Pos-coital dysphoria (PCD) là hiện tượng tâm lý khi một người trải qua những cảm xúc tiêu cực sau quan hệ tình dục. Những cái tên chân phương của PCD là “nỗi buồn sau ân ái”, “trầm cảm sau quan hệ” hay “tụt mood sau khoái lạc”.
Những xúc cảm tiêu cực PCD khá phong phú (buồn bã, lo âu, cáu kỉnh, tội lỗi, xấu hổ, trống rỗng…), có thể bùng lên thành hành vi (khóc lóc, tránh né, gây hấn, cãi cọ).
Việc chị em lăn ra khóc sau cuộc mây mưa toàn tâm toàn ý, chứ không phải do ép uổng, cưỡng bức, không vừa bụng hay thượng cẳng chân hạ cẳng tay... mới được xếp vào PCD.
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Vậy cớ gì khoái lạc sinh ra buồn bã? Dưới kính hiển vi, người ta cho rằng đó là do sự hụt hẫng khi khoái cảm (dopamine, oxytocin) đang chín tầng mây bỗng tụt thẳng xuống đất, khi cuộc yêu hạ màn. Điều này lý giải đa phần PCD xuất hiện sau ăn nằm, ít khi nổ ra trước hoặc trong.
Mà nếu vậy thì ai chẳng “hụt hẫng”? Các chuyên gia lại bổ sung: các vị này có thêm một hay vài rủi ro tổn thương tâm lý xa xưa hoặc chính sự thất vọng, bất mãn... cũng xa xưa tích tụ dần.
Về việc chữa chạy, có thể phải nhờ tới các chuyên gia, kiểu liệu pháp nhận thức - hành vi (CBT). Tự chàng và nàng cũng cần thang thuốc riêng cho bệnh tình. Bắt đầu ngay bằng việc ngồi lại xác định cảm xúc sau “yêu”, xem thứ gì nắm đằng cán rồi tìm đường xử. Kết hợp thêm kỹ thuật thư giãn (hít thở sâu, tắm nước nóng) và đừng quên tăng cường chăm sóc bản thân, điều chỉnh lối sống (yoga, thiền, thể dục).
Hẳn nhiên vẫn có thể chữa thông qua kết nối, tâm sự, gần gũi chồng vợ... Không khó để hiểu việc ông chồng quay lưng và ngáy sau “chuyện ấy” sẽ làm trầm trọng thêm chứng PCD của bạn đời.
PCD dù không được xếp vào dạng rối loạn tâm thần nhưng đa phần đều có dính líu tới các khúc mắc âu lo, trầm cảm, chấn thương tâm lý không tên. Bởi thế, trị PCD không chỉ để cứu chữa chuyện trên giường mà còn nhằm chữa tâm bệnh.
Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn
Tag:Pos coital dysphoria, PCD nỗi buồn sau ân ái