Ngoài việc yêu cầu người trưởng thành kiểm tra sức khỏe, Hàn Quốc còn triển khai các dịch vụ tư vấn khác cho mọi nhóm tuổi. 

Hàn Quốc đã ghi nhận tỉ lệ tự tử cao nhất trong số các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) trong gần 20 năm. Theo dữ liệu của tổ chức này, năm 2022, cứ 100.000 người Hàn Quốc thì có 25,2 người chết vì tự tử, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình của OECD là 10,6 người.

Theo dữ liệu từ Bộ Y tế và Phúc lợi, Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc, gần 40.000 người Hàn Quốc đã tự kết liễu đời mình trong 3 năm qua, với tỉ lệ tự tử ngày càng tăng ở những người trẻ tuổi.

Từ tháng 7/2024, Hàn Quốc sẽ cung cấp dịch vụ kiểm tra sức khỏe tâm thần 2 năm/lần cho thanh niên từ 20 đến 34 tuổi.
Từ tháng 7/2024, Hàn Quốc sẽ cung cấp dịch vụ kiểm tra sức khỏe tâm thần 2 năm/lần cho thanh niên từ 20 đến 34 tuổi

Do đó, chính phủ Hàn Quốc yêu cầu kiểm tra sức khỏe tâm thần 2 năm/lần, bắt đầu với những người trong độ tuổi từ 20 đến 34 và sau đó mở rộng sang tất cả các nhóm tuổi để phát hiện sớm những người có dấu hiệu muốn tự tử.

Danh sách bệnh được cập nhật sẽ bao gồm trầm cảm, tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực. Chính phủ cũng có kế hoạch tăng cường quản lý theo dõi bằng cách hợp tác với các trung tâm phúc lợi sức khỏe tâm thần và khoa tâm thần của các bệnh viện sau cuộc kiểm tra. 

Hiện tại, Hàn Quốc cung cấp dịch vụ kiểm tra sức khỏe tâm thần cho người Hàn Quốc trong độ tuổi từ 20 -70 và 10 năm/lần.

Quyết định mới của Hàn Quốc đã được Tổng thống Yoon Suk Yeol công bố tại cuộc họp về chính sách sức khỏe tâm thần cùng ngày 5/12. 

“Bây giờ là lúc đất nước phải thực hiện các biện pháp tích cực để đảm bảo sức khỏe tinh thần cho người dân. Các vấn đề về sức khỏe tâm thần không phải là điều mà cá nhân có thể tự mình giải quyết được. Chúng ta phải biến nó thành một chương trình nghị sự quan trọng của quốc gia và tìm kiếm giải pháp" - Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol nói. 

Bộ Y tế và Phúc lợi cùng Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc sẽ thành lập một trung tâm ứng phó khẩn cấp hoạt động 24/7 với các sĩ quan cảnh sát và chuyên gia chăm sóc sức khỏe ở 17 khu vực nhằm tăng hiệu quả ứng phó khẩn cấp cho những người mắc bệnh tâm thần nặng.

Ngoài ra, Bộ này còn phát động một chiến dịch toàn quốc nhằm hạn chế sự kỳ thị đối với những người mắc bệnh tâm thần bằng cách hợp tác với các tổ chức tại các trường đại học và các nhóm vận động sức khỏe tâm thần. 

Trọng Trí (the Korea Herald)

 

Tag:sức khoẻ tâm thần,trầm cảm,rối loạn căng thẳng sau sang chấn