Kỳ 1: Chuyện từ những phòng khám

TT - Có thể nhìn bên ngoài họ bình thường, song chỉ cần những tác động kiểu như “giọt nước làm tràn ly” có thể khiến các rối loạn tâm thần đang diễn tiến thầm lặng trong họ bùng phát.

Bệnh nhân tâm thần trong giờ vận động tại khoa phục hồi chức năng Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 (Hà Nội) - Ảnh: Nguyễn Khánh

 

Bệnh nhân tâm thần trong giờ vận động tại khoa phục hồi chức năng Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 (Hà Nội) - Ảnh: Nguyễn Khánh

Các bệnh nhân tâm thần hát karaoke khi điều trị tại Bệnh viện 175 (TP.HCM)  - Ảnh: T.T.D.

 

Các bệnh nhân tâm thần hát karaoke khi điều trị tại Bệnh viện 175 (TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.

Sáng 23-7, tại Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP.HCM, chúng tôi gặp bà L.Y.B., 62 tuổi, ngụ Q. Tân Phú (TP.HCM) đưa con trai T.D.A., 22 tuổi - học sinh năm thứ nhất một trường trung cấp - đến nhờ bác sĩ giám định xem con trai bà có mắc bệnh tầm thần hay không.

Mắc bệnh ở tuổi áo trắng

Bà B. kể năm 2009, sau bảy tháng bạo bệnh, chồng bà mất, đứa con trai út (bà có hai con gái, một trai) là T.D.A. bỗng ghét những người xung quanh, đặc biệt người chị cả trong nhà dù chị sống rất đàng hoàng, thay cha đi làm nuôi cả nhà vẫn bị T.D.A. cho rằng “chị sống không tốt, làm những việc xấu xa không thể chấp nhận”.

Ban ngày sống vui vẻ nhưng khi chị đi làm về tối thì A. đổi nét mặt lầm lầm lì lì, kiếm chuyện gây sự. Bà B. tăng cường giải thích, khuyên giải nhưng không được. Hỏi chị làm việc gì xã hội chê bai thì T.D.A. không trả lời được.

Năm 2010, căng thẳng hơn, T.D.A. đập phá đồ đạc trong nhà và bà B. phải nhờ công an phường can thiệp. Công an đưa T.D.A. về phường, nhận thấy A. “hiền khô” nên trả về nhà.

Đưa con đi khám tâm thần, bác sĩ phòng khám chỉ lên phòng tư vấn rồi cho về. Học tập ngày càng giảm sút nên A. ngưng học ba năm và mới đi học lại. T.D.A. không hút thuốc, không uống rượu, sống khép kín và chỉ chơi với vài người bạn cùng lớp.

Từ năm 2012, A. không đập phá, đi học lại, học tiếng Nhật rất giỏi nên muốn sang Nhật du học ngành du lịch và trở thành bếp trưởng của nhà hàng lớn. Nhưng A. luôn than vãn với mẹ là cứ có cảm giác bị ai theo dõi, nói lén và những người hàng xóm dùng lời lẽ xúc phạm nặng nề! Thấy không ổn, bà B. đưa con đi giám định tâm thần và tìm hướng chữa trị.

Bà tâm sự: “Tôi từng là nhà giáo nên biết tâm sinh lý của trẻ. Có lẽ A. bệnh do lỗi từ gia đình quá gò bó A. khi còn nhỏ, không cho chơi với trẻ hàng xóm do sợ lây phải cái xấu. Chồng tôi rất nghiêm khắc nhưng cũng cưng chiều con, việc đưa đón đi học và chăm sóc con đều do ông lo tất, đến mức nay 22 tuổi A. chưa tự đi xe đạp được. Đến khi ông ngã bệnh và qua đời, A. mất chỗ dựa tinh thần, mất phương hướng và phát bệnh”.

Bác sĩ Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP.HCM xác định T.D.A. bị bệnh “rối loạn nhân cách dạng phân liệt”. Việc điều trị rất khó, mẹ phải vừa là mẹ vừa là bác sĩ giúp A. thoát sự nhút nhát, co rút với xã hội, còn thuốc chỉ điều trị vấn đề cứ nghe tiếng nói bên tai mà thôi.

Theo TS.BS Hồ Tống Tiễn - cán bộ Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - hiện không ít học sinh gặp vấn đề tâm thần phải đi khám và điều trị. Gần đây một nữ sinh 18 tuổi học chuyên Anh của một trường chuyên tại TP.HCM bị bệnh rối loạn ám ảnh nghi thức.

Em học rất giỏi, học rất nhiều, và chỉ mong được đi du học ở Mỹ. Em đến khám vì có biểu hiện ghen tức và khó chịu khi cô giáo không quan tâm đến mình. Ngoài thích cô giáo ra, em còn thích một bạn gái khác. Khi bác sĩ hỏi em có thích bạn nam không thì em nói có.

Trường hợp em này có thể do tập trung học quá nhiều nên dẫn đến bị rối loạn ám ảnh nghi thức. Khi bị bệnh, bệnh nhân rất sợ bị rẻ rúng, không được tôn trọng nên dẫn đến những rối loạn ám ảnh. Sau ba tháng điều trị, bệnh nhân ổn định tinh thần và vừa đi Mỹ du học. Độ tuổi gặp rối loạn tâm thần có thể rất trẻ.

Một bệnh nhân khác của TS Hồ Tống Tiễn là học sinh mới học hết cấp II bị rối loạn cảm xúc do chịu áp lực thi đầu vào trường chuyên từ cha mẹ!

Ngay cả thi trượt ĐH cũng dẫn đến một dạng rối loạn sức khỏe tâm thần là stress. TS Đinh Đăng Hòe (Bệnh viện Hồng Ngọc) cho biết stress cực kỳ đa dạng, người nào cũng có và chỉ cần một tác động tâm lý là có thể gây nên tình trạng thất vọng, buồn chán, giảm thích thú, ít vận động, ngại giao tiếp.

“Ngày nay cha mẹ bận bịu, có thể kiếm nhiều tiền nhưng không có thời gian dạy dỗ con cái. Trái ngược tình trạng này là việc chăm sóc con thái quá, làm hết việc giúp con, cả hai đều khiến con cái dễ gặp stress trong đời sống về sau”- TS Hòe khuyến cáo.

Làm sếp rất... căng!

TS.BS Hồ Tống Tiễn kể gần đây ông gặp một bệnh nhân nam 31 tuổi làm trưởng phòng giao dịch một ngân hàng ở Bà Rịa - Vũng Tàu đến khám vì luôn lo lắng, hồi hộp, đầu óc cứ suy nghĩ liên tục, mất ngủ.

Bệnh nhân cho biết những triệu chứng này xuất hiện kể từ khi chuyển sang phụ trách bộ phận giám sát khách hàng, ký duyệt cho vay tiền. Công việc mới áp lực gấp ba lần lúc làm ở phòng giao dịch, luôn khiến bệnh nhân lo lắng về việc khả năng thu hồi vốn mỗi khi ký cho vay đầu tư một dự án nào đó của doanh nghiệp.

TS Hồ Tống Tiễn cho hay bệnh nhân bị bệnh hoàn toàn do stress. Sau khi hướng dẫn bệnh nhân phải coi sức khỏe là quan trọng nhất, giảm bớt công việc, bớt hồ nghi, điều trị bằng thuốc hỗ trợ rối loạn lo âu, rối loạn stress nửa tháng thì bệnh nhân đỡ hẳn và trở lại gần như bình thường.

Trong số những bệnh nhân của ông La Đức Cương, giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1, không ít người trước khi vào viện là nhà khoa học, doanh nhân thành đạt có cuộc sống mà nhiều người ngưỡng mộ.

Đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế càng nhiều giám đốc, lãnh đạo của công ty này, tập đoàn kia phải nhập viện tâm thần vì làm ăn thua lỗ.

Gần đây ông Cương nhận điều trị cho giám đốc một công ty xuất nhập khẩu lớn ở Hà Nội. Trước khi nhận ra mình có một số thay đổi về tính cách: thường xuyên giận dữ với đồng nghiệp, vợ con, hay suy tư một mình... thì vị giám đốc này đã qua giai đoạn khó khăn, buôn bán thua lỗ, nợ lương nhân viên, nhân viên bỏ làm khiến công ty bên bờ vực phá sản.

Lo giữ công ty, vị giám đốc thường xuyên mất ngủ, suy kiệt sức khỏe, chán chường và tìm đến rượu bia để giải khuây. Có lần chỉ vì xích mích nhỏ với bảo vệ, vị giám đốc này không thể kiềm chế, liền cầm ghế đánh người này trước sự chứng kiến của rất nhiều nhân viên.

Mặc dù tự nhận thấy sự bất thường nhưng ông không đi khám vì lo sợ công việc bị ảnh hưởng. Cho đến khi giai đoạn bệnh có biểu hiện nặng hơn: đánh đập cả nhân viên lẫn vợ con, luôn hoang tưởng bị người khác ám sát, ông mới được người thân đưa vào bệnh viện điều trị chứng tâm thần.

Ông La Đức Cương cảnh báo người nhà rất nên chú ý những biểu hiện bất bình thường của thành viên trong gia đình.

Năm 2012 từng có một vụ án chấn động Hà Nội: người chồng tâm thần đâm chết vợ và hai con ngay sau khi đi khám tại Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1.

Theo ông Cương, sáng ngày gây án, vợ chồng này đến khám tại bệnh viện ông và đã được khuyên ở lại điều trị. “Nhưng sau khi bàn bạc, họ nhất định từ chối, xin về chuẩn bị rồi quay lại bệnh viện, không ngờ án mạng xảy ra ngay buổi chiều. Trước khi gây án và đến bệnh viện, anh chồng tuy có biểu hiện bất thường nhưng bản chất rất hiền lành, thương yêu vợ con, người nhà thiếu hiểu biết nên không đưa đi khám chữa gì ngoài lần đến viện đúng ngày đau thương ấy”- ông Cương chia sẻ.

Đời sống tâm thần của công nhân chưa được chăm lo đúng mức

Nghiên cứu của chúng tôi trên 840 công nhân làm việc trong các lĩnh vực may mặc, cơ khí, vật liệu xây dựng, điện tử, thực phẩm năm 2013 cho thấy tỉ lệ công nhân bị trầm cảm chiếm 7,26%, rối loạn lo âu chiếm đến 3,57%, suy nhược 11,5% và rối loạn giấc ngủ 9,5%. Tỉ lệ nữ công nhân bị rối loạn tâm thần gấp đôi nam công nhân, độ tuổi chủ yếu 25-35 tuổi. Nghiên cứu cũng cho thấy phần lớn công nhân ở các khu công nghiệp bị rối loạn tâm thần có cuộc sống rất khó khăn.

Mức thu nhập của họ rất thấp, kéo theo đó là việc chi trả cho các dịch vụ thiết yếu của cuộc sống cũng không đủ, huống chi là các dịch vụ tinh thần khác. Dường như phần lớn công nhân có rối loạn tâm thần đều phải thuê nhà ở, rất ít người ở chung với người quen hoặc có nhà riêng, trong khi đó điều kiện nhà ở, phòng trọ không đảm bảo, cả về diện tích, chỗ ngủ, nhà vệ sinh, chỗ nấu ăn, an ninh, trật tự. Điều kiện tại nơi làm việc (như độ ẩm, ánh sáng, độ ồn, áp lực từ quan hệ với người quản lý) của công nhân cũng không đảm bảo và ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng sức khỏe tâm thần họ. Đời sống văn hóa tinh thần của công nhân rất hạn chế.

 

NHÓM PV TUỔI TRẺ

 

Tag:tâm thần, cộng đồng, học sinh, công nhân, chỗ dựa tinh thần, nhân cách, sếp, căng thẳng, đời sống