Bộ Y tế đang xây dựng đề án "Tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần". Mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng của nước ta được phát triển rộng khắp. Tuy nhiên, hệ thống chăm sóc còn nhiều khó khăn, thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần như: tuyến huyện hầu như không cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh nội trú về tâm thần; việc lồng ghép chăm sóc sức khỏe tâm thần trong chăm sóc sức khỏe chung, nhất là chăm sóc sức khỏe ban đầu còn nhiều hạn chế; nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe tâm thần còn thiếu và phân bổ không đồng đều trên các vùng trong cả nước.

Gần 15% dân số mắc 10 loại rối loạn tâm thần thường gặp - Ảnh 1.

Shutterstock

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), "sức khỏe là trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và xã hội chứ không chỉ đơn thuần là không có bệnh tật hay ốm đau", "không có sức khỏe nếu không có sức khỏe tâm thần".

Hằng năm các ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới khoảng 74% các ca tử vong chung trên toàn thế giới. Hiện mô hình bệnh tật đang thay đổi, ngoài các bệnh truyền nhiễm thì các bệnh không lây nhiễm đang là gánh nặng bệnh tật lên tất cả các nước. Năm 2019, WHO ước tính cứ 8 người có 1 người đang sống chung với rối loạn tâm thần, trong đó rối loạn lo âu và trầm cảm là phổ biến nhất.

Đại dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng cấp tính, mạn tính và phá hủy sức khỏe tâm thần của hàng triệu người. Năm 2020, số người bị rối loạn lo âu và trầm cảm đã tăng lên đáng kể vì đại dịch Covid-19, làm dấy lên lo ngại về tình trạng gia tăng các ca tự tử.

Theo Bộ Y tế, tại VN, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có khoảng 15 triệu người. Tuy nhiên, đa số người dân vẫn còn quan niệm rối loạn tâm thần chỉ là tâm thần phân liệt (dân gian thường gọi là điên). Thực tế, tỷ lệ tâm thần phân liệt là 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao, tới 5 - 6% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác… Ở trẻ em, các vấn đề sức khỏe tâm thần vào khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Bộ Y tế khuyến cáo: Ai cũng có thể mắc rối loạn tâm thần, ít nhất là ở một giai đoạn, thời điểm nào đó của cuộc đời.

Theo "Kế hoạch quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025" được Chính phủ phê duyệt, một trong các mục tiêu chung của kế hoạch là: tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị các bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, sa sút trí tuệ và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác.

Quyết định số 155/QĐ-TTg "Kế hoạch quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025" của Chính phủ đưa ra mục tiêu: ít nhất 40% người thuộc đối tượng sàng lọc được định kỳ sàng lọc một số rối loạn sức khỏe tâm thần theo hướng dẫn sàng lọc từng bệnh; phát hiện được ít nhất 70% người mắc tâm thần phân liệt và động kinh, 50% người mắc trầm cảm, 30% người bị sa sút trí tuệ và một số rối loạn tâm thần khác; quản lý điều trị ít nhất 80% người bệnh tâm thần phân liệt, 70% người bệnh động kinh và 50% người bệnh trầm cảm đã được phát hiện.

Theo Bộ Y tế, hiện công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại VN đang có các khó khăn do: tuyến huyện hầu như không cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh nội trú về tâm thần; nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe tâm thần còn thiếu và phân bổ không đồng đều trên các vùng trong cả nước…

Sức khỏe tâm thần là nền tảng cho sự khỏe mạnh và hoạt động hiệu quả của các cá nhân. Sức khỏe tâm thần không chỉ là trạng thái không có rối loạn tâm thần, mà còn bao gồm khả năng suy nghĩ, học hỏi và hiểu được cảm xúc của một người và phản ứng của người khác. Sức khỏe tâm thần là một trạng thái cân bằng, cả bên trong cơ thể và với môi trường. Các yếu tố thể chất, tâm lý, xã hội, văn hóa, tinh thần và các yếu tố liên quan khác đều tham gia vào việc tạo ra sự cân bằng này. Có mối liên hệ không thể tách rời giữa sức khỏe tâm thần và thể chất.

Có tới hơn 100 triệu người bị rối loạn sức khỏe tâm thần ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Chỉ riêng rối loạn trầm cảm là nguyên nhân gây ra 5,73% gánh nặng bệnh tật ở khu vực này.

Rối loạn tâm thần bao gồm: trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, tâm thần phân liệt và các rối loạn tâm thần khác, mất trí nhớ, thiểu năng trí tuệ và rối loạn phát triển bao gồm tự kỷ.

Gần 800.000 người chết vì tự tử hằng năm. Tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai ở nhóm tuổi 15 - 29. 79% số vụ tự tử trên toàn cầu xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

(Nguồn: WHO)

Gần 15% dân số mắc 10 loại rối loạn tâm thần thường gặp - Ảnh 4.

 

Liên Châu

Tag:TÂM THẦN RỐI LOẠN, KHÁM CHỮA BỆNH, RỐI LOẠN TÂM THẦN, SỨC KHỎE TÂM THẦN, TÂM THẦN PHÂN LIỆT ,DÂN SỐ