Không dễ trả lời vì chúng ta biết quá ít về tác động mà đại dịch có thể tạo ra; vì tâm lý chúng ta lo lắng; vì ta không còn biết cách nào hiệu quả hơn để chung tay với cộng đồng ngoài việc "share" (chia sẻ) thông tin đến cho mọi người. Đó là quyền năng tốt đẹp mà thời đại Internet đã mang đến.

Nhưng vừa có ca nghi nhiễm ở Đà Nẵng, đến chiều thứ Sáu tin tức kiểu "sân bay Đà Nẵng vỡ trận" đã lan đầy trên mạng, người người rủ nhau đi mua mì ăn liền. Câu hỏi "nên share gì" lại phải được đặt ra.

Đầu tháng 2/2020, khi WHO và giới chức toàn cầu còn chưa thống nhất được quan điểm về khẩu trang trong phòng dịch, Góc nhìn đăng một bài của bác sĩ Võ Xuân Sơn. Trong bài viết đó, bác sĩ Sơn công khai khuyến nghị đeo khẩu trang.

Lập luận của ông: "Trong y học điều trị, rất nhiều trường hợp, rất nhiều thời điểm, bác sĩ phải đưa ra quyết định dựa trên kinh nghiệm chứ không thể chờ đợi các kết quả nghiên cứu. Nếu ai cho rằng việc ủng hộ mang khẩu trang như một biện pháp phòng dịch biến tôi thành "bác sĩ vườn", tôi cũng vui lòng".

Giờ phút này, tôi nghĩ mình có quyền nói đó là lời khuyên đúng. Nhưng tại sao chúng tôi quyết định đăng một lời kêu gọi hành động của một vị bác sĩ nói thẳng rằng ông không dựa vào luận cứ khoa học, mà dựa vào kinh nghiệm? Tôi, người duyệt bài đó, không cho rằng mình hiểu biết hơn WHO. Phải ít ngày sau bài đó, Bộ Y tế mới chính thức quy định hóa việc đeo khẩu trang toàn cộng đồng.

Có mấy lý do tôi phát tán thông điệp này: tác giả là người có kinh nghiệm y học lâm sàng; ông đã suy nghĩ sâu trước khi đưa ra khuyến nghị; và đặc biệt, ông đưa ra một giải pháp cụ thể và khả thi cho tình huống khẩn cấp.

Bài viết đã lật vấn đề đến hai lần: chưa có nghiên cứu khẳng định tác dụng không có nghĩa là không tác dụng; và cũng không có cơ sở nào khẳng định đeo khẩu trang là có hại. Nếu ngày mai, có nghiên cứu khẳng định đeo khẩu trang làm lây Covid-19 nhanh hơn, thì tôi đành chấp nhận rủi ro cùng với anh Sơn.

Bạn có thể tự hỏi rằng trong những gì mình đã share trên mạng xã hội suốt nửa năm qua liên quan đến đại dịch, có bao nhiêu tin tức và lời kêu gọi hội đủ ba yếu tố: đã qua quá trình phản biện; người phản biện có kinh nghiệm trong vấn đề bàn tới; và cuối cùng đưa ra giải pháp khả thi?

Bạn có thể nói mình không phải là biên tập viên. Chúng tôi ăn lương toàn thời gian để "phụng sự độc giả". Còn bạn không có trách nhiệm phải đấu tranh nửa ngày để quyết định "share" thứ gì đó trên facebook.

Nhưng ngay lúc này, mỗi người trong chúng ta đều là một chiến binh chống dịch. Hoặc ngược lại, trong giây phút ta có thể thành một Mỵ Châu, hủy hoại cơ đồ quốc gia vì niềm tin chất phác.

Covid-19 khiến mỗi người chúng ta chịu trách nhiệm lớn hơn với cộng đồng. Ngày thường, thể trạng xã hội khỏe mạnh và năng lực tự điều chỉnh cao. Nhưng cơ thể xã hội đang yếu. Nó mẫn cảm với thông tin và các lời kêu gọi. Có một số tiêu chuẩn của chia sẻ nội dung trên mạng buộc phải được nâng lên.

Các nhà khoa học Mỹ mấy tháng trước đã tìm đến khoa học thần kinh để tìm hiểu xem tin tức kiểu gì thì "hiệu quả" cho chống dịch. Một phòng thí nghiệm tại Texas đeo máy điện não đồ cho tình nguyện viên và cho họ xem tin tức về Covid-19. Kết quả chỉ ra khán giả rất chú ý đến các tin tức kinh hãi vào lúc đầu, như nhà xác hết chỗ hoặc tình cảnh thảm họa tại Italy. Nhưng não họ sẽ ngừng xử lý tin này khi nhận ra mình bị quá tải.

Ngược lại, họ sẽ dành sự chú ý liên tục đến các video có màu sắc hy vọng, hoặc liên quan trực tiếp đến bản thân. Có một video của CDC Mỹ nhận được sự chú ý không thay đổi. Nó nói về sự nguy hiểm của Covid với người có bệnh lý nền. Sau khi xem xong video này, tình nguyện viên tự nói: "Tôi có quen biết ai đó bị hen, ai đó có vấn đề tim mạch hoặc tiểu đường". Nó cho họ cảm giác mình có thể hành động.

Luôn có loại thông tin tạo ra tác động thực tiễn và loại chỉ làm suy giảm sức chú ý. Thêm nhiệm vụ cho những bộ não căng thẳng chỉ làm nó kém hiệu suất. Trong khi nhà đang khốn đốn bao việc, từ cứu doanh nghiệp; phòng dịch; giữ công ăn việc làm; cân đối chi tiêu và đầu tư... thì việc có ai đó cứ hô lên "Toang rồi" cho vui mồm rất đáng sợ.

Nhưng thế nào là thứ đáng share, thứ nào không nên vẫn là một ranh giới mơ hồ. Động cơ của đa số người dùng mạng nói chung là tốt. Không phải ai cũng "câu likes", bạn chỉ muốn đưa thêm thông tin nhanh chóng đến cộng đồng để mọi người quyết định trong cảnh khó khăn. Bạn không phải là nhà báo chuyên nghiệp, cũng không có quan hệ trong chính phủ và không có thời gian đâu mà đi xác minh. Ranh giới giữa tin nào có tác động tốt và xấu thì đến giới khoa học người ta còn cãi nhau.

Làm sao để giải quyết nghịch lý này? Làm thế nào để không tự biến mình thành Mỵ Châu khi "chơi mạng"?

Có mấy khuyến nghị hành động ngắn liên quan đến thông tin bạn có thể tham khảo những ngày này. Có 3 yếu tố cơ bản cần cân nhắc trước khi bạn quyết định phát tán một thông tin hoặc thông điệp.

Đầu tiên, nguồn của tin tức này là gì. Mạng xã hội vẫn là công cụ hiệu quả để lan truyền các tin tức liên quan đến đại dịch, và thực tế Việt Nam còn là một điển hình tiên tiến của thế giới về dùng mạng xã hội chống dịch (sau điệu nhảy rửa tay của Quang Đăng). Người dân vẫn lên mạng xã hội tìm kiếm và chia sẻ các thông điệp về Covid. Nhưng ngay cả khi bạn chia sẻ thông tin từ một cá nhân trên mạng, bạn cũng có quyền tự hỏi: Người này là ai? Họ có kinh nghiệm về vấn đề không?

Họ là bác sĩ, cán bộ cảng hàng không hay là chuyên gia kinh tế vi mô? Hay là bạn sẽ "forward" cả một bức ảnh từ cậu bạn cùng khóa đã 10 năm không gặp, chỉ vì cậu này có cửa hàng bán hải sản ở Sơn Trà, Đà Nẵng? Bạn chia sẻ tin từ anh chủ hãng vận tải vì anh ấy biết nhiều lái xe đường dài? Bản thân họ cũng có phải nguồn của tin tức không? Hay mới hóng được? Đừng cho dạ dày ăn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, và não cũng vậy.

Câu hỏi tiếp theo, thông điệp này đã được phản biện đủ nhiều hay chưa. Ngày nay, trước sự hấp dẫn của mạng xã hội, ngay cả một chuyên gia tên tuổi cũng có thể nói khi nghĩ chưa kỹ. Nhu cầu tỏ ra thạo tin, được hít một bi likes cho đỡ nghiện là không của riêng ai.

Việc phân biệt này thật ra không khó: hàm lượng phản biện thể hiện ngay trong nội dung bạn muốn chia sẻ. Trong bài được nhắc ở đầu, bác sĩ Sơn đã dành 900 chữ trong tổng số 1.369 chữ để viết riêng về việc đeo khẩu trang, trong đó có tổng cộng 11 đoạn lập luận. Tôi tin người như vậy. Tôi không tin ai đó phát biểu 20 chữ kèm một cái ảnh mờ mịt, kể cả họ có tên là Elon Musk hay Donald Trump. Tiếc rằng quá nhiều người sẵn sàng chia sẻ một dòng trạng thái chỉ 2 chữ ("Toang rồi").

Cuối cùng, quan trọng nhất, hãy tự hỏi chúng ta có thể phản ứng cụ thể ra saotrước thông điệp này. Có những thông tin trông có vẻ rất hệ trọng nhưng rốt cục chúng ta không biết làm thế nào với nó. Nó chỉ làm người đọc hoang mang. Trước khi chia sẻ, bạn cần tự hỏi: "Xong rồi sao nữa?".

Nếu bác sĩ nói: "Kinh nghiệm của tôi cho thấy cần đeo khẩu trang"; thì bạn có thể đeo khẩu trang, rất đơn giản. Nếu bạn bè của bạn nói: "Đường đi qua Bạch Mai đang bị chặn", bạn sẽ tìm đường khác. Nhưng nếu ai đó hô hoán lên: "Cầu Giấy bị phong tỏa rồi" hoặc "Sân bay Đà Nẵng vỡ trận rồi", bạn share tin đó xong rồi sao nữa? Để làm gì? Để ai đang ở Cầu Giấy biết đường trốn cách ly hay là để người ở Đà Nẵng kịp chạy ra sân bay bon chen?

Tóm lại, bạn không cần phải có khả năng phân biệt tin giả hay thông điệp có đủ khoa học hay không. Các tờ báo đôi lúc còn sơ suất trong việc đó. Bạn chỉ cần dành đúng 10 giây để tự hỏi 3 điều: Thông điệp này ở đâu ra; Nó được tạo ra đủ trách nhiệm hay không; Và rốt cục thì chia sẻ để làm gì, giúp được ai. Chỉ mười giây, bạn sẽ lọc được hằng hà sa số những thứ trôi nổi trên mạng.

Tay con người ta về lý thuyết không thể nhanh hơn não được. Chỉ là não có làm việc hay không mà thôi.

Còn nếu não bạn thực sự nói rằng tôi đang cần hít một bi likes cho đỡ nghiện, thì thôi bạn cứ thực hiện, và chúng ta chỉ còn biết cầu nguyện cho xã hội qua đẫn này.

Đức Hoàng

Tag:Đăng tin tức, tích cực, dịch Covid 19, cộng đồng, mạng xã hội