Chuẩn bị cho những tình huống nguy hiểm

Chuyện em học sinh 11 tuổi sống sót sau vụ thảm sát Trường tiểu học Robb ở Uvalde, Texas (Mỹ) - đã giết chết 19 học sinh và hai giáo viên - khiến nhiều người vui mừng và thán phục. Cô bé kể rằng, vì lo sợ tay súng sẽ quay lại, em đã bôi máu từ một người bạn xấu số lên người mình để giả chết. Cô bé và một học sinh khác cũng xoay xở lấy được điện thoại từ cô giáo bị bắn và gọi 911 nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ. Em nói với điều phối viên: “Xin hãy đến trường… chúng cháu đang gặp rắc rối”. 

Phụ huynh nên giúp trẻ biết cách phán đoán, xoay xở trong những tình huống nguy hiểm ngay từ lúc còn nhỏ - ẢNH: ISTOCK

Phụ huynh nên giúp trẻ biết cách phán đoán, xoay xở trong những tình huống nguy hiểm ngay từ lúc còn nhỏ - Ảnh: Istock

Cô bé đó chính là Miah Cerrillo. Đứa trẻ giờ đây đang cần những buổi trị liệu tâm lý để thoát khỏi ký ức kinh hoàng. Dù vậy, một điều chắc chắn là Miah đã xử lý tình huống rất tốt để sống còn. Tất cả bậc cha mẹ đều muốn những gì tốt nhất cho con mình và luôn tìm cách bảo vệ chúng khỏi bất kỳ tổn hại nào từ bên ngoài. Nhưng trong khi chúng ta chuẩn bị cho bản thân và tìm cách xử lý mọi vấn đề, điều quan trọng cần làm là dạy cách sống còn cho trẻ, thay vì để chúng luôn dựa dẫm vào người lớn.

Các kỹ thuật mà một người có thể sử dụng để duy trì sự sống trong bất kỳ loại môi trường tự nhiên hoặc tình huống nhân tạo nào được gọi chung là kỹ năng sinh tồn. Chúng đảm bảo giúp con người cách thức để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu như nước, thực phẩm, nơi ở, sự an toàn… Nhiều người có thể cảm thấy rằng đó là một nỗ lực vô nghĩa trong thế giới ngày nay. Tuy nhiên, trẻ em cần nhận thức và kiến ​​thức thực tế, có thể áp dụng cho từng tình huống nguy hiểm mà chúng chẳng may gặp phải trong cuộc sống.

Bốn nhóm kỹ năng cần thiết

Có bốn nhóm kỹ năng mà cha mẹ và cơ sở giáo dục nên dạy cho trẻ. Đầu tiên là nhận thức tình huống. Không chỉ được áp dụng ngoài môi trường tự nhiên, đây là một trong những kỹ năng quan trọng nhất cần học để có thể sống sót trong bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào. Bạn có thể bắt đầu bằng cách chỉ ra các địa điểm cột mốc phòng trường hợp trẻ đi lạc. Cùng với việc cung cấp thông tin, đôi khi phụ huynh có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu trẻ dẫn bạn về nhà từ một địa điểm cụ thể. Bạn cũng nên dạy con mình phát triển bản năng hoặc cách tư duy giúp giữ bình tĩnh trong tình huống khủng hoảng. 

Thứ hai là kỹ năng sơ cứu. Việc dạy trẻ cách sơ cứu ngay từ khi còn rất nhỏ là điều rất quan trọng. Mặc dù hầu hết trẻ em đều biết về băng cá nhân hay băng gạc, chúng có thể không biết cách làm sạch, băng bó vết thương hoặc cách tạo một thanh nẹp đơn giản. Vì vậy, hãy dạy chúng cách sử dụng các vật dụng cơ bản như gạc, tăm bông, găng tay, ghim, dung dịch khử trùng, băng cá nhân và các vật dụng y tế khác. 

Bài học thứ ba là khả năng tự vệ. Sự tự tin trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng có thể giúp ích cho trẻ. Điều này đặc biệt đúng trong những tình huống nguy hiểm, vì biết cách bảo vệ bản thân khỏi bất kỳ mối đe dọa nào sẽ nâng cao sự tự tin và tăng cơ hội sống sót. Tự vệ có lẽ là một trong những lĩnh vực khó nhất, bởi vì để có thể thành thạo bất kỳ hình thức tự vệ nào, dù là võ thuật hay thậm chí là sử dụng vũ khí, trẻ cần dành nhiều thời gian, sự kiên trì và kỷ luật. 

Cuối cùng là kỹ năng sinh tồn trong môi trường hoang dã. Ngay cả những điều đơn giản như leo núi hoặc đi bộ qua rừng cũng có thể trở thành khoảnh khắc trải nghiệm và học hỏi, vì phụ huynh có thể chia sẻ khả năng quan sát bằng cách chỉ ra các địa danh và đặc điểm địa lý khác nhau, giúp trẻ định hướng nếu chúng bị lạc. Cha mẹ cũng nên dạy trẻ tầm quan trọng của việc giữ thân nhiệt bằng cách tạo ra lửa và tìm kiếm, chuẩn bị một nơi trú ẩn. Việc hướng dẫn trẻ cách kiếm thức ăn và tìm, lọc nước trong các tình huống sinh tồn là vô cùng quan trọng. 

Bởi vì nền tảng kiến ​​thức của trẻ còn khá hạn chế, nên việc dạy con những kỹ năng sống còn cần nhiều thời gian và sự quan tâm. Dù vậy, những đứa trẻ không bao giờ quá nhỏ để bắt đầu học cách tự lập. Một số kỹ thuật sinh tồn có thể vượt quá khả năng của trẻ, cho nên cha mẹ cần lưu ý về những gì chúng ta mong đợi và những gì chúng ta dạy con mình, đảm bảo phù hợp với lứa tuổi. 

Ngọc Hạ (theo CNN, Washington Post, Urban Survival Site)

 

Tag:kỹ năng sinh tồnkỹ năng sống cho trẻkhả năng tự vệtình huống nguy hiểm