Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết những tác hại về sức khỏe, cũng như nguy cơ từ các nền tảng mạng mà trẻ có thể đối mặt khi dùng điện thoại thông minh  quá nhiều?

Bác sĩ Trần Quang Huy: Smartphone không còn xa lạ với cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Khi được vài tháng tuổi, trẻ đã tiếp xúc với điện thoại thông qua các bài hát, video và kéo dài cho đến khi trẻ lớn lên.

Trên thực tế, có tình trạng người lớn lạm dụng smartphone trong quản lý trẻ, như cho trẻ xem điện thoại khi ăn, khi quấy khóc, khi cần trẻ ngồi yên ở nơi đông người...  Điều này không chỉ gây cản trở sự phát triển về ngôn ngữ, tương tác xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe toàn diện của trẻ.

Bác sĩ Trần Quang Huy (Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu, Bệnh viện Nhi Đồng 2)

Bác sĩ Trần Quang Huy (Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu, Bệnh viện Nhi Đồng 2)

Việc dùng điện thoại quá nhiều khiến trẻ dễ mắc hội chứng rối loạn Tic, hay lắc đầu, giật cổ, nháy mắt, một vài trường hợp co giật không kiểm soát. Các bước sóng của điện thoại cũng tác động không ít đến não bộ, khiến thần kinh mệt mỏi, căng thẳng, giảm tập trung chú ý. Học sinh được trang bị điện thoại thông minh sẽ suy giảm đáng kể khả năng nghe giảng, hiểu biết, phản ứng và trí nhớ. Đồng thời, điện thoại cũng có thể làm suy giảm thính lực, giảm chất lượng giấc ngủ và gây rối loạn chức năng miễn dịch.

Khi năm học mới bắt đầu khoảng 1 tuần, rất nhiều trẻ - đặc biệt là học sinh lớp Một - được cha mẹ đưa đến bệnh viện thăm khám bởi giáo viên cho rằng các bé không tập trung chú ý, không có khả năng tương tác với bạn bè. Một số trẻ trở nên căng thẳng, cáu gắt, rối loạn cảm xúc, hành vi khi “xa” điện thoại. Trung bình mỗi ngày, Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu, Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận hơn 100 trẻ có vấn đề về tâm lý, một nửa trong số đó có liên quan đến smartphone.

Trẻ từ 7-15 tuổi thường được gia đình cho dùng điện thoại để học tập, liên lạc nhưng đây là lứa tuổi mà trẻ tò mò nên dễ tiếp xúc các trang mạng có nội dung không lành mạnh. Ở tuổi dậy thì, trẻ thường có tâm lý muốn khẳng định mình, muốn gây sự chú ý, thích nổi tiếng, dễ tiếp xúc và dễ bị người lạ lợi dụng. Để thể hiện mình, trẻ có thể so sánh, khích bác nhau, gây xích mích và có thể đánh nhau ngoài đời thực.

* Trẻ thường có những ngộ nhận, những lệch lạc phổ biến nào khi “sống” nhiều với mạng xã hội, thưa bác sĩ?

- Điều dễ thấy nhất là trẻ có những nhận định sai lầm về mối quan hệ gia đình, xã hội. Hiện nay, trên TikTok, YouTube, Facebook, bên cạnh những nội dung tích cực, cũng có không ít video bạo lực, khoe khoang, thử thách, anh em “xã hội”... khiến trẻ dễ có suy nghĩ, hành vi chống đối gia đình nếu như không đạt được điều mình muốn; trẻ yêu sớm, yêu vội mà không cần biết hậu quả; trẻ cũng không sẻ chia, đồng cảm với cha mẹ, người thân.

Khi đến trường, học sinh đòi hỏi có điện thoại nhãn hiệu mới, đắt tiền để khoe khoang, chia phe cô lập, bạo lực với bạn bè theo các video giàu - nghèo trên mạng. Trẻ có tâm lý ỷ lại, không nghe giáo viên giảng bài bởi hầu hết các bài giảng đều có trên ứng dụng điện thoại, trên YouTube. Hơn nữa, trẻ còn dùng smartphone để quay cóp, tìm đáp án khi đi học, thi cử. Nếu giáo viên phát hiện, hay có những hướng dẫn, hành động không vừa ý, học sinh cũng quay clip “tung” lên mạng xã hội mà không nghĩ đến hậu quả.

* Cha mẹ và nhà trường nên hướng dẫn trẻ dùng smartphone và mạng như thế nào cho có lợi, an toàn, thưa bác sĩ?

- Thay vì cấm đoán, cha mẹ nên “vẽ đường cho hươu chạy đúng hướng” bằng cách trò chuyện, chia sẻ với trẻ nhiều hơn, cùng trẻ tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí ngoài trời để gắn kết tình cảm và hạn chế thời gian dùng điện thoại. Khi trẻ ngồi vào bàn học, nên khuyên trẻ hạn chế tối đa việc dùng điện thoại. Cha mẹ cũng có thể cùng con giải bài tập, hướng dẫn cho trẻ các phương pháp học tập hữu ích.

Mỗi ngày, thời gian cho trẻ sử dụng smartphone là khoảng 2 giờ, có thể chia nhỏ ra để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Cha mẹ nên gợi ý cho con những trang web có các bài giảng hay, nội dung tích cực. Để gián tiếp kiểm soát mà không làm trẻ khó chịu, sau khi trẻ xem điện thoại xong, phụ huynh có thể nhờ con kể lại nội dung mà con vừa xem, cùng trao đổi về nội dung đó một cách cởi mở, vui vẻ.

Nhà trường cần có quy định không sử dụng điện thoại trong giờ học, tăng cường các hoạt động nhóm, sinh hoạt ngoại khóa để trẻ rèn luyện kỹ năng tương tác khi vui chơi với bạn bè. Nếu môn học đòi hỏi phải sử dụng smartphone thì giáo viên nên chủ động thông báo với phụ huynh về yêu cầu của môn học, thời gian truy cập để tránh việc trẻ mượn cớ học để chơi điện thoại. Nếu nghi ngờ trẻ mắc các vấn đề về sức khỏe, nhà trường nên báo cho phụ huynh để có các biện pháp hỗ trợ trẻ.

* Xin cảm ơn bác sĩ. 

Phạm An (thực hiện)

 

Tag:trẻ em nghiện điện thoại,chứng rối loạn tic,trẻ em dùng điện thoại