1. Đặt vấn đề
Hành vi tự tử (suicidal behaviour) theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới bao gồm 3 thành phần: ý tưởng tự sát (chỉ thể hiện trong ý nghĩ); mưu toan tự sát (có hành vi để tự tử, nhưng không thành công); tự sát (có hành vi tự tử đi đến tử vong). Dự báo của Tổ chức Y tế thế giới, thì đến năm 2020 tự tử sẽ là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở các nước phát triển và hàng thứ 2 ở các nước đang phát triển Trong 45 năm qua tỷ lệ tự tử đã tăng 60% trên toàn thế giới. Hàng năm, có khoảng hơn 1 triệu người chết vì tự tử. Tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 13 ở mọi lứa tuổi trên thế giới và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở lứa tuổi vị thành niên và người lớn trẻ tuổi tại các nước đang phát triển. Các nước Đông Âu có tỷ lệ tự tử cao nhất toàn cầu (45 - 75 người/ 100.000 người). Ở Mỹ, tự tử là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong cho thanh thiếu niên độ tuổi từ 15 - 24. Đa số các trường hợp tự tử xảy ra ở Châu Á là do dùng thuốc bảo vệ thực vật Các chuyên gia đã phân tích 41 trường hợp trẻ tự tử ở Australia, Canada, Anh và Mỹ. Trong đó có 24 trẻ gái và 17 trẻ trai có độ tuổi từ 13 - 18 tuổi. Kết quả cho thấy, 24% thanh thiếu niên là nạn nhân của hình thức đe dọa về tình dục. Trong số đó, một nửa đã được xác định là trẻ đồng tính và một nửa khác được xác định là dị tính hay có sở thích tình dục không rõ. TS. John LeBlanc, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: "Hăm dọa trên mạng là yếu tố gây nên một số vụ tự tử ở trẻ, nhưng hầu như luôn có những yếu tố khác đi kèm như bệnh tâm thần hoặc đe dọa trực tiếp. Và tình trạng hăm dọa trên mạng sẽ tác động lớn đến tâm lý sợ hãi ở trẻ nếu thường xuyên xảy ra" . Nghiên cứu ở các nước phát triển và các nước đang phát triển, phát hiện có các rối loạn tâm thần ở 80 - 100% các trường hợp chết do tự sát. Người ta ước lượng rằng nguy cơ tự sát trong cuộc đời của những người có rối loạn cảm xúc (chủ yếu là trầm cảm) là 6 - 15%; với người nghiện rượu là 7 - 15%; và với tâm thần phân liệt là 4 - 10% . Tại Việt Nam, tỷ lệ thanh thiếu niên từng nghĩ đến chuyện tự tử và từng tìm cách kết thúc cuộc sống của mình đã tăng cao hơn gấp đôi so với năm 2005 (Theo cuộcđiều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên lần thứ 2, năm 2010). Số lượng người dân có ý nghĩ tự tử chiếm khoảng 8,9% dân số (Theo nghiên cứu của bác sĩ Trần Thị Thanh Hương và các đồng sự, năm 2006). Kết quả điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam năm 2008 cũng cho thấy, trong hơn 10.000 thanh thiếu niên thì trên 73% người từng có cảm giác buồn chán, hơn 4% từng nghĩ đến chuyện tử tự. So với số liệu cuộc điều tra trước đó vào năm 2003, các chuyên gia nhận thấy tỷ lệ thanh thiếu niên trải qua cảm giác buồn chán đã tăng lên. Đáng chú ý, tỷ lệ nghĩ đến chuyện tự tử tăng lên khoảng 30% 2. Thực trạng tự tử ở học sinh Việt Nam Theo số liệu của Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, TP HCM, trong vòng một năm (từ tháng 5/2007 - 5/2008), bệnh viện này tiếp nhận 310 ca tự tử dưới 16 tuổi, trong đó 4 ca tử vong. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM trong vòng một tháng đã phải cấp cứu cho 4 trường hợp trẻ tự tử bằng thuốc diệt cỏ. Số liệu thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 2, TP HCM cũng cho thấy, có đến 47 trường hợp trẻ tìm đến cái chết trong năm 2008. Những số liệu trên đã gióng lên hồi chuông báo động về nạn tự tử vị thành niên . Có thể nhận thấy, hiện tượng thanh thiếu niên tự tử cũng như học sinh tự tử ở Việt Nam đã và đang diễn ra hết sức phức tạp. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2012, theo thống kê của một số trang Internet, cả nước đã có khoảng 10 vụ học sinh tự tử . Dưới đây là một số vụ việc điển hình: - Ngày 13/4, một học sinh lớp 12 ở trường THPT Thanh Chương 1 (huyện Thanh Chương, Nghệ An) đã gieo mình xuống dòng sông Lam tự vẫn. - Ngày 31/3, người dân TP Pleiku, Gia Lai tá hỏa vì một cậu học trò lớp 8 treo cổ tự tử vì nghi bạn gái phản bội. - Ngày 17/3, 3 nữ sinh THCS Phan Chu Trinh (xã Đắk Sắk, Đắk Mil, Đắk Nông) uống thuốc độc tự tử vì sợ cô giáo mắng. - Ngày 11/3, em Lầu Thị Dế, học sinh lớp 11, Trường Dân tộc nội trú huyện Điện Biên Đông đã ăn lá ngón để tự vẫn vì cô đã làm hỏng chiếc điện thoại di động bố cho. - Ngày 28/2, bị nghi ngờ ăn trộm đồ đạc, nữ sinh M.T lớp 12 Anh THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) thắt cổ tự tử trong kí túc xá. - Trước đó, ngày 10/2/2012, cháu Lương Thị H, sinh năm 1997, học sinh một trường cấp 2 tại Hải Dương đã tự tử vì bị cho rằng ăn trộm quần áo tại một cửa hàng. - Tháng 1/2012, bị cô giáo bắt chép lại bài kiểm tra, nữ sinh K.O lớp 12 của trường THPT tư thục Đông Quan (huyện Đông Hưng, Thái Bình) đã nhảy từ tầng 2 xuống đất tự tử. Trước đây một vài năm, cũng xuất hiện một số những vụ việc thương tâm do các em cùng nhau tự tử tập thể : - Chiều 24/5/2006, 5 học sinh nữ sinh năm 1993, học lớp 7 trường THCS Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương rủ nhau trầm mình tập thể tại đoạn sông Hương chảy qua địa phận xã. Các em dùng khăn buộc tay nhau nhảy xuống sông, để lại 5 bức thư gửi cho gia đình và nhà trường cùng một nội dung xin vĩnh biệt thầy giáo, bạn bè vì bị gia đình mắng mỏ và bị phân biệt đối xử nam nữ. Trước đó, các em đã từng "ăn thề", kết nghĩa chị em và từng định bỏ nhà đi nhưng không thành. - Ngày 24/5/2006: Bị gia đình ngăn cản vì yêu đương quá sớm, chểnh mảng việc học hành, “cặp tình nhân” là học sinh cấp 2 đã rủ nhau uống thuốc ngủ tự tử ngay tại nhà cô bé. Khoảng 20h, bố của Đ.T.T.T. (sinh năm 1990) ở quận Long Biên - Hà Nội đi làm về, phát hiện con gái cùng bạn trai là Đ.X.T. (sinh năm 1991) đã uống thuốc ngủ tự tử tại gia đình. Được phát hiện sớm và đưa đi cấp cứu kịp thời, 2 em đã được các bác sỹ cứu sống. - Ngày 16/2/2006, 9 HS nữ đều 14 tuổi và đang học tại Trường THCS Cổ Nhuế A - Từ Liêm - Hà Nội, sau khi pha 100 viên thuốc ngủ vào cà phê đã uống và hậu quả là 5 em phải nhập viện do hôn mê sâu. Ở trong lớp các em là nhóm bạn chơi rất thân với nhau. Học kỳ I, một số bạn trong nhóm có kết quả học tập kém, bị gia đình trách móc, làm các em rất chán nản. - Ngày 7/10/2005: Sợ bị mắng, 3 HS 12 tuổi, trường Trường THCS thị xã Bến Tre (tỉnh Bến Tre) uống thuốc ngủ, được nhà trường cùng gia đình lập tức đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh. Ba HS được giáo viên chủ nhiệm yêu cầu làm bản tự kiểm điểm về kết quả học tập không tốt và buộc phải đưa cho phụ huynh ký tên vào. Các em không dám mang về cho bố mẹ xem nên rủ nhau uống thuốc tự tử. Ở Việt Nam, hiện tượng học sinh tự tử là vấn đề chưa nhận được sự quan tâm thỏa đáng, vẫn chưa có một thống kê cụ thể nào về vấn đề này. Những vụ việc được báo đài đưa tin chỉ là những vụ việc điển hình, trên thực tế còn không ít những vụ việc học sinh tự tử mà dư luận xã hội chưa được biết đến. Theo thống kê của Trung tâm phòng chống khủng khoảng tâm lý (PCP), ở Việt Nam thanh niên từ 15 - 24 tuổi là nhóm lứa tuổi có ý định tự tử cao nhất, trong đó tỷ lệ nữ cao gấp hai lần so với nam. Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam (năm 2010) đối với hơn 10.000 người trong nhóm tuổi này cho thấy, 4,1% người nghĩ đến chuyện tự tử, 25% đã tìm cách kết thúc cuộc sống . Theo bác sĩ Phạm Anh Tuấn, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, hiện tình trạng trẻ vị thành niên tìm đến tự tử ngày càng trở nên bức xúc. Việt Nam là một trong các nước có tỷ lệ bệnh nhân tự tử cao nhất trong các trường hợp nhiễm độc cấp, trong đó lứa tuổi tự tử nhiều nhất là thanh thiếu niên dưới 25 tuổi (chiếm 59,7%). Điều đáng lưu ý là phần lớn bệnh nhân tự tử đều có triệu chứng trầm cảm (khoảng 57,1% số bệnh nhân). Theo bác sĩ Tuấn, nguyên nhân dẫn đến hành vi tự tử thường là do bệnh nhân gặp phải những biến cố về tình cảm (61,6%). Ngoài ra còn vì lý do tiền bạc (14,8%); bệnh tật (7,4%) và áp lực học hành thi cử (chiếm 3,5%). Phương thức tự tử phổ biến của các bệnh nhân là uống thuốc độc hay uống các loại hoá chất (chiếm tới 97,7%), thông dụng nhất là các loại phục vụ cho nông nghiệp như thuốc diệt sâu rầy có hay không có phốt pho hữu cơ, thuốc diệt cỏ . Theo một cuộc khảo sát của TS. Ngô Thanh Hồi - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, có đến 19,46 % học sinh trong độ tuổi từ 10 -16 gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần. Trong khi đó, hiểu biết của xã hội, thậm chí ngay trong ngành y tế về chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh còn rất nghèo nàn. Thực tế những năm gần đây, rất nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần đang nổi lên như stress, lo âu, ám ảnh, trầm cảm, tự sát của học sinh, các biểu hiện suy nhược và rối loạn cơ thể,... TS Ngô Thanh Hồi cho biết, trẻ em vô tình bị đẩy vào những tình huống buộc phải tự lập cũng như phải đối mặt với quá nhiều tác động có hại do mặt trái của nền kinh tế thị trường, trong khi các em không có cơ hội được trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết về tâm lý. Hiện nay, trong nhà trường luôn luôn có một tỉ lệ học sinh có vấn đề về sức khỏe tinh thần. Theo đó, có 15,94% học sinh có rối nhiễu về tâm lý trong tổng số học sinh các cấp học, việc lạm dụng chất gây nghiện đang tăng lên nhanh chóng trong cộng đồng thanh thiếu niên. Trong số các vụ tự sát, thì 10% ở độ tuổi từ 10 - 17. Nghiên cứu 21.960 thanh thiếu niên Hà Nội phát hiện 3,7% em có rối loạn hành vi. Khảo sát sức khỏe tinh thần học sinh trường học thành phố Hà Nội bằng công cụ SDQ của Tổ chức Y tế Thế giới chuẩn hóa Việt Nam cho thấy trên mẫu nghiên cứu gồm 1.202 học sinh tiểu học và trung học cơ sở trong độ tuổi 10 - 16 tuổi, tỷ lệ học sinh có vấn đề về sức khỏe tinh thần chung là 19,46 %. Tỷ lệ này đối với nam, nữ, tiểu học, trung học cơ sở, nội thành, ngoại thành không có gì khác biệt. Những khó khăn về ứng xử của học sinh trong nghiên cứu của Bệnh viện Mai Hương chiếm 9,23%. Lứa tuổi từ 10 - 11 có tỷ lệ 42 - 46% gặp khó khăn về ứng xử. Đặc biệt có sự chênh lệch rất lớn về khó khăn trong ứng xử giữa học sinh nam (84.60%) và học sinh nữ (15,40%). TS Hồi cũng lưu ý, trong lĩnh vực tâm lý trẻ em, những phân biệt đối xử của ông bà, cha mẹ thậm chí định kiến bất bình đẳng về giới cũng có tác động đến ứng xử của trẻ. Các vấn đề liên quan đến phát triển trí tuệ, rối loạn nhân cách hành vi như rối loạn cảm xúc, rối loạn tăng động, rối loạn ứng xử, xung động bạo lực, nghiện rượu và ma túy, rối loạn ăn uống dẫn tới béo phì, đều là các rối loạn báo hiệu sức khỏe tinh thần gặp khó khăn và nó hoàn toàn có thể là nguy cơ của hiện tượng học sinh tự sát. Nhìn chung, các vụ việc học sinh tự tử ở Việt Nam thường xuất phát từ một số các nguyên nhân sau: Không đạt được kết quả mong muốn trong học tập như: thi rớt, bị điểm kém…; Bị mất danh dự, bị sỉ nhục trước trường, trước tập thể lớp; Bị người thân xúc phạm, vu oan, hiểu lầm; Bị áp lực do gia đình, nhà trường kỳ vọng ở các em quá cao trong học tập; Gia đình có nhiều xung đột không thể giải quyết: cha mẹ thường cãi vã nhau, anh em hiềm khích…; Bị ngăn cấm trong tình yêu, tình bạn; Bị gia đình người thân ruồng bỏ; Phải chịu những đợt khủng hoảng kéo dài, có cảm giác cô đơn không còn ai để tâm sự, chia sẻ; Mặc cảm với tội lỗi như bị cưỡng hiếp, quay cóp bị phát hiện được…; Sụp đổ khi đang thần tượng một ai đó; Tử tự cũng là một cách chứng minh rằng các em vô tội; Tử tự cũng là một cách trả thù; Do không dám đương đầu với những hoàn cảnh khó khăn, bế tắc trong cuộc sống; Do các em không tìm thấy được ý nghĩa của cuộc sống. Trong các vụ việc học sinh tự tử được đưa tin trên các kênh thông tin truyền thông, phương thức mà các em sử dụng chủ yếu là nhảy cầu, uống thuốc độc, cắt mạch máu, nhảy lầu hoặc treo cổ tự vẫn. Hiện tượng học sinh tự tử ở Việt Nam là một vấn đề cần nhận được sự quan tâm thỏa đáng của các nhà quản lý giáo dục, của mỗi gia đình và toàn xã hội. Hậu quả sẽ là rất đau đớn khi hiện tượng này vẫn diễn ra. Bản thân những học sinh tự tử sẽ vĩnh viễn mất đi cơ hội được sống, được học tập và phấn đấu, gia đình và nhà trường có học sinh tự tử sẽ phải gánh chịu một vết thương tinh thần vô cùng to lớn, xã hội sẽ mất đi những chủ nhân tương lai. 3. Phân tích nguyên nhân hiện tượng học sinh Việt Nam tự tử Khi học sinh tự tử, chính là lúc các em đang kêu cứu. Qua hành động này, trẻ muốn nói với chúng ta rằng: con không muốn chết mà vì không ai quan tâm tới con, hoặc mọi người đã hiểu sai con; con chỉ muốn được nhìn nhận, được yêu thương. Từng có đứa trẻ 11 tuổi ở TP.HCM vừa uống thuốc ngủ vừa thông báo cho mẹ: “Mẹ cứ la mắng mãi, con nghe chán lắm rồi, con uống thuốc tự tử đây để mẹ khỏi mất công la mắng con nữa”. Lần ấy, em được cứu sống vì người mẹ phát hiện kịp thời. Nhưng oan nghiệt thay, ngay sau đó chưa đầy một tháng, chính những lời chửi mắng, trách móc của người mẹ trước hành vi tự tử của con đã khiến cô bé tự tử lần hai, và không cứu được. Việc trẻ chọn lựa hành vi tự tử có liên quan đến nhiều vấn đề. Ngoại trừ vấn đề bệnh lý tâm thần do bất thường của hoạt động não, đa số yếu tố ảnh hưởng đến việc tự tử ở học sinh là những vấn đề xã hội, nhà trường và gia đình. Các nhà nghiên cứu tâm lý - tâm thần - xã hội học đã ghi nhận tình trạng bắt chước, “lây bệnh” từ những chương trình truyền hình, phim ảnh, các thông tin xã hội về tình trạng tự tử. Theo nhà nghiên cứu Gould (1990), tỷ lệ trẻ tự tử ở Mỹ càng lúc càng tăng thêm theo từng đợt xuất hiện các bộ phim liên quan đến những hành vi tự tử. Tác giả Brent (1994) và Gould (1996) nhận thấy tự tử có liên quan đến những bất đồng giữa trẻ và phụ huynh, tình trạng bất ổn trong sinh hoạt gia đình. Sự bất đồng này thường xuất phát từ việc giao tiếp kém giữa phụ huynh và trẻ. Những căng thẳng trong gia đình, như: bất hòa giữa cha - mẹ, cha mẹ ly hôn, sự thiếu quan tâm của cha mẹ về tâm lý, sự độc tài, sự áp đặt, sự buông lỏng, thờ ơ của cha mẹ, kinh tế gia đình khó khăn, tình trạng trầm cảm - lo âu của cha mẹ, bệnh lý của cha mẹ hoặc của trẻ… là những yếu tố rất thường gặp trong những trường hợp tự tử tuổi vị thành niên. Những yếu tố gia đình còn có thể xem là yếu tố quan trọng nhất đối với tự tử ở lứa tuổi nhỏ hơn, bên cạnh yếu tố bất an, căng thẳng trong trường học, trong giao tiếp với bạn bè. Ở độ tuổi này, mối quan hệ với trường học và bạn bè là mối quan hệ ngoài gia đình duy nhất của trẻ, có tính nâng đỡ và xây dựng nhân cách của trẻ. Khi có những khó khăn trong mối quan hệ này, cộng với những khó khăn xuất phát từ gia đình, trẻ sẽ mất nguồn lực, mất đi sự động viên và giúp đỡ trong khi tình trạng căng thẳng nội tại cũng vừa xuất hiện và mạnh mẽ dần. Chính vì vậy, việc trẻ thu mình, tự kỷ, trầm cảm và nặng nhất là tự tử là điều rất dễ xẩy ra. Đứng trước những vụ việc học sinh tự tử, chúng ta thường cho rằng đó là những hành động “dại dột, bồng bột” của các em. Nhưng thực chất nó là kết quả của sự cộng hưởng giữa 3 cái thiếu: Thiếu cân bằng trong tâm sinh lý lứa tuổi - thiếu kỹ năng ứng phó - thiếu chỗ dựa từ thầy cô, cha mẹ. Dưới góc độ sinh lý, chúng ta đều biết ở độ tuổi thanh thiếu niên, hưng phấn trong thần kinh rất mạnh, do đó các em dễ mất kiểm soát và có hành động bất ngờ. Dưới góc độ tâm lý, tuổi mới lớn đang gặp nhiều trục trặc trong thời điểm dậy thì, tính tự ái cực kỳ cao, dễ thổi phồng mọi việc, lại gặp những vấp váp đầu đời trong khi chưa có kinh nghiệm sống, chưa có kỹ năng ứng phó. Dưới góc độ quan hệ xã hội, đây là lúc mà vị thế của người lớn giảm một bậc trong mắt trẻ và các em tự nâng vị thế của mình lên một bậc, cho mình nhiều quyền quyết định hơn - thậm chí quyết định cả mạng sống của mình, giữa các em và người lớn đang có một “dấu cách” nhất định, gia đình ít gần gũi và ít sát sao các em hơn so với lúc trước. Tất cả ba yếu tố sinh lý - tâm lý - quan hệ xã hội đó cùng lúc đã đẩy nhiều bạn trẻ vào sự chông chênh trong cảm xúc, sự bế tắc trong suy nghĩ và bộc phát trong hành động. Trong khi đó, rõ ràng điểm kém, một lần thi trượt, vài trăm ngàn đồng, một lời trách oan của cô giáo… đều là những sự việc các em hoàn toàn có thể vượt qua, hoàn toàn giải quyết được. Tuy nhiên, không ai chỉ bảo cho các em kỹ năng ứng phó với những chuyện đời thường này cả. Trẻ đến trường với hơn 10 môn học, các em ở với gia đình hơn 8 tiếng mỗi ngày, qua đó chúng ta đã dạy các em rất nhiều kiến thức nhưng cách ứng phó với các vấn đề mâu thuẫn thường ngày thì dường như các em phải tự học. Khi các em đi đến quyết định tự kết thúc cuộc đời mình, lỗi không hoàn là ở các em, mà chủ yếu là do chúng ta đã dạy các em chưa đầy đủ. 4. Một số giải pháp đối với hiện tượng học sinh tự tử ở Việt Nam Việc đầu tiên khi biết trẻ có ý định tự tử, đó là phải đưa trẻ vào môi trường an toàn: tránh xa các vật dụng có thể tự sát (dao, kéo, vật nhọn, dây, vải, súng, vật cứng…), có thể quan sát trẻ 24/24 (tốt nhất là nhập viện). Tuy vậy, điều quan trọng là giúp trẻ có thể nói về vấn đề tự tử: ý định tự tử, cách thức thực hiện mong muốn, nguyên nhân dẫn đến ý định tự tử. Đó là sự quan tâm cần thiết mà trẻ đang thực sự thiếu thốn trong giai đoạn này. Việc nói lên ý định tự tử giúp trẻ dễ dàng bộc lộ những cảm xúc bị kềm nén, những lo âu do stress, những căng thẳng khi quyết định tự tử… cũng như giúp phụ huynh có thể cho trẻ thấy sự quan tâm, yêu thương của người thân dành cho trẻ. Thường các vấn đề của giới trẻ không phải là chuyện bế tắc, không thể giải quyết như bệnh ung thư, ly hôn, mất sạch tài sản, mà thường là những chuyện có thể “gỡ rối” được tức thì, nhưng các em lại không có người lắng nghe và gỡ rối kịp thời. Cha mẹ, bạn bè, thầy cô giáo, người trẻ tin tưởng, nhà tâm lý… chính là những nguồn lực có thể hỗ trợ trẻ trong lúc này. Tuy vậy, cách giải quyết trên chỉ có tính tạm thời. Thói quen giao tiếp, cách giao tiếp trong gia đình lại là yếu tố có tính trọng yếu hơn trong việc ngăn chặn trẻ có ý nghĩ tự tử. Việc giao tiếp tốt trong gia đình giúp trẻ dung hòa được những căng thẳng nội tại của bản thân, ảnh hưởng lớn đến sự thích ứng của trẻ trong việc tiếp xúc với những yếu tố từ môi trường xã hội. Việc tạo lập mối quan hệ công bằng giữa cha mẹ và trẻ, giúp trẻ có thể dễ dàng bộc lộ những cảm xúc, những căng thẳng tâm lý dù nhỏ nhất có thể xuất hiện nhanh chóng trong giai đoạn phát triển tâm lý tuổi vị thành niên. Tạo lập mối quan hệ này thật sự không dễ dàng khi phụ huynh luôn có thói quen nghĩ rằng con cái chúng ta là người trẻ, thiếu chín chắn và bốc đồng. Phụ huynh cho rằng quyết định của bố mẹ là đúng đắn và tốt nhất đối với chính cuộc sống tình cảm của trẻ. Vì vậy, chúng ta sẽ ít lắng nghe trẻ nói. Cách suy nghĩ và thói quen này có thể làm cho trẻ trở nên câm lặng và bí hiểm với chính cha mẹ của chúng. Phụ huynh nghĩ rằng việc chăm sóc về sức khỏe và vật chất sẽ chứng tỏ được tình yêu của mình với con cái, nhưng rõ ràng chúng ta chỉ đang chú ý trẻ như một đồ vật, hơn là một con người có tình cảm và suy nghĩ. Trong việc phát hiện, ngăn chặn và phòng ngừa hiện tượng học sinh tự tử thì giáo dục nhà trường đóng vai trò chủ đạo, giáo dục gia đình đóng vai trò then chốt và sự cộng hưởng của xã hội giữ vai trò quan trọng. Phải tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Rễ chắc thì cây sẽ vững. Gia đình hòa thuận ấm êm thì con trẻ sẽ khó gục đổ một cách dễ dàng. Nếu cha mẹ thực sự quan tâm đến con cái, họ sẽ không quá khó để nhận ra các nét buồn trong mắt của con, một hơi thở dài hay sự im lặng bất thường của trẻ. Tuổi mới lớn đã bắt đầu có khả năng tự định đoạt mạng sống của mình, nhưng các em chưa đủ chín chắn để làm chủ khả năng đó. Nếu các em gặp vấn đề, cha mẹ hãy phát hiện sớm và giúp giải quyết ngay, đảm bảo tâm lý các em đã được giải tỏa. Về lâu dài, cha mẹ nên bên cạnh để là nhà tư vấn tháo gỡ cho các em, là chỗ dựa tinh thần chống đỡ những bước đi vào đời, hướng dẫn các em biết cách xử lý khi gặp khó khăn, bế tắc. Song song với đó, nhà trường không chỉ dạy chữ, dạy khoa học mà còn phải chú trọng dạy kỹ năng để sống cho học sinh. 100 tiết khoa học chưa chắc giúp cho trẻ thành công nhưng 100 tiết kỹ năng sống có thể làm cho trẻ vững vàng hơn hẳn. Phải hướng dẫn các em cách giải quyết những vấn đề thường gặp, phải đem những câu chuyện tự tử và hậu quả của nó làm bài học kinh nghiệm cho các học sinh khác, không thể bỏ phí những bài học mà chúng ta đã trả giá quá đắt bằng chính mạng sống của các em được. Các tổ chức xã hội mà nòng cốt là các tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường và các cơ quan truyền thông cũng phải tạo thành một sức mạnh thông tin tổng hợp, một “tiếng chuông” chung để cảnh tỉnh các em, tạo ra những sân chơi lành mạnh, tổ chức những chuyên đề giúp các em biết cách tự tháo gỡ những khúc mắc của mình. Tuy nhiên, vai trò quan trọng nhất là ở bản thân các em. Các em cần phải hiểu rằng: Trên đời này không có sự bế tắc, chỉ có con người nghĩ mình bế tắc mà thôi. Nếu một mình không tự giải quyết được, hãy tìm đến sự trợ giúp từ người khác, đó cũng là một cách giải quyết. Ngay khi sự cố xảy ra, các em nên tâm sự với ba mẹ hoặc có thể nhờ đến sự giúp đỡ của thầy cô. Đừng vội tìm đến cái chết khi em chưa kịp sống, đừng vội bó tay khi em chưa kịp cố gắng hết mình. Nếu vẫn chưa được người lớn hỗ trợ, em cũng cần nhớ rằng: 600 ngàn đồng tiền quỹ không quý bằng mạng sống của em, 1.000 lời ác ý từ thiên hạ không quý bằng mạng sống của em, sự “phụ bạc” trong tình yêu mới lớn của những người không đáng tin cũng không quý bằng mạng sống của em, điểm 2 môn toán cũng không thể so sánh với mạng sống của em được. Có rất nhiều tấm gương trong xã hội mà các em có thể đã gặp ở đâu đó, họ còn có những giai đoạn khủng hoảng hơn nhiều cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhưng bằng bản lĩnh dám đối đầu và tìm cách giải quyết, họ đã đứng dậy từ tận cùng bế tắc và sống tốt hơn . Tự sát không phải là một biến cố bất ngờ khó hiểu ở học sinh. Các học sinh có ý tưởng tự sát sẽ bộc lộ cho những người xung quanh thấy đủ các dấu hiệu báo trước và đó cũng chính là cơ hội để người lớn can thiệp, giúp đỡ các em. Trong công tác dự phòng tự sát, cha mẹ học sinh, giáo viên và nhân viên của nhà trường phải kịp thời phối hợp và thực hiện các biện pháp nhằm phát hiện sớm, can thiệp và hỗ trợ cho những học sinh có nguy cơ tự sát. Trong đó cần đặc biết chú ý một số điều cốt lõi sau: (1) Phát hiện học sinh có rối loạn về cảm xúc và trợ giúp tâm lý cho các em; (2) Tăng cường mối quan hệ gắn bó hơn với trẻ bằng cách nói chuyện với các em, cố gắng hiểu và giúp đỡ các em; (3) Giảm bớt những âu lo thường ngày cho trẻ thông qua việc giảm bớt những áp lực trong học tập và yêu cầu của gia đình, thầy cô; (4) Theo dõi và nhận biết sớm các thông điệp về tự sát qua cách nói chuyện hay sự thay đổi trong hành vi của trẻ; (5) Giúp đỡ những học sinh có biểu hiện trốn học, bạo lực, cảm xúc thất thường; (6) Xoá bỏ các mặc cảm và khinh miệt của dư luận đối với những học sinh có đặc điểm tính cách khác biệt, những học sinh có bệnh và tránh việc các em lạm dụng rượu và ma túy hay các chất kích thích; (7) Gửi học sinh đi điều trị rối loạn tâm thần và lạm dụng rượu, ma túy (nếu có); (8) Hạn chế học sinh tiếp xúc với các phương tiện có thể dùng để tự sát như thuốc độc, thuốc gây chết người, thuốc trừ sâu, súng và các vũ khi khác...; (9) Cung cấp cho phụ huynh, giáo viên và các nhân viên trường học cách tiếp xúc và cách hỗ trợ cho những học sinh gặp khó khăn về tâm lý. 5. Kết luận Hiện tượng tự tử ở học sinh Việt Nam trong những năm gần đây có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân dẫn đến hành vi tự tử ở các em xuất phát chủ yếu từ mâu thuẫn giữa bản thân với môi trường gia đình, trường học và xã hội. Việt Nam chưa có một nghiên cứu cụ thể nào thống kê được con số chính xác số lượng học sinh tự tử hàng năm. Theo đó, việc phát hiện, can thiệp và phòng ngừa đối với hiện tượng này ở Việt Nam còn mang tính nhỏ lẻ, thiếu sự thống nhất và phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội. Nguồn : Nguyễn Văn Tường, Đặc san khoa học số 8, Câu lạc bộ Nhà tâm lý tương lai, Học viện Quản lý giáo dục. |
Tag:thuốc độc, thuốc gây chết người, thuốc trừ sâu, súng, học sinh, thanh thiếu niên, Việt Nam, Úc, cảm xúc bị kềm nén, những lo âu do stress, những căng thẳng, học tập; Gia đình có nhiều xung đột không thể giải quyết: cha mẹ thường cãi vã nhau, anh em