Theo khảo sát của AXA, gần 1/3 số người lao động ở Trung Quốc cảm thấy rất “chán nản và mệt mỏi” khi làm việc. Đây là tỷ lệ cao nhất so với tất cả những quốc gia và vùng lãnh thổ được AXA khảo sát ý kiến của người lao động về tâm trạng trong công việc. Tỷ lệ này ở Hồng Kông và Nhật bằng nhau, ở mức 23%.

gần 1/3 số người lao động ở Trung Quốc cảm thấy rất “chán nản và mệt mỏi” khi làm việc
Gần 1/3 số người lao động ở Trung Quốc cảm thấy rất “chán nản và mệt mỏi” khi làm việc

Tuy nhiên, hơn một nửa (56%) những người được khảo sát ở Trung Quốc tin rằng người sử dụng lao động đang hỗ trợ tốt cho họ về sức khỏe tâm thần. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với con số 32% ở Hồng Kông và 20% ở Nhật.

Báo cáo, có tựa đề “Nghiên cứu của AXA về Sức khỏe tâm thần và phúc lợi”, được công bố vào ngày 25/1, có đoạn viết:  “Trên quy mô toàn cầu, đại dịch đã làm tăng cường khả năng chịu đựng và thích ứng của con người, và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần, mặc dù vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để cải thiện vấn đề này tại nơi làm việc”.

Theo khảo sát của AXA, những người cảm thấy được hỗ trợ tại nơi làm việc về “sức khỏe tinh thần” - nghĩa là có cảm nhận tốt về tình cảm, tâm lý và xã hội - thường hạnh phúc nhiều hơn những người khác 1,7 lần, và cũng có khả năng phát triển, sáng tạo trong công việc cao hơn gấp đôi.

“Mặc dù đại dịch đã làm xáo trộn cuộc sống của chúng ta theo nhiều cách, nhưng nó đã giúp chúng ta có cơ hội để nhận thức và hiểu biết tốt hơn về sức khỏe tâm thần trên phạm vi toàn xã hội”, ông Gordon Watson - Giám đốc điều hành của AXA tại châu Á và châu Phi nhận xét, và khuyên các công ty nên xây dựng một môi trường làm việc có tính hỗ trợ và nuôi dưỡng nhân viên, để họ có thể làm việc hiệu quả nhất.

Kết quả của nghiên cứu nói trên dựa trên một cuộc khảo sát được thực hiện với 11.000 người tại 8 thị trường ở châu Âu, Trung Quốc, Hồng Kông và Nhật Bản vào tháng 9 và tháng 10 năm ngoái.

Hồi tháng 10/2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã công bố một báo cáo, chỉ ra sự thiếu hụt trong đầu tư cho sức khỏe tâm thần trên phạm vi toàn cầu. Chỉ 51% trong số 194 quốc gia thành viên cho biết đang có các chính sách hoặc kế hoạch chăm sóc sức khỏe tâm thần phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực trong năm 2020, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ mục tiêu là 80%.

Kể từ đó, WHO đã triển khai “Kế hoạch hành động về sức khỏe tâm thần đến năm 2030” với một loạt các mục tiêu mới, trong đó có việc đưa sức khỏe tâm thần vào chăm sóc sức khỏe cơ bản.

Năm 2010, các chứng rối loạn tâm thần ước tính đã làm thế giới mất đi khoảng 2.500 tỷ USD. Theo dự báo của Nhóm Ngân hàng thế giới (WBG) và WHO được đưa ra vào năm 2016, con số này sẽ có thể tăng lên 6.000 tỷ USD vào năm 2030.

“Tại châu Á, nhiều nơi vẫn còn xem sức khỏe tâm thần là điều cấm kỵ. Cuộc khảo sát này giúp chúng ta hiểu thêm về những trải nghiệm và thái độ của người lao động tại Trung Quốc, Hồng Kông và Nhật Bản”, ông Watson nhận xét.

Ở châu Á, chỉ 20% những người được khảo sát cho biết đang cảm thấy “hứng khởi” với công việc, hoặc có cảm nhận tích cực về xã hội, tâm lý và tình cảm, trong khi 35% cho biết chỉ “tạm được” về các mặt này.

Tuy nhiên, 42% số người tham gia khảo sát ở châu Á cho biết đại dịch đã giúp họ thích ứng tốt hơn với những thách thức lớn trong cuộc sống, trong khi tỷ lệ này ở châu Âu chỉ là 33%. Tại Trung Quốc, 68% những người được khảo sát có câu trả lời tương tự, cao nhất thế giới. Con số này ở Hồng Kông là 41%, trong khi ở Nhật chỉ là 17%.

“Các nhà lãnh đạo cấp cũng cần xây dựng một môi trường văn hóa tại nơi làm việc sao cho mọi người hiểu rằng sức khỏe tâm thần là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu, có thể được trao đổi, thảo luận một cách cởi mở, và các tổ chức cũng nên có các chính sách hỗ trợ vấn đề này”, ông Watson khuyến nghị.

Một phần ba số người được khảo sát ở châu Á và châu Âu cho biết sự kỳ thị về tình trạng sức khỏe tâm thần đã giảm đáng kể từ khi đại dịch bắt đầu. Tỷ lệ này ở Trung Quốc là 50%, so với 27% ở Hồng Kông và 23% ở Nhật.

Nhất Nguyên (theo SCMP)

Tag:sức khỏe tâm thần,môi trường làm việc,đại dịch,COVID 19