Cô Hạnh Dung thân mến,

Tôi năm nay 55 tuổi, có một đứa con gái 22 tuổi đang học đại học Y năm thứ 5. Vì tôi có gia đình muộn, nên vợ chồng tôi đã lớn tuổi mà con vẫn còn học đại học. Vốn ít đi tham quan hay du lịch, nên con gái cũng sống khép kín như ba mẹ. Cho đến khi đi học, nó mới được trải nghiệm về cuộc sống bên ngoài.

Trong lớp, nó có một nhóm bạn khá thân, mấy hôm nay nó bị bạn tẩy chay vì nghi ngờ tung tài liệu ôn tập ra ngoài, mà tài liệu đó rất quan trọng. Con gái tôi rất buồn và cố giải thích, nhưng nhóm bạn vẫn không tin. Vì nó chơi khá thân với một bạn ở nhóm khác nên bị nghi là không ngoại lệ.

Thấy con buồn, tôi cố gắng an ủi, nhưng tâm lý con gái vẫn chưa ổn. Nhờ cô cho lời khuyên là giờ chúng tôi phải làm sao? Cám ơn cô nhiều. Cho tôi hỏi, khi được cô giải đáp thì tôi nhận câu trả lời ở đâu ạ?

Nguyễn Thị Thanh Thúy

Chị Thanh Thúy thân mến,

Trước tiên, Hạnh Dung xin được chia sẻ với chị bí quyết đơn giản: Thời gian là liều thuốc tốt nhất cho mọi nỗi buồn, đau, tổn thương... Không có gì có thể làm thay được người "thầy thuốc" này. Và vì thế, điều quan trọng là chị hãy bình tĩnh, im lặng, nhẫn nại, để cho thời gian làm công việc của nó.

Nhưng không phải cứ trải qua thời gian thì mọi việc sẽ được lãng quên, mà quan trọng là thời gian cũng cho mỗi người khả năng chứng tỏ bản thân mình. Thời gian cho ta khả năng trau dồi và phát triển bản thân. Từ đó, có người nhận ra ta là người thế nào, có người không còn thấy chuyện cũ là quan trọng nữa.

Về phía những người bạn, một người bình tĩnh, tôn trọng tình bạn cũng sẽ chờ thời gian để chứng minh được ai như thế nào, chứ không vội vàng kết luận mọi chuyện chỉ dựa vào phán đoán của bản thân.

Theo thư của chị, thì mọi việc diễn ra cũng chỉ mới vài ngày. Cho nên chị đừng quá vội vã, lo lắng, sốt ruột khi thấy con mình buồn. Cứ để cho con trải nghiệm những cung bậc khác nhau của cuộc sống một cách bình tĩnh.

Những lời khuyên cho con, kiểu như đừng quá quan tâm người khác đánh giá, suy nghĩ thế nào về mình, "cây ngay không sợ chết đứng", đừng cố gắng thanh minh, giải thích với bạn bè trong lúc cao trào, hãy để mọi việc lắng lại, cho tất cả có thời gian suy nghĩ; hãy tự tin vào bản thân, nỗ lực trau dồi về mọi mặt... có lẽ chị đã chia sẻ với con. Hãy cho con thời gian để ngấm mọi trải nghiệm, và cả lời khuyên của cha mẹ.

Điều tốt nhất chị có thể làm cho con bây giờ là một không khí gia đình đầm ấm, yêu thương nhất, để con cảm thấy an toàn, ấm áp, dễ chịu. Hãy giúp con cảm nhận điều này: "Dù có cả thế giới quay lưng lại với con thì gia đình vẫn ở bên con".

Chị cũng đừng hỏi han, xoáy vào vấn đề này quá nhiều. Chỉ cần nấu cho con vài món ăn ngon, pha cho con những ly nước mát. Thỉnh thoảng rủ con ra ngoài uống... trà sữa, một thức uống mà tuổi trẻ hôm nay đang mê mẩn. 

Trong các cuộc trò chuyện nhẹ nhàng, chị hãy khéo léo đan cài vào đó những câu chuyện về tình bạn của chính chị, cách chị nhận ra bạn tốt, bạn xấu, cách chị vượt qua những đổ vỡ, mất mát tình bạn... Ai cũng phải có những kinh nghiệm đó và ai cũng từng sai, hay bị người khác cư xử sai với mình. Rồi cuối cùng mọi chuyện cũng qua, chẳng có gì là kinh khủng cả.

Càng lớn, các con của chúng ta càng phải va chạm nhiều, sai và đúng cũng nhiều hơn. Trong tình bạn, sự sai và đúng có thể đến từ cách chọn bạn, từ những lỡ lời, va chạm, xử lý khủng hoảng không đúng. Tự chấp nhận bản thân với những sai lầm, thiếu sót cũng là một kỹ năng mà con trẻ cần được trải nghiệm.

Và cuối cùng, hãy nhắn với con rằng, đi hết đường đời, không phải ta có thể giữ lại được hết mọi người ta gặp, ta yêu quý hay từng kết thân. Rồi những hiểu sai và đúng về nhau cũng giúp ta sàng lọc lại tình bạn. Có khi chỉ còn lại một, hai người bên ta đến hết đời. Đó mới là những tình bạn đáng quý.

Và nhiều, rất nhiều những va vấp thế này sẽ giúp ta có sự sàng lọc tốt nhất. Không phải đó là điều tất nhiên hay sao? Nên cứ bình tĩnh, nhất là khi ta biết rằng ta không sai.

Hạnh Dung

 

Tag:Tình bạn,Lòng tin trong tình bạn,nỗi buồn bị bạn nghi ngờ