Cô và một nhóm gồm các chị, các cô lớn tuổi quyên tiền, tự đi chợ mua bột và nguyên liệu. Mỗi năm họ làm 700 đến cả ngàn cái bánh.
Cô Tuyết chỉ cho tôi cách làm bánh. Tôi phụ cô nhào bột, làm nhân, lao động trong nửa ngày. Làm bánh không hề dễ. Công đoạn làm bột và nhân rất mất sức. Chưa kể, làm sai một tý là bánh bị bẹp hay mất đi vị ngon.
Cô bảo, nhóm của cô gần chục năm nay đều âm thầm nặn bánh, nướng bánh trong suốt một tuần. Sau đó, các cô tìm cách thuê xe chở từ Sài Gòn đi miền Trung, đến những nơi rất nghèo như Quảng Nam, Huế, Tây nguyên. Các cô tận tay phát bánh cho người nghèo.
Mỗi năm mỗi chỗ khác nhau, hầu hết những nơi cô chọn tặng bánh là những chỗ hay gặp thiên tai, nghèo khổ, rừng núi xa xôi. Cô cho tôi xem hình chụp những nơi đó. Đường đi phải leo đồi núi, có khi phải thuê xe ôm chở người và bánh vào các thôn, xã. Các cô lớn tuổi, có khi phải đi bộ hàng cây số. Buổi tối ngủ nhờ nhà dân còn bị muỗi đốt chứ không thoải mái như ở Sài Gòn.
Chúng tôi hỏi sao cô không gửi bưu điện hay nhờ ai ở đó phân phát bánh giúp cho, việc gì phải cực khổ. Cô Tuyết muốn trẻ em ở đó có niềm vui bất ngờ, được trò chuyện và cảm nhận được tình yêu thương của những người không quen biết. Từ thiện không phải là cứ đưa cho người ta là xong, cô bảo, "Jess, người dân ở đó thực sự cần được quan tâm".
Cô làm tôi ngượng. Tôi đã lạnh lùng trong gần 40 năm cuộc đời. Cách cô chia sẻ với người khó khăn, với tôi, nó gọi là lan toả tình yêu thì đúng hơn. Đó chính xác là những gì mà tôi học được từ các cô.
Bây giờ thì tôi hiểu, điều quan trọng nhất của cách chúng ta sống là thứ bạn làm cho người khác. Và nó chỉ thực sự ý nghĩa nếu hoàn toàn xuất phát từ trái tim bạn. Nó không mang lại bất cứ lợi ích gì cho bạn ngoại trừ cảm giác hạnh phúc có thể nhận được sau khi giúp ai đó. Và hoàn toàn không mong chờ được đáp lại.
Dù ta rất nghèo hay rất giàu, lòng tốt là món quà tuyệt vời nhất mà ta có thể tự do trao gửi đến người khác, người khác cũng có quyền tự do nhận nó. Tự do bày tỏ yêu quý người khác là quyền lớn nhất của mỗi chúng ta. Và ngược lại, nhân danh tình yêu và lòng tốt để làm gì đó, theo tôi, là một kiểu áp bức.
Tôi đã gặp nhiều người, sống bất chấp như cách họ thích, rồi đến các dịp lễ lại vội vàng gửi tiền cho những tổ chức từ thiện với hy vọng xí xoá được chút "nghiệp" của họ. Tôi cũng thấy có những người cho người nghèo tiền và quà nhưng tổ chức rất ầm ĩ. Với tôi đó là sự tước đoạt lòng tự trọng của người nhận quà.
Trái tim có vẻ đặt đúng chỗ, nhưng cái đầu thì sai nơi.
Nhà tâm lý học Jordan Peterson cho rằng một xã hội sẽ tiến lên nếu số người đang làm những việc tốt nhiều hơn người làm việc xấu. Nhiều người hỏi tại sao Jess viết bài về những vấn đề xã hội của Việt Nam. Tôi trả lời rằng đây là nơi cộng đồng tôi sống, bạn bè của tôi ở đây, và gia đình tương lai sẽ lớn lên ở đây. Tôi muốn đây là một chỗ tốt hơn, mặc dù tôi biết đôi khi có người bị khó chịu.
Tôi nghĩ một quy tắc để rèn luyện đức hạnh cá nhân là mình tập trung cho những hành động tốt, dù là rất nhỏ bé và không ai biết tới. Tôi đi bộ trên đường, thấy một nụ cười thân thiện, đó là dấu hiệu của tình yêu con người. Tôi đã thấy một người bạn không bỏ cuộc khi cố gắng giúp đỡ người khác, dù điều đó gần như vô vọng.
Cách bạn cho ai đó, dù chỉ một lời nói khiến họ ấm áp, một nụ cười hay cả triệu đồng sẽ kiểm tra xem bạn có đủ sức mạnh tinh thần và thiện tâm hay không.
Hiền triết Aristotle đã dạy rằng, đức hạnh đến từ kinh nghiệm của bản thân, chúng ta đúc kết và dần dần phát triển nó qua những bài học từ người đi trước và quan sát mọi người xung quanh. Bố tôi, mỗi khi giao cho tôi một một công việc khó ở nông trại như đốn củi cho cả mùa đông lạnh dã man ở Canada hay cọ rửa toàn bộ chuồng ngựa, hay nói: "công việc này sẽ xây dựng tính cách cho con".
Tôi nhận ra trong xã hội ngay nay, chúng ta dường như không có đủ thời gian để giáo dục giới trẻ về cách đối xử với nhau như ngày chúng tôi còn bé nữa, hay ít nhất nó không phải là ưu tiên hàng đầu. Chúng ta hình như chỉ tập trung lượm nhặt những con số. Sự canh trạnh ngày càng cao nên tôi cảm giác rằng, mọi người luôn sẵn sàng chiến đấu trong các cuộc kinh doanh hay ủ mưu làm sao để có được mảnh đất vàng nhỏ bé của mình.
Chúng ta có thể thay đổi tiến trình lịch sử chỉ bằng cách thay đổi chính hành động nhỏ nhặt mỗi ngày. Vì lợi ích của cộng đồng, trong đó có lợi ích cho bạn, con cháu bạn, hãy tự mình suy xét thay vì chờ đợi ai gương mẫu trước. Bỏ điện thoại xuống, thử lắng nghe những người xung quanh mình. Hàng xóm phàn nàn về rác ngoài đường, về những vụ tai nạn giao thông hay về cơn gió xấu thổi vào từ biển Đông.
Thực sự cực kỳ khó để biết làm gì là tốt nhất cho mình và người khác. Tôi nghĩ một cách có thể trả lời được rõ hơn là ngẫm xem việc này có tốt cho ai không, hay chỉ tốt cho danh tiếng và tài khoản ngân hàng của mình thôi?
Nhà tâm lý học Jordan Peterson có một quy tắc rằng: làm những điều đúng luôn khó hơn nhiều lần làm điều có lợi.
Jesse Peterson
(Nguyên tác tiếng Việt)
Tag:lợi ích của cộng đồng, lòng tốt ,Từ thiện