Hậu quả nặng nề, lâu dài
Cho đến giờ, nhiều người trong chúng ta vẫn còn bàng hoàng vì sự việc bạo hành trẻ xảy ra ở mái ấm Hoa Hồng, dù chủ mái ấm này đang bị xử lý, các bé đã được đưa đến các trung tâm chăm sóc tốt.
Giai đoạn thơ ấu rất quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách của một người. Nếu phải sống trong môi trường liên tục bị mắng chửi, đánh đập, trẻ không chỉ luôn lo lắng, sợ hãi mà còn có thể nhận thức sai lệch về các mối quan hệ, ảnh hưởng đến tương lai.
Bé gái 8 tuổi bị cha ruột bạo hành, phát triển theo xu hướng hay đánh bạn được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 |
Theo thạc sĩ Phan Thị Hoài Yến - Khoa Tâm thể, Bệnh viện TP Thủ Đức - những vết thương trên thể xác trẻ có thể chữa lành nhưng tổn thương trong tâm hồn thì chỉ có trẻ cảm thấy và gánh chịu. Người lớn hay nghĩ rằng trẻ còn nhỏ sẽ dễ dàng quên. Tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy, trẻ ở bất kỳ nhóm tuổi nào, khi bị bạo hành đều có thể chịu ảnh hưởng từ thể chất đến tinh thần theo nhiều mức độ.
Với trẻ nhỏ chưa có nhận thức đầy đủ, khi chuyển đến môi trường mới, không còn bạo hành, được yêu thương, vỗ về, có thể bé được xoa dịu, nguôi ngoai. Còn trẻ từ 2 tuổi trở lên đã bắt đầu có nhận thức yêu, ghét, sợ hãi. Dù trẻ không nói ra nhưng rất có khả năng vẫn còn tổn thương tâm lý. Nếu người lớn nghĩ trẻ vẫn ổn, không có biện pháp hỗ trợ, về lâu dài trẻ rất khó thích nghi, thậm chí bị thụt lùi so với bạn bè cùng trang lứa.
“Bị bạo hành sẽ khiến trẻ trở nên nhạy cảm. Có thể trẻ cố gắng vùi ký ức đó xuống nhưng khi vô tình gặp lại tình huống tương tự sẽ ám ảnh, sợ sệt. Nếu không được hỗ trợ kịp thời, trẻ khó phát triển bình thường được” - chị Phan Thị Hoài Yến nói.
Giúp trẻ vượt qua ám ảnh
Chị Phan Thị Hoài Yến phân tích: khi bị đánh, mắng thường xuyên, trẻ thường tự vệ bằng cách co rút lại hoặc bùng nổ. Trẻ sẽ có thiên hướng giải quyết vấn đề bằng bạo lực, nóng giận, mất kiểm soát, dùng vũ lực với người khác hoặc chính mình. Nếu không có sự can thiệp, uốn nắn kịp thời của người lớn, trẻ khó phát triển bình thường. Thậm chí, trẻ có thể suy nghĩ lệch lạc, trở thành “bản sao” của người bạo hành mình.
Mặt khác, bị đánh nhiều sẽ làm trẻ trở nên sợ hãi, thụ động, tự ti, luôn lo lắng, bất an, khó tập trung, không tìm được niềm vui, động lực trong cuộc sống. Một số trẻ còn bị rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn gắn kết với người khác, rối loạn cảm xúc, luôn giữ mình trong không gian u ám, tiêu cực. Vì vậy, khi nuôi dưỡng hãy dành cho trẻ sự nhẫn nại, yêu thương và lắng nghe để trẻ cảm thấy an toàn, yên tâm hơn.
Trẻ con nào cũng vậy, nếu phải chịu sự bạo hành, ban đầu thường có xu hướng luôn khao khát yêu thương, chở che, nên người chăm sóc hãy nhẫn nại bên cạnh, cho trẻ cảm giác tin tưởng, an toàn và nhiều tình thương, niềm vui mới. Bên cạnh đó, người lớn cần liên tục quan sát các biểu hiện, hành vi của trẻ để kịp thời hỗ trợ.
Nếu sau khi bị bạo hành, trẻ nhỏ hay tè dầm, khóc thét, giật mình khi ngủ, không dám nhìn người xung quanh, ăn uống kém… thì về lâu dài, trẻ có thể bị rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, trầm cảm, rối loạn hành vi. Với những trẻ lớn hay im lặng, không chơi với bạn, không nói chuyện, giật mình khi nghe gọi tên hoặc hay tranh giành đồ chơi, lén đánh bạn… khả năng trẻ đã có các vấn đề về tâm lý.
“Cho dù trẻ bạo lực hay nhút nhát cũng thường bị thất bại hoặc ảnh hưởng đến sự thành công trong tương lai, dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách. Thậm chí, dễ lầm đường lạc lối, vi phạm pháp luật. Hãy cố gắng kiên nhẫn giúp trẻ từ từ hòa nhập lại với cuộc sống. Từ đó, trẻ lấy lại cân bằng, có thể chơi đùa, phát triển tốt về nhận thức, hình thành nhân cách của bản thân đúng hướng” - thạc sĩ Phan Thị Hoài Yến khuyến cáo.
Chỉ cho trẻ cách bảo vệ bản thân trước hành vi xấu Theo bác sĩ Trần Quang Huy - Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM - nếu trẻ bị bạo hành, than đau nhức, khóc thét khi người lớn tắm rửa, thay quần áo, có khả năng trẻ đang bị chấn thương. Người chăm sóc nên quan sát vận động của trẻ để kịp thời cho con đi khám, điều trị. Theo đó, trẻ không cử động được tay, chân có khả năng bị trật, gãy tay, chân. Trẻ nhức đầu, ói liên tục, hay nói sảng có nguy cơ tổn thương hệ thần kinh. Nếu trẻ thở mệt, khó thở, hơi thở bị ngắt quãng nên cho đi khám về hô hấp. Ngoài ra, khi bụng trẻ căng to, chướng bụng, nhấn vào đau thì khả năng là bị tổn thương gan, lá lách, thận… Trường hợp trẻ hay run sợ, tinh thần không yên, la hét, hốt hoảng, không có khả năng tập trung, không chịu chơi với bạn… có thể đang bị căng thẳng kéo dài và các vấn đề tâm lý khác. Hãy đưa trẻ đến gặp các chuyên gia tâm lý sớm. Nếu được, người nuôi dưỡng cho trẻ đi học mầm non, tiểu học để trẻ được chơi đùa, gặp nhiều bạn mới. Việc thay đổi môi trường năng động, vui tươi sẽ giúp trẻ nhanh chóng có cảm giác thích thú, hòa nhập với bạn bè. Người chăm sóc trẻ nên phối hợp, chia sẻ với thầy cô nhằm tránh nhắc đến các vấn đề bạo lực, hay những hành vi làm trẻ cảm thấy bị đe dọa, bị đánh để trẻ tạm quên đòn roi, la mắng, sớm hồi phục tổn thương tinh thần. Nếu trẻ chưa sẵn sàng đến lớp, hãy cho trẻ thêm thời gian, đừng thúc ép sẽ khiến tình trạng trầm trọng hơn. Điều quan trọng, không chỉ với trẻ bị bạo hành mà bất kỳ trẻ nào cũng cần được hướng dẫn cách chăm sóc, bảo vệ bản thân trước hành vi xấu như bị la mắng, cô lập, đánh đập… Tốt nhất hãy trang bị cho con kỹ năng giao tiếp, cách nhận biết con đang bị bạo hành (cả về thể xác lẫn tinh thần), giúp con nhận biết người có thể giúp đỡ mình trong lúc nguy cấp như lực lượng bảo vệ, công an… Tập cho trẻ sẵn sàng chia sẻ với người thân các vấn đề đang gặp phải, từ đó người lớn sớm nhận ra và can thiệp. |
Phạm An
Tag:bạo hành trẻ em,sức khỏe tâm thần,bảo vệ bản thân,kỹ năng sống