1. Khái niệm bạo lực học đường

 

Bạo lực học đường là một hiện tượng đang trở thành vấn đề nghiêm trọng ở nhiều nước trong một vài thập kỷ gần đây, đặc biệt là ở các nước có nền kinh tế đang phát triển thì hiện tượng này càng rõ nét hơn. Việt Nam trong những năm gần đây có sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện nền kinh tế - xã hội, phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tăng trưởng kinh tế mang lại lợi ích rõ rệt cho sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam. Trong giai đoạn 2001 – 2010, thành tựu của giáo dục Việt Nam đã đóng góp quan trọng trong việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, tạo điều kiện cho đất nước tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế.

Cùng với những thành tựu kể trên thì giáo dục Việt Nam vẫn tồn tại một số những bất cập và hạn chế, trong đó có biểu hiện lệch lạc về hành vi, lối sống của một bộ phận học sinh, sinh viên. Một trong những biểu hiện cụ thể của hạn chế này là hiện tượng bạo lực học đường đang trở thành mối lo ngại của ngành giáo dục, cha mẹ học sinh và toàn xã hội. Nó tác động trực tiếp đến tinh thần, thái độ học tập của học sinh và việc giảng dạy của các thầy giáo, cô giáo. Bạo lực học đường ở Việt Nam diễn ra không chỉ ở các thành phố lớn mà còn có ở các vùng nông thôn, không chỉ xảy ra ở học sinh nam mà còn cả học sinh nữ và dường như xảy ra ở các cấp học.

Bạo lực học đường là một thuật ngữ chỉ những hành vi bạo lực diễn ra trong môi trường học đường, là hệ thống xâu chuỗi lời nói, hành vi mang tính miệt thị, đe dọa, khủng bố người khác, để lại thương tích trên cơ thể, thậm chí dẫn đến tử vong, đặc biệt là gây tổn thương đến tư tưởng, tình cảm, tạo cú sốc tinh thần cho những đối tượng trực tiếp tham gia vào quá trình giáo dục trong nhà trường, cũng như đối với những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục. Bạo lực học đường không chỉ xảy ra giữa học sinh với học sinh mà còn xảy ra giữa học sinh với giáo viên hoặc cán bộ công nhân viên trong nhà trường, thậm chí là giữa cán bộ, giáo viên trong nhà trường với nhau.

2. Những yếu tố ảnh hưởng đến hành vi bạo lực học đường

2.1. Những yếu tố thuộc về chính bản thân học sinh

2.1.1. Yếu tố sinh lý

Thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 12 đến 18 đang ở trong giai đoạn dậy thì với những dấu hiệu rất rõ nét và diễn ra hết sức nhanh chóng ở hệ thống thần kinh, hệ thống các cơ quan  trong cơ thể, sự phát triển nhanh chóng của các cơ quan tế bào màng não, bộ phận sinh dục bắt đầu hoàn  thiện, và bắt đầu có những cảm giác tò mò muốn tìm hiểu về giới tính. Những điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến diễn biến tâm lí, cảm xúc, tinh thần, hành vi của thanh thiếu niên.

2.1.2. Yếu tố tâm lý

Thanh thiếu niên trong giai đoạn tuổi dậy thì, hệ thống thần kinh ở vào trạng thái chưa ổn định, về nhận thức, tình cảm, ý chí có sự thay đổi, điều này dễ khiến cho các em dễ hưng phấn, dễ hành động và làm việc theo cảm tính, dễ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố tác động từ bên ngoài. Khi đối mặt với những vấn đề như tình cảm, học tập, giới tính, …các em dễ dàng có cảm giác hài lòng với chính mình. Các em cũng bắt đầu có nhu cầu tiếp xúc với các bạn khác giới, có nhu cầu được mọi người tôn trọng, nhu cầu thỏa mãn sự hiếu kì cũng như tò mò của mình,…

Khi gặp phải những ảnh hưởng không tốt, các em dễ rơi vào những “cạm bẫy” tiêu cực. Từ đó dễ nảy sinh những hành động quá khích, ví dụ như có những học sinh thành tích học tập không tốt, các phương diện khác như ngoại hình, tài ăn nói cũng không tốt, nhưng các em lại có khao khát được thể hiện bản thân, rất muốn thể hiện mình và  gây sự chú ý trước mặt người khác. Khi đó các em sẽ tìm cách thể hiện bản thân thông những hành vi chống đối, ngang bướng, bỏ học, mê mẩn với những trò chơi điện tử hoặc thậm chí là thực hiện những hành vi bạo lực, để thể hiện cái “Tôi” của bản thân.

2.1.3. Sự không cân bằng trong phát triển tâm sinh lí

Do thời kì thanh thiếu niên có sự phát triển không đồng bộ và không cân bằng về tâm sinh lí, cùng với những hạn chế về kiến thức xã hội, do đó ở giai đoạn này thanh niên dễ nảy sinh những hành vi bạo lực. Thời kì thanh niên là giai đoạn phát triển chuyển tiếp giữa tuổi nhi đồng lên tuổi trưởng thành, sự phát triển của thời kì này vô cùng phức tạp và mâu thuẫn, nó còn đuợc gọi là “thời kì tiềm ẩn nhiều nguy cơ”.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng về sinh lí thì tâm lý cũng đang phát triển với tốc độ chậm hơn, khả năng nhận thức và kiềm chế bản thân  vẫn chưa có sự phát triển hài hòa cùng với sinh lí, nhận thức của trẻ trong giai đoạn này khó có thể đối mặt được với những nguy cơ tiềm ẩn ngoài xã hội. Trong điều kiện chưa có sự chuẩn bị trước, mà các em phải đối mặt với rất nhiều mâu thuẫn và nguy cơ như thế, thường khiến cho các em rơi vào trạng thái âu lo. Điều này dẫn đến khi các em có chuyện không vừa ý hoặc cảm thấy không công bằng trong cuộc sống gia đình hay trong học tập thì trạng thái cảm xúc của các em cũng mất cân bằng theo. Lúc đó những mâu thuẫn về nhu cầu của bản thân và thực tế khách quan ngày càng trở nên phức tạp. Sự phát triển không đồng đều giữa tâm sinh lí, dẫn đến nảy sinh nhiều mâu thuẫn, đây chính là một trong những yếu tố trực tiếp dẫn đến hành vi bạo trong nhà trường của thanh thiếu niên.

2.1.4. Một số yếu tố khác từ bản thân học sinh

Học sinh có tiền án, tiền sự vi phạm pháp luật; học sinh có sử dụng các chất kích thích; học sinh có những vấn đề về tâm lý như hiếu động, giảm tập trung chú ý, lo âu, trầm cảm,…; học sinh tham gia vào các hiệp hội, băng nhóm bạo lực hoặc có liên quan đến các đường dây bạo lực;…

2.2. Những yếu tố ảnh hưởng thuộc về gia đình, nhà trường và xã hội

2.2.1. Ảnh hưởng từ gia đình

Gia đình là nơi con người sinh ra và trưởng thành. Gia đình có ảnh hưởng lớn trong quá trình trưởng thành của một cá nhân. Nếu nhìn nhận những vấn đề của thanh thiếu niên như một căn bệnh, thì nguồn gốc của căn bệnh ấy bắt nguồn từ gia đình, triệu chứng của bệnh thể hiện ở trường học và nó ngày càng trở nên trầm trọng khi ở ngoài xã hội. Bởi vậy, bạo lực học đường và những ảnh hưởng gia đình có quan hệ mật thiết với nhau, những ảnh hưởng từ phía gia đình góp phần hình thành hành vi bạo lực học đường được thể hiện ở một số yếu tố sau :

a. Sự buông lỏng trong quản lý và giáo dục con cái của gia đình

Có những gia đình bố mẹ do quá bận nên đã thả lỏng con cái, không hỏi han và quan tâm đến con. Bố mẹ không hiểu được con cần gì, không kịp thời phát hiện, giáo dục cũng như sửa những lỗi sai cho con. Về phía con cái, do không kịp thời nhận được sự quan tâm, chăm sóc và giáo dục của bố mẹ, con kết thân với những bạn bè xấu, bị ảnh hưởng xấu từ bạn bè, đi từ sai lầm nhỏ đến sai lầm lớn, và có những hành vi không tốt.

Một hình thức buông lỏng khác là bố mẹ thỏa mãn tất cả mọi yêu cầu của con, nuông chiều con, con muốn làm gì thì làm. Với cách quản lý và giáo dục như thế này các con khó có thể hình thành được tư duy tốt cũng như những thói quen tốt, dễ đi theo những con đường xấu. Tôi đã từng trò chuyện với không ít các em học sinh phổ thông, khi được hỏi “Nếu có bạn muốn gây sự với em, thậm chí muốn đánh em, em sẽ phản ứng như thế nào?” thì đa số các em được hỏi đều không ngần ngại trả lời rằng : “Đánh lại”.

b. Môi trường gia đình

Một môi trường gia đình lành mạnh sẽ có lợi cho sự phát triển của con cái và hình thành nên ở trẻ những hành vi cũng như những nhân cách mà xã hội yêu cầu. Và ngược lại, nếu môi trường gia đình không tốt sẽ tạo nên những ảnh hưởng xấu cho trẻ, hình thành nên những phẩm chất đạo đức không tốt, thậm chí hình thành nên những nhân cách đi ngược lại với yêu cầu của xã hội.

Có những gia đình do quan hệ của hai bố mẹ mâu thuẫn, li thân hoặc ly hôn, trong gia đình luôn xảy ra cãi lộn, mắng chửi, thậm chí là xảy ra xô xát, bạo lực. Sống trong môi trường gia đình như thế con cái ngày ngày phải nghe, phải chứng kiến, thậm chí con là người chịu đòn, dần dần các em sẽ hình thành những nhận thức sai lệch, và thật tệ hại khi trẻ cho rằng bạo lực chính là một cách để giải quyết mâu thuẫn.

Có những gia đình mà cha hoặc mẹ hay người thân mắc những chứng bệnh hiểm nghèo hoặc gia đình vừa trải qua những biến cố lớn nếu không có sự chuẩn bị tâm lý tốt sẽ hình thành nên tâm lý tự ti ở trẻ, và khi bị bạn bè trêu trọc, bàn tán lâu ngày rất có thể trẻ sẽ không kiềm chế được bản thân mà gây ra những hành vi bạo lực.                                                                                                                                                                                                                                                    

c. Nhân cách, đạo đức của cha mẹ

Cha mẹ chính là người thầy đầu tiên của con cái, từng cử chỉ, lời ăn tiếng nói hàng ngày của cha mẹ sẽ là tấm gương phản chiếu vào nhân cách của trẻ. Nếu cha mẹ có những suy nghĩ và hành động không tốt, chắc chắn sẽ kéo theo những ảnh hưởng không tốt với con cái. Có rất nhiều những đứa trẻ do chịu những ảnh hưởng tiêu cực của cha mẹ mà đi theo những con đường bất chính.

Có những gia đình cha mẹ do nhân cách đạo đức không tốt, nhận thức chính trị không tốt, thường xuyên bất mãn với xã hội, những điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến con cái, nó khiến cho các con biến những điều bất mãn này thành những hành vi phản xã hội. Có những gia đình, do trong nhà có những hành vi bạo lực, bố mẹ có những hành vi phạm pháp hoặc cha mẹ nghiện ngập, từng có tiền án tiền sự, khi con cái tận mắt được chứng kiến sẽ ảnh hưởng không tốt đến nhận thức và hành vi của trẻ.

Có những gia đình, mặc dù bố mẹ có trình độ văn hóa, cũng không có điều gì bất mãn với xã hội, nhưng tư cách đạo đức không tốt, thường xuyên coi thường người khác, những tính cách này của bố mẹ  trực tiếp ảnh hưởng đến sự hình thành tính cách của con cái, điều này cũng ảnh hưởng đến cách thức con cái giao tiếp với bạn bè, thầy cô và mọi người trong xã hội. Và rất có thể do thái độ kiêu ngạo của con mà vô tình dẫn đến bạo lực tinh thần đối với người khác.

d. Những ảnh hưởng của điều kiện kinh tế gia đình

Rất nhiều gia đình có trẻ tham gia vào hành vi bạo lực là những gia đình có điều kiện kinh tế không tốt. Kinh tế gia đình không đầy đủ cùng với việc giáo dục của gia đình không chu đáo cũng gián tiếp ảnh hưởng đến việc con cái có những hành vi trộm cắp, trấn tiền cũng như cướp tài sản của bạn. Mặt khác, gia đình có điều kiện kinh tế không tốt cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến con bị các bạn coi thường, sự tự ti cùng với chịu đựng sự trêu trọc, bắt nạt của bạn bè trong thời gian dài dễ dẫn đến những hành vi phản kháng, do đó cũng dễ dẫn đến những hành vi bạo lực theo những cách khác nhau.

Có những học sinh gia đình có điều kiện, thường bắt chước theo những lối sống xa hoa của giới thượng lưu, ăn chơi, rượu chè, mua sắm, yêu đươg,… một khi kinh tế không đáp ứng được, sẽ tìm mọi cách để có tiền, hoặc không khống chế được bản thân, mà đi tham gia vào những cuộc ẩu đả đánh nhau, đây cũng là một nhân tố quan trọng hình thành nên hành vi bạo lực học đường.

2.2.2. Ảnh hưởng từ trường học

a. Sự phân bổ trình độ học sinh chưa hợp lý

Trong thực tế xã hội, học sinh phổ thông chọn trường có những đặc điểm riêng, đa phần những học sinh giỏi và đội ngũ giáo viên giỏi đều tập trung ở trường chuyên, lớp chọn, những học sinh chưa giỏi lại đa phần tập trung ở những nhà trường và lớp học tốp dưới. Những học sinh mà chúng ta vẫn quen gọi là “học sinh kém” là một bộ phận yếu thế hơn trong trường học, các em không nhận được sự dẫn dắt và chỉ bảo phù hợp ở trường, từ đó dẫn đến các em có tâm lí tự ti và chán ghét trường học, khi các em có những mâu thuẫn mà không nhận được sự giải quyết công bằng của thầy cô giáo thì dễ dẫn đến những hành vi bạo lực học đường.

b. Quan niện giáo dục thiên lệch

Trong quá trình giáo dục, các nhà trường vẫn còn đề cao thành thích, xem trọng việc nâng cao và bồi dưỡng kiến thức cho học sinh, mà lơ là và xem nhẹ việc giáo dục chính trị tư tưởng cho học sinh. Về vấn đề giáo dục kĩ năng cho học sinh, chỉ hạn chế ở việc dạy cho các em những kĩ năng sinh tồn trong cạnh tranh, còn việc làm thế nào để giáo dục cho các em một nhân cách hoàn thiện, làm thế nào để các em sống khỏe, sống vui, làm thế nào để giúp cho bản thân các em có một tinh thần thoải mái thì vẫn chưa được chú ý hợp lý.

Thái độ giáo dục của nhà trường ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của học sinh, đối với những học sinh có thành tích học tập tốt thì các em được thiên vị và được các thầy cô giáo yêu quý hơn, còn đối với những học sinh mà các thầy cô cho là “chậm tiến” lại thiếu sự quan tâm đầy đủ và đúng mức của thầy cô.

Trên thực tế, tất cả học sinh đều có quyền nhận được sự công bằng trong giáo dục, nếu các em nhận được sự đãi ngộ thiếu công bằng thì từ những học sinh chỉ có thành tích học tập không tốt, nhưng ý thức đạo đức tốt sẽ trở thành những học sinh vừa “học kém” vừa “ý thức kém”. Nếu cứ tồn tại những thái độ khác nhau trong giáo dục học sinh, thì những học sinh mà tiền đồ của các em vẫn còn có hy vọng sẽ trở thành vô vọng.

Cách làm này không chỉ làm cho các em mất đi quyền lợi được hưởng sự giáo dục công bằng, mà còn làm tổn thương đến lòng tự trọng của các em, thậm chí làm cho tâm hồn của các em trở nên thiên lệch. Những học sinh này sẽ cảm thấy các em bị bỏ rơi, không có tiền đồ, thậm chí tự dày vò bản thân mình, chẳng bao lâu các  em sẽ trở thành thành phần bất định trong trường học, những hành vi bạo lực như đánh nhau, ẩu đả, cướp đồ của bạn, xin tiền bảo kê là khó tránh khỏi.

c. Mối quan hệ giữa thầy và trò

Giáo dục Việt Nam có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, truyền thống tốt đẹp này đã được các thế hệ học trò người Việt gìn giữ và phát huy trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Tuy vậy, trong thời đại ngày nay cùng với sự phát triển kinh tế và sự bùng nổ của các công nghệ hiện đại, giáo dục nước ta những năm gần đây xuất hiện các hiện tượng như trò xúc phạm thầy cô giáo, thậm chí có trường hợp trò đánh thầy và ngược lại cũng có những hiện tượng thầy cô xúc phạm tới tinh thần và thể xác của học trò. Cho dù những hiện tượng này xuất từ bất kỳ nguyên nhân nào, tích cực hay tiêu cực nhưng sự tồn tại của nó vĩnh viễn không được chấp nhận trong môi trường sư phạm. Điều này cho thấy sự xuống cấp trong mối quan hệ giữa thầy và trò trong quá trình giáo dục nhà trường.

Nếu giáo viên dùng những cách không đúng để bảo vệ lòng tự trọng của mình thì giữa giáo viên và học sinh sẽ xuất hiện hai loại quan hệ: thứ nhất là quan hệ “cường quyền và chi phối”, thứ hai là quan hệ “sống chết mặc bay”. Quan hệ giữa giáo viên và học sinh thay đổi ở chỗ, học sinh “tuyệt đối phục tùng” theo những gì mà thầy cô giáo đưa ra, điều này khiến cho quan hệ giữa học sinh và thầy cô giáo trở nên căng thẳng, nó tạo nên khoảng cách thậm chí là quan hệ đối lập giữa giáo viên và học sinh. Có những thầy cô giáo công khai thiên vị một số học sinh (những học sinh này đa phần là có điều kiện kinh tế gia đình khá giả, thành tích học tập tốt, hoặc có quan hệ tốt với các thầy cô giáo), và có những thầy cô lại thể hiện sự lạnh lùng với một số học sinh khác, thậm chí dùng những lời lẽ ghẻ lạnh, châm biếm để trách phạt các em.

Có một số thầy cô không nghiêm khắc hoặc không thể kiểm soát được trật tự của lớp học lại tỏ ra thiếu kiên nhẫn đối với những học sinh không chịu nghe lời, hoặc không kiềm chế được cảm xúc mà vô tình lại trút giận lên những học sinh khác trong lớp. Có những thầy cô giáo sau khi tiến hành giáo dục mà chưa thấy được hiệu quả, các thầy cô cũng không kiên trì giáo dục, dạy dỗ các em mà hình thành thái độ “sống chết mặc bay”. Dưới sự ảnh hưởng của môi trường giáo dục áp đặt về quyền lợi, các thầy cô giáo về lôgic đã tạo môi trường cho các em thực hiện hành vi bạo lực học đường, và từ bạo lực trong nhà trường các hành vi bạo lực sẽ xuất hiện ngoài xã hội.

Khi mối quan hệ giữa thầy và trò thiếu sự đối thoại lẫn nhau sẽ dẫn đến một thực trạng là khi học sinh gặp khó khăn, các em không muốn tìm sự giúp đỡ từ các thầy cô giáo, các em không muốn tâm sự hay thổ lộ điều gì với các thầy cô của mình, bởi vì các em cho rằng thầy cô không thể giúp được mình. Khi đó, để giải quyết được khó khăn của bản thân các em chỉ còn cách dựa vào sự giúp đỡ của gia đình và bạn bè. Nếu không có sự giúp đỡ của gia đình, và bạn bè hoặc sự giúp đỡ ấy chưa hợp lý thì các em sẽ dễ dàng gặp phải những tình huống khó khăn hơn và bạo lực học đường rất có thể sẽ xẩy ra.

d. Vai trò quản lý của nhà trường

Sự quản lý không tốt trong trường học cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến hành vi bạo lực học đường. Khi nhà trường, thầy cô thiếu nghiêm khắc với học sinh, xem nhẹ kỉ luật, sẽ dẫn đến xuất hiện tràn lan những hiện tượng như quay cóp trong thi cử, học sinh yêu sớm, hút thuốc, uống rượu, những thành phần không tốt trong xã hội cũng dễ dàng chà trộn vào môi trường học đường, thậm chí có thể tồn tại cả những văn hóa phẩm đồi trụy trong trường học. Từ đó mối quan hệ giữa thầy và trò, giáo viên và phụ huynh vốn đã lỏng lẽo sẽ càng xa cách hơn. Khái niệm “trường học an toàn” hay “văn hóa nhà trường” gần đây được các nhà giáo dục quan tâm bởi vì thực tế trường học đang mất đi sự an toàn cho cả người dạy và người học, văn hóa truyền thống có phần bị xem nhẹ.

e. Nhà trường bỏ qua hoặc giải quyết chưa hợp lí với những hành vi bạo lực học đường

Khi đứng trước những học sinh vi phạm kỷ luật trường học nếu nhà trường bỏ qua xử lý không phù hợp sẽ là “ngòi nổ” cho một loạt những hành vi bạo lực tiếp theo của học sinh.

Khi học sinh mắc sai lầm nhà trường không kiên trì tiến hành công tác giáo dục tư tưởng, mà lại lên án, chụp mũ, bới lông tìm vết, thậm chí còn trừng phạt học sinh theo nhiều cách không phù hợp hoặc lấy trừng phạt để thay thế cho giáo dục. Với cách giải quyết như trên thì lòng tự trọng của học sinh đã bị xúc phạm, nhà trường vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc giáo dục “lấy học sinh làm trung tâm”. Từ đó tạo nên khoảng cách và sự đối lập trong quan hệ thầy trò, khiến cho một số học sinh cũng trở nên thô bạo hơn đối với những người khác, một số khác thì phản ứng bằng việc phá hoại của công hoặc phá đồ của bạn để “trả đũa” lại nhà trường cũng như thầy cô giáo.

Trên thực tế, các nhà trường hiện nay mặc dù đã ý thức được sự tồn tại của hành vi bạo lực học đường trong trường học, nhưng vẫn chưa ý thức được hết sự nghiêm trọng của nó. Hơn thế, nếu các trường vẫn mang tâm lí “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”, vì sợ ảnh hưởng đến thành tích mà nhà trường không thông báo rộng rãi cũng như không xử lý nghiêm các hành vi bạo lực học đường, không cùng với phụ huynh học sinh và các lực lượng xã hội khác phối kết hợp với nhau để kiểm soát hiện tượng này thì bạo lực trong nhà trường rất khó có thể ngăn chặn và phòng ngừa.

f. Giáo dục luật pháp chưa triệt để và thiếu sót hỗ trợ tâm lý, giáo dục kỹ năng mềm

Nhà trường không chỉ là nơi cung cấp cho học sinh những kiến thức văn hóa, mà còn là nơi bồi dưỡng nhân cách học sinh đáp ứng yêu cầu của xã hội. Chính vì thề mà trong những năm gần đây nội dung giáo dục pháp luật, giáo dục kỹ năng sống và hỗ trợ tâm lý học đường đã được lồng ghép với các nội dung giáo dục trong nhà trường.

Nếu việc thực hiện giáo dục các nội dung này vẫn còn mang tính “khẩu hiệu”, việc đánh giá chất lượng thực hiện các nội dung giáo dục pháp luật, giáo dục kỹ năng sống, và hỗ trợ tâm lý trong nhà trường còn mang tính hình thức. Và một khi những nội dung giáo dục này không được thực hiện có hiệu quả thì việc kiểm soát và phòng ngừa hành vi bạo học đường sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn. Bạo lực học đường vì thế mà vẫn diễn ra, gia đình, nhà trường và xã hội vẫn ngày ngày được gọi tên nhưng người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất lại chính là học sinh là thế hệ trẻ của đất nước.

2.2.3. Ảnh hưởng từ xã hội

Con người sinh ra và lớn lên trong xã hội loài người. Sự trưởng thành của con người không thể tách khỏi xã hội. Chính vì thế mà những mặt tích cực hay tiêu cực trong xã hội cũng đều ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi của con người, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên.

a. Những nhân tố tiêu cực và các yếu tố văn hóa không lành mạnh trong xã hội

Hiện nay, nước ta đang ở trong thời kì hội nhập toàn cầu, kéo theo đó là trong xã hội tồn tại một số tư tưởng thiếu lành mạnh như“lối sống thực dụng chạy theo đồng tiền”“lối sống hưởng thụ”, đồng thời cũng xuất hiện một số hiện tượng tiêu cực như “chủ nghĩa cá nhân” ngày càng được đề cao, hiện tượng tham ô tham nhũng, tư tưởng “có tiền là có tất cả”, những hành vi vi phạm pháp luật ngày càng nhiều.

Học sinh khi bị ảnh hưởng bởi những nhân tố không lành mạnh trong xã hội, cùng với thời gian thế giới quan, nhân sinh quan và những quan niệm về giá trị đạo đức của các em cũng sai lệch. Các em khó phân biệt được đúng sai, không thấy được làm những việc xấu là không tốt, mà ngược lại lại thấy đó là điều đáng tự hào, điều này dễ dẫn đến các em đi theo con đường phạm pháp.

Bên cạnh đó, những nội dung về bạo lực trên các kênh thông tin truyền thông cũng đang bao vây lấy các em. Trên phim ảnh, ti vi, tiểu thuyết, truyện tranh, mạng internet, các trò chơi trực tuyến, … ở nơi nào cũng thấy xuất hiện sự tồn tại của hành vi bạo lực. Xét trên phương diện giáo dục thì tất cả những kênh thông tin truyền hình đều là những kênh giáo dục, điểm khác nhau duy nhất giữa chúng là nội dung giáo dục. Bởi vậy, trong tình hình những yếu tố văn hóa đang hỗn loạn và chưa có sự kiểm soát triệt để như ngày nay, thì phim ảnh, báo đài, mạng internet, truyện, sách,…vô tình đã trở thành cầu nối gián tiếp giữa học sinh với những hành vi bạo lực.

b. Những ảnh hưởng của môi trường xung quanh trường học.

Chỉ cần để ý chúng ta sẽ phát hiện xung quanh các trường học ở Việt Nam xuất hiện rất nhiều những quán Internet, Game online, Bi a,…với mục đích kinh doanh thu lợi từ học sinh. Một số học sinh thường xuyên tìm đến những địa điểm này để giải trí, khi đã tiêu hết tiền trong túi, bản thân lại chưa có công việc kiếm ra tiền, sẽ nảy ra ý định vòi tiền “bảo kê” của các bạn.

Tag:bạo lực, internet, rối loạn tâm lý, trẻ em, học tập, ám ảnh, tự sát