Hiện nay theo Bảng Phân Loại Bệnh Quốc Tế lần thứ 10 về Các Rối Loạn Tâm Thần và Hành Vi do Tổ chức y tế thế giới xuất bản năm 1992 hiện có đến hơn 300 loại rối loạn tâm thần và hành vi như sa sút tâm thần; rối loạn tâm thần sau chấn thương sọ não hay viêm não; các rối loạn tâm thần do sử dụng rượu và ma túy; tâm thần phân liệt; rối loạn hoang tưởng; các loại rối loạn khí sắc như trầm cảm, hưng cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực…; các loại rối loạn lo âu; các rối loạn ăn uống như chứng chán ăn tâm thần, chứng ăn vô độ hoặc là các rối loạn giấc ngủ như chứng mất ngủ, ngủ nhiều, ác mộng, mộng du … Đa số các loại rối loạn này sẽ khỏi hay ổn định nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, chỉ có một tỷ lệ rất thấp ( khoảng 1 -2% ) là diễn tiến ngày càng nặng dần và không đáp ứng với điều trị.
2 – Tỷ lệ hiện nay của các loại bệnh tâm thần ?
Theo thống kê gần đây của Viện sức khoẻ tâm thần trung ương thì tỷ lệ người Việt Nam có khả năng bị bệnh tâm thần một lần trong đời là 15 - 20% dân số ( đa số đã chữa khỏi hay ổn định ). Qua một số công trình nghiên cứu dịch tể về một số bệnh tâm thần thường gặp trong dân số chung tại TP. HCM được thực hiện trong những năm từ 2000 đến 2003 do Bệnh Viện Tâm Thần thực hiện chúng tôi sơ bộ đã thu được một số tỷ lệ sau :sa sút tâm thần ( ở nhóm người lớn hơn hoặc bằng 65 tuổi ) 7,8 – 9,7%; trầm cảm 9,4%; các rối loạn lo âu 6,1%; tâm thần phân liệt 1%; chậm phát triển tâm thần 0,9%; động kinh 0,5% …
Một số yếu tố về mặt kinh tế xã hội sau đây có thể góp phần vào việc làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tâm thần :
- Các tệ nạn xã hội như nghiện ma túy, rượu ……có thể gây các rối loạn tâm thần do rượu hay ma túy…
- Tốc độ phát triển kinh tế cao có thể gây ra áp lực về vật chất và tinh thần ngày càng tăng trong xã hội hiện đại thí dụ như phải cố gắng tranh đua nhiều hơn trong việc học, trong việc tìm kiếm và giữ chổ làm việc … dẫn đến căng thẳng tâm lý ngày càng tăng và có thể đưa đến các dạng rối loạn tâm thần liên quan đến stress.
- Sự phát triển kinh tế xã hội đang nhanh chóng làm thay đối lối sống của dân chúng từ ăn uống đến sinh hoạt nên hệ thống y tế hiện đang phải đối phó với các vấn đề sức khoẻ vừa của một nước đang phát triển (như suy dinh dưỡng, bệnh nhiểm trùng và ký sinh trùng…..) và của một nước công nghiệp hoá ( như bệnh béo phì, tim mạch, ung thư, trầm cảm, các rối loạn lo âu …) cũng như các rối loạn tâm thần liên quan như chậm phát triển tâm thần do di chứng viêm não hay viêm màng não, sa sút tâm thần sau tai biến mạch máu não do huyết áp cao, …
- Tuổi thọ trung bình của người dân ngày càng cao hơn ( năm 1979 có 3,9% người ³ 65 tuổi thì năm1999 tỷ lệ này là 5,2% ) do vậy càng dễ bộc lộ các rối loạn tâm thần ở người già hơn như sa sút tâm thần Alzheimer, rối loạn tâm thần do bệnh Parkinson …
- Ngoài ra còn các vấn đề khác như di chứng tâm thần do tai nạn giao thông , chiến tranh và ô nhiểm môi trường gây ra.
3 – Nguyên nhân của bệnh tâm thần
Các nguyên nhân thường gặp là :
3.1 – Nguyên nhân thực thể:
- Do tổn thương trực tiếp đến não :
- Nhiễm trùng thần kinh : viêm não, viêm màng não, giang mai não …
- Nhiễm độc thần kinh : do rượu, thuốc ngủ …
- Chấn thương sọ não
- Các bệnh khác ở não : u não, áp xe não, tai biến mạch máu não …
- Do các bệnh cơ thể ảnh hưởng đến hoạt động não : suy thận mãn, cường giáp, nhược giáp …
3.2 – Nguyên nhân tâm lý
Góp phần gây ra các rối loạn như các rối loạn ám sợ, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn lo âu lan toả, phản ứng cấp với stress, rối loạn stress sau chấn thương …
3.3 – Do cấu tạo thể chất bất thường và phát triển tâm thần bệnh lý
Góp phần gây ra các rối loạnnhư chậm phát triển tâm thần và các rối loạn nhân cách .
3.4 – Các bệnh tâm thần nội sinh ( nguyên nhân chưa rõ ràng )
Thí dụ như tâm thần phân liệt, các rối loạn khí sắc …
4 – Khái niệm về một số bệnh tâm thần thường gặp
4.1 – Tâm thần phân liệt
Tâm thần phân liệt là một loại bệnh tâm thần nặng . Cứ trong 100 người dân thì có 1 người mắc bệnh này.
Bệnh có thể biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau nhưng đều có chung đặc điểm là ảnh hưởng đến các hoạt động tinh thần và về lâu dài có thể làm thay đổi nhân cách của bệnh nhân .
Các triệu chứng chính của bệnh là hoang tưởng, ảo thanh, rối loạn khả năng suy nghĩ, mất đi ý muốn làm việc, giảm sự biểu lộ tình cảm và cách ly xã hội.
Bệnh thường bắt đầu ở tuổi trẻ và thường kéo dài suốt cả cuộc đời .
Bệnh thường khởi phát nhanh với các triệu chứng cấp tính xuất hiện trong vài tuần hay có thể khởi phát chậm dần dần trong nhiều tháng , nhiều năm .
Trong thời gian bệnh , bệnh nhân thường trở nên xa lánh những người khác , ít nói chuyện với người thân , trở nên trầm tư , lo âu hoặc hay sợ hãi .
4.2 – Rối loạn trầm cảm
Trầm cảm là một rối loạn tâm thần thường gặp bao gồm nhiều triệu chứng nhưng hay gặp nhất là sự buồn bã một cách sâu sắc . Ngưòi bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi , mất hy vọng . Không có gì có thể làm cho người bệnh thích thú được . Ngưòi bệnh cảm thấy thế giới chung quanh dường như lúc nào cũng u ám. Các triệu chứng khác bao gồm sụt cân, khó ngủ, bồn chồn , dễ tức giận, cảm thấy bản thân vô giá trị hoặc bị một tội lỗi gì ghê gớm, gặp khó khăn khi muốn suy nghĩ , muốn tập trung chú ý hay khi phải ra một quyết định nào đó và thường xuyên nghĩ đến cái chết hay có hành động chuẩn bị tự tử ( đây là lý do quan trọng khiến bệnh này nên được điều trị sớm ).
Rối loạn này có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào nhưng thường gặp nhất ở lứa tuổi từ 24 đến 44 . 25% nữ giới và 10% nam giới có thể sẽ bị trầm cảm vào một lúc nào đó trong cuộc sống .
4.3 – Rối loạn lưỡng cực
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là một rối loạn trong đó cảm xúc của bệnh nhân thường thay đổi từ giai đoạn trầm cảm sang hưng cảm hoặc ngược lại. Tuy nhiên cũng có những giai đoạn khí sắc bình thường nhưng nếu cứ để tiếp tục không điều trị thì chẳng bao lâu tình trạng cảm xúc này sẽ chuyển từ cực này sang cực đối nghịch .
Các triệu chứng của giai đoạn trầm cảm giống như đã mô tả trong phần rối loạn trầm cảm. Các triệu chứng của giai đoạn hưng cảm bao gồm vui vẻ quá mức, hoang tưởng tự cao, cảm giác mình là vô địch, tăng hoạt động, có những hành vi bao hàm nguy cơ cao (thí dụ như lái xe không cẩn thận , tiêu xài hoang phí… ), không kiểm soát được nhịp độ suy nghĩ hay nói chuyện, ngủ ít và dễ nổi cơn giận dữ bất ngờ.
Khoảng 1 người trong mỗi 100 người có thể sẽ bị rối loạn này vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời.
4.4 – Bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer là một loại bệnh tiến triển ngày càng nặng dần với đặc điểm là sự hủy diệt từ từ các tế bào thần kinh trong não.
Bệnh ít khi xuất hiện trước tuổi 65 và tuổi càng cao thì khả năng bị mắc bệnh ngày càng tăng. Hiện nay tại Mỹ cứ trong mỗi 20 người ở lứa tuổi 65 thì có 1 người bị bệnh này, còn ở lứa tuổi bằng hoặc trên 85 thì có 3 đến 5 người bị bệnh.
Bệnh thường khởi phát rất chậm và dần dần theo thời gian sẽ trở nên nặng hơn. Các triệu chứng xuất hiện đầu tiên thường là thay đổi tính tình và giảm trí nhớ. Người bệnh trở nên dễ mệt mỏi, tức giận hoặc lo âu. Thường hay quên đồ dùng mình để chỗ nào nên hay mất thời gian tìm kiếm. Ui quần áo hoặc vặn nước thường quên tắt sau khi làm xong. Đi đến những nơi quen thuộc thì dễ dàng nhưng nếu đến những nơi lạ thì dễ lạc đường. Sự suy giảm trí nhớ bệnh lý này khác với sự giảm trí nhớ nhẹ có thể gặp ở người già bình thường. Dần dần trí nhớ người bệnh ngày càng giảm sút hơn. Họ thường quên tên của món đồ mà họ muốn gọi, quên tên các bạn thân, không hiểu các con số trên hóa đơn tính tiền, không hiểu những gì mình đọc trong sách báo, không thể viết và không thể lập được kế hoạch làm việc hằng ngày. Lúc này người bệnh bắt đầu khó hoà nhập vào môi trường xả hội chung quanh, thường dễ nổi giận vô cớ, hay la lối, ăn mặc không phù hợp với hoàn cảnh.
Cuối cùng người bệnh trở nên lú lẫn, không biết ngày tháng năm, không nói được tên địa danh nơi họ đang sống, nếu đi ra khỏi nhà thì thường hay đi lang thang và không tìm được đường về, đêm khó ngủ, không thể nói chuyện mạch lạc với người chung quanh, quên tên và không nhận ra con cái, không thể tự làm những việc cơ bản hằng ngày như tắm rửa, ăn uống, làm vệ sinh cá nhân. Lúc này người thân sẽ phải chăm sóc bệnh nhân về mọi mặt và trong mọi lúc.
Khoảng 30% bệnh nhân có ảo giác và 30% bệnh nhân có hoang tưởng. 40 - 50% bệnh nhân có các triệu chứng trầm cảm và lo âu.
Diễn tiến bệnh sẽ trở nên nặng hơn một cách từ từ . Thời gian sống trung bình của người bệnh từ lúc phát bệnh đến lúc chết thường là từ 8 – 10 năm. Bệnh nhân thường chết vì suy kiệt hoặc do các bệnh lý phối hợp như viêm phổi, bệnh tim mạch …
4.5 – Chứng chán ăn tâm thần
Chán ăn tâm thần là một loại rối loạn tâm thần được thể hiện dưới dạng rối loạn ăn uống . Bệnh có đặc điểm là bệnh nhân từ chối duy trì một trọng lượng cơ thể bình thường tối thiểu , rất sợ tăng cân và có nhận thức sai lầm về trọng lượng hay hình dáng cơ thể bản thân .
Cứ khoảng 100 thanh thiếu niên nữ thì có 1 người bị bệnh này và tỷ lệ nữ cao hơn nam gấp 10 đến 20 lần .
85% trường hợp có khởi phát bệnh xảy ra trong khoảng thời gian từ 13 đến 20 tuổi.
Bệnh này dường như xuất hiện nhiều hơn ở các quốc gia công nghiệp hoá và tỷ lệ bệnh thường rất cao trong những nghề nghiệp cần đến sự thon mảnh như nghề người mẫu , diễn viên múa .
Bệnh có thể gây tử vong nếu không được can thiệp kịp thời ( thường do hậu quả của sự suy dinh dưỡng hoặc tự tử ). Tỷ lệ tử vong trong số các bệnh nhân phải nhập viện là > 10% .
Thưòng gặp các triệu chứng sau : bệnh nhân từ chối duy trì trọng lượng cơ thể bình thường tối thiểu so với tuổi và chiều cao, rất sợ tăng cân ( dù đang ở tình trạng trọng lượng cơ thể rất thấp ), nhận thức sai lầm về hình dạng hay trọng lượng cơ thể mình ( thí dụ luôn cảm thấy mập , cảm thấy cơ thể bị biến dạng hay phủ nhận sự quá gầy ốm của mình ) và các rối loạn cơ thể kèm theo sự giảm cân quá mức có thể xuất hiện như suy kiệt ( teo các bắp cơ, không còn lớp mỡ duới da , dễ bị lạnh ), tim mạch ( nhịp tim chậm , huyết áp thấp ) , tiêu hoá ( cảm giác đầy bụng , táo bón , đau bụng) , nội tiết ( mất kinh nguyệt ) , hệ xương ( loãng xương ) , tóc khô và dễ gãy , da khô và nhuốm màu vàng , thiếu máu …
4.6 – Rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Đây là một loại rối loạn lo âu có thể xuất hiện ở bất kỳ tuổi nào nhưng thường bắt đầu trong thời kỳ thơ ấu. Bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống gia đình, xã hội và công việc hay vấn đề học tập của bệnh nhân.
Tùy theo trường hợp mà bệnh nhân có thể chỉ có các triệu chứng ám ảnh hoặc triệu chứng xung động nhưng thường thì trong 75% trường hợp họ có cả 2 loại triệu chứng cùng một lúc.
Ám ảnh là các ý nghĩ xuất hiện ngoài ý muốn, lập đi lập lại và xâm chiếm toàn bộ suy nghĩ của bệnh nhân và điều này làm cho họ luôn cảm thấy lo âu hoặc bực bội. Thí dụ như bệnh nhân có thể có ý nghĩ là tất cả các vi sinh vật, bụi trong không khí có thể gây bệnh cho họ do đó họ rất sợ hãi và lo lắng khi phải đi ra khỏi nhà hoặc là bệnh nhân luôn nghi ngờ không biết mình đã đóng các cửa sổ và khoá các cửa cái chưa khi đi ra ngoài dù trước đó đã kiểm tra rất cẩn thận .
Xung động là nhu cầu thúc giục cần phải làm một điều gì đó, thường nhằm mục đích giảm sự lo âu do ám ảnh gây ra. Hành vi xung động thường có tính chất lập đi lập lại, luôn tuân theo một thứ tự nào đó và thường là hành vi có ý thức. Sau đây là một số thí dụ về các hành vi xung động thường gặp như :
Rửa tay, tắm hay giặt đồ liên tục do sợ dơ hay nhiễm vi trùng. Dần dần toàn bộ thời gian của họ chỉ dành cho việc rửa tay, tắm, giặt đồ, thậm chí tay họ có thể có biểu hiện bong da do tiếp xúc với nước quá lâu và thường xuyên. Lập đi lập lại tên người thân nhiều lần trong ngày để giúp người thân họ tránh được tai hoạ. Đã ra khỏi nhà nhưng vẫn phải quay về nhiều lần để kiểm traxem có đóng và khoá cửa kỹ hay chưa hoặc khi đi bộ trên đường luôn chú ý tránh né không dẫm lên các vết nứt trên đường, nếu chẳng may dẫm lên thì dù gần đến sở làm cũng phải chạy về nhà đi bộ lại từ đầu thì mới yên tâm…
Dù là ám ảnh hay xung động cũng đều có nét chung là bệnh nhân hiểu rất rõ những điều đó là vô lý và thái quá, họ cũng rất muốn chống lại nhưng cuối cùng lại không thể làm khác đi được. Họ luôn cảm thấy xấu hổ và muốn giấu tất cả mọi người chung quanh về các triệu chứng trên cho đến khi bệnh quá nặng ai cũng nhận thấy và khuyên họ đi điều trị.
4.7 – Rối loạn ám sợ
Ám sợ đưọc định nghĩa là toàn bộ các phản ứng tâm lý và cơ thể do một đối tượng hay hoàn cảnh gây sợ gây ra. Đối tượng gây sợ có thể là một con vật cụ thể như nhện, rắn, côn trùng … hoặc là một hoàn cảnh xã hội như trong thang máy,khi đi máy bay hay trong xe bus, khi phải nói chuyện trước đám đông …
Bệnh này gây ra hậu quả làm giảm hiệu suất trong công việc và các mối quan hệ xã hội ( do bệnh nhân sợ hãi và tránh né các hoàn cảnh có thể gây ra phản ứng sợ hãi như không dám đi máy bay hay xe bus , không dám bước vào thang máy … ) .
Các đặc điểm của ám sợ là bất thình lình cảm thấy một nỗi sợ hãi, khiếp đảm khi đang ở trong một tình huống thực sự vô hại; hoàn toàn nhận thức rằng nỗi sợ hãi này là quá mức và vô lý; phản ứng sợ xuất hiện hoàn toàn tự động, không thể kiểm soát được và xâm chiếm toàn bộ con người bệnh nhân và kèm theo sự sợ hãi cực độ là các phản ứng cơ thể như : nhịp tim nhanh, thở hụt hơi hoặc cảm giác nghẹt thở, run rẩy, toát mồ hôi , buồn nôn, cảm giác khó chịu trong bụng, chóng mặt … và bệnh nhân chỉ có một mong muốn duy nhất là thoát khỏi tình huống này. Sau khi thoát khỏi đối tượng hay tình huống gây sợ bệnh nhân sẽ tìm cách tránh né chúng . Khi sự tránh né này gây ảnh hưởng đến hiệu suất công việc hoặc các mối quan hệ xã hội thì bệnh nhân cần phải được khám tâm thần và điều trị .
4.8 – Rối loạn lo âu lan toả
Đặc điểm của rối loạn này là bệnh nhân luôn cảm thấy lo âu và căng thẳng quá mức hoặc không thực tế về mọi vấn đề của cuộc sống thí dụ họ luôn sợ hết tiền dù họ vẫn còn nhiều tiền trong ngân hàng hoặc họ thường lo sợ mình hoặc ngưòi thân sắp bị bệnh, bị tai nạn hay gặp chuyện không may mặc dù không có dấu hiệu gì đáng để lo lắng về việc đó. Họ luôn cảm thấy bồn chồn, bất an, căng thẳng, run, nhức đầu, dễ mệt mỏi, khó tập trung chú ý, khó ngủ …
50 – 90% trường hợp thường kết hợp với các rối loạn tâm thần khác. Tỷ lệ nữ mắc bệnh cao hơn nam gấp 2 lần. Thường chỉ có 1/3 trường hợp đi khám chuyên khoa tâm thần, số còn lại điều trị ở các bác sĩ đa khoa, tim mạch …
4.9 – Rối loạn tâm thần do rượu hay ma túy
Là hậu quả của việc lạm dụng rượu hay chất gây nghiện và ngày nay đang là vấn đề nổi bậc và khó giải quyết của hầu hết các nước trên thế giới bất kể giàu nghèo. Những người nghiện rượu hay chất gây nghiện là những người không thể kiểm soát việc sử dụng các chất này, họ cần phải dùng liện tục mỗi ngày với liều lượng ngày càng tăng. Họ cũng cố gắng tự bỏ nhiều lần nhưng ít khi thành công. Nếu không có các chất này thì họ sẽ không thể làm việc bình thường và sẽ xuất hiện các triệu chứng rất khó chịu như là đổ mồ hôi, mạch nhanh, run tay, mất ngủ, ói mửa, kích động , lo âu, co giật … ( nếu là nghiện rượu ) hoặc nôn, đau nhức bắp thịt, chảy nước mắt nước mũi, giãn đồng tử, dựng lông, toát mồ hôi, tiêu chảy, ngáp, mất ngủ …( nếu là nghiện thuốc phiện hay heroin ). Nếu cho họ sử dụng trở lại rượu hay các chất gây nghiện thì các triệu chứng này sẽ biến mất. Về lâu dài họ có thể bị thêm nhiều loại rối loạn tâm thần khác như sa sút tâm thần, rối loạn trí nhớ, loạn thần, rối loạn khí sắc, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ … Các đối tượng này cần được điều trị tại cơ sở chuyên khoa. Cần chú ý rằng việc điều trị cắt cơn tương đối dễ nhưng việc điều trị phòng ngừa chống tái phát là một quá trình rất khó khăn.
4.10 – Chậm phát triển trí tuệ
Là một tình trạng bệnh lý có đặc điểm là khả năng trí tuệ chung thấp hơn bình thường một cách rõ rệt kèm theo suy giảm đáng kể khả năng thích nghi ( khả năng tự lập và thực hiện các trách nhiệm của xã hội tương ứng với tuổi ) và khởi phát bệnh trước tuổi 18. Khả năng trí tuệ chung được xác định bằng các thang đo lường trí tuệ cho ra kết quả là thương số thông minh ( IQ ) có giá trị trung bình là 100. Nếu chỉ số IQ nhỏ hơn 70 thì có thể xem như chậm phát triển trí tuệ. Chậm phát triển trí tuệ được chia ra thành 4 mức độ chính là nhe ( IQ từ 50 – 69, chiếm 85% các trường hợp ), trung bình ( IQ từ 35 – 49, chiếm 10% các trường hợp ), nặng ( IQ từ 20 – 34, chiếm 3 - 4% các trường hợp ) và nghiêm trọng (IQ thấp hơn 20, chiếm 1 -2% các trường hợp ). Tình trạng này diễn tiến mãn tính, không có giai đoạn thuyên giảm. Tuy nhiên khả năng thích nghi của trẻ có thể được cải thiện nếu cho trẻ đi học tại các trường đặc biệt dành cho trẻ chậm phát triển trí tuệ và điều trị tốt các tình trạng bệnh lý kèm theo thí dụ như động kinh …
Nguyên nhân của tình trạng chậm phát triển trí tuệ rất đa dạng như di truyền ( hội chứng Down ); mẹ bị nhiễm trùng hoặc suy dinh dưỡng khi mang thai; sanh non, sanh hút hoặc trẻ bị ngạt lúc sanh; viêm não, viêm màng não hay sốt cao co giật nhiều lần khi trẻ còn bé …
5 – Nguyên tắc chung trong việc điều trị bệnh tâm thần.
Nguyên tắc chung trong điều trị các loại bệnh tâm thần là phối hợp giữa thuốc và tâm lý liệu pháp. Từ năm 1950 đến nay đã có rất nhiều tiến bộ trong việc điều chế ra các loại thuốc mới điều trị bệnh tâm thần ngày càng hiệu quả hơn như các loại thuốc chống loạn thần điều trị các triệu chứng hoang tưởng , ảo giác …, các loại thuốc chống trầm cảm điều trị các rối loạn trầm cảm, các loại thuốc điều hoà khí sắc nhằm điều trị rối loạn lưỡng cực, các loại thuốc an thần nhẹ điều trị các rối loạn lo âu và giấc ngủ, các loại thuốc chữa bệnh giảm trí nhớ Alzheimer … Còn về liệu pháp tâm lý thì hiện nay cũng có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh tâm thần như các liệu pháp phân tâm, các liệu pháp nhận thức hành vi, ám thị và thư giãn, các liệu pháp tâm lý nâng đỡ…
6 - Những dấu hiệu cảnh báo bệnh tâm thần
Nếu đương sự có một hay nhiều các triệu chứng cảnh báo sau đây thì nên đến khám bác sĩ tâm thần càng sớm càng tốt :
- Thay đổi tánh tình rõ rệt .
- Không có khả năng đối phó với các vấn đề trong cuộc sống hằng ngày .
- Có các ý tưởng tự cao hay xa lạ .
- Lo âu quá mức và kéo dài.
- Buồn bã kéo dài.
- Thay đổi rõ rệt trong cách ngủ và ăn uống .
- Nghĩ đến hay nói về vấn đề tự tử .
- Cảm xúc thay đổi quá nhanh từ hưng phấn sang buồn nản và ngược lại
- Nghiện rượu hay ma túy .
- Giận dữ quá mức , thù địch hay hành vi bạo lực .
Đừng e ngại hay xấu hổ khi đi khám bệnh mà ngược lại việc đi khám bệnh nói lên sự mạnh mẽ trong ý chí của bạn và sự sáng suốt trong khả năng giải quyết các vấn đề cá nhân ./.
BS . LÊ QUỐC NAM
|