Các thế hệ trước thường có sự đồng nhất trong tư tưởng nếu cùng thế hệ. Thế nhưng với thế hệ Z (sinh cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000), tức những chàng trai, cô gái dưới 30 tuổi, họ rất cấp tiến trong một số vấn đề và bảo thủ một cách đáng ngạc nhiên trước một số vấn đề khác. 

Và thế hệ Z còn phải chia thành hai "thế hệ" nữa, ngày càng xa cách nhau trong nhiều quan niệm về cuộc sống: Z nam bảo thủ hơn và Z nữ cấp tiến hơn.

Đây là kết luận của một loạt bài báo trên các tờ báo lớn từ đầu năm tới nay. Financial Times trích thống kê của nhiều nước cho thấy một khoảng cách hệ tư tưởng đã xuất hiện theo giới tính trong giới trẻ của nhiều nước.

 

Ảnh: Business Insider

Ảnh: Business Insider

Nam ngày xưa đâu như thế?

Ở Mỹ, dữ liệu của Gallup cho thấy nữ giới từ 18 - 30 tuổi cấp tiến hơn nam giới đồng niên đến 30 điểm phần trăm. Đức cũng chứng kiến 30 điểm phần trăm khác biệt giữa nam thanh niên ngày càng bảo thủ và nữ giới ngày càng cấp tiến. Tỉ lệ này ở Anh là 25 điểm phần trăm.

Sự khác biệt này càng lớn hơn ở những nước châu Á như Hàn Quốc hay Trung Quốc. Chẳng hạn trong cuộc bầu cử tổng thống ở Hàn Quốc vào năm 2022, trong khi người lớn tuổi bỏ phiếu gần giống nhau khi xét về giới tính, nam thanh niên nghiêng mạnh về phía hữu trong khi nữ thanh niên ủng hộ phe tả thể hiện rất rõ qua tỉ lệ phiếu bầu. 

Sự xa cách giữa nam và nữ ở nước này đã dẫn tới hệ quả tỉ lệ kết hôn giảm mạnh, tỉ lệ sinh sản giảm theo, mỗi phụ nữ hiện nay chỉ sinh 0,78 con, mức thấp nhất trên thế giới.

Xuất phát từ phong trào #MeToo, sự khác biệt giữa nam và nữ thoạt tiên có liên quan đến các vấn đề nữ quyền khi phụ nữ bắt đầu lên tiếng về những bất công, kể cả các hình thức quấy rối tình dục tại chốn công sở họ phải chịu đựng từ lâu. Dần dà, sự khác biệt này lan ra các vấn đề khác. 

Chẳng hạn ở Mỹ, Đức, Anh nữ giới trẻ có quan điểm cấp tiến mạnh hơn nam trong chuyện nhập cư, công bằng xã hội. Xu hướng chung là nam giới đứng yên trong khi nữ giới ngày càng nghiêng về hướng cấp tiến. Cũng có trường hợp nam nghiêng về phía bảo thủ như ở Đức, nam dưới 30 thường phản đối chuyện nhập cư mạnh hơn cha, anh.

Nguồn: Financial Times

Nguồn: Financial Times

Số liệu do tờ The Economist thu thập từ dữ liệu thăm dò ở 20 nước cũng cho thấy một hiện tượng như thế: hai thập niên trước đây, rất ít có sự khác biệt giữa nam và nữ trong độ tuổi 18-29 về các vấn đề xã hội. 

Thế nhưng đến năm 2020, dữ liệu cho thấy có một sự cách biệt đáng kể trong thang điểm từ cấp tiến đến bảo thủ giữa nữ so với nam. Hiện tượng nam bảo thủ, nữ cấp tiến được ghi nhận ở nhiều nước, từ Ba Lan đến Pháp, từ Ý đến Hàn Quốc.

Sự khác biệt này còn thể hiện qua góc nhìn hai giới đánh giá nhau. Với câu hỏi họ có đồng ý với nhận định nỗ lực thúc đẩy nữ quyền đang đi quá xa vì đe dọa đến cơ hội của nam giới, không có gì ngạc nhiên khi nam giới đồng tình nhiều hơn nữ. 

Điều đáng ngạc nhiên là trong nam giới, càng trẻ càng đồng tình nhiều hơn chuyện nữ quyền quá đáng; còn nam giới đứng tuổi cho rằng đòi hỏi nữ quyền là chính đáng!

Vì đâu ra nông nổi này?

Vì sao có sự chuyển biến trong quan điểm như thế? The Economist cho là do giáo dục (số lượng nữ đi học nhiều hơn nam, họ cũng học cao hơn); do kinh nghiệm (các nước trải qua nhiều giai đoạn đòi nữ quyền hay sự xuất hiện của các phong trào như #MeToo).

Ở châu Âu, nam trong độ tuổi 25 - 34 có bằng đại học tăng từ 21% lên 35% từ năm 2002 đến 2020; tỉ lệ này ở nữ tăng nhanh hơn, từ 25% lên 46%. Ở Mỹ, số lượng nữ có bằng đại học cao hơn nam đến 10 điểm phần trăm.

Nhưng đáng kể nhất vẫn là môi trường sống và sinh hoạt hiện nay theo nhóm trên mạng xã hội; việc chia sẻ quan điểm bằng điện thoại di động, trên mạng xã hội làm cho nam và nữ tập hợp thành các nhóm riêng biệt, thế giới quan ngày càng xa nhau. Có hiện tượng nam xem YouTube nhiều hơn, còn nữ lại thích TikTok.

Cộng các yếu tố này lại, có thể hình dung một nữ thanh niên, vì đi học đại học nên quan điểm có phần cấp tiến hơn; đến khi ra trường đi làm, họ có thể tự nuôi sống bản thân chứ không phụ thuộc vào chồng như trước. Khi bắt đầu hẹn hò tìm bạn đời, họ thấy khó kiếm người đồng quan điểm hơn vì số lượng nam giới tốt nghiệp đại học, có quan điểm cấp tiến ít hơn.

Ngược lại, nam giới ngày nay cũng khó tìm người hợp với họ so với trước. The Economist dẫn nhiều câu chuyện để minh họa, như một cô vừa được nâng lương khá hậu hĩnh, bạn trai phán: "Em lăng nhăng gì với sếp à?"; anh này liền trở thành "cựu bạn trai". Hay hai chàng trai là lính cứu hỏa cứ than phiền, giờ đi tìm phụ nữ có thiên chức làm vợ sao quá khó; họ cứ đăng hình vui vẻ tào lao lên mạng xã hội.

Phải nói làm nam giới trong thời đại này có vẻ khó hơn nữ. Trong ly hôn, tòa thường xử phần được cho nữ, phần thiệt cho nam. Nam tham gia thị trường lao động sớm hơn nhưng tuổi nghỉ hưu thường muộn hơn nữ, có khi chênh lệch lên đến 5 năm. Ở nhiều nước như Hàn Quốc, nam còn chịu gánh nặng nghĩa vụ quân sự, nữ được miễn.

Chẳng lạ gì trên các diễn đàn mạng xã hội, nam thường dùng hình ảnh "uống viên thuốc màu đỏ" (từ phim Matrix) để chỉ một người thấy rõ hiện thực bất công cho nam. Có lẽ với những người này, vai trò phụ nữ là chuyện bếp núc, lo cho gia đình, nuôi dạy con cái chứ không phải làm sếp hay đơn thuần là hưởng cuộc sống tự do, an nhàn.

Thế hệ Z: Nam bảo thủ, nữ cấp tiến- Ảnh 3.

Cho dù còn quá sớm để nói sự khác biệt trong thế giới quan giữa nam và nữ là nguyên nhân dân số ở nhiều nước trên thế giới đang giảm sút, có nhiều dấu hiệu cho thấy xa nhau về quan điểm có thể dẫn đến xa nhau về tình cảm.

Ở Mỹ, Trung tâm khảo sát cuộc sống Mỹ cho biết thế hệ Z có quan hệ yêu đương muộn hơn nhiều năm so với thế hệ millennial hay thế hệ X trước đó. Phụ nữ thế hệ Z, khác với các thế hệ trước, có tỉ lệ xem mình thuộc giới LGBT cao hơn nam (31% so với 16%).

Gần 40% nam giới Phần Lan có giáo dục thấp đến 45 tuổi vẫn chưa có con, có thể vì họ không đồng tình quan điểm đàn ông phải chia sẻ với vợ chuyện chăm con, thậm chí xin nghỉ thai sản thay vợ. 

Ở Trung Quốc khi bố mẹ tìm các nơi quen biết để mai mối cho con cái, họ khoe bằng cấp và việc làm của con trai nhưng giấu các thành tựu của con gái vì sợ mất điểm trước đàng trai.

Dù sao trên thực tế, cho dù nam giới vẫn thống trị ở các vị trí cao cấp như làm CEO của nhiều doanh nghiệp lớn, nam giới ở các mức thang thấp hơn đang phải vật lộn với nhiều khó khăn. 

Chẳng hạn ở Mỹ, nam thanh niên so với nữ đi tù nhiều hơn, khó kiếm việc làm phù hợp hơn. Còn ở Việt Nam, nam tốt nghiệp đại học có thể phải chạy xe ôm hay giao hàng trong khi nữ dễ kiếm việc văn phòng hơn.

Có thể nữ giới thuộc các thế hệ trước không có điều kiện lên tiếng, lại phụ thuộc nam giới về tài chính nên đành yên phận lo chuyện bếp núc, chia sẻ quan điểm về cuộc sống với chồng. Phụ nữ ngày nay độc lập hơn nên cấp tiến hơn là chuyện đương nhiên. 

Gen Z Việt Nam thì sao?

Lê Thùy Linh (20 tuổi), hiện là sinh viên năm hai Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), tự thấy mình là người theo hướng cấp tiến, sẵn sàng thử nghiệm những ý tưởng mới và sẵn lòng thích nghi với thay đổi.

Từ khi còn là sinh viên, Linh luôn nghĩ là mình sẽ phải độc lập tài chính, không muốn sau này phải sống dựa vào chu cấp, thu nhập của chồng hay ba mẹ. Nếu may mắn lấy được người chồng có khả năng dư dả, Linh vẫn muốn đi làm thay vì ở nhà làm nội trợ, vì theo bạn nội trợ không phải là công việc của người phụ nữ phải có trách nhiệm làm mà cần được phân chia công bằng.

"Khi kết hôn, mình không muốn sinh con. Vì mình thích được đi đây đi đó và không thích bị ràng buộc bởi bất kỳ điều gì. Đối với mình, con cái là một loại gánh nặng, không phải là mình ghét bỏ con nít, mà mình chỉ đơn thuần là không muốn bị ràng buộc", Linh nói. Nữ sinh viên này cảm thấy may mắn khi từ nhỏ đã được gia đình dạy rằng nam nữ bình đẳng, "cái gì con trai làm được thì con gái cũng làm được".

Phạm Đình Tuyên (26 tuổi), nhân viên IT tại Q.3 (TP.HCM), cho biết với bạn, bảo thủ hay cấp tiến sẽ tùy vào trường hợp, nhưng nếu đặt lên bàn cân thì tỉ lệ có thể là 6 cho bảo thủ và 4 cho cấp tiến. Là dân công nghệ, bạn luôn cởi mở những công nghệ mới, là một trong những người dùng ChatGPT đầu tiên trong công ty. Tuy nhiên, có những chuyện Tuyên thấy mình khá bảo thủ.

Ví dụ, Tuyên cảm thấy rất khó chịu khi trước mặt là một cô gái phì phèo khói thuốc. Có lần đi nhậu, bạn của Tuyên dắt theo một đồng nghiệp nữ vào ngồi chung. Cô này độ 24, 25 tuổi, mà suốt buổi hút thuốc liên tục. Đã vậy, bạn nói chuyện đã đời về tình yêu, tình dục khiến Tuyên mấy lần thấy nóng mặt.

Còn Nguyễn Ngọc Lân (20 tuổi), sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhận thấy bản thân là người cấp tiến. Trước những xu hướng mới, quan điểm mới, Lân nói luôn tìm cách để hiểu hơn thay vì đã sớm dè bỉu, phê phán.

Như #Metoo, bản thân Lân thấy phong trào này có ý nghĩa lớn, giúp đỡ cho nhiều phụ nữ và trẻ em trên thế giới chống quấy rối. Hay như về khả năng lãnh đạo của phái nữ và phái nam, đứng trước nhiều luồng ý kiến về việc nam sẽ có năng lực hơn nữ, Lân nhận thấy nam nữ đều có khả năng như nhau, quan trọng là cách thể hiện để người khác nhận thấy được khả năng.

Nhìn những bạn bè gen Z xung quanh, Lân cảm nhận số người cấp tiến có vẻ nhiều hơn, ở cả nam lẫn nữ. Tuy nhiên, một số bạn của Lân có vẻ không thể thích ứng kịp thời với những thay đổi xã hội, như lời Lân là "áp đặt quan niệm của thế kỷ trước vào thời hiện đại".

TRỌNG NHÂN

Tag:Thế hệ, Thế hệ Z, Gen Z, Cấp tiến, Bảo thủ