Tại khu vực quầy tiếp tân của khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) có dán mẩu giấy ghi: "Do việc thực hiện một phiên khám và tham vấn tâm lý thường mất nhiều thời gian, phụ huynh vui lòng chờ hoặc liên hệ đặt hẹn tại nơi tiếp nhận khám tâm lý...".

Dòng ghi chú này kèm với lượng phụ huynh dắt díu con nhỏ đến bệnh viện chờ đợi mỗi ngày thể hiện phần nào áp lực của việc khám tâm lý…

Khám tâm lý không phải là một tình huống khẩn cấp nhưng không thể vì thế mà trì hoãn hay xem nhẹ. Việc trẻ có các rối nhiễu tâm lý có thể ảnh hưởng đến các hoạt động sống, sinh hoạt... Nếu để càng lâu càng khó can thiệp và nguy cơ đưa đến các hậu quả đáng tiếc.

Ông Vương Nguyễn Toàn Thiện

Khá đông trẻ em được đưa tới khám tâm lý tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM)  - Ảnh: DUYÊN PHAN

Khá đông trẻ em được đưa tới khám tâm lý tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Muốn khám phải đóng tiền "giữ chỗ"

Ngày 6-10, chúng tôi thử gọi vào số điện thoại Bệnh viện Nhi đồng 2 đặt lịch, một nhân viên thông báo lịch khám tâm lý còn trống gần nhất chỉ còn vào lúc 13h và 15h ngày 31-10.

Nhân viên này khẳng định các ngày còn lại "đều kẹt lịch", nếu muốn khám phải đăng ký giữ chỗ đến ngày lên khám đóng tiền.

"Lượng bệnh nhi tăng vọt nên khám tâm lý ở các bệnh viện nhi bây giờ đều phải đặt lịch như vậy cả" - nhân viên này tư vấn. Và điều bất ngờ chỉ ít giờ sau, lịch đăng ký khám tâm lý tại bệnh viện này từ chiều 31-10 đã bị đẩy lên ngày 6-11 mới có chỗ trống.

Chiều cùng ngày, chúng tôi có mặt tại khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2. Có khá đông phụ huynh ngồi chờ đến lượt khám tâm lý cho con.

Tại quầy tiếp nhận, các nhân viên tư vấn liên tục nhận cuộc gọi đặt lịch khám. Chưa đầy 10 phút có đến 4-5 người gọi điện, có người còn đến trực tiếp bệnh viện đăng ký nhưng tất cả đều được thông báo chờ khoảng... một tháng.

"Hiện tại bệnh viện chỉ nhận đến 6-11, do tính chất tâm lý khám bệnh lâu" - một nhân viên giải thích, đồng thời hướng dẫn một số phụ huynh thử liên hệ qua Bệnh viện Nhi đồng 1 hoặc Bệnh viện Nhi đồng TP cầu may.

Ngồi trước khoa tâm lý đợi bốc số, phụ huynh em H.M.K. (3 tuổi, ngụ TP.HCM) cho biết trước đó gia đình có gọi điện đến bệnh viện đặt lịch khám nhưng phải đợi cả tháng.

Chờ lâu, đầu giờ chiều ngày 6-10, cả hai vợ chồng quyết định đến bệnh viện cứ ngồi đợi, chờ khám hết người có lịch hẹn, nếu còn dư thời gian may ra thì vào khám luôn.

Tương tự, khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng quá tải. Những ngày đầu tháng 10, nhiều gia đình có con nhỏ liên tục phản ảnh lịch chờ khám tâm lý cho con quá lâu, có người phải chờ cả tháng trời.

Ngày 5-10, ông N.L.A. (40 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) gọi vào số điện thoại của Bệnh viện Nhi đồng 1 đặt lịch, liền được nhân viên tư vấn thông báo phải sau ngày

25-10 mới còn lịch đăng ký khám. "Bệnh viện khuyên gia đình đăng ký thanh toán tiền trước để giữ chỗ. Chi phí giữ chỗ này là 500.000 đồng, trong đó 150.000 đồng tiền khám và 350.000 đồng tiền tạm ứng" - ông A. nói.

Phụ huynh đưa con đến phòng khám tâm lý tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) để được các bác sĩ, chuyên viên tâm lý tư vấn thăm khám và điều trị  - Ảnh: THU HIẾN

Phụ huynh đưa con đến phòng khám tâm lý tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) để được các bác sĩ, chuyên viên tâm lý tư vấn thăm khám và điều trị - Ảnh: THU HIẾN

Vì sao nhu cầu tăng mạnh?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng - giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 - cho biết có ghi nhận những than phiền chờ khám tâm lý lâu và cũng đang tìm cách cải thiện.

Về nguyên nhân trẻ gặp vấn đề tâm lý nhiều, ông Hùng cho rằng môi trường cuộc sống và học tập tuy có nhiều tiến bộ nhưng cũng khiến trẻ gặp "đủ thứ gánh nặng". Cũng có thể việc quan tâm, chăm chút vấn đề sức khỏe tinh thần được quan tâm hơn.

"Vấn đề tâm lý gặp phải có thể do yếu tố bẩm sinh hoặc môi trường. Bẩm sinh khó tránh khỏi, tuy vậy về môi trường có thể điều tiết được bằng việc gia đình, nhà trường cần để ý giảm bớt áp lực cho các bé" - ông Hùng khuyến cáo.

Theo ông Hùng, cơ sở khám tâm lý chuyên sâu về trẻ em ở TP.HCM không nhiều, chỉ tập trung ở một số cơ sở lớn như Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2. Cạnh đó, nguồn nhân lực cho khám tâm lý trẻ em đang rất hạn chế, chưa kể rất khó đào tạo phát triển.

Đặc biệt, khám tâm lý thường mất nhiều thời gian. "Khám cho một bé có vấn đề tâm lý đòi hỏi bác sĩ phải ngồi tỉ tê tâm sự với trẻ rồi làm các loại test, tối thiểu phải từ 15 - 30 phút, thậm chí cả tiếng đồng hồ" - bác sĩ Hùng lý giải.

Để "giải nghẽn", bác sĩ Hùng nói bệnh viện đã tuyển thêm nhân sự chuyên môn sâu, song song việc đào tạo một số nhân sự có khả năng sàng lọc cơ bản bởi không phải trẻ nào cũng phải điều trị.

Ông nói: "Tăng khám sàng lọc sẽ giúp xác định bé nào cần cấp cứu, giải quyết ngay. Các trường hợp tâm lý khác cần phải có lịch hẹn...". Còn giải pháp căn cơ, ông kỳ vọng mạng lưới tư vấn và chăm sóc sức khỏe tâm lý cho trẻ ngày càng mở rộng ra nhiều bệnh viện.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển - chuyên gia về điều trị tâm thần (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM) - thừa nhận số trẻ phát sinh các vấn đề tâm lý ngày càng nhiều hơn.

Để đáp ứng nhu cầu, bác sĩ Hiển gợi ý có thể cần "nới lỏng" giờ khám thêm một ngày vào thứ bảy ở các bệnh viện công thay vì chỉ áp dụng khám vào giờ hành chính từ thứ hai đến thứ sáu như hiện nay.

"Nhưng để duy trì hoạt động cần đòi hỏi cơ quan bảo hiểm xã hội cho phép áp dụng thanh toán chi phí bảo hiểm y tế cho các bệnh viện" - ông Hiển nói.

Khám tâm lý cho trẻ phải chờ cả tháng - Ảnh 4.

Những dấu hiệu cần đưa trẻ đi khám tâm lý

Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Vương Nguyễn Toàn Thiện cho biết có nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng trải qua đại dịch COVID-19 nhiều người, trong đó có trẻ nhỏ, có nguy cơ gặp các rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm hoặc các vấn đề hậu đại dịch như mồ côi, căng thẳng sau sang chấn kéo dài. Tuy vậy, không phải trường hợp nào cũng cần phải đưa đến bệnh viện can thiệp.

Thạc sĩ Thiện nêu rõ các biểu hiện của trẻ cần đi khám tâm lý gồm: chậm phát triển vận động, ngôn ngữ, tương tác xã hội so với tuổi; trẻ có các biểu hiện bất thường về nhận thức, có các suy nghĩ tiêu cực kéo dài như thấy có lỗi, bị bỏ rơi, không được yêu thương, muốn kết thúc mọi sự việc.

Trẻ còn thường có cảm xúc sợ hãi, lo âu, buồn bã, tức giận với những hành vi như khóc, mất ngủ, chán ăn, gây hấn, thụ động, tự hại bản thân…

Triệu chứng cơ thể của những trẻ này có thể gặp gồm đau bụng, đau đầu, khó thở kéo dài, đã đi khám thực thể nhưng bác sĩ chưa tìm ra nguyên nhân.

Ông lưu ý trẻ chỉ bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ một cách đầy đủ và thoải mái khi được ở trong môi trường an toàn.

"Vì vậy phụ huynh không nên nói dối, hù dọa trẻ về việc đi đánh giá tâm lý mà nên giải thích đầy đủ, cụ thể và có các bước chuẩn bị, trấn an trước khi đưa trẻ đến phòng tâm lý" - thạc sĩ Thiện khuyến cáo.

Theo ông, ngày nay còn có phụ huynh mang định kiến cực đoan cho rằng khám tâm lý là một điều xấu hổ. Thậm chí, nhiều người cho rằng trẻ con thì không thể biết buồn lo nên xem nhẹ việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho con em mình.

Ông nói đối với một số rối loạn phát triển như tự kỷ, chậm phát triển, nếu để quá lâu không được phát hiện can thiệp có thể làm trẻ mất cơ hội phát triển kỹ năng và hòa nhập.

Ngoài ra, một số rối loạn tâm lý như trầm cảm nếu không được can thiệp, trị liệu có nguy cơ gia tăng mức độ và dẫn đến các hành vi tiêu cực như tự hại, tự sát.

Theo ông Thiện, các bậc cha mẹ, thầy cô... thường xuyên gần gũi trẻ, cần chú ý những biểu hiện trẻ gặp bất ổn về tâm lý để sớm nhận biết, có các tác động sơ cứu tâm lý ban đầu.

Thạc sĩ tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện:

Chú ý "thủ phạm" Internet

Hậu quả của việc nghiện Internet có thể đưa đến tình trạng có những thay đổi tiêu cực về mặt cảm xúc của trẻ như chán nản, cáu gắt, lo âu, căng thẳng… Từ đó, nhiều rối loạn tâm lý như lo âu, trầm cảm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.

Về lâu dài, trẻ có thể đối mặt với việc sa sút trong học tập, khó khăn trong các mối quan hệ gia đình, bạn bè và xã hội.

Cha mẹ cần quy định thời gian sử dụng thiết bị điện tử phù hợp cho từng độ tuổi và cần kiểm soát nội dung trẻ tiếp cận.

Trẻ dưới 1 tuổi không nên tiếp xúc với màn hình điện tử và trẻ em từ 2-4 tuổi không nên ngồi yên một chỗ và sử dụng màn hình điện tử quá 1 giờ mỗi ngày.

Trẻ được chuyên viên tâm lý kiểm tra trước khi đưa ra phác đồ trị liệu tại một phòng khám tư nhân chuyên khoa tâm lý ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D

Trẻ được chuyên viên tâm lý kiểm tra trước khi đưa ra phác đồ trị liệu tại một phòng khám tư nhân chuyên khoa tâm lý ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D

Hơn 3 triệu trẻ em cần tiếp cận dịch vụ sức khỏe tâm thần

Theo khảo sát, trẻ vị thành niên có vấn đề sức khỏe tâm thần đang chiếm tới 8-9%.

Trong bối cảnh số người mắc các vấn đề về tâm thần ngày càng cao, đầu tháng 9-2023 UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch chăm sóc sức khỏe tâm thần TP.HCM giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

Báo cáo của UBND TP.HCM dẫn số liệu công bố của Bộ Y tế cho biết tại Việt Nam vào năm 2019, trẻ vị thành niên có vấn đề sức khỏe tâm thần chiếm 8-9%.

Trong đó, ở nam giới gặp nhiều hơn về rối loạn hành vi và nữ giới nhiều hơn về rối loạn cảm xúc như lo âu, trầm cảm. Điều này cho thấy rối loạn tâm thần là một gánh nặng đáng kể ở trẻ vị thành niên Việt Nam.

Một khảo sát về dịch tễ học ở 10 tỉnh thành cũng cho thấy tỉ lệ về vấn đề tâm thần ở trẻ em khoảng 12%, nghĩa là hơn 3 triệu trẻ em cần được tiếp cận với các dịch vụ sức khỏe tâm thần.

Những vấn đề thường gặp nhất là rối loạn lo âu, trầm cảm, tăng động và giảm tập trung. Đặc biệt vào năm 2020, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) đã thực hiện khảo sát ở 402 học sinh từ 11 đến 17 tuổi tại Hà Nội, TP.HCM, Điện Biên, An Giang và cho thấy có 8 - 29% ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Theo báo cáo, hiện TP.HCM có khoảng 90 bác sĩ có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa tâm thần. Ngoài ra, TP còn có hệ thống các trường, trung tâm công lập và tư nhân chuyên biệt dành cho trẻ rối loạn phát triển, khuyết tật tâm thần.

Kế hoạch TP.HCM sẽ thí điểm mở các phòng tham vấn tâm lý có chuyên viên tâm lý chuyên trách tại trường học, cơ sở giáo dục.

Bổ sung vị trí việc làm, đào tạo chuyên viên tham vấn tâm lý học đường nhằm tầm soát, phát hiện các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần. Đặc biệt sẽ đưa tầm soát, phát hiện các vấn đề sức khỏe tâm thần vào nội dung trong khám sức khỏe học sinh, sinh viên.

Khám, tầm soát cho các trẻ dưới 3 tuổi nhằm phát hiện sớm các vấn đề về rối loạn phát triển liên quan đến sức khỏe tâm thần kết hợp cùng các chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu ở trẻ em.

Hà Nội cơ bản đáp ứng được nhu cầu

Tại Bệnh viện Nhi trung ương, ông Trần Minh Điển - giám đốc bệnh viện - cho hay số trẻ đến thăm khám về tâm lý sẽ được tư vấn ngay trong ngày, chưa xảy ra tình trạng quá tải. "Nhu cầu thăm khám, tư vấn liên quan đến tâm lý của trẻ ngày càng gia tăng.

Khoa tâm lý bệnh viện hiện nay đã bố trí sáu phòng khám cho trẻ và 1-2 phòng khám cho lứa tuổi vị thành niên để đáp ứng nhu cầu thăm khám, tư vấn của các phụ huynh" - ông Điển nói.

Cũng theo ông Điển, chủ yếu hiện nay trẻ được đưa đến thăm khám liên quan đến phổ tự kỷ nhiều hơn so với các vấn đề tâm lý khác.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình còn có thói quen tự điều trị tại nhà, chỉ khi trẻ có biểu hiện nặng như rối loạn lo âu, tự kỷ mới nhờ đến sự hỗ trợ của chuyên gia dẫn đến thời gian điều trị kéo dài hơn.

HƯƠNG THẢO

THU HIẾN

XUÂN MAI

DƯƠNG LIỄU

Tag:khám tâm lý, Khám tâm lý cho trẻ, tham vấn tâm lý, tư vấn tâm lý