* Ngày nào đi qua đường Trường Chinh (Q.Tân Bình, TP.HCM) tôi cũng thấy một người tâm thần "đóng vai” cảnh sát giao thông để ra hiệu lệnh điều khiển phương tiện. Ở một số tuyến đường tôi cũng thấy người tâm thần đi lang thang, có người đi dưới lòng đường nên rất dễ xảy ra tai nạn. Việc để người tâm thần đi lang thang như vậy trách nhiệm thuộc về ai?
Nguyễn Văn Hiếu (Q.Tân Bình, TPHCM)
Bộ luật Dân sự hiện hành có quy định khá đầy đủ về người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi…
Theo đó, khi phát hiện trong gia đình có người có dấu hiệu bị bệnh tâm thần thì người thân phải có trách nhiệm đưa người đó đi khám chuyên khoa tâm thần. Nếu đúng là họ có bệnh tâm thần thì cần được chữa trị tích cực. Về mặt pháp lý, người nhà cũng cần phải làm thủ tục yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự tại tòa án nhân dân có thẩm quyền, theo thủ tục giải quyết vụ việc dân sự.
Việc tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự sẽ giúp người đó được bảo hộ tốt hơn về mọi mặt. Trường hợp người đó không có người đại diện hợp pháp thì sẽ có người giám hộ đương nhiên; kể cả không có người giám hộ đương nhiên thì UBND cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ.
Theo quy định tại điều 57 Bộ luật Dân sự, thì người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự có các nghĩa vụ như: chăm sóc, bảo đảm việc điều trị bệnh cho người được giám hộ; đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự; quản lý tài sản của người được giám hộ; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.
Bên cạnh đó, theo điều 58 của bộ luật này, người giám hộ cũng có quyền sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ.
Đối với người bị bệnh tâm thần phạm tội thì điều 49 Bộ luật Hình sự cũng có quy định về chữa trị bệnh bắt buộc.
Như vậy, theo các quy định trên, trách nhiệm quản lý, chữa bệnh đối với người bị bệnh tâm thần đi lang thang… trước tiên thuộc về các thành viên trong gia đình, nếu không có ai là người đại diện hoặc giám hộ hợp pháp thì UBND cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ.
Luật sư Huỳnh Minh Vũ (Đoàn Luật sư TPHCM)
Tag:Bộ luật Dân sự,người tâm thần,hành vi dân sự,làm chủ hành vi