tế, xét theo góc độ thống kê thì đúng như vậy. Nhưng, nếu tìm hiểu sâu hơn qua ghi chép, nghiên cứu dài hạn những trẻ em trong các gia đình ly hôn của các nhà tâm lý học, chúng ta nhận thấy rằng, dù nhiều hay ít, dù biểu hiện bằng cách này hay cách khác thì những trẻ em này đều bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh gia đình của mình, bởi điều mất mát lớn nhất từ sự ly hôn của cha mẹ đối với con cái, là chúng mất đi một điều kiện cơ bản để phát triển - đó là một cơ cấu gia đình đầy đủ.
Phản ứng tức thời của đứa trẻ đối với việc ly dị của cha mẹ là sự hoảng sợ, cảm thấy không phải cha mẹ từ bỏ nhau mà là từ bỏ chính chúng. Mức độ phản ứng này phụ thuộc vào việc đứa trẻ sống trong một gia đình như thế nào. Trước khi ly dị, đứa trẻ càng được yêu thương và chăm sóc đầy đủ bao nhiêu thì khi cha mẹ ly dị chúng càng cảm thấy bị tổn thương và hoảng sợ bấy nhiêu.
Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi thường phản ứng mạnh mẽ với những thay đổi của hoàn cảnh sống. Do vậy, sự kiện ly dị của cha mẹ kéo theo nhiều biến động như: sự chuyển chỗ ở, sự thay đổi trường học, sự ra đi của cha hoặc mẹ... đã tác động rất lớn đến trẻ. Nhiều trẻ biểu lộ sự sợ hãi bị cha mẹ bỏ rơi bằng những dấu hiệu như không ngủ được, la hét trong giấc ngủ, lặp lại những hành vi trong thời kỳ môi miệng như mút tay, đái dầm hoặc gắn bó thái quá với những đồ vật quen thuộc. Tuy nhiên, tình trạng này ở trẻ nhỏ sẽ ổn định lại khá nhanh nếu sự chia ly của cha mẹ tỏ ra êm thấm, nếu đứa bé vẫn được mẹ chăm sóc cẩn thận, chu đáo.
Trẻ khoảng từ 5 đến 8 tuổi, khi cha mẹ ly hôn, thường sinh ra tính cáu kỉnh, hay la khóc, khó tập trung chú ý. Những trẻ là học sinh thì sa sút trong việc học hành. Ở một số trẻ xuất hiện các rối loạn cơ thể do quá đau khổ, đặc biệt là mặc cảm tội lỗi thường dày vò chúng. Vì còn nhỏ nên những trẻ này được mẹ quan tâm chăm sóc hơn, bởi vậy, có không ít đứa trẻ nghĩ rằng chúng đã làm mất lòng cha để cha phải bỏ đi. Cũng có một số trẻ thì lại nghĩ rằng người cha ra đi là do chúng không ngoan, không vâng lời hay bị điểm kém... Có nghĩa là trẻ nhỏ có xu hướng tìm ra những lỗi lầm cụ thể của mình để lý giải sự ra đi của người cha yêu quý.
Trẻ từ 8 đến 12 tuổi đã bắt đầu có những dự định trong cuộc sống. Sự ly dị của cha mẹ đã làm sụp đổ những dự định đó. Do vậy, nhiều trẻ có thái độ khó chịu, bực bội, tức giận đối với cha mẹ. Chúng đau khổ vì cảm thấy cô đơn và bất lực.
Nếu thời điểm ly dị của cha mẹ xảy ra khi trẻ ở độ tuổi vị thành niên thì sao? Thường thì người ta nghĩ rằng, con cái ở độ tuổi này có thể hiểu và thông cảm cho cha mẹ. Nhưng trên thực tế không hoàn toàn đúng như vậy. Phản ứng tức thời của nhiều đứa trẻ cũng là tức giận, oán hận vì đối với chúng, gia đình ly tán đồng nghĩa với việc sụp đổ tất cả những dự định, những kế hoạch, những hoài bão tương lai của mình.
Tiếp theo những phản ứng tức thời là những bất ổn khác xảy ra với trẻ có cha mẹ ly hôn. Nhìn chung, trẻ gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình thích ứng tâm lý - xã hội: Khó khăn trong học tập, khó khăn trong việc thích ứng với hoàn cảnh sống mới, khó khăn trong các mối quan hệ xã hội v.v...
Đối với trẻ nhỏ, sau khi cha mẹ ly dị, những khó khăn mà chúng gặp phải trong học tập rất đa dạng: Đọc không đúng, nói ngọng, viết sai chính tả nhiều, không thể tập trung chú ý trong giờ học, hay quên... Những trẻ lớn hơn thì tỏ ra chán học, hay quậy phá trong lớp.
Sự thay đổi chỗ ở cũng là những thử thách cam go đối với trẻ nhỏ. Một số ít cha mẹ khi ly hôn không muốn hoặc không thể gánh vác trách nhiệm một mình nuôi dưỡng và chăm sóc con cái. Họ đã thỏa thuận thay phiên nhau chăm sóc con cái. Trẻ ở với bố vài tháng hoặc vài tuần lại đến ở với mẹ. Sự chuyển dịch chỗ ở liên tục như vậy kéo theo sự xáo trộn trong sinh hoạt, tạo ra cho trẻ một số lo âu, chủ yếu là lo bị bỏ rơi.
Nếu như sự thay đổi hoàn cảnh sống sau ly hôn tác động lớn đến trẻ nhỏ thì ở trẻ lớn hơn, khó khăn đối với chúng lại thường xuất hiện trong các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là quan hệ bạn bè. Trẻ em có cha mẹ ly dị cảm thấy vị thế của mình trong nhóm không còn như trước nữa. Ở các em sinh ra tâm lý mặc cảm, tự ti, ngại tiếp xúc với bạn bè, có xu hướng co mình lại, hoặc chỉ thích chơi với một nhóm nhỏ 2 người.
Một thời gian sau ly dị, con cái vẫn tiếp tục hy vọng cha mẹ sẽ dàn hòa với nhau và lại trở về sống cùng một mái nhà như xưa. Thậm chí, sau 5 năm hoặc lâu hơn, trẻ vấn nuôi hy vọng với một nỗi khát khao đến đau khổ. Một số trẻ khác thì cảm thấy bất lực vì không có cách nào ảnh hưởng đến việc ly dị của cha mẹ. Trẻ còn cảm thấy cô đơn, bởi trong những hoàn cảnh bình thường con cái bao giờ cũng nhận được sự giúp đỡ của cha mẹ thì khi ly dị xảy ra, chúng rất ít hoặc hầu như không nhận được sự giúp đỡ đó. Thậm chí, một số trẻ còn đóng vai trò là người an ủi, động viên cha mẹ trong khi chúng cố giấu kín nỗi bực dọc, đau khổ của mình vì sợ làm buồn lòng cha mẹ.
Có không ít trường hợp, khi ly dị, cha mẹ cố tình lôi kéo con cái về phía mình, lấy con cái làm “bia đỡ đạn” hay xem con cái như một thứ vũ khí để trừng phạt người vợ hoặc người chồng... Vì vậy, khi buộc phải ủng hộ một phía nào đó, con cái cảm thấy như đang phản bội lại cha hoặc mẹ mình. Không ít đứa trẻ rơi vào tình cảnh như vậy đã không có một cơ hội nào trong đời để sửa chữa “lỗi lầm” của mình. Và thế là mặc cảm tội lỗi cứ dằn vặt, ám ảnh, đeo đẳng chúng suốt đời, làm cho tâm hồn chúng không bao giờ được thanh thản trở lại.
Cũng có một số trẻ dường như không có phản ứng gì trước việc ly dị của cha mẹ. Chúng vẫn học hành tốt, mọi việc diễn ra đều đặn, bình thường, làm cho người ngoài có cảm giác rằng đó là những đứa trẻ vô tư, ít bận tâm, suy nghĩ. Thực ra không phải như vậy, một số nghiên cứu dài hạn đã cho thấy, chính những đứa trẻ này lại gặp rất nhiều rắc rối khi bước vào tuổi trưởng thành. Như vậy là: “Không thể tiên đoán được những hậu quả dài hạn của ly dị đối với con cái dựa trên những gì chúng phản ứng ngay sau khi sự việc xảy ra”.
Tuổi tiền thanh niên, đứng trước ngưỡng cửa của cuộc đời là thời gian rất khó khăn đối với bất kỳ một trẻ em nào. Để trưởng thành, các em phải có tính độc lập, biết tạo ra và nắm bắt các cơ hội trong cuộc sống. Trong tình cảm, các em phải có khả năng thiết lập được những mối quan hệ mật thiết, chân thành và biết cách giữ gìn nó. Hơn ở đâu hết, gia đình là nơi cung cấp cho trẻ sức mạnh và những kỹ năng đó, là nơi tạo ra hình mẫu của mỗi quan hệ khác giới đó. Thế nhưng, trẻ em trong các gia đình ly hôn thì hoàn toàn không có được thuận lợi này, chúng không nhìn thấy mẫu hình quan hệ khác giới tốt đẹp của cha mẹ mình. Chúng luôn sợ phải lặp lại những sai lầm mà cha mẹ đã mắc phải. Cảm giác này được nhen nhóm ở tuổi thiếu niên, khi phải đối mặt trực tiếp với nó thì nỗi lo sợ mới lên đến đỉnh cao. Chúng sợ bị ruồng bỏ, bị phản bội, sợ phải mất mát, đau đớn.
Đối với một số trẻ em, khó khăn chính lại ở chỗ khó xây dựng cho mình một cuộc sống độc lập. Đó thường là những trẻ lớn, là con cả trong gia đình. Khi bố mẹ chia tay nhau, những đứa trẻ này buộc phải trở thành chỗ dựa cho các em, thậm chí cho cả cha hoặc mẹ. Chúng phải lo toan gánh vác mọi việc trong gia đình, là người thay thế cha mẹ để nuôi dạy các em. Do bị ràng buộc bởi trách nhiệm, chúng không nỡ tách ra khỏi gia đình khi đã trưởng thành để gây dựng cho mình một cuộc sống riêng.
Đối với một số em khác, khi đến tuổi trưởng thành lại gặp rất nhiều khó khăn trong quan hệ với người khác giới. Có những cô gái hoặc những chàng trai lo sợ bị người yêu phản bội đến nỗi sinh ra ghen tuông một cách bệnh lý. Để đối phó với nỗi lo sợ bị phản bội, các thanh niên này thường chọn cho mình một phương pháp là phải có nhiều người yêu cùng một lúc để nếu người này bỏ đi thì vẫn còn người kia. Và thế là họ không bị đau khổ.
Những cô gái khác lại chọn giải pháp “cặp bồ” với những người lớn tuổi hơn mình rất nhiều - những người ít có khả năng phản bội một cô gái trẻ. Hơn nữa, họ muốn tìm ở mối quan hệ ấy tình cảm của người cha mà họ không được hưởng từ tuổi thơ.
Cũng có trường hợp bé gái sống với cha khi cha mẹ ly dị, lúc lớn lên đã trở thành một cô gái đầy nam tính vì thiếu mẫu hình người phụ nữ (người mẹ) để đồng nhất hóa. Và vì người cha, do căm thù vợ, coi con gái là hình ảnh sống của người vợ, nên đã “bài trừ mọi biểu hiện nữ tính hé ra ở con gái”. Ngược lại, có những cô gái do quá gắn bó với mẹ nên thường xảy ra xung đột nội tâm giữa bổ phận, trách nhiệm đối với gia đình, đối với người mẹ chịu nhiều đau khổ và ham muốn khẳng định mình. Cũng có cô gái có được cuộc sống độc lập thì lại rơi vào mặc cảm tội lỗi khác vì cảm thấy mình hạnh phúc hơn mẹ...
Như vậy, đối với những cô con gái trong các gia đình ly hôn có thể xảy ra hai trường hợp: hoặc không tìm được hình tượng người cùng giới để đồng nhất, hoặc đồng nhất thái quá với người mẹ. Cả hai trường hợp đó đều không tốt cho sự phát triển của trẻ.
Hậu quả ly dị để lại cho các em trai cũng rất đa dạng. Nếu như lo âu là đặc điểm chung của trẻ em có bố mẹ ly dị thì mức độ biểu hiện của nó có khác nhau ở trẻ gái và trẻ trai. Ở trẻ gái có mức độ lo âu cao hơn, trong khi đó sự lo âu ở trẻ trai thường biến dạng thành những ứng xử khác như: quậy phá, đánh đập bạn ở trường, chống đối với giáo viên, không làm bài tập, thậm chí bỏ đi khỏi nhà v.v... Một trong những hậu quả lâu dài mà sự ly dị của cha mẹ để lại cho trẻ trai là xu hướng sử dụng bạo lực trong các mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ gia đình sau này. Sở dĩ có sự ảnh hưởng đó là do trẻ trai thường có xu hướng đồng nhất hóa với những cá tính mạnh của cha mẹ hoặc đồng nhất hoàn toàn với người có cá tính mạnh. “Bằng cách đồng nhất hóa với một nhân vật mạnh mẽ nào đó, đứa trẻ tự bảo vệ mình khỏi bị đau khổ và tuyệt vọng, bắt chước người gây hấn, đứa trẻ hy vọng nhập tâm được sức mạnh để đối phó với người khác những gì nó trải qua hồi còn nhỏ như là một nạn nhân bất lực. Quy trình đồng nhất với người gây hấn có thể đóng vai trò tích cực giúp đứa trẻ đối phó với đau khổ và thất vọng, không thể tránh khỏi ở tuổi đang phát triển”.
Các em trai cũng có xu hướng đè nén tình cảm, làm cho mình rơi vào trạng thái “mất cảm giác” để có thể tiếp tục sống mà bớt đau khổ vì cha mẹ ly dị. Chính từ cơ chế tự vệ tâm lý này mà nhiều trẻ trai trở nên cằn cỗi, dễ bị ức chế, khó hình thành tình cảm thân mật, cởi mở, dẫn đến sự kém tự tin trong các mối quan hệ khác giới, dễ tự ái, co mình lại.
Cũng như con gái, con trai trong các gia đình ly hôn thường gặp khó khăn trong quá trình đồng nhất hóa và có nguy cơ thoái lùi tâm lý, ít nam tính, không đủ nghị lực để tạo lập một cuộc sống độc lập nếu gắn bó thái quá với mẹ, mãi là “con trai bé bỏng” của mẹ.
Theo nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới, nhóm trẻ trai trong các gia đình ly hôn có tỷ lệ nghiện rượu, nghiện ma túy và có nguy cơ xuất hiện các rối nhiễu tâm lý cao hơn hẳn nhóm trẻ bình thường.
Trên đây chỉ là vài nét sơ lược về đặc điểm tâm lý của trẻ em có cha mẹ ly hôn. Có thể có một câu hỏi được đặt ra là: Liệu trẻ em trong các gia đình đầy đủ, nguyên vẹn có gặp phải những vấn đề nêu trên không ? Câu trả lời ở đây là có. Tuy nhiên, chúng ta phải thấy rằng, trên đây là một số vấn đề (hoặc một số đặc điểm tâm lý) thường gặp hơn, xuất hiện với tần suất cao hơn ở trẻ em trong các gia đình ly hôn. Hơn nữa, những vấn đề đó của trẻ trong các gia đình ly hôn và của trẻ bình thường xuất phát không cùng một nguyên nhân. Chẳng hạn, nguyên nhân phạm pháp của trẻ trong các gia đình ly hôn không phải như một số thanh niên khác vì nghèo khổ và tội ác mà là do buồn chán, đau khổ, cảm thấy bị bỏ rơi...
Chúng tôi nghĩ rằng, để có một “bức tranh toàn cảnh” về những hậu quả do sự ly dị của cha mẹ để lại cho con cái, những ảnh hưởng của nó đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em nói chung và trẻ em Việt Nam nói riêng, cần phải có sự đầu tư nghiên cứu dài hạn của các nhà tâm lý học, giáo dục học, xã hội học... trong nước.
Bài đăng trên tạp chí TLH số 2/2003 của tác giả PGS.TS.Nguyễn Thị Minh Hằng
Tài liệu tham khảo
1. J.S.Wallerstein, Ly dị, cơ may & nỗi đau sau 10 năm, NXB Phụ nữ, 2000.
2. Nguyễn Khắc Viện (chủ biên), Bàn về tâm lý gia đình, NXB Kim Đồng, Hà Nội, 1993.
3. Nguyễn Thị Minh Hằng, Sự thích nghi tâm lý - xã hội của trẻ em trong các gia đình ly hôn, Luận văn thạc sĩ, Hà Nội, 2001.
4. M.I. Buianov, Đứa trẻ trong gia đình không thuận lợi. Những ghi chép của bác sĩ tâm thần trẻ em, Mátxcơva, 1988, (Sách tiếng Nga).
5. Hôn nhân và gia đình trong xã hội hiện đại. NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2000
Tag:ly hôn, mâu thuẫn, lối sống, ngoại tình, kinh tế, bạo lực gia đình, con trẻ, hậu quả