Ảnh minh hoạ

Chẳng phải đến hôm nay, cách đây cả chục năm rồi, lời từ chối mà các bà mẹ hay nói mỗi khi có ai muốn mua tặng con mình đồ chơi là: “Thôi, nhà nhiều lắm mà nó có chơi đâu!”. 

Tiếp ngay là lời than gặp-khắp-nơi-mà-không-bao-giờ-cũ, rằng trẻ con bây giờ sao mà dành nhiều thời gian cho màn hình thế, “không như chúng mình” chơi các đồ chơi truyền thống, trò chơi truyền thống. Rồi người lớn hỏi nhau: “Trẻ con thời này không muốn chơi nữa à?”.

TÌM ĐỒ CHƠI LÀ TÌM BẠN CHO CON

Trong một bài viết trên trang Good Rebels, chuyên gia Teresa Oca nói: thực tế thì thời nào trẻ con cũng vẫn ham chơi y như thế, chỉ là cách chơi đã thay đổi.

Theo Oca, nguyên nhân dẫn đến cách chơi thay đổi cật lực chính là các thiết bị số cầm tay và các nội dung trên Internet. Chính người lớn cũng thay đổi cách giải trí của mình và góp phần khiến trẻ con chán đồ chơi. Người lớn vì bản thân cũng mải cầm máy nên không có thì giờ cho con nữa, tự tước mất một người bạn thân nhất của con, rồi lại sốt ruột, không biết con nó có đang xem những thứ “bổ ích” như mình đang xem không, nên tìm kiếm các nội dung nghe nhìn và đồ chơi để góp thêm giá trị cho trẻ con - những thứ được cho là “dạy trẻ con về tầm quan trọng của làm việc nhóm, về đạo đức và trí thức”.

Công nghệ luôn sẵn sàng đáp ứng lyêu cầu này. Đã có lúc, để bù đắp cho đứa trẻ lủi thủi trong nhà một mình, các đồ chơi mang tính “tương tác” nở rộ. Các búp bê “tương tác” ra đời: cù vào bụng thì cười khúc khích, đưa muỗng bột vào miệng thì phát ra âm thanh nhóp nhép. 

Các bé gái vui vì có búp bê Amy biết trả lời những câu hỏi đơn giản, nịnh tai (Em bé hỏi, “Amy, tớ có xinh không?”. Amy đáp: “Ấy đẹp từ trong ra ngoài”), hay kiểu vừa lòng nhà tài trợ là bố mẹ (Em bé hỏi: “Amy, cậu có thích đi học không?”. Amy đáp, giọng kiên định: “Mình thích đi học. Học rất vui”).

Nhưng bố mẹ vẫn không thỏa mãn với những điều đơn giản, muốn đồ chơi phải là người bạn thông thái thực sự của con thay cho mình; họ tha thiết có đồ chơi thông minh hơn nữa. Các hãng đồ chơi biết cách đáp ứng ngay.

Điển hình là Cayla, cô búp bê được yêu thích nhất hồi năm 2015, có thể trả lời bất kỳ câu hỏi nào của trẻ (và bố mẹ) chỉ sau một giây chần chừ để tra cứu từ Internet “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”. Cayla đã “biết tuốt” lại còn biết im lặng lắng nghe, trở thành bạn thân của trẻ con. 

Đứa bé thủ thỉ với Cayla về mình, về bố mẹ. Bạn tốt là người nhớ hết những chi tiết mình đã tâm sự cùng. Cayla có hẳn một kho dữ liệu ghi nhớ những chi tiết xung quanh em bé: tên bố mẹ, tên em bé, tên con mèo, tên bộ phim em thích, món ăn em yêu.

Bố mẹ bé có thể bí mật nghe được những gì bé nói với Cayla. Vấn đề là người khác cũng có thể nghe được như bố mẹ: Cayla có thể bị đột nhập, kẻ gian có thể thông qua Cayla mà nói chuyện với em bé. Cayla lại có ghi âm, nên nếu người lớn đứng nói chuyện gần Cayla thì nội dung ấy Cayla cũng ghi luôn. 

Cayla bị coi như gián điệp - hoặc bị lợi dụng làm gián điệp. Cayla bị thu hồi. Đức cấm các gia đình trữ Cayla, Na Uy chỉ trích khi Cayla dùng những thông tin thu thập từ em bé để chia sẻ với bên thứ ba, dùng vào mục đích quảng cáo, dưới dạng tên một vài sản phẩm hay dịch vụ nào đó mà Cayla nhắc tới trong những những lời “trao đổi” với em bé.

Theo tác giả Teresa Oca, tiềm năng sử dụng của nguồn dữ liệu thu thập được kiểu này là bao la, vừa khiến cho các món đồ chơi tương tác thêm phần thông minh, vừa giúp nhà sản xuất kiếm ra tiền. Ở Tây Ban Nha, trung tâm công nghệ về các sản phẩm và công nghệ cho trẻ em (AIJU) đã tạo ra kho “Cloud4Toys” thu thập mọi dữ liệu của những đồ chơi loại này, đưa hết lên “đám mây”, các công ty nào muốn nhận thông tin này để “cải thiện các sản phẩm trong tương lai” của họ thì cứ truy cập đám mây. 

Và như thế, đồ chơi càng thông minh, càng tối tân về công nghệ thì vấn đề bảo vệ và quyền riêng tư của mỗi gia đình càng phải được xem xét kỹ càng.

 “Trong thời gian làm đồ chơi cho trẻ, hãy phấn đấu hết sức để bản thân thành một món đồ chơi thông minh và đáng tin cậy của con.

NÊN HỌC HAY NÊN CHƠI

Theo Oca, chìa khóa của cuộc cách mạng “đồ chơi thông minh” là quan niệm “đồ chơi thông minh sẽ khiến cho trẻ con thông minh (hơn)”. Chúng có chung mục đích là kích thích trẻ phát triển những kỹ năng sẽ phục vụ trẻ trong tương lai.

Và “thông minh” là từ khiến bố mẹ chịu bỏ tiền ra. Xe đua thông minh, búp bê thông minh, đến vịt cao su để thả trong chậu tắm cũng có phiên bản thông minh.

Để làm cho phụ huynh đỡ lo ngại rằng đồ chơi thông minh quá thì “già” so với con mình, các nhà sản xuất đồ chơi giáo dục thuyết phục rằng chơi không phải chỉ để vui; khi làm đồ chơi họ đã tính đến việc phát triển tâm thần và vận động của đứa bé, tức đứa bé “lớn lên cùng đồ chơi”. Họ tính cả việc bàn tay trẻ ở tuổi nào thì nắm được thế nào để tạo ra những khối xây lắp vừa tay; màu sắc, âm thanh nào sẽ thu hút trẻ...

Nhưng rồi chính các nhà sản xuất đồ chơi cũng bị hụt hơi trước hiện tượng trẻ “già đi” quá nhanh, một kiểu “chín ép” do tiếp xúc nhiều với truyền thông, Internet và sẵn có các thiết bị cầm tay. Thị trường đồ chơi và thông tin về đồ chơi ngập ngụa, trẻ có quá nhiều lựa chọn đến mức không còn khao khát, hoặc ngược lại luôn luôn khao khát, “đứng núi này trông núi nọ” khiến thời gian chơi với một đồ chơi cụ thể không kéo dài được bao nhiêu.

Và bất chấp đồ chơi có thông minh thế nào, trẻ con vẫn cắm đầu vào màn hình, xem những thứ mà bố mẹ cho là “ngu ngốc”. Búp bê nào có uyên bác nhất mắt cũng mở trừng trừng và kiến thức là thứ mà trẻ con thấy chỉ nên thỉnh thoảng nhấm nháp. Bố mẹ đành chuyển hướng thỏa hiệp, cho con xem các chương trình trên Internet và phải là những chương trình “có tính giáo dục cao” thì mới an tâm.

Trong một bài viết trên tờ The Guardian, các chuyên gia giáo dục thở dài, bảo rằng “giá như các phụ huynh bớt tập trung nhồi nhét cho thực đơn kỹ thuật số của con mình đầy chất giáo dục”, vì thật ra, “với trẻ con, chơi là học nghiêm túc, đó mới là thế giới thật sự của tuổi thơ”.

Trẻ con cần vui, cần chơi. “Chơi là chính, học là phụ” nên game hay đồ chơi đối với nhiều phụ huynh cũng thế thôi, cứ để trẻ con chơi game thoải mái, vì theo họ, trẻ con cứ chơi cho vui đã rồi thể nào cũng học được cái gì đó: chơi các game đánh trận thì trẻ con học được cách tính toán chiến lược và tình huynh đệ; chơi các game có tích cóp của cải, xây dựng làng mạc thì giúp trẻ học về quan hệ xã hội và tạo dựng gia đình. Có thua một trận game thì trẻ cũng học được một số bài học về thất bại hay… kỹ năng bấm máy!

Trong khi đó, một số người phân biệt rất rõ đồ chơi với game. Có chuyên gia cho rằng “chơi game là tuân theo một bộ quy tắc đề ra những thứ cụ thể cần phải đạt cho được: mục tiêu, thành tựu, điểm, kỹ năng, món hàng… Chơi đồ chơi là chơi với một loạt những thứ “mờ mịt” hơn nhiều của nội tâm: thông qua việc chơi đồ chơi mà trải nghiệm làm cách nào để khiến mình vui buồn. Mục đích của chơi đồ chơi không phải là để thỏa mãn thứ gì đó bên ngoài, mà để chơi thôi theo nghĩa căn bản nhất của từ “chơi”, nghĩa là tự tìm vui…”.

Những người có phân biệt rạch ròi như thế sẽ đề cao óc tưởng tượng và sống độc lập ở trẻ em. Họ lo ngại rằng thế giới game và đồ chơi của trẻ con ngày nay không khuyến khích trẻ con tưởng tượng nữa. Trẻ sẽ phụ thuộc vào máy móc. Nếu máy mất điện, hỏng pin, không kết nối được mạng thì với những đứa trẻ ấy, mọi thứ sụp đổ.

Dorothy Singer - một nhà tâm lý học ở Đại học Yale - cho rằng nếu một đứa bé chơi với một con thú nhồi bông, bé sẽ dùng trí tưởng tượng mà đặt tên cho nó, nói chuyện với nó, nói thay cho nó. Còn nếu con thú đó đã có sẵn tên, sẵn giọng nói, sẵn cả kiến thức thì đứa trẻ chẳng còn gì để mà thi thố tài tưởng tượng và sáng tạo. “Món đồ chơi ấy lấy mất sự đóng góp của đứa trẻ” - Singer nói. Tóm lại là “mất vui”. 

 Ảnh minh hoạ

QUAY VỀ VỚI GỐC RỄ: NGƯỜI VỚI NGƯỜI

Trẻ con ngày càng lớn nhanh, đồ chơi năm nay là mới, năm sau đã là cổ lỗ. Trong khi đó với trẻ, không đồ chơi nào thú vị và luôn mới mẻ bằng… người thật; kể cả trẻ lớn có chơi game thì cùng bạn ngồi chơi vẫn vui hơn là chơi một mình. Với trẻ nhỏ, chỉ cần có một người bằng xương bằng thịt ở cạnh, chịu nói chuyện cùng, đóng kịch cùng là cái gì cũng có thể biến thành đồ chơi.

Nếu các hãng đồ chơi đã phấn đấu làm cho đồ chơi được giống người, thì người thật phải là món đồ chơi tốt nhất. Thông qua chơi với người thật, trẻ con học cách giao tiếp, thuyết phục và nhân nhượng; đóng giả nhiều vai trò để thỏa trí tò mò và tưởng tượng.

Ngay cả những trò chơi vận động không cần nói nhiều cũng là một lớp học “ngầm” dạy trẻ quan sát, ước lượng và gia giảm trong đối xử. Thông qua chơi với trẻ con, bố mẹ sẽ biết con mình muốn gì, con mình là đứa trẻ thế nào, cần làm gì cho con. Tuổi thơ của trẻ trôi qua vùn vụt, nên nếu đã có con thì bố mẹ phải xác định luôn từ đầu là không được tiếc thời gian bỏ ra chơi với con, làm bạn với con tới tận lúc chúng trưởng thành, không cần mình nữa.

“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, trong thời gian làm đồ chơi cho trẻ, hãy phấn đấu hết sức để bản thân thành một món đồ chơi thông minh và đáng tin cậy của con; rồi cho dù làm mà không mong đợi, ta cũng sẽ có ngày thu quả ngọt. ■

PHẠM PHONG

Tag:Trẻ em, đồ chơi, thông minh, cha mẹ