Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Gia đình, trong suy nghĩ của nhiều người là một mái ấm có ba, mẹ và con. Nhưng không phải ai cũng may mắn có một “gia đình” trọn vẹn. Có thể vì xung đột mà vợ chồng không muốn tiếp tục cùng nhau bước trên hành trình hôn nhân. Hoặc đơn giản hơn là không còn yêu nhau nữa nên cả hai quyết định dừng, để cho nhau một cuộc sống mới. 

Quyết định ly hôn của người lớn là việc không hề dễ dàng. Họ phải chịu nhiều áp lực từ bà con dòng họ, từ chính những người thân nhất trong gia đình. Nếu họ đã có con, áp lực ấy còn đè lên cả con cái. Vậy, phụ huynh nên làm thế nào để mình và các con vượt qua chướng ngại tâm lý và đối mặt, thích nghi tốt với nghịch cảnh ấy?

Có ba mẹ ly hôn, N.T.K.N. (15 tuổi, ngụ quận 4, TPHCM) vẫn không cảm thấy sợ hãi hay lo lắng. Đối với N., khi ba và mẹ không còn yêu nhau nữa, ly hôn là cách tốt nhất để giải thoát cho cả 2 người. “Mình không thể ở cùng người từng đầu gối tay ấp được nữa thì nên buông bỏ cho cả hai”.

Khi nghe mẹ thông báo về chuyện gia đình sẽ có biến động, N. sốc. Nhưng bạn cảm thấy để ba mẹ ly hôn, con cũng thoải mái đi phần nào, ba vẫn là ba của N., mẹ cũng thế.

Những đứa trẻ trong độ tuổi dậy thì, nổi loạn, nhận được tin ba mẹ ly hôn sẽ là trải nghiệm kinh khủng. Dù có thể không nói ra, đâu đó, những suy nghĩ tiêu cực, hoang mang của các bạn luôn đọng lại trong đầu. Không phải chỉ vì sợ bản thân không còn bên cạnh ba hay mẹ nữa, mà còn là những nỗi sợ xã hội, sợ bản thân không bằng bạn bằng bè, bị cười chê. Đó là một phần lý do khiến tuổi teen phản ứng mạnh khi nghe chuyện ba mẹ đường ai nấy đi.

Trong buổi gặp gỡ và trò chuyện “Single parents, happy kids - Cha mẹ đơn thân nuôi con hạnh phúc” cùng với 3 vị khách mời là chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương (người sáng lập hệ thống trường TOMATO), nhà thiết kế Chương Đặng và tiến sĩ Nguyễn Quỳnh Mai (Trường đại học Văn Lang), các bậc phụ huynh đã có dịp được giao lưu, nghe những chia sẻ về quá trình cùng con vượt qua thời điểm hậu ly hôn. 

Chuyên gia giáo dục Uyên Phương (bìa trái) cùng nhà thiết kế Chương Đặng, tiến sĩ Quỳnh Mai chia sẻ về cách vượt qua chướng ngại tâm lý hậu ly hôn trong buổi gặp gỡ và trò chuyện “Single parents, happy kids - Cha mẹ đơn thân nuôi con hạnh phúc” trước thềm năm học 2023-2024
Chuyên gia giáo dục Uyên Phương (bìa trái) cùng nhà thiết kế Chương Đặng, tiến sĩ Quỳnh Mai chia sẻ về cách vượt qua chướng ngại tâm lý hậu ly hôn trong buổi gặp gỡ và trò chuyện “Single parents, happy kids - Cha mẹ đơn thân nuôi con hạnh phúc” trước thềm năm học 2023-2024

Tiến sĩ Quỳnh Mai, vốn là “người trong cuộc”, chân thành chia sẻ về tác động từ phụ huynh đối với con cái: “Trong suốt 3, 4 tháng đó, tôi loay hoay với vấn đề của bản thân mà quên mất con mình đang phải tiếp nhận sự đau khổ như thế nào, đang bị ảnh hưởng ra sao. Thực ra, không phải chuyện ly hôn ảnh hưởng đến con mà chính thái độ của mình, chính những cảm xúc của mình đã làm con bị ảnh hưởng”. Cảm xúc luôn là năng lượng được truyền đi, thế nên nếu cảm xúc tiêu cực luôn quanh quẩn ở đó thì con cái sẽ càng áp lực hơn nữa về vấn đề gia đình.

Nét truyền thống “tổ ấm phải có đủ ba, mẹ, con” ăn sâu khiến người ta càng cảm thấy “không bình thường” khi có gia đình ly hôn. Trẻ cảm thấy bất an nếu sống trong hoàn cảnh không đủ mẹ cha. Tuy nhiên, ta nên quan tâm đến cảm xúc của những người trong cuộc hơn những lời nhận xét bề ngoài. Nếu như sống bên nhau mà không hạnh phúc thì “gia đình” chỉ là một cái mác.

Trong chương trình, cô Uyên Phương - là một người con trong gia đình có ba mẹ ly hôn - cho biết cô vẫn ổn định hơn về mặt tinh thần so với em trai cô thời điểm đó. Người em trai đã rất khó khăn để có thể vượt qua sự thiếu vắng của người cha. Lớn thêm một chút, người em trai đã tìm đến nhạc rap - một hình thức nghệ thuật trong giới hip hop, nổi bật cho nam giới và phần nào như tìm được “chất đàn ông” bị thiếu đi trong gia đình. 

Nhà thiết kế Chương Đặng cho rằng cô Uyên Phương là minh chứng điển hình “dù sống trong hoàn cảnh có cha mẹ ly hôn, cô vẫn lớn lên vui tươi, hạnh phúc; vẫn tìm được những cơ hội thành đạt nếu như mình biết tìm cách”.

Chị Đ.T.K. (quận 3, TPHCM) rất tâm đắc khi nghe chia sẻ của chuyên gia và những phụ huynh trong buổi hội thảo. Chị tâm sự, lúc vừa chia tay chồng, chị không dành thời gian cho bản thân, lao đầu vào công việc, tự tạo áp lực tài chính và khẳng định “không có anh tôi vẫn ổn cho mà xem”.

Một hôm, chị rước con đi học về, con càu nhàu sao mẹ ăn mặc xấu xí, tóc tai lòa xòa, làm con xấu mặt với bạn bè. Chị giận dữ khi bị con chê trách, trong khi chị đầu tắt mặt tối lo cho con, nhưng rồi chị cảm thấy con nói đúng. Với chồng cũ, chị “ly” mà không “dứt”, vẫn đi “rình” xem anh ta cặp bồ với cô nào, chị vẫn ôm ấp “cái xác” tình yêu ngày một phân hủy, không đủ dũng cảm để đem chôn. Chị quên con gái đang tuổi lớn rất cần mẹ quan tâm, nâng đỡ tinh thần. 

Với nụ cười tươi rói sau những trải nghiệm đắng cay, chị K. bộc bạch: “Thay vì lao vào kiếm tiền, kiếm tiền và theo dõi người cũ, tôi tập trung chăm sóc bản thân và gần gũi con hơn. Mẹ con đã lên lịch dày hơn với những buổi đưa con đi chơi, hoạt động ngoài trời, đi tìm hiểu lịch sử - lĩnh vực mà con rất yêu thích; kể cả những bữa sinh nhật có đủ ba, mẹ và con. Không ngờ chính con cái đã giúp tôi vượt qua những nỗi căm hận chồng cũ. Bên con hồn nhiên, vui tươi, tôi dần cất bớt những muộn phiền”. 

Một số yếu tố quan trọng của mối quan hệ hợp tác nuôi dạy con cái:

- Ba và mẹ sẽ thực hiện những việc đã được thống nhất giữa 2 người bằng miệng hoặc bằng văn bản.

- Những cuộc gặp giữa 2 người cần nghiêm túc, diễn ra tại một địa điểm công cộng như quán cà phê, vào thời điểm cụ thể và ba hoặc mẹ phải chuẩn bị danh sách những điều cần trao đổi, thảo luận.

- Ba và mẹ chỉ chia sẻ những thông tin cá nhân với nhau khi thông tin đó có liên quan đến việc nuôi dạy con cái.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Một số lời khuyên để ba và mẹ hợp tác nuôi con sau khi ly hôn

Khi ba và mẹ đang học cách để cùng hợp tác nuôi dạy con cái với phụ huynh khác, hãy nhớ:

- Nên đặt sự tức giận của ba và mẹ sang một bên và đặt nhu cầu của con cái lên hàng đầu trong việc hợp tác với phụ huynh khác.

- Lịch sự và đối xử với đối phương một cách tôn trọng.

- Tránh thái độ mỉa mai, nói những lời khiếm nhã, lăng mạ.

Những điều trên có thể khó khăn, đặc biệt là khi ba hoặc mẹ có những cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ về nửa kia. Nhưng nếu ba và mẹ đều tôn trọng nhau, lắng nghe và thấu hiểu nhau thì sẽ tìm được tiếng nói chung trong việc nuôi dưỡng con sau ly hôn.

Bảo vệ con trước xung đột giữa ba mẹ là một trong những điều quan trọng nhất mà bạn có thể làm đối với con của mình. Dù giữa ba và mẹ không thể thống nhất về một vấn đề của con thì cũng không nên nói về chuyện đó trước mặt trẻ.

Thay vì vậy, hãy sắp xếp một thời gian khác để có thể thảo luận lại với nhau qua điện thoại hoặc bằng email. Nếu vẫn không thể giải quyết sự bất hòa theo cách này, có thể yêu cầu sự giúp đỡ từ những người như cố vấn, người hòa giải, người lớn tuổi hoặc luật sư…

Khi quyết định về các thỏa thuận nuôi dạy con cái, điều quan trọng nhất là tập trung vào lợi ích của trẻ. Trong khi chưa có một định nghĩa chính xác cho “lợi ích tốt nhất của trẻ”, hãy suy nghĩ về những sự sắp xếp có thể khuyến khích trẻ phát triển tốt nhất, sống hạnh phúc và thành công nhất. Đó không phải là câu hỏi dễ trả lời, vì nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, vì vậy hãy nghĩ đến những điều tốt nhất trong hoàn cảnh của bạn. Và quan trọng nhất vẫn là tìm hiểu về những cảm nhận và những mong muốn của trẻ. 

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương

Khiết Thương

 

Tag:ly hôn,hậu ly hôn,nuôi con hậu ly hôn